VỢ CHỒNG CẦN BIẾT TÔN TRỌNG VÀ BÀN HỎI VỚI NHAU

VỢ CHỒNG CẦN BIẾT TÔN TRỌNG VÀ BÀN HỎI VỚI NHAU

TRONG TỪNG VẤN ĐỀ TRƯỚC KHI QUYẾT ĐỊNH

Thưa thầy,

Chồng của con rất thương yêu con và lo lắng cho gia đình, nhưng anh ấy có thói quen thích cái gì là tự đi làm mà không bàn hỏi với con một vấn đề gì hết, và con là người sau cùng biết chuyện ấy khi nó đã xảy ra bất luận tốt hay xấu.

Những lúc như vậy con hỏi tại sao anh không bàn với em, thì anh ấy nóng giận và bỏ đi không thèm nghe con phân tích đúng hay sai.

Xin thầy giúp ý kiến là con phải làm gì, và anh ấy phải làm gì để vợ chồng con có sự hòa hợp và biết tôn trọng nhau, hiểu nhau nhiều hơn?

Con cảm ơn thầy nhiều.
Con TV

Trả lời góp ý:

Trong đời sống vợ chồng, cha ông vẫn thường khuyên: “Tương kính như tân”. Có nghĩa là cả vợ lẫn chồng đều phải tế nhị, nhún nhường đối xử với nhau như những ngày đầu mới quen biết, mới là vợ chồng.

Kinh nghiệm sống này thật quí giá, và nó cũng không lỗi thời so với cái nhìn và lối sống của các cặp vợ chồng ở thời đại chúng ta. Trong lời thề hôn ước, trước khi trở thành vợ chồng, chúng ta đã thề hứa “yêu thương và tôn trọng anh/em cho đến mãn đời”.

Hai chữ yêu thương và tôn trọng là hai yếu tố cốt yếu làm nên ý nghĩa hôn nhân.

Vậy đã hứa thì phải làm. Hứa mà không làm là hứa lèo, là thất hứa.

Trong đời sống hôn nhân sự tôn trọng được diễn tả qua những trao đổi, chia sẻ, và khuyến khích nhau trong mọi vấn đề. “Chị ngã, em nâng”. Thất bại của anh là thất bại của em, và thành công của anh là thành công của em. Đúng với ý nghĩa câu: “Của chồng công vợ”.

Do đó, bàn hỏi nhau, chia sẻ với nhau, và cùng góp ý cho nhau là một cách sống hài hòa giữa hai vợ chồng. Trong thực tế, nguyên tắc “hai cái đầu vẫn hơn một cái đầu” luôn luôn đúng.

Có nhiều khi chỉ cần một ý kiến nhỏ của vợ hay của chồng mà kết quả trở nên khác.

Tuy nhiên trong thực hành vấn đề không đơn giản như nhiều người thường nghĩ, vì hai cái đầu thì có hai suy nghĩ khác nhau. Trường hợp của TV cũng không ngoại lệ. Để hóa giải nếp suy nghĩ và sống này của người chồng, chúng ta thử tìm hiểu xem đâu là nguyên nhân, và làm thế nào để có thể vợ chồng hòa hợp:

1-Có thể tập quán tự mình quyết định đến từ lối suy nghĩ của người chồng cho rằng bàn hỏi với vợ sẽ mang tiếng mình dốt, mình kém, hoặc không thông minh bằng vợ! Và nếu vậy thì mất mặt nam nhi, mất mặt trượng phu, mất mặtchồng.

2-Cũng có thể đấy chỉ là những quyết định, những việc làm nhỏ mọn mà người vợ vì ghen tương, vì muốn dành quyền kiểm soát nên cho nó là lớn lao rồi tự mình khó chịu với mình cũng như với chồng?

3-Và cũng có thể là trước đây khi người chồng bàn với vợ chuyện gì thì người vợ cứ bàn rùn, bàn ra, ngăn cản, hoặc muốn chồng theo ý mình.

Giải quyết vấn đề:

Nếu là sợ mất mặt, sợ mang tiếng thua kém vợ thì đó không phải là lý do để người chồng tự quyết những vấn đề trong gia đình. Như đã nói, gia đình là gia đình chung, thua được là thua được chung, và hạnh phúc là hạnh phúc chung.

Việc bàn hỏi, chia sẻ là việc nên làm và cần làm. Đặt trường hợp nếu những kết quả xảy ra không được như ý, ít nhất người chồng cũng không phải lãnh trách nhiệm một mình.

Nhưng có lẽ, và tôi chỉ nghĩ vậy thôi, đó là vì ghen tương, vì muốn kiểm soátchồng nên mọi chuyện lớn nhỏ chồng làm người vợ đều muốn biết hết.

Điều này đến từ tâm lý tự ty không đủ tin tưởng chồng, và cũng không đủ tin tưởng mình. Do sống trong tâm lý ngờ vực, người vợ thường hay cãi vã, tranh chấp những chuyện rất nhỏ mọn với chồng.

Và sau cùng cũng là do tâm lý tự ty cộng với tính ích kỷ mà mỗi lần chồng muốn nói gì, bàn gì thì người vợ luôn bàn rùn, bàn ra, bàn ngang. Thay vì lắng nghe, góp ý lại la làng la xóm, nói năng lung tung gây mất hòa khí.

Điều này được phản ảnh trong câu tự thú: “Những lúc như vậy con hỏi tại sao anh không bàn với em, thì anh ấy nóng giận và bỏ đi không thèm nghe con phân tích đúng hay sai.”

Tại sao người chồng lại nóng giận bỏ đi không thèm nghe phân tích đúng sai từ người vợ?

Phải có vấn đề trong cung cách nói năng và lý luận của vợ?!

Nếu vậy thì lỗi là từ suy nghĩ và lối sống của người vợ. Và trong trường hợp này, người vợ là người cần phải sửa hơn, đó là:

Biết lắng nghe, góp ý và khuyến khích chồng một cách khách quan, nhất là biết tôn trọng ý kiến và quyền quyết định của chồng.

“Sau lưng người đàn ông thành công, luôn có bóng dáng người đàn bà biết lắng nghe và chia sẻ”.

Ca dao Việt Nam cũng có câu: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.

Chúc vợ chồng TV hạnh phúc và thuận thảo,

Trần Mỹ Duyệt

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay