GIÁO DỤC THEO CÁCH MAN RỢ

 
GIÁO DỤC THEO CÁCH MAN RỢ

Đây là hành vi bạo hành học sinh và trẻ em, tức hành vi này đã một lúc xâm phạm vào hai loại khách thể, một là quan hệ giáo dục và hai là quyền lợi trẻ em.

Và rõ ràng, hành vi bạo lực một cách man rợ đối với nhiều học sinh theo cấp số cộng (công sai bằng 2 cái tát) thì quả thực con người với danh xưng nhà giáo này sẽ phải đối mặt với án tù hoặc ít nhất là bị cấm dạy học hay làm công việc liên quan đến trẻ em hoặc giáo dục vĩnh viễn cộng với khoản bồi thường (tiền phạt) rất lớn.

Nhưng rất tiếc, chúng ta quen với tâm lý rằng, giáo viên cũng như cha mẹ vậy, được quyền nhân danh yêu thương và giáo dục để dạy dỗ những đứa trẻ nên người. Và nó dẫn tới những tình trạng bạo hành một cách thản nhiên vì được sự đồng thuận của cả xã hội, trong khi chỉ đứa trẻ là buộc phải tự mình đối diện với những nỗi đau đớn về thể xác và nỗi sợ hãi về tinh thần bằng sự trách mắng, xúc phạm và bị cáo buộc là dối trá từ phía những người trưởng thành.

Tôi vẫn thường hỏi, tại sao giáo dục ở các quốc gia khác, từ gia đình cho tới nhà trường, họ không bao giờ phải và cũng không được phép nặng lời với trẻ em và học sinh chứ chưa nói đến là đánh đập vào thân thể những đứa trẻ, nhưng con người họ vẫn văn minh, tử tế và nhân bản đến vậy, và đất nước họ cũng phát triển mỗi ngày.

Còn chúng ta, vẫn là những con người, những tâm hồn trẻ thơ, mà chúng ta cứ thay nhau chửi mắng và đánh đập chúng nhân danh tình yêu và sự giáo dục với mục đích được nại ra là để chúng nên người.

Tôi chưa biết những đứa trẻ có thể phát triển bình thường được hay không và có thể nên người ra sao, nhưng ngay tại lúc mà chúng nhận lấy những lời quở trách, mạt sát hay bị đánh đập, cưỡng bách, thì chúng đã thực sự như một con vật rồi.

Chúng ta còn một kiểu cách giáo dục nữa đó là chấm điểm và phê vào những bài kiểm tra và trả bài một cách công khai cho cả lớp. Và chính điều mà mọi người cho là bình thường đó lại đang làm cho trẻ trở nên tự ti hoặc cảm thấy bị tổn thương vì những lời phê đó. Đương nhiên là chúng ta không hề để tâm đến điều đó và vẫn thản nhiên sử dụng phương pháp đánh giá, nhận xét tố chất học sinh này như một công cụ hữu ích của giáo dục. Nhưng nó thực phản giáo dục và phản khoa học đối với tâm lý của trẻ.

Nếu cứ tiếp tục thế này. Con người sẽ trở thành những kẻ ngược đãi và hành hạ nhau như một con vật, ngay chính tại nơi mà họ gọi là giáo dục. Tôi cảm giác rằng, những đứa trẻ như đang sống trong một trại cải tạo vô cùng  tàn khốc vậy.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay