TQ: Nhà hoạt động bị bắt khi đang trả lời VOA

TQ: Nhà hoạt động bị bắt khi đang trả lời VOA

BBC

  • 4 tháng 8 2018
Giáo sư Tôn là một trong những nhà chỉ trích chính quyền mạnh mẽ và nổi tiếng
Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES
Giáo sư Tôn là một trong những nhà chỉ trích chính quyền mạnh mẽ và nổi tiếng

“Tôi có quyền tự do ngôn luận” là những lời cuối cùng của vị giáo sư đại học về hưu được nghe thấy trên điện thoại.

Hôm thứ Tư, Giáo sư Tôn Văn Quảng (Sun Wenguang), 84 tuổi, đang có một cuộc phỏng vấn với Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) thì cảnh sát ập vào nhà ông ở Tế Nam, Trung Quốc và buộc ông phải dừng cuộc phỏng vấn.

Từ trước đến nay, ông Tôn là một nhà chỉ trích rất mạnh mẽ đối với chính quyền Trung Quốc.

Một người bạn đã xác nhận với BBC rằng Giáo sư Tôn đã bị cảnh sát thành phố Tế Nam đưa ra khỏi nhà.

Ông ấy đang nói gì trong cuộc phỏng vấn?

Giáo sư Tôn đang nói với ban tiếng Quan Thoại của đài VOA về các khoản đầu tư nước ngoài của chính phủ Trung Quốc.

Cuộc phỏng vấn theo sau một bức thư ngỏ ông viết gần đây để chỉ trích quyết định của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc chi tiền viện trợ nước ngoài, các khoản vay và đầu tư.

Ông thúc giục ông Tập nên thay vào đó tập trung đầu tư vào nội địa.

Bức thư cũng chỉ trích quyết định của ông Tập Cận Bình trong việc loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch.

Khi ông đang trả lời phỏng vấn, nhiều giọng nói có thể được nghe thấy trong bản ghi âm mà VOA đã chia sẻ trên Twitter.

“Họ lại đến – bảy, tám người bọn họ,” ông nói với phóng viên VOA trước khi nói chuyện với nhóm cảnh sát.

“Cái gì, tôi đã nói gì sai sao? Hãy nghe những gì tôi nói, có sai không?”

Ông lại tiếp tục giải thích những chỉ trích của mình về việc Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài: “Con người [ở Trung Quốc] nghèo. Đừng ném tiền vào châu Phi. Ném tiền vào nhưng nơi như thế này không tốt cho đất nước chúng ta.”

Giọng nói của ông Tôn trở nên to hơn khi ông nói với cảnh sát: “Các anh đang làm gì vậy? Việc các anh đến nhà tôi là bất hợp pháp. Tôi có quyền tự do ngôn luận.”

Sau đó đường dây điện thoại đột ngột bị ngắt.

Tôn Văn Quảng là ai?

Ông là một giáo sư vật lý đã nghỉ hưu ở Đại học Sơn Đông.

Ông từng nhiều lần bị giam giữ từ những năm 1960 đến thập niên 1980 vì đã chỉ trích lãnh đạo cộng sản Mao Trạch Đông.

Ông là một trong những người đầu tiên ký tên vào “Điều lệ 08”, một tuyên ngôn kêu gọi thay đổi chính trị ở Trung Quốc.

Vào năm 2009, Giáo sư Tôn bị đánh đập khi viếng thăm mộ Triệu Tử Dương, một nhà lãnh đạo cộng sản đã bị thanh trừng vì ủng hộ các cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989.

Khi đó ở đột tuổi 75, ông đã bị gãy xương sườn và bị thương ở hai bàn tay và chân. Ông nhập viện không lâu sau đó.

Theo tờ New York Times, giáo sư Tôn bị từ chối cấp hộ chiếu và vì vậy ông không thể rời khỏi đất nước.

Điều gì đã xảy ra kể từ sau cuộc phỏng vấn?

Mọi thứ vẫn không rõ ràng. VOA cho biết mọi nỗ lực để liên lạc được Giáo sư Sun đã không thành công và không có xác nhận chính thức nào của chính phủ về vụ bắt giữ hoặc hành động của cảnh sát.

Nhưng một người bạn của Giáo sư Tôn, người xác nhận ông đã bị cảnh sát bắt đi, nói với BBC rằng bà tin ông và vợ ông đang bị giam tại một khách sạn địa phương, nơi ông đã bị giam giữ trước đó.

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, những gì ông Tôn đã trải qua là một “thực tế hàng ngày” của một nhà hoạt động nhân quyền ở Trung Quốc.

“Bất cứ lúc nào, cảnh sát có thể đến để đưa họ đi thẩm vấn, giam giữ, tra tấn hoặc ngược đãi, chỉ đơn giản vì họ thách thức những đường lối tuyên truyền của chính quyền và nói chuyện với truyền thông nước ngoài,” nhà nghiên cứu Maya Wang nói.

Patrick Poon, một nhà nghiên cứu Đông Á từ Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng lặp lại những nhận xét này: “Thật là một sự ô nhục khi một người trí thức Trung Quốc [đang có] một cuộc phỏng vấn với truyền thông thì bất ngờ bị cảnh sát cắt ngang.”

“Nó thể hiện một cách sinh động cách mà các nhà chức trách Trung Quốc tấn công vào tự do ngôn luận,” ông nói với BBC. “Cảnh sát có thể quấy rối [giới bất đồng chính kiến] bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào họ thích.”

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay