Đạp đổ tâm linh để đổi lấy đất đai, dấu hiệu suy tàn đến cùng cực?

Nhà thờ Thủ Thiêm: Di sản của mất mát
Nhà nguyện tu viện dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm (Ảnh: Trí thức VN)

“Tấm bản đồ bị thất lạc” ở Thủ Thiêm đang trở thành đề tài gây bức xúc trong dư luận. Đa phần các tầng lớp trí thức đều lên tiếng bảo vệ cho những người dân Thủ Thiêm – người bị buộc phải rời khỏi mảnh đất gắn bó để nhường chỗ cho các dự án kinh tế, khu đô thị sầm uất, tráng lệ…

Bên cạnh những khuất tất về quy hoạch, mổ xẻ đất quy hoạch để đầu cơ, phân lô, bán nền với giá cao gấp 10 – 20 lần mức giá đền bù… còn có những góc khuất trong dự án đầy tai tiếng.

Những bất cập xảy ra không hề mới, nó là hệ quả tất yếu của chính sách phát triển kinh tế phụ thuộc vào đầu cơ bất động sản.

Bất động sản không mang lại lợi ích cho Kinh tế – Xã hội ngoài các nhóm lợi ích, chính vì mải mê đầu tư bất động sản nên cả nền kinh tế Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới vẫn chưa sản xuất được cái đinh hay con ốc vít, ngành công nghiệp phụ trợ hoàn toàn bị bỏ quên trên bàn nghị để thay thế vào đó những nào là khu đất công nghiệp, đặc khu kinh tế, hay các dự án đón đầu chính sách của những công ty sân sau.

Đạp đổ tâm linh để đổi lấy đất đai

Điều nguy hiểm hơn hết, vì để làm dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, người ta sẵn sàng san bằng các chứng tích mang dấu ấn lịch sử từ thuở sơ khai của vùng đất Sài Gòn.

Theo kế hoạch phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM), hai cơ sở tôn giáo nằm trong Thủ Thiêm là Tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm đều có khả năng bị phá dỡ để nhường chỗ cho khu đô thị mới.

Cụ thể, trong cuộc họp báo thường kỳ vào hôm 2/5/2018, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa chấp thuận phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 tại Thủ Thiêm, mà Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Trường tiểu học Thủ Thiêm nằm trong số 9 lô đất vàng bị yêu cầu di dời, thu hồi đất.

Đặc biệt, quyết định của Chủ tịch UBND TP.HCM được đưa ra không lâu sau khi Bí thư Thành ủy TP.HCM ông Nguyễn Thiện Nhân đến thăm và chúc Tết các sơ ở Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm vào ngày 9/2/2018.

>> Nhà thờ Thủ Thiêm – Di sản của mất mát

Một điều đáng nói nữa, Tu viện trên đã tồn tại ở đất Thủ Thiêm từ năm 1840, tức trải qua khoảng 178 năm với nhiều dấu ấn lịch sử và được khá nhiều tổ chức quốc tế về tôn giáo lẫn chính trị và môi trường chú ý.

Trước sự việc này, Tổng lãnh sự quán Canada tại TP.HCM cũng từng đặt nghi vấn: “Có nên phá hủy một di sản còn lâu đời hơn cả Canada ?”

Trong khi đó, Nhà thờ Thủ Thiêm cũng là cơ sở tôn giáo có tuổi thọ gần 160 năm, được xây dựng từ năm 1859.

Trước đó, một cơ sở tôn giáo khác là Chùa Liên Trì trong khu vực này cũng đã bị san phẳng để lấy đất làm dự án. Đây là một trong số vài ngôi chùa cổ còn xót lại từ sau biến cố năm 1975.

Dấu hiệu suy tàn đến cùng cực

Trong văn hóa tự bao đời, mùi khói hương lẫn trong tiếng chuông chùa trong đêm vắng hay tiếng chuông ngân nhà thờ trong buổi sớm luôn là biểu hiện cho sự thanh bình và thịnh vượng của một vùng đất.

Ấy vậy, vùng đất Thủ Thiêm bấy lâu đã vắng tiếng chuông chùa để thay vào đó những khu đô thị sầm uất mà tuyệt nhiên không cơ sở tôn giáo nào được cấp phép tại đó.

Văn hóa kính trời, kính đất và các cơ sở tâm linh là nơi tìm kiếm sự an ổn của tâm hồn con người, nhưng những giá trị văn hóa tinh thần đó lại đang bị xem thường và sẵn sàng bị đạp đổ để đổi lấy đất đai, lợi ích tiền bạc.

Tuy nhiên, sự suy tàn của một quốc gia hay một chế độ, vương triều đều bắt đầu từ sự tha hóa trong tâm linh con người, khi con người bị chủ nghĩa vô thần dẫn động, không việc ác nào mà họ không dám làm. Và sự suy vong của chế độ đó là điều đã được dự báo trước.

Như ai đó đã từng nói: “Nơi nào vắng tiếng chuông từ bi, thì nơi đó cái xấu, cái ác sẽ cùng ma quỷ đội mồ sống dậy.”

Cộng đồng quốc tế lên án

Mới đây vào hôm 26/4, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) vừa đề nghị đưa Việt Nam vào lại danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo CPC vì những đàn áp nhắm vào các tôn giáo trong năm 2017.

Theo bản phúc trình về tự do tôn giáo của USCIRF, chính phủ Việt Nam đã gia tăng việc dùng công an mặc thường phục và côn đồ để xách nhiễu những người theo các tôn giáo không được chính phủ thừa nhận, trong đó có các học viên Pháp Luân Công.

Chân Hồ

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay