Các Nhà Truyền Giáo thời đại

Các Nhà Truyền Giáo thời đại.          

Phần 1

Có bao nhiêu nhà truyền giáo Công Giáo đáng lưu ý trong thời đại của chúng ta?

Bây giờ có còn là thời kỳ hồng ân khi Tin Mừng được quảng bá và đón nhận sâu rộng không?

Trong cuộc trò chuyện này, tôi xin chia sẻ cùng bạn đọc một số chân dung các nhà truyền giáo thuộc thời đại này, ở những cánh đồng lúa của Chúa  chung quanh thế giới nhỏ bé của tôi, có thể các bạn cũng biết đến vô số các chứng nhân của Chúa trong thế giới hay ở gần khu vực của Bạn, kết hợp, gộp lại các hình tượng chứng tá Tin Mừng của các nhà truyền giáo, chúng ta cùng tìm ra câu trả lời, rút ra kết luận về các hoa trái Tin Mừng của thời đại, về tình thương của Chúa dành cho “thời đại văn hóa sự chết” của chúng ta.

Belen Manrique, một giáo dân ở tuổi 30, cô từ bỏ đời sống tiện nghi của một ký giả chuyên nghiệp có tiếng tăm tại thủ đô Mandrid, Tây Ban Nha, bỏ lại tất cả phía sau, để đi truyền giáo tại Phi Châu. Trong chuyến công tác lâu ngày đầu tiên tiến hành ở nước Ethopia, vùng sa mạc phía đông, nơi hầu hết cư dân theo Hồi Giáo. Cô phấn khởi kể: “Tôi luôn nói rằng đi truyền giáo không bao giờ nhàm chán. Công tác này một ngàn lần hứng thú hơn là những gì chúng ta có thể mường tượng ra được. Luôn luôn đời sống ta được ươm đầy các ngạc nhiên thích thú nếu ta đặt mình vào trong bàn tay của Chúa… Nhiệm vụ của tôi là làm chứng cho tình yêu của Chúa ở nơi nào Ngài muốn đặt tôi vào, rồi xây dựng nhà thờ, vì ở đó, dân họ vốn rất nghèo. Cộng đồng Ki tô hữu (bản địa) rất yếu, cho nên, việc giúp đỡ cho dân được biết Chúa Giê Su Ki Tô thật quan trọng”. Belen tâm sự:

  • Mặc dù được thành công ở đời, những thành quả do tôi tự hoạch định đã không làm cho tôi toại nguyện. Chúa đã có một chương trình khác dành cho tôi. Khi tôi khám phá ra rằng Ngài muốn tôi đem tình yêu của Chúa tới cho người khác vốn không được biết về Ngài, tôi không nghi nan về ơn Chúa gọi mời, và chẳng khó khăn gì khi tôi quyết định bỏ nghề làm báo và từ giã thành phố Madrid.

Belen là thành viên của phong trào tông đồ “Con đường Tân dự tòng”, một sinh hoạt Công Giáo tiến hành với mục đích tiếp tục nuôi dưỡng đức tin cho người đã được rửa tội, nhờ phong trào này cô được phong phú hóa đời sống tâm linh:

  • Tôi đã có thể gặp gỡ Chúa Giê Su Kitô và ý thức rằng chỉ có Ngài mới có thể ban hạnh phúc cho nhân loại. Tôi tìm đến và thấy được nhiệm vụ Chúa đã hoạch định cho tôi.

Thời đại mới cần một cung cách truyền giáo mới chăng? Làm sao có thể truyền giáo bằng cách làm chứng về Chúa trong hình ảnh một gia đình gương mẫu và hạnh phúc giống như gia đình các tín hữu theo Chúa thời Giáo Hội sơ khai mà ai nhìn vào cũng mong muốn tin theo và được nên giống như vậy. Phong trào “Con đường Tân Dự Tòng” đáp ứng cho đòi hỏi này, phong trào phát sinh năm 1960 bởi hai giáo dân tại nước Tây Ban Nha, họ đã thành lập cộng đoàn truyền giáo đầu tiên tên là “Gipsies-Thổ dân” trong khu phố ổ chuột “Palomeras Altas”, bao gồm các căn nhà nghèo nàn, tạp nham của vùng ngoại ô Vallecas gần thủ đô Madrid,  Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II nhận định: “ Tôi nhìn nhận Con đường Tân Dự Tòng là một sáng kiến trong việc dạy giáo lý cho Tân Tòng, thích hợp cho xã hội của chúng ta, cho thời kỳ của chúng ta”. Mục đích của phong trào được tóm gọn,

  • Con đường Tân Dự Tòng phục vụ theo ý muốn của Đức Giám Mục như một trong các phương cách giáo phận thực hiện mục vụ giáo lý cho Tân Tòng và tiếp tục giáo huấn đức tin.

Hiện nay phong trào lan rộng trên thế giới với trên một triệu thành viên trong 21,300 cộng đoàn, ở 6,270 giáo xứ, với 1,668 gia đình đang ra đi truyền giáo tại các vùng xa. Ngoài ra, Con đường Tân Dự Tòng có 120 đại chủng viện để đào tạo các linh mục truyền giáo. Đức Thánh Cha Phan xi cô rất yêu thích phong trào, Ngài nói đùa, “Cha ở đây, nhưng lòng cha đang đi theo (hành trình truyền giáo của) các con”. Trong cuộc gặp gỡ vào tháng ba, năm 2015 Ngài nói: “Thế Giới hôm nay, rất cần kíp có được các thông điệp tốt lành này.  Có biết bao nhiêu sự cô độc, bao nhiêu thương tổn, bao nhiêu xa cách với Chúa trong nhiều vùng của Châu Âu, Châu Mỹ và trong các thành phố của Châu Á. Ngày nay, ở mỗi vĩ tuyến, nhân loại đang rất cần được nghe về tình yêu Chúa dành cho chúng ta và tình yêu đó là có thể được! Những Cộng Đoàn này, nhờ các gia đình truyền giáo của các con, có nhiệm vụ khẩn thiết là làm cho thông điệp được nhìn thấy. Thông điệp này là gì? “Chúa sống lại, Chúa đang sống. Chúa sống trong ta”

Một Linh Mục dòng truyền giáo Ngôi Lời Việt Nam đi truyền giáo ở Phi Châu

Cha Phê rô Nguyễn đình Khiêm, thụ phong năm 2011 và được bề trên Dòng sai đi truyền giáo ở nước Cộng Hòa Togo, Tây Phi Châu vào năm 2012. Các nhà truyền giáo hôm nay ở Phi Châu vẫn còn phải đối chọi với nạn sốt rét rừng và các căn bệnh nan y khác giống như thừa sai ngày xa xưa, cha Phê rô Khiêm cũng vậy, Ngài bị sốt rét nặng, phải vào bệnh viện, nhưng rồi cũng vượt qua, và tiếp tục sứ mệnh, Cha phụ trách một giáo xứ và một vài giáo điểm truyền giáo mới. Ngày cuối tuần, đi dâng lễ cha phải chạy xe mô tô trên con đường đất đỏ, rồi sau đó, đeo ba lô, lội bộ băng qua suối rừng để đến giáo điểm Kekelibia hẻo lánh, nơi chỉ có duy nhất một gia đình giáo dân. Cha cho biết:

  • Đây là một trong 14 giáo điểm có số giáo dân ít nhất, chỉ có một gia đình Công Giáo gồm 4 người. Hôm nay là lần đầu tiên họ tụ họp đông nhất. Họ làm tôi hết sức ngạc nhiên! 
    Tôi hỏi họ: sao hôm nay đông vậy? 
    Họ đơn sơ trả lời: vì chúng tôi có rất nhiều niềm vui. 
    Niềm vui gì vậy? 
    Họ nói: thứ nhất, Chúa đã phục sinh. Thứ hai, có ông cha gia trắng đẹp trai lâu lâu về làm lễ (làm tôi nở mũi). Thứ ba, ông cha đào cho chúng tôi một cái giếng nước, nguồn sống cho cả làng. Ai cũng vui!
    Họ nói thêm: nếu cái nhà nguyện nhỏ này to hơn, chắc sẽ có nhiều người về đây dự lễ.
    Họ làm tôi suy nghĩ và ước mơ thực hiện nguyện ước của họ.

Cha kể:

  • … tôi đã rất vui và rất hài lòng vì lòng tin và sự nhiệt tâm phụng thờ Chúa của người giáo dân nơi vùng giáo điểm xa xôi hẻo lánh này. Từ mờ sáng, họ đã tụ họp đông đủ chờ tôi đến. Chúng tôi gặp gỡ nhau trong tình thân ái bằng những cái bắt tay với những nụ cười rạng rỡ đón chào. 

  Nhưng ngôi giáo đường năm cũ giờ đây không còn nữa, nó đã bị sụp đỗ sau một trận mưa to. Có lẽ cũng là ý trời, vì nó không đủ chổ cho mọi người.

  • Chúng tôi đã cử hành Thánh Lễ dưới những gốc cây, với khí trời thiên nhiên dịu mát.

   

Sau Thánh Lễ, là lời cám ơn chân thành của một giáo phu lớn tuổi, kèm theo ước vọng có một ngôi nhà nguyện nhỏ khang trang để phụng thờ Chúa.
Lại một nữa tôi hứa sẽ cố gắng thực hiện ước vọng lớn lao này. Nhưng không biết đến bao lâu lời hứa mới được hiện thực…

Cha Khiêm và giáo dân rất nghèo nhưng Chúa của giáo họ thì rất giàu, Ngài mau chóng sớm ban cho nguyện ước của dàn chiên thành hiện thực, chẳng bao lâu, qua sự trợ giúp của các ân nhân từ Việt Nam và hải ngoại, thánh đường mới đã được hoàn tất. Từ một giáo điểm chỉ có le ngoe vài ba giáo dân nay Cha đã có một đàn chiên khá xôm tụ, cùng nhau thờ phượng, sinh hoạt tập thể, lập các đội bóng đá, các cuộc lễ mừng, hội chợ giải trí cho bà con.

  Cha còn chăm sóc đời sống vật chất cho giáo dân tân tòng, cha được một cha già bản địa dậy cách tìm mạch nước vốn là yếu tố sống còn của dân Phi Châu, Cha xây được khá nhiều giếng nước sạch cho dân, chỉ riêng trong một đợt tạo tác, Cha và bà con địa phương xây bốn giếng trong vòng hai tuần. Cha cho biết:

  • Thế là những cái giếng đã được xây xong. Thêm một lần nữa, tôi theo cha già học hỏi kinh nghiệm tìm nguồn nước. Cha có biệt tài tìm nguồn nước rất chính xác, nhưng đá ngầm dưới đất thì ngài chịu. Và không ít lần chúng tôi đã phí công uổng sức vì không thể nào đục những lớp đá cứng và khá sâu.
  • … chúng tôi đã tìm được nguồn nước khá dồi dào, đủ để bà con nơi những giáo điểm này không phải lo lắng vất vả trong mùa khô hạn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều giáo điểm phải chịu cảnh thiếu nước trầm trọng. Họ phải đi thật xa, đến những ao tù nước đọng để đội từng thau nước về dùng. Tôi ước mong tiếp tục có những nhà hảo tâm rộng tình thương chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình.
    Tạ ơn Chúa đã cho chúng con tìm được nguồn nước. 
    Xin chân thành cám ơn những ai đã chia sẻ tình thương, cũng như những ai đã cộng tác cùng tôi cách này cách khác trong sứ vụ. Xin Chúa trả công bội hậu cho quý vị.

 

  Cha tiếp tục xây dựng đài Đức Mẹ với đá cục vác xa hai cây số đi bộ về khu xây đài Mẹ trong giáo xứ chánh:

  • Sau hai năm ước nguyện có một nơi để mọi người tôn kính Mẹ nay được dệt thành.
    Cám ơn mọi người đã đổ bao mồ hôi và cả những giọt máu để đi gần 2 cây số vác những viên đá cuội về!
    Cám ơn những ai đã đóng góp vật chất để giúp tôi xây nên tượng đài!
    Và cũng xin cám ơn những ai đã cầu nguyện cho ước mơ của tôi được hiện thực!
    Xin Mẹ là nguồn mọi ơn ban, ban muôn ơn phúc cho tất cả.

  Từ giáo điểm đầu tiên Alejo Koura, rồi đi đến phát triển Kekelibia, nay Cha bắt đầu gầy dựng thêm giáo điểm mới tên là Kawanapati,

 Cha kể:

  • “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở giữa họ”. Đó là câu chia sẻ của một người dự tòng trong Thánh Lễ hôm nay, nơi giáo điểm mới này. Lời của anh ta mang một niềm tin sâu sắc và một sự phấn khởi lạ lùng. Anh ta cảm tạ Chúa, vì Ngài luôn yêu thương và chở che họ, mặc dù họ bất xứng không có một mái lều tạm để làm nơi thờ phượng Ngài…
    Hôm nay, tôi đã rất cảm động vì đức tin của người con bé mọn nghèo hèn nơi vùng đất hoang sơ này. 
    Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho chúng con

Cha yêu vùng đất truyền giáo lắm rồi, Ngài kết luận:

  • Có thể nói, Togo, Tây Phi, một vùng đất nghèo, khô cằn và đầy khắc nghiệt, nhưng vô cùng dễ thương. Sỡ dĩ tôi nói thế, bởi vì người dân nơi đây, tuy nghèo đói, thiếu thức ăn, thiếu nước uống, nhưng không thiếu tình người. Họ rất chất phát, hiền lành. Họ luôn luôn vui vẻ, niềm nở chào hỏi khi gặp nhau dù quen hay lạ. Sự thân thiện của họ đã làm tôi rất ấn tượng ngay lần đầu tiên bước chân vào sứ vụ. 
    Sứ vụ của tôi được gọi là sứ vụ truyền giáo, nhưng niềm tin và cách sống đạo, có lẽ tôi phải học hỏi nơi họ. Họ giữ đạo và sống đạo khá tốt. Tôi thích nhất là cách thờ phượng của họ. Họ tôn thờ và ca tụng Chúa trong niềm hân hoan phấn khởi. Họ cảm nhận một vị Thiên Chúa rất gần gũi và đầy lòng nhân ái. Khác với nét văn hoá phụng tự Á Đông quá nghiêm trang, nghiêm túc.
    Tuy đời sống đạo tương đối ổn, nhưng họ rất cần một vị linh mục, để lo về vấn đề Bí Tích và nhất là nhu cầu thăng tiến cuộc sống. Chính vì thế, nhà truyền giáo như chúng tôi, phải làm khá nhiều công việc, từ chăm sóc tinh thần cho đến vật chất; từ việc xây nhà thờ cho đến việc đào những cái giếng nước, .v.v.
    Ba năm đầu tiên trong sứ vụ, quả là một thách đố lớn đối với tôi. Thách đố về thời tiết khí hậu khắc nghiệt. Thách đố về ăn uống. Thách đố lớn hơn là căn bệnh sốt rét hoàn hành, làm mệt mõi về thể xác lẫn tinh thần, có lúc dường như muốn bỏ cuộc. Cộng thêm những cơn bệnh dịch làm rúng động lòng người. Nhưng rồi nhờ ơn Chúa, tất cả cũng đã qua đi và tôi cũng quen dần cuộc sống. Trước mắt tôi, khó khăn lớn nhất mà tôi đang đối diện trong sứ vụ, đó là, như lời thánh Giacobe từng nói:

“Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm, ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì” (Gc 2, 15-16). 
Tuy nhiên, giờ đây tôi đã nhận thấy và tin rằng: “Đối với con người thì không thể, nhưng đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể”…

Chúa của Cha có tài ban niềm vui mà thế gian không thể hiểu được, cha tâm sự trong dịp được chia sẻ một cái bánh ngô nhân dịp 5 năm thụ phong Linh Mục 2016:

  • Đêm nay, một đêm đầy tràn niềm vui và hạnh phúc. Vui vì lần đầu tiên trong 4 năm nơi mảnh đất truyền giáo, tôi được mọi người chúc mừng, dù chỉ đơn sơ một chiết bánh và ít rượu. Hạnh phúc hơn, vì 5 năm trong sứ vụ linh mục, tôi được nhận rất nhiều hồng ân. Cảm tạ Chúa, vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương!

Cho đến hôm nay, tỉnh dòng Truyền Giáo Ngôi Lời Việt Nam đã có các thừa sai đi đến các xứ truyền giáo nhiều nơi trên các đại lục, bao gồm 20 quốc gia như ở Úc, Phi luật Tân, Zimbabue, Chile, Togo, … Riêng tại quê nhà Việt Nam, Dòng đã có quá trình dài lâu phục vụ cho công tác truyền giáo, phục vụ cho các bệnh nhân phong hủi, chăm sóc nuôi nấng các em mồ côi trên cao nguyên trung phần. Mời Bạn tham khảo thêm về dòng truyền giáo Ngôi Lời ở mạng liên kết, http://ngoiloivn.net/dong-ngoi-loi/svd-vietnam-province-introduce-english-version/ 

Hẹn tái ngộ bạn đọc trong phần hai của loạt bài “Các nhà truyền giáo thời đại”.

Phan Sinh Trần gởi

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay