Cần Có Một Tấm Lòng

Cần Có Một Tấm Lòng

Trong những ngày qua, trên các trang mạng nói nhiều về cuốn phim tài liệu có tựa đề
là “Đừng Khóc Thương Tôi, Sudan”. Thật sự, khi xem cuốn phim này, người xem phải rơi lệ khi nhìn thấy hình ảnh vị linh mục Gioan Lee Tae Suk và số phận của những con người nghèo đói và bất hạnh tại làng Tonj miền Nam Sudan thuộc Châu Phi. Cuốn phim này sẽ tham dự Đại hội điện ảnh lần thứ 61 tại Bá Linh vào năm 2013.

Được sinh ra trong một gia đình nghèo khó, gồm có mười anh chị em, cậu bé Gioan Lee Tae Suk là người con thứ chín. Năm lên chín tuổi thì người bố qua đời, người mẹ vất vả tần tảo bằng nghề may vá để nuôi mười người con. Mặc dù là một đứa trẻ nghèo, nhưng Lee Tae Suk đã cố gắng học và thi đậu vào trường y khoa, và đã trở thành một bác sĩ y khoa. Con đường giàu sang và danh vọng đang mở rộng trước mặt với chàng trai Lee. Nhưng sau những năm phục vụ trong quân đội, chàng trai Lee đã cảm nhận được tiếng gọi của Thiên Chúa và từ bỏ tất cả sự nghiệp để vào dòng tu Salêriêng- Don Bosco.

Sau ngày lễ truyền chức linh mục tại Vatican, cha Gioan Lee Tae Suk đã tình nguyện đến phục vụ tại Sudan. Nhìn thấy trước cảnh nghèo đói và bệnh tật của người dân, cha Gioan Lee đã mở phòng khám bệnh cho người nghèo và thành lập một ngôi làng cho những người mắc bệnh phong, để cấp thuốc và chữa trị cho người phong cùi và xây dựng một ngôi trường học đầu tiên từ cấp mẫu giáo đến cấp trung học. Đối với người dân nơi đây, cha Gioan Lee như là hiện thân của Chúa Giêsu. Ngài đến với những con người đang bị bỏ rơi, đau khổ và
bất hạnh, và ngài là vị linh mục đầu tiên của Hàn Quốc đến phục vụ tại Phi Châu.

 

Trong cuốn tự truyện: “Các con là những người bạn của cha”. Cha đã dùng âm nhạc để xoa dịu những vết thương chiến tranh trong lòng các em. Khi tâm hồn những đứa trẻ bị tan vỡ do những vết thương chiến tranh tạo ra, qua âm nhạc, các em sẽ tìm được niềm vui và hy vọng trong một đất nước đã bị tàn phá do bởi chiến tranh. Trẻ em không còn cầm súng trên tay mà là những chiếc kèn mang lại những âm thanh của hòa bình, tình yêu và hy vọng.

Vào ngày 14 tháng 01 năm 2010, cha Gioan Lee đã đi về với Chúa, vì bệnh ung thư ruột già ở tuổi 48. Ngài phục vụ trọn vẹn cho những người đau khổ, bệnh tật, phong cùi, và nghèo đói tại Sudan. Cha Gioan đã ra đi trong nụ cười, còn những người ở lại đã đưa tiễn cha trong những giọt nước mắt của đau đớn và tiếc thương. Khi hay tin cha Lee qua đời, những người dân đã đau đớn vô cùng, họ ôm tấm ảnh cha Gioan khóc trong nghi thức tiễn biệt lần cuối tại ngôi Thánh đường. Những dòng nước mắt khóc thương cho một người cha đã yêu
thương và sống chết với họ. Cha Gioan Lee là vị mục tử nhân lành của Chúa Giêsu.

Hoàn cảnh của cha Gioan Lee thì không giống bà góa nghèo trong Tin mừng hôm nay, nhưng có một điểm chung, đó là một tấm lòng. Chúa Giê-su ngồi nhìn dân chúng bỏ tiền vào thùng bố thí trong Đền Thờ. Có rất nhiều người giàu có xếp hàng để bỏ tiền vào. Người giàu có thì bỏ rất nhiều tiền, nhưng chỉ bà góa nghèo bỏ vào thùng với hai đồng tiền. Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói:” Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng tiền nhiều hơn ai hết. Vì mọi người đều lấy tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ
vào đó; còn bà này đã túng thiếu, lại còn bỏ đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân”. Qua lời giải thích của Chúa Giê-su, các môn đệ và chúng ta đều nhận thấy rõ ý nghĩa của việc bố thí. Tấm lòng quý hơn lễ vật. Trong khi đó, người đời thường đánh giá theo số lượng. Mỗi khi dâng cúng hay làm điều gì thì cần được ghi danh và mọi người biết đến công trạng của mình. Cho nên, Chúa Giê-su nói với đám đông dân chúng rằng: ” Anh em hãy coi
chừng những kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi, thích ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, thích đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.”.

Vậy, những kinh sư là ai? Có phải là tôi không?. Lời Chúa phản chiếu vào tâm hồn tôi. Mỗi khi tôi làm gì, tôi muốn được người khác biết ơn, muốn được người ta biết mình là người quảng đại có lòng bác ái, từ bi…, và muốn được ghi công trạng với Chúa và trước mặt người đời. Nếu tôi biết hồi tâm và nhìn lại, thì rõ ràng tôi đang bị lệ thuộc vào cách đánh
giá bên hơn là đi vào chiều sâu của nội tâm. Vì Chúa cần tấm lòng của tôi hơn là những gì tôi làm cho chính mình được vinh danh trong ngày hôm nay. Tấm lòng đó được thể hiện trong tình yêu thương nơi tha nhân, những người đang cần được yêu thương và quan tâm giúp đỡ, nơi công việc tôi làm với tấm lòng tạ ơn Thiên Chúa thì việc bố thí mới sinh lợi ích cho tha nhân. Bà góa đã dạy cho tôi cách làm đó, vì bà cho đi với tất cả tấm lòng của bà. Bà chia sẻ những gì bà có. Và cha Gioan Lee nhìn ra chính Chúa Giê-su trong mỗi con người, dù họ có vẻ đáng kinh tởm, xấu xí đến đâu đi nữa thì họ cũng là hình ảnh của Thiên Chúa. Chính tình yêu Thiên Chúa là động lực để ngài hy sinh và phục vụ cho những người
phong  cùi, những người bệnh tật và nghèo khổ.

Khi hiểu và đón nhận Lời Chúa, như là điều kiện cần thiết cho đời này và đời sau,
thì giờ đây chúng ta cần phải làm một việc gì đó cụ thể, để Nước Chúa lớn lên
trong tâm hồn và trong thế giới này. Chúng ta không chỉ đón nhận Thiên Chúa
bằng hình thức bên ngoài, lễ nghi mà còn là bằng một tấm lòng yêu thương chân
thành trong mỗi con người.

Lm. John Nguyễn, Utica, New York

nguồn: Maria Thanh Mai gởi

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay