Cuộc chiến Biên giới 17 tháng hai 1979: Những tính toán sai lầm của lãnh đạo CSVN.

Cuộc chiến Biên giới 17 tháng hai 1979:

Những tính toán sai lầm của lãnh đạo CSVN.

Trương Nhân Tuấn

Lãnh đạo CSVN, trong một thời gian (tương đối ngắn so với thời gian lập quốc của Việt Nam), đã liên tục mở ra bốn cuộc chiến tranh: đánh Pháp (1945-1954), đánh Mỹ (1954-1975), đánh Campuchia (1977-1988) và cuối cùng là đánh Trung Cộng (tháng 2-1979, trên lý thuyết là quân TQ rút về vào tháng 3 năm 1979 nhưng trên vùng biên giới chiến cuộc vẫn tiếp tục cho đến cuối thập niên 80).

Phía CSVN hãnh diện đã chiến thắng ở 4 cuộc chiến đó. Kết quả được gì ?

Đảng CSVN leo lên ngôi cao “ăn của dân không từ một thứ gì”.

Mỗi năm đảng CSVN làm lễ linh đình mừng chiến thắng đánh Pháp, đánh Mỹ, tán dương tài lãnh đạo của đảng.

Nhưng những người đã đổ máu, cũng cho chiến thắng, là các cuộc chiến biên giới phía bắc Việt-Trung, biên giới tây-nam Campuchia thì bị lãng quên.

Từ lâu những người lính chết trận 1979 hay chết ở chiến trường Campuchia không hề được lãnh đạo CSVN nhắc đến. Mặc dầu xương máu của họ đã chồng chất dưới bệ ghế ngồi của những người từ tổng bí thư, thủ tướng, bộ trưởng… cho tới tỉnh ủy, huyện ủy, công an các cấp…

Lịch sử hiện đại của VN đã bỏ quên hai cuộc chiến này.
Một góc tư thế kỷ dứt tiếng súng, hệ quả chiến tranh đã làm cho đất nước bị tàn phá, con người VN bị tật nguyền, từ thể xác đến tinh thần. Đất nước tụt hậu, bây giờ còn thua cả Campuchia. Người dân, trai gái đi làm nô tứ xứ.

Ngoài ra còn di sản của lịch sử: Những người lính chết trận bị lãng quên.

Nguyên nhân nào đã đưa đến cuộc chiến 1979 ?

Tổng hợp một số dữ kiện về cuộc chiến, không phải để trả lời, mà để đặt một câu hỏi cho lịch sử.

1/ Nguyên nhân cuộc chiến biên giới tháng hai năm 1979.

Cuộc chiến biên giới hai nước Việt-Trung bắt đầu từ 17 tháng 2 năm 1979. Cuộc chiến được giới hạn ở không gian và thời gian, do Đặng Tiểu Bình làm “kiến trúc sư”. Đặng Tiểu Bình tuyên bố trước quốc tế, vài ngày trước khi đem quân vượt biên giới, nhằm “dạy cho VN một bài học”. Họ Đặng tự đặt giới hạn không quá một tháng và chiến trường là các tỉnh của VN trên vùng biên giới. (Cuộc chiến vì vậy còn gọi là cuộc chiến biên giới 1979).

Nếu hiểu đơn thuần như vậy thì nguyên nhân cuộc chiến là Đặng Tiểu Bình.

Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.

Nếu xét lại cho kỹ, chính những sai lầm chồng chất của lãnh đạo VN trong thời kỳ mà thế giới quay lưng với VN và Đặng Tiểu Bình có lý do để đánh Việt Nam.

Để có một cái nhìn khách quan, thử đặt Obama (hay một lãnh đạo của nước Tây phương nào đó) vào vị trí Đặng Tiểu Bình. Đặt các vấn đề như sau :

VN ra chính sách tập trung người Hoa, từ nam ra bắc, tịch thu toàn bộ gia sản của những người này, sau đó bắt họ “hồi tịch” (trong đó nhiều người sinh ra và lớn lên ở VN từ nhiều đời, không biết nói tiếng Hoa), buộc họ rời khỏi VN với hai bàn tay trắng. Trên cương vị lãnh đạo, Obama sẽ làm gì ?

Theo các tài liệu của CIA vừa bạch hóa gần đây, VN đã có hành vi lấn đất của TQ (chứ không phải ngược lại), diện tích khoảng 60 km². Nếu dữ kiện này là thật, Obama sẽ phải làm gì để bảo toàn lãnh thổ của TQ ?

Lãnh đạo VN từ năm 1958 đã nhìn nhận hai quần đảo HS và TS là của TQ, trước là để đền ơn các viện trợ của TQ cho cuộc chiến chống Pháp, sau là trả nợ các viện trợ cho cuộc chiến chống Mỹ. Bây giờ VN dựa vào Liên Xô, một thế lực thù nghịch khác của TQ, để chống lại TQ rồi tuyên bố ngược lại HS và TS là của VN. Thái độ của Obama sẽ ra sao ?

Chắc chắn Obama (hay ai đó) sẽ làm không khác Đặng Tiểu Bình.

Vấn đề “nạn kiều” là lý do quan trọng để họ Đặng hạ quyết tâm “dạy VN một bài học”.

Hãy thử làm tương tự với một người Mỹ, xem thái độ của lãnh đạo và dân nước này ra sao ? Thế giới văn minh không ai làm theo lối “man rợ” như lãnh đạo CSVN đã làm. Theo công pháp quốc tế, một quốc gia có quyền can thiệp vào nội bộ quốc gia khác để bảo vệ kiều dân của mình (nếu những người này bị bức hại).

Về vấn đề lãnh thổ, Bị Vong Lục của VN công bố năm 1979 tố cáo TQ chiếm đất của VN. Các chi tiết trong đó một số không thể kiểm chứng, một vài điểm thì đúng nhưng cũng có vài điểm sai. Nhiều tài liệu (như của CIA) cho thấy phía VN chiếm đất của TQ. Nguyên nhân phía VN không chấp nhận công ước Pháp-Thanh về biên giới 1885-1897. Nếu việc VN lấn đất có thật, thì chính VN đã tạo ra lý do để TQ đánh VN. Thử suy nghĩ, nếu nhà nước Mể không tôn trọng hiệp ước nhượng đất đã ký với HK trước đây, cho quân qua chiếm đất của California hay Dallas, Obama có “phản công tự vệ” không ?
TQ gọi việc đánh VN là cuộc chiến tự vệ (phản công tự vệ chiến).

Về công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, phía VN có phản bác thế nào thì cũng không thể phủ nhận hiệu quả của nó trước dư luận quốc tế (nhứt là hiệu quả ràng buộc trước luật quốc tế).

Đặng Tiểu Bình là nhân vật chính trong cuộc đánh chiếm HS năm 1974. TQ đánh với danh nghĩa “giải phóng lãnh thổ bị kẻ địch chiếm đóng”. TQ có thể nhân danh tương tự để đánh TS bất kỳ lúc nào mà họ thấy nắm chắc phần thắng.

Trong khi đó, cuộc chiến Việt-Campuchia 1978 đáng lẽ cũng đã không xảy ra. Lãnh đạo CSVN đã ra tuyên bố “tôn trọng đường biên giới hiện trạng của Campuchia” với Sihanouk để ông này cho mở đường mòn Hồ Chí Minh trên đất Miên. Mà “đường biên giới hiện trạng” theo Sihanouk (có đệ trình lên LHQ) bao gồm các đảo trong vịnh Thái Lan và biên giới theo bộ bản đồ Indochine 1/100.000 trước 1958.

Theo tài liệu khác (của Nayan Chanda trong Brother Enemy), một lãnh đạo MTGPMN cũng hứa hẹn trả đảo Phú Quốc và Thổ Chu lại cho Campuchia để được Sihanouk cho đặt bản doanh MT trên đất Miên. Sihanouk bị Lonnol lật đổ, nhưng sau đó Campuchia về tay Khmer đỏ. Dầu vậy lời hứa của lãnh đạo CSVN vẫn còn. VN không giữ lời, do đó Khmer đỏ mới đánh phá và giết chóc, tạo ra cuộc chiến Việt-Miên 1978.

Nguyên nhân cuộc chiến Việt-Campuchia 1978 là do Khmer đỏ hay do lãnh đạo CSVN ?

VN can thiệp sâu vào nội bộ Campuchia cũng là một lý do để TQ đánh VN. VN can thiệp vào Campuchia, dưới mắt của quan sát viên thế giới, là hành vi “xâm lăng”. Điều này đi ngược lại các nguyên tắc của thế giới là phải tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia khác.

Là người VN, dĩ nhiên ai cũng phẫn nộ trước sự bạo tàn của quân lính TQ. Để chống lại sự xâm lăng của TQ, vài hàng chục ngàn thanh niên VN đã đổ máu, chưa tính tới vài chục ngàn nạn nhân vô tội khác, là người dân sinh sống ở các tỉnh trên biên giới.

Nhưng suy nghĩ sâu xa, cuộc chiến này có thể tránh được, nếu lãnh đạo CSVN đã không có những hành động và tính toán sai lầm. Chính lãnh đạo CSVN sai lầm đã tạo lý do chính đáng để họ Đặng đánh VN.

Điều tệ nhứt, những người lãnh đạo CSVN hiện nay đã thấy sai lầm này. Thay vì tìm ra những chính sách hòa giải để hàn gắn các vết thuơng quá khứ, thì họ chọn phương cách quay lưng lại với lịch sử. Họ đã lãng quên vong linh của hàng chục vạn người đã chết vì những sai lầm của họ.

2/ Việt Nam có bị bất ngờ trước cuộc chiến 1979?

Một số ý kiến cho rằng “Việt Nam hoàn toàn bị bất ngờ trước cuộc chiến”, “VN không chuẩn bị trước”, là hoàn toàn không đúng.

Trên thực tế chứng minh, ở mặt trận Lạng Sơn, phía VN đã đào sẵn hơn 60 cây số chiến hào phòng thủ cùng với khoảng 2.000 cứ điểm chiến đấu.

Nếu không “chuẩn bị trước” việc TQ xâm lăng thì làm sao có các cơ sở phòng thủ này ?

Vài tuần trước khi chiến sự xảy ra, phía VN đã tố cáo trước Hội đồng Bảo an LHQ phía Trung Quốc tập trung quân tại biên giới. Nếu không “biết trước” thì làm sao có việc tố cáo ?
Diễn biến cuộc chiến, tài liệu từ hai phía, cho thấy khi quân TQ vượt qua biên giới là tức khắc bị sa lầy, mặc dầu với quân số đông hơn gấp 8 lần, với hàng ngàn xe tăng yểm trợ. Các cứ điểm phòng thủ biên giới của VN cho thấy rất hữu hiệu.
Việc này chỉ có thể giải thích là phía VN đã được chuẩn bị chu đáo, gài quân sẵn để “tiếp đón” đoàn quân của TQ.

Trong cuộc chiến, vũ khí phía VN vượt trội, quân đội huấn luyện tinh thục, tinh thần chiến đấu của dân quân không kém gì quân đội chính qui.

Theo các tài liệu đã công bố, trước khi đánh VN, Đặng Tiểu Bình có thông báo trước cho HK. Thái độ của HK là không ủng hộ nhưng lại cung cấp tin tức tình báo cho TQ. Theo các không ảnh của tình báo HK, phía LX không tăng thêm quân đóng ở vùng biên giới, ngoài 50 sư đoàn (thiếu trang bị) đã đóng trước.

Đặng Tiểu Bình quả quyết đánh VN là do thái độ mập mờ, nếu không là ưng thuận ngầm của HK.

Về phía LX, có thể Kremlin không chuẩn bị cho cuộc chiến VN, hoặc đánh giá thấp lực lượng của quân TQ. Nhưng cũng có thể đây là âm mưu của LX và VN, gài TQ để cho đế quốc này một bài học. Khi chiến sự bắt đầu, thái độ của LX cho thấy nước này có thể làm nhiều việc ngoài dự liệu của TQ để cứu VN, nếu thấy VN thất thế.

Về thời điểm mở cuộc chiến, tháng hai, trên vùng biên giới là mùa khô.

VN cũng đã chuẩn bị cho tình huống tệ nhứt, là mất Hà Nội. Bộ đầu não của VN đã bí mật chuyển về Nha Trang trước đó khá lâu. Tại sao Nha Trang ? là ở kế Cam Ranh, quân cảng dành cho hải quân LX sử dụng. Nha Trang, lúc đó là nơi được phòng thủ chu đáo nhứt về cả ba mặt : trên không, trên bộ và mặt biển.

Như vậy, VN đã chuẩn bị chu đáo cho cuộc chiến biên giới 1979.

3/ Kết luận:

Sai lầm của CSVN là đi với nước này chống lại nước kia.

VN không chỉ đi với LX chống TQ mà còn chống cả thế giới. VN bị cô lập cho đến đầu thập niên 90. Tình thế bắt buộc, VN phải sang qui phục TQ.

Sau khi thắng quân Thanh năm Kỷ dậu 1789, vua Quang Trung sai sứ sang Tàu cầu hòa. Thái độ của vua Quang Trung được người đời sau cho là khôn ngoan. Cầu hòa với kẻ địch với tư thế kẻ chiến thắng. Việc này đã đem lại cho VN hòa bình lâu dài với đế quốc láng giềng.

Sau 1975, với sự huênh hoang háo thắng, CSVN từ chối thiết lập bang giao với Mỹ. Hệ quả Mỹ cấm vận VN cho đến đầu thập niên 90. Lúc VN làm hòa với Hoa Kỳ thì VN ở thế yếu.

Sau 1979 VN không tìm cách hòa hoãn với TQ, chờ cho đến lúc thế giới XHCN sụp đổ khắp nơi mới bắt đầu làm hòa. Làm hòa với TQ ở thế yếu. Hội nghị Thành Đô, nói theo Nguyễn Cơ Thạch, đã đưa VN vào làm chư hầu cho TQ.

Lãnh đạo VN đã không học các bài học lịch sử. Lúc cần có một đồng minh để hợp sức bảo vệ mình thì chủ trương “không đi với nước này để chống nước kia”. Điều này có thể đúng ở thời kỳ 1979, mà CSVN không thực hiện, để xảy ra chiến tranh, gây thù hận cho đến bây giờ.

Khi cần thì lại áp dụng nó một cách máy móc.

Những động thái của TQ, như cho giàn khoan 981 đặt trên thềm lục địa của VN, cho xây dựng đảo nhân tạo các bãi đá (chiếm được của VN), mở phi trường, củng cố công sự chiến đấu ở các nơi đây, các việc quân sự hóa các đảo thuộc HS… cho thấy sắp tới TQ sẽ mở vùng “ADIZ – nhận diện phòng không” ở Biển Đông. Đến lúc đó VN không chỉ an ninh bị đe dọa, mà lãnh thổ bị mất mà hải phận cũng không được bảo toàn.

VN không đi với nước này chống nước kia, nhưng đâu ai có thể cấm VN liên minh với một cường quốc để bảo vệ an ninh và quyền lợi của mình

Trương Nhân Tuấn
(Tháng 2 năm 2016)
Nhân Tuấn Trương về cuộc chiến biên giới tháng hai 1979:https://docs.google.com/…/1A2m8CLyzbpAFfI3eIjH3…/edit

Image may contain: one or more people, hat and outdoor
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay