Tận thế

Tận thế

Tác giả: Trầm Thiên Thu

(Chúa nhật XXXIII TN, năm B)

Thời gian thấm thoát. Mới ngày nào bắt đầu một năm mà nay đã vào cuối năm, cả
về năm đời và năm phụng vụ. Thời gian vào giai đoạn cuối. Thời điểm cuối gợi
nhiều suy tư. Có nhiều cái cuối, đặc biệt nhất là cuối đời và cuối thời – tức
là tận thế, Công giáo gọi là cánh chung.

Tận thế là 2 từ người ta không muốn nghe ai nhắc tới, vì nó khiến người ta e
ngại hoặc không vui. Tuy nhiên, tận thế có thể là niềm mong chờ của người này,
nhưng có thể lại là nỗi sợ của người khác.

Ngôn sứ Đanien nói: “Thời đó, Micaen sẽ đứng lên. Người là vị chỉ huy tối cao,
là đấng vẫn thường che chở dân ngươi. Đó sẽ là thời ngặt nghèo chưa từng thấy,
từ khi có các dân cho đến bây giờ. Thời đó, dân ngươi sẽ thoát nạn, nghĩa là
tất cả những ai được ghi tên trong cuốn sách của Thiên Chúa” (Ðn 12:1a). Đó là
những lời tiên báo về ngày tận thế, đặc biệt ông cho biết đó là “thời ngặt
nghèo nhất”, chắc chắn rất đáng quan ngại, thậm chí là đáng sợ, nhưng lại không
hề đáng sợ đối với những người thuộc về Thiên Chúa, vì họ sẽ được “thoát nạn”.

Ngôn sứ Đanien giải thích: “Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều
người sẽ trỗi dậy”. Những người “an nghỉ trong bụi đất” là những người chết,
vậy mà họ “trỗi dậy”, tức là sống lại. Rõ ràng đó là ngày tận thế, ngày chung
thẩm. Nhưng số phận mỗi người khác nhau:: “Người thì để hưởng phúc trường sinh,
kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời. Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu
trời rực rỡ, những ai làm cho người người nên công chính, sẽ chiếu sáng muôn
đời như những vì sao” (Ðn 12:1b-2). Cùng một ngày, cùng được sống lại, nhưng có
người sợ hãi và có kẻ vui mừng.

Tác giả Thánh vịnh thân thưa thay những người thuộc về Chúa: “Lạy Chúa, Chúa là
phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con,
chính Ngài nắm giữ” (Tv 16:5). Tất cả đều là của Chúa, nhưng Ngài trao chúng ta
quyền quản lý. Nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, chúng ta hoàn toàn an tâm:
“Con luôn nhớ có Ngài trước mặt, được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ. Vì
thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan, thân xác con cũng nghỉ ngơi an
toàn” (Tv 16:8-9).

Tác giả Thánh vịnh xác định nguyên nhân: “Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong
cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ” (Tv 16:10), đồng
thời hoàn toàn khiêm nhường và tín thác vào Chúa: “Chúa sẽ dạy con biết đường
về cõi sống: trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc
chẳng hề vơi!” (Tv 16:11). Chắc hẳn chúng ta không đủ ngôn từ để diễn tả niềm
hoan lạc được cận kề bên Chúa!

Thánh Phaolô nói: “Vị tư tế nào cũng phải đứng trong Đền Thờ lo việc phụng tự
mỗi ngày và dâng đi dâng lại cũng ngần ấy thứ lễ tế; mà những lễ tế đó chẳng
bao giờ xoá bỏ được tội lỗi” (Dt 10:11). Tế lễ là bổn phận và trách nhiệm hằng
ngày của các tư tế, không chỉ dâng lễ đền tội cho mình mà còn dâng thay người
khác, nhưng dù dâng bao nhiêu lần vẫn không bao giờ đủ mức để hoàn hảo. Nhưng
có một tư tế chỉ cần dâng một lần cũng đủ, đó là Đức Kitô: “Sau khi dâng lễ tế
duy nhất để đền tội cho nhân loại, Ngài đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn
đời” (Dt 10:12).

Vì Đức Kitô là Thiên Chúa, là Thượng tế, là Đấng cao cả hơn mọi loài: “Từ khi
đó, Ngài chờ đợi ngày các kẻ thù bị đặt làm bệ dưới chân” (Dt 10:13), và “Ngài
chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Ngài đã thánh hoá được
nên hoàn hảo” (Dt 10:14). Dù là ai và là gì thì tất cả chúng ta vẫn chỉ là
những tội nhân. Thánh Phaolô vừa giải thích vừa kết luận: “Nơi nào đã có ơn tha
tội thì đâu cần lễ đền tội nữa” (Dt 10:18).

Nói về ngày Con Người quang lâm, Chúa Giêsu cho biết các dấu hiệu: “Trong những
ngày đó, sau cơn gian nan, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu
sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển”
(Mc 13:24-25). Đó là giờ G. Đó là lúc “thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền
năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Mc 13:26). Và cũng chính lúc đó,
“Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển
chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời” (Mc 13:27).

Thấy những sự việc diễn biến hằng ngày, chúng ta có thể đoán biết điều gì xảy
ra. Ngày tận thế cũng có những dấu chỉ khả dĩ nhận biết, Đức Kitô dùng hình ảnh
thực tế hơn để mọi người đều có thể hiểu: “Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học
hỏi. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã
đến gần. Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người
đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi” (Mc 13:28-29). Cuối cùng, Ngài quả quyết:
“Thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. Trời đất sẽ qua đi,
nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Mc 13:30-31). Tức là rất chắc chắn
xảy ra ngày tận thế, không hề là chuyện đùa hoặc bịa đặt!

Tuy nhiên, hình như loài người vẫn bán tín bán nghi. Bằng chứng là đã từng có
nhiều tin đồn về ngày nọ hay tháng kia là thời điểm tận thế, về chuyện “tối ba
ngày, ba đêm”,… thế nên người ta lo tích lũy nến và mì gói để “đối phó”. Thật là
nhảm nhí và dị đoan, chứng tỏ họ chẳng biết hoặc chẳng tin lời Chúa nói. Chính
Chúa Giêsu đã xác định: “Về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các
thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc
13:32).

Vậy sao người ta vẫn bịa ra những tin đồn? Thật tệ hại là vẫn có những người
nhẹ dạ cả tin khi nghe những lời “tiên tri dỏm” ấy. Chúa Giêsu còn chưa biết
thì sao những con người phàm phu tục tử đầy tội lỗi như chúng ta lại biết
trước? Không lo sống tốt mà cứ lo chuyện nhảm trên trời, dưới đất là sao? Quá
vô lý!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết vững niềm tin vào Lời Chúa và hoàn toàn
tín thác vào Con Chúa để có thể đứng vững cho đến lúc Đức Kitô tái lâm. Chúng
con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con.
Amen.

TRẦM THIÊN THU

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay