2019: lịch sử đang trở lại!

2019: lịch sử đang trở lại!

Đoàn Thi

Nhà văn Mỹ đã từng đoạt giải Nobel Văn Chương là ông Eugene Gladstone O’Neill (1888-1953) có để lại một câu nói nổi tiếng: “There is no present or future, only the past happening over and over again” (không có hiện tại hay tương lai, mà chỉ có quá khứ cứ lập đi lập lại không ngừng). 

Nếu nhìn vào những gì đang diễn ra trên thế giới trong năm 2019 này, người ta sẽ thấy lời tiên tri của nhà văn O’Neill đang trở thành hiện thực.

Bóng ma của những cuộc chiến tranh khủng khiếp trong quá khứ như đang nhập thể trở lại. Hãy nhìn vào mối đe dọa của Bắc Hàn. Quốc gia Cộng sản này hiện đang có trong tay một kho vũ khí hạt nhân đủ để nhận chìm một phần thế giới vào biển lửa. Hỏa tiễn của nước này có đủ khả năng để bay tới Hoa Kỳ và Úc Đại Lợi. Sau cuộc họp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, một cuộc gặp gỡ vốn được 2 bên rêu rao như một biến cố lịch sử chưa từng có, Bắc Hàn không những giữ nguyên kho vũ khí hạt nhân của mình, mà còn tiếp tục phát triển những vũ khí mới kèm theo những lời đe dọa đáng sợ hơn.

Nhưng có lẽ mối đe dọa của quốc gia cộng sản côn đồ Bắc Hàn vẫn không đáng sợ cho bằng cuộc chạy đua vũ trang hiện nay của hai siêu cường nguyên tử là Nga và Hoa Kỳ: một cuộc chiến tranh lạnh mới đã thực sự bắt đầu!

Thế giới đang bị đe dọa không chỉ vì cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Nga và Mỹ hay kho vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn. Tình hình thế giới cũng bấp bênh không kém vì mối căng thẳng giữa một số nước đang có vũ khí hạt nhân ở Á Châu. Năm 2017 vừa qua, hai nước cựu thù là Ấn Độ và Trung Cộng, 2 quốc gia có đông dân số nhất thế giới, đã từng lăm le tấn công nhau vì xích mích tại một biên giới ở Bhutan. Không riêng với Trung Cộng, mối quan hệ của Ấn Độ và Pakistan, một quốc gia láng giềng hiện cũng đang có trong tay vũ khí hạt nhân, cũng căng thẳng không kém.

Tại Trung Đông, cuộc chiến ở Syria vẫn đang tiếp diễn. Viễn ảnh hòa bình xem ra ngày càng mờ mịt. Các trại tỵ nạn đã không còn chỗ để chứa người di tản. Cũng như người Việt Nam đã trốn chạy chế độ cộng sản sau năm 1975, người dân Syria cũng liều mạng trèo lên những chiếc thuyền mong manh để vượt biển khơi với hy vọng tìm được an toàn ở bất cứ bến bờ nào họ trôi dạt tới.

Cuộc xung đột tại Syria ngày càng tồi tệ, nhưng cuộc chiến tại Yemen lại càng thê thảm hơn. Bị xâu xé giữa hai cường quốc Hồi giáo là Iran và Á Rập Saudi, Yemen đã biến thành một bãi chiến trường dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, trong 3 năm vừa qua, đã có khoảng 85.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị chết đói! Hình ảnh của những đứa trẻ chỉ còn da bọc xương không thể không gợi lại nạn đói khủng khiếp tại Ethiopia hồi thập niên 1980. Ngày đó, cả thế giới đã rúng động trước những hình ảnh khủng khiếp của nạn đói. Các ca sĩ thượng thặng của thế giới đã góp giọng để kêu gào và đánh động trái tim của nhân loại. Các chính phủ đã bắt tay nhau và quyết tâm không để cho một thảm kịch như thế tiếp diễn.

Nhưng lịch sử cứ lập lại một cách tàn nhẫn. Ngay lúc này đây, Liên Hiệp Quốc khẳng định rằng Yemen hiện đang phải đối diện với thảm họa nhân đạo lớn nhất của Thế kỷ 21: 14 triệu người đang có nguy cơ chết đói!

Bên cạnh nạn đói do chiến tranh tạo ra, thế giới lại còn phải đương đầu với một cuộc chiến khác dường như không bao giờ kết thúc là cuộc chiến chống khủng bố. Đã hơn 18 năm kể từ cuộc khủng bố tại Hoa Kỳ ngày 11 tháng Chín năm 2001, nay cuộc chiến chống khủng bố như chỉ mới bắt đầu. Chẳng còn nơi nào trên thế giới này được xem là an toàn. Từ London, Brussels, Paris…đến Nairobi ở Phi Châu, Jakarta ở Nam Dương và Sydney ở Úc Đại Lợi,  nơi nào cũng đều có thể là điểm nhắm của các tổ chức khủng bố.

Không bị khủng bố trực tiếp đe dọa, nhưng Ukraine cũng không ở yên trước sự đe dọa trắng trợn của Nga. Thế giới tự do đã tỏ ra hoàn toàn bất lực trước những hành động ngang tàng và bạo ngược của Nga.

Đệ nhứt Thế chiến đã chấm dứt cách đây vừa đúng 100 năm và Đệ nhị Thế chiến cũng đã kết thúc hơn 70 năm qua. Nếu tính từ Đệ nhị Thế chiến đến nay, mặc dù có chiến tranh lạnh và cuộc chiến đẫm máu có diễn ra tại một vài nơi trên thế giới,  nhưng có lẽ chưa bao giờ nhân loại hưởng được một nền hòa bình lâu dài như thế. Nhưng nay dường như lịch sử đang trở lại. Bóng dáng của chiến tranh đang lấp ló ở đâu đó.

Với cuộc chạy đua vũ trang hiện nay, Hoa Kỳ và Nga đang đi vào một cuộc chiến tranh lạnh mới. Nhưng nỗi lo sợ lớn nhất hiện nay vẫn là một cuộc chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào giữa hai siêu cường kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Trung Cộng. Bất cứ một cuộc đụng độ nào giữa 2 siêu cường này cũng đều là một đại họa cho toàn thế giới. Mặc dù hai bên đều tuyên bố sẽ bằng mọi cách tránh chiến tranh, nhưng trong thực tế hiện nay cả hai bên đều chuẩn bị tư thế sẵn sàng ứng chiến.

Hồi năm 2015, tổ chức phi lợi nhuận “The Rand Corporation”, chuyên nghiên cứu về chiến lược toàn cầu, đã gởi cho Quân đội Mỹ một bản phúc trình có tựa đề “War with China. Thinking Through the Unthinkable” (Chiến tranh với Trung Cộng. Suy nghĩ về điều không thể ngờ được). Bản phúc trình kết luận rằng nếu chiến tranh xảy ra chắc chắn Trung Cộng sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bản phúc trình lại cảnh cáo rằng với sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng và cải tiến, Trung Cộng có thể tạo ra một cuộc chiến hủy hoại lâu dài.

Ngày nay, ai cũng nhận thấy rằng nếu chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng có xảy ra thì bãi chiến trường chính chỉ có thể là Biển Đông.

Kể từ năm 1974 đến nay, sau khi đã ngang nhiên chiếm lấy Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Cộng áp đặt chủ quyền của mình lên toàn bộ Biển Đông và xem đây như ao nhà của mình. Nhiều đảo trong vùng biển này, vốn trước đây đã từng là vùng tranh chấp giữa nhiều nước Đông Nam Á, nay đã bị Trung Cộng quân sự hóa. Nhiều phi đạo dành cho Không lực của Trung Cộng đã được thiết lập. Các loa phóng thanh được bắt dày đặc trên các đảo này lúc nào cũng phóng ra những lời cảnh cáo đối với các tàu bè nước ngoài nào đi gần những hòn đảo đã được quân sự hóa ấy.

Trong năm 2018 vừa qua, đã có lúc thế giới gần như đứng tim khi tàu chiến của Hoa Kỳ và Trung Cộng tiến đến tư thế gần như muốn đụng độ nhau trên Biển Đông.

Trung Cộng hiện đang củng cố sức mạnh quân sự của họ. Ngân sách dành cho quốc phòng của Trung Cộng đứng hàng thứ 2 trên thế giới chỉ sau Hoa Kỳ. Hiện quốc gia cộng sản khổng lồ này đang phát triển phi cơ chiến đấu có khả năng tấn công các tiềm thủy đĩnh và  hỏa tiễn liên lục địa. Trung Cộng cũng đang cho thiết lập điều mà họ gọi là “Vạn lý Trường thành dưới biển”.

Chuyên gia phân tách lão thành của Học viên Chính sách Chiến lược của Úc là ông Malcolm Davis khẳng định rằng với những tiến bộ khoa học và kỹ thuật hiện nay, Trung Cộng “khiến cho quân lực của Hoa Kỳ sẽ gặp nhiều khó khăn mỗi khi muốn can thiệp vào một cuộc khủng hoảng trong Biển Đông”.

Chuyên gia này cảnh cáo rằng về khả năng quân sự, Trung Cộng có thể “cỡi lên lưng Hoa Kỳ”. Hoa Kỳ đã nhận ra mối đe dọa ấy. Năm ngoái, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã cập nhật chiến lược quốc phòng và nêu đích danh Trung Cộng và Nga là hai mối đe dọa lớn nhất cho quyền lợi của Hoa Kỳ. Bộ Quốc Phòng Mỹ khẳng định: “Ngày càng có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Cộng và Nga muốn hình thành một thế giới phù hợp với mô hình độc tài của họ”. Với chiến lược mới, Bộ Quốc Phòng Mỹ kêu gọi thay vì chú tâm vào cuộc chiến chống khủng bố, hãy dồn mọi nỗ lực vào việc đối đầu với mối đe dọa của Trung Cộng và Nga. Tướng Jim Mattis, người vừa đệ đơn từ chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đã từng kêu gọi phải “cấp tốc thay đổi” chiến lược để sẵn sàng ứng chiến.

Chủ tịch Tập Cận Bình đang cai trị Trung Cộng chẳng khác nào một hoàng đế. Sau Mao Trạch Đông, họ Tập được xem là người quyền thế nhất tại Trung Cộng. Thật ra, Tập Cận Bình còn tỏ ra nhiều quyền lực hơn cả Mao Trạch Đông, bởi vì ông hiện đang lãnh đạo một quốc gia, theo một số thước đo nào đó, có thể là nền kinh tế mạnh nhất thế giới.

Là con của một đảng viên Cộng sản, họ Tập luôn đặt Đảng lên trên mọi sự. Ông đàn áp mọi nhà bất đồng chính kiến, giam tù các đối thủ chính trị, bịt miệng mọi cơ quan truyền thông và các nhà tranh đấu cũng như tìm cách tiêu diệt sắc tộc Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

Năm vừa qua, với lời hứa hẹn sẽ hoàn thành “Giấc mơ Trung hoa”,  ông đã tự phong cho mình làm chủ tịch mãn đời. Trong lịch sử nhân loại, có lẽ chưa có nhà độc tài nào đáng sợ cho bằng Tập Cận Bình.

Nhìn vào các diễn tiến trên thế giới hiện nay, có lẽ cũng như nhà văn Eugene O’Neill, các sử gia đều cho rằng quá khứ đang trở lại. 

Vào năm 1914, có ai nghĩ rằng Đệ nhứt Thế chiến sẽ xảy ra. Đức và Anh đang là những đối tác thương mại quan trọng. Quốc vương Anh và Thủ tướng Đức là anh em cô cậu hay chú bác với nhau. Có ai ngờ rằng chiến tranh sẽ xảy ra. Nhìn lại Đệ nhứt Thế chiến, sử gia Úc Sir Christopher Clarke đã gọi các lãnh tụ của thời đó là “Những Kẻ Mộng Du”. Chỉ vì cái chết của một hoàng tử kế vị trên ngai vàng Áo-Hung mà “cuộc chiến để chấm dứt mọi cuộc chiến” đã bùng nổ, sát hại cả 50 triệu người trên thế giới.

Ngày nay, với tham vọng không đáy của một Tập Cận Bình, với sự hung hãn của một Putin, với thái độ côn đồ của một Kim Jong-un và dĩ nhiên với sự bốc đồng và không lường trước được của một Donald Trump, chuyện gì cũng có thể xảy ra cho thế giới. Biển Đông hiện đang là nơi dậy sóng với một bên là Trung Cộng và bên kia là Hoa Kỳ, các nước còn lại bị buộc phải theo bên này hay bên kia.

Kịch bản cho cục diện thế giới có lẽ đã được kịch tác gia Hy Lạp Thucydides viết ra năm 400  trước Công nguyên. Đây là thời điểm xảy ra cuộc chiến giữa Athens và Sparta. Ngày nay rất nhiều nhà chiến lược quân sự cảnh cáo về điều mà họ gọi là “Chiếc Bẫy sập của Thucydides”: một cường quốc đang lên muốn đối đầu với sức mạnh của một cường quốc đang đi xuống và sẵn sàng gây chiến để làm bá chủ. Sự vươn lên của một Athens đã tạo ra nỗi lo sợ cho Sparta. Và đó chính là điều khiến cho chiến tranh không thể tránh được.

Năm 1989, tức cách đây 30 năm, khi chứng kiến sự sụp đổ của các chế độ cộng sản tại Đông Âu và kế đó là sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản tại cái nôi của nó là Nga, một nhà chính trị học Mỹ nổi tiếng là ông Francis Fukuyama đã viết một cuốn sách với tựa đề “The End of History and the Last Man” (Lịch sử đã kết thúc và Người cuối cùng). Trong tác phẩm, ông Fukuyama biện luận rằng các chế độ độc tài đã bị đánh bại, nền dân chủ tự do, chủ nghĩa tự bản và kinh tế thị trường là điểm đến tất yếu trong sự tiến hóa văn hóa xã hội của nhân loại. Theo ông, “Lịch sử đã kết thúc”, “chiến tranh” sẽ chỉ còn là một phạm trù của quá khứ.

Nhưng liệu những gì đang diễn ra trong năm 2019 có cho phép thế giới chia sẻ niềm lạc quan của ông Fukuyama không? Phải chăng lịch sử đã không kết thúc, mà đang trở lại với bộ mặt còn đẫm máu hơn?

From: Do Tan Hung & Nguyen Kim Bang

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay