NHỮNG NÉT ĐẸP CỦA TIN MỪNG NGÀY TẾT

NHỮNG NÉT ĐẸP CỦA TIN MỪNG NGÀY TẾT

ĐTGM. Jos Ngô Quang Kiệt

Mùa Xuân đến làm đẹp đất trời.  Những cành đào đua nhau khoe sắc.  Những chồi non bụ bẫm nhú ra khỏi cành cây khô khẳng.  Chợ búa đông vui và đẹp đẽ với những hàng hoá đủ mọi loại.  Những tà áo mới tha thướt làm đẹp phố phường.  Trong khung cảnh vui tươi tấp nập ấy, khuôn mặt mọi người như rạng rỡ tươi cười.  Mùa Xuân đem đến nhiều vẻ đẹp.  Cao quý nhất là những nét đẹp văn hoá dân tộc đậm đà mầu sắc Tin Mừng.

Ngày Tết có nét đẹp của lòng biết ơn.  Năm hết Tết đến, người Việt nam thường nhớ đến công ơn của những người đã giúp đỡ mình trong năm qua.  Biết ơn là một nét đẹp văn hoá đáng trân trọng và cũng là một điều hợp lý.  Dòng sông lớn phải mang ơn những con suối nhỏ.  Hạt lúa phải nhớ ơn những hạt mưa, hạt nắng, hạt phân.  Ngày hôm nay phải biết ơn ngày hôm qua.  Thế hệ này phải nhớ ơn thế hệ trước.  Đời sống ta chịu ơn biết bao người.  Cảm nghiệm sâu xa chân lý này, nên mỗi dịp Tết đến, người Việt nam ta thường bày tỏ lòng biết ơn với ông bà, cha mẹ và các ân nhân.  Những món quà nho nhỏ nhưng thắm đượm tình nghĩa làm vui cả người nhận lẫn người cho.  Riêng với người Công giáo, bày tỏ lòng tri ân đối với Thiên chúa là một bổn phận không thể thiếu.  Vì Thiên chúa chính là tổ tiên đã sinh thành nên ta.  Vì Thiên chúa là ân nhân lớn nhất đời ta.  Chính Người đã ban cho ta món quà cao quý nhất: đó là sự sống.  Chính Người tiếp tục chăm sóc gìn giữ ta từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây.  Biết ơn là việc làm của lương tri, cổ võ cho một thế giới mới chan chứa tình người.  Biết ơn cũng là một giá trị đạo đức được Chúa Giêsu đề cao trong Tin Mừng.

Ngày Tết có nét đẹp của sự cho đi.  Ta gửi đi những cánh thiệp như những sứ giả của tình cảm yêu thương.  Ta gửi đi những lời cầu chúc như tâm tình mến yêu tha thiết dành cho nhau.  Ta sửa sang quét dọn nhà cửa để đón tiếp nhau.  Ta dành thời giờ viếng thăm nhau để xiết chặt thêm tình thân ái.  Ta ăn mặc tề chỉnh để tỏ lòng kính trọng nhau.  Ta nói năng tế nhị để làm vui lòng nhau.  Ta rộng rãi tặng tiền mừng tuổi cho con cháu.  Tóm lại, tất cả những gì ta làm trong ngày Tết đều vì người khác và cho người khác.  Đặc biệt trong lãnh vực ăn uống.  Ngày Tết, nhà nào cũng chuẩn bị sẵn đồ ăn thức uống cho gia đình, nhưng nhất là để mời khách.  Khách vào nhà bao giờ cũng được mời thưởng thức ấm chè mới, nếm kẹo bánh ngon.  Sự chiếu cố của khách làm vui lòng cho chủ.  Sự vui vẻ của người nhận là hạnh phúc của người cho.  Có niềm vui cho đi và có niềm vui lãnh nhận.  Những niềm vui ấy tạo cho ngày Tết một nét đẹp đầy mầu sắc Tin Mừng: nét đẹp của sự quên mình, của sự quảng đại cho đi, của sự khiêm tốn đón nhận, của tình liên đới.

Ngày Tết có nét đẹp của sự đổi mới.  Thiên nhiên đổi mới với sự hồi sinh của cây cỏ.  Phố phường đổi mới với những căn nhà mới, với những gian hàng mới và với quần áo mới.  Hoà vào cái mới của đất trời, của xã hội, lòng người cũng nôn nao trong niềm hy vọng đổi mới bản thân và cuộc đời.  Ai cũng mong tống tiễn những điều xấu vào quá khứ.  Ai cũng mong đón nhận một tương lai tươi đẹp.  Niềm mong ước đổi mới được thể hiện qua những cố gắng giữ vẻ mặt tươi cười, không tức giận, không nói những lời thô tục, những điều rủi ro, nhưng chỉ nói những điều tốt đẹp, đối xử hoà nhã với mọi người trong những ngày Tết.  Phút giao thừa thật thiêng liêng.  Nó đánh dấu một khởi đầu mới.  Người ta tin rằng sống tốt đẹp những giây phút đầu tiên sẽ có ảnh hưởng tốt đến cả năm.  Nên mỗi dịp Tết là một lần khuyến khích ta cố gắng đổi mới đời sống, đổi mới bản thân.

Đổi mới đời sống là điều Chúa Giêsu tha thiết mong muốn nơi ta.  Người không ngừng mời gọi ta hãy từ bỏ con đường tội lỗi xưa cũ, bước vào con đường mới, con đường tự do, thánh thiện của con cái Thiên chúa.  Người không ngừng mời gọi ta trở thành bầu da mới để có thể chứa đựng thứ rượu mới là giáo lý của Người.  Ngày Tết chính là một cơ hội cho ta thực hành Lời Chúa dạy, tích cực đổi mới đời sống nên tốt đẹp hơn.

Với tất cả những nét đẹp trên đây, tinh thần ngày Tết cổ truyền dân tộc rất gần gũi với Tin Mừng.  Rõ ràng nét đẹp văn hoá Việt nam đã chất chứa những giá trị Tin Mừng.  Rõ ràng Tin Mừng đang đi vào cuộc sống của người Việt nam.

Vì thế, người Việt nam Công giáo không những có trách nhiệm gìn giữ những nét đẹp văn hoá của ngày Tết cổ truyền mà còn phải biến những nét đẹp ấy thành những trang Tin Mừng sống động.  Khi ta sống tâm tình biết ơn trong ngày Tết, đừng chỉ giữ hình thức bề ngoài hay chỉ chú ý tới khía cạnh vật chất.  Hãy có tâm tình biết ơn sâu xa.  Hãy nhìn thấy ơn Chúa ban qua mọi ân huệ nhận được.  Khi ta cho đi trong ngày Tết, đừng chỉ cho đi như một hình thức xã giao hay như một thói tục bắt buộc.  Hãy cho đi với tâm tình yêu mến, kính trọng thực sự.  Hãy đón tiếp khách thăm viếng như đón tiếp chính Chúa.  Khi ta muốn đổi mới đời sống, đừng chỉ giữ như một hình thức và không chỉ giữ trong những ngày Tết, nhưng duy trì sự cố gắng đổi mới trong suốt cả đời với quyết tâm thực sự đổi mới đời sống. 

Khi ta sống tinh thần Tin Mừng trong những phong tục ngày Tết, ta góp phần xây dựng một mùa Xuân mới, một mùa Xuân dân tộc, một mùa Xuân tình thương.  Mùa Xuân ấy sẽ vĩnh cửu vì sẽ dẫn đến mùa Xuân Nước Trời.

Lạy Đức Kitô là mùa Xuân đích thực, không bao giờ tàn úa, xin đổi mới tâm hồn con.  Amen!

ĐTGM. Jos Ngô Quang Kiệt

From: Langthangchieutim

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay