Lòng Nhớ Ơn Là Một Đức Quý

Lòng Nhớ Ơn Là Một Đức Quý 

 

Trong thế chiến vừa rồi, bà mẹ của một người lính nhảy dù Mỹ nhận được một bức thư của con hay rằng trong lúc bị thương và đói khát, đã được một người đàn bà ở Avranches cứu giúp, giấu không cho tụi Đức bắt. Chẳng may ít tháng sau chính người lính đó tử trận trong khi tấn công Ardennes. Nhưng bà mẹ anh ta vẫn tiếp tục thực hiện một ước nguyện không thể nào quên được. Bà dành dụm tiền trong hai năm để vượt Đại Tây Dương, lại thành phố ghi trong bức thư của con trai. Phải dò hỏi lâu bà mới kiếm được người đàn bà đã cho con trai bà trú ngụ – vợ một tá điền nghèo – và rụt rè đưa biếu người đó một gói nhỏ. Trong gói có một chiếc đồng hồ vàng, mà con trai bà được thưởng khi đâu một bằng cấp tốt nghiệp; chàng chỉ có mỗi vật đó là đáng giá.

Cử chỉ biết ơn của người mẹ đó làm cho toàn dân miền Normandie rất đỗi cảm động. Ở Arvanches và khắp cả vùng chung quanh ai cũng nhắc tới, gần như một truyền kỳ.

 

1

Lòng biết ơn là nghệ thuật nhận ơn huệ một cách vui vẻ, nhã nhặn, tỏ rằng mình cảm động trước mọi dấu hiệu nhân từ của người khác, dù lớn dù nhỏ. Phần đông chúng ta đều biết tỏ nỗi vui mừng khi được ai vui vẻ tiếp đãi, hoặc tặng một món quà, cho hưởng một cái lợi rõ rệt nào đó.

Không gì làm phật ý người ta bằng lối cám ơn ngoài miệng. Ông bạn gì của tôi, James Barrie mà các vở hát và các tác phẩm tỏ rằng đã hiểu rõ tâm lý thanh niên, thường kể câu chuyện này:

– Một buổi chiều nọ, một ông bạn tôi gốc gác ở Ecosse và tôi đương bàn bạc về công việc làm ăn. Đứa con gái ông chín tuổi, bước vô để dâng ông những chiếc bánh kẹp em mới làm xong vì biết ông thích thứ bánh đó. Ông bực mình vì câu chuyện bị ngắt, làm bộ nhấm nháp một chút, vội vàng khen em một lời nho nhỏ nhưng vẻ mặt vẫn nhăn nhó, rồi tiếp tục ngay câu chuyện bỏ dở. Em đó lúng túng, rất rầu rĩ, lặng lẽ bước ra. Vài tuần lễ sau má em hỏi em tại sao không làm bánh nữa. Em òa lên khóc, la lờn: “Không khi nào con làm bánh kẹp nữa” Em tuyệt vọng.

Ông Barrie nói tiếp:

– Và từ đó, em tuyệt nhiên không làm bánh nữa.

 

2

Thật là một điều phấn khởi khi ta nghĩ rằng lòng biết ơn có khi không phải chỉ là một tình cảm thoảng qua đâu mà có thể như một nguồn nước suốt đời không cạn Một người chồng nhớ hoài một lần nào đó vợ đã tận tình hy sinh cho mình, một người vợ nhớ hoài một món quà chồng tặng mình, nhờ vậy sự hòa hợp trong gia đình sẽ tăng lên vô cùng. Nhà tự nhiên học W. Hudson kể câu chuyện dưới đây:- Một buổi tối nọ, tôi dắt một ông bạn thân về nhà, gặp bữa, mời ông ăn. Ăn xong ông ta bảo “Anh thật có phước, chị nhà yếu đuối, phải săn sóc các cháu mà còn nấu cho anh được những món ngon như vậy.” Lời khen đó đã mở mắt tôi ra: nhờ ông bạn đó mà tôi mới thấy sự can đảm hằng ngày của nhà tôi mà trước kia tôi cứ cho là tự nhiên, và từ đó tôi tỏ lòng mang ơn nhà tôi.

Thái độ nhã nhặn khi nhận ơn đó, phải được biểu lộ trong cả những tiểu tiết, những việc lặt vặt. Người đưa thư, người giao sữa, người hớt tóc, chị hầu bàn ở khách sạn, người khiển thang máy (1), đều là những người giúp việc cho ta quanh năm. Ta biết cảm ơn họ thì những giao tế đó không có tính cách máy móc nữa mà có đượm thêm cái tình người, nhờ đó mà những công việc đơn điệu hằng ngày đỡ buồn tẻ, hóa dễ chịu hơn. Mấy năm trước, có lần tới Cannes, tôi ở chung một khách sạn với huân tước Grey, một chính khách Anh. Tôi nhận thấy ông cảm ơn người giữ cửa mỗi khi người này mở cửa cho ông. Một hôm tôi đánh bạo hỏi ông tại sao ông lại mất công như vậy. Ông ngó thẳng vào mặt tôi đáp: Tại chú ấy đã mất công giúp tôi.

Một bệnh nhân của tôi, bán vé ô tô buýt ở Londres, một hôm tâm sự với tôi rằng:

– Có nhiều lúc tôi ngán công việc của tôi quá. Thiên hạ kêu nài, làm tôi chịu không nổi, họ không bao giờ đem theo tiền lẻ cả. Nhưng có một bà sáng nào chiều nào cũng nhã nhặn cảm ơn khi tôi phát vé cho bà. Tôi cứ tưởng tượng rằng bà thay mặt tất cả các hành khách mà cảm ơn tôi, có vậy tinh thần tôi mới phấn khởi lên được.

Có khi phải cho tiền thưởng ; những lúc đó chúng ta nên nhớ rằng một nụ cười, một lời không sáo còn quý hơn món tiền thưởng nữa.

 

3

Một ông bạn thân của thi hào Paul Valéry có thói quen ăn bữa trưa ở một quán nọ tai Paris ; ông ta làm thinh khi người hầu bàn dọn ăn cho. Không khen chê gì cả và lần nào cũng thưởng một số tiền hậu hĩ. Valéry một hôm lại cùng ăn với ông và khi đi, mỉm cười cảm ơn người hầu bàn, khen rằng nhờ cách tiếp đãi niềm nở, khéo léo mà bữa ăn ngon hơn nhiều. Người hầu bàn đó nhớ hoài Valéry và cứ thỉnh thoảng lại hỏi thăm ông.

Ông giám đốc một nhà xuất bản nọ thường khen tài năng của cô thư ký Một hôm, nhà văn Arnold Bennett lại thăm ông ta, nói với cô thư ký:

– Ông chủ của cô khen cô là một thư ký tuyệt luân.

Cô ta đáp:

– Đâu phải là bí quyết của tôi, chính là bí quyết của ông chủ tôi đấy chứ.

Mỗi lần cô làm xong một việc gì dù là nhỏ nhặt tới đâu đi nữa, ông giám đốc cũng không quên cảm ơn cô. Nhờ được khuyến khích như vậy, cô tận tụy làm cho đến nơi đến chốn.

Không có gì làm cho đời sống – của chúng ta và của người khác – vui tươi rực rỡ hơn là lòng biết ơn.

 

4

Tôi biết một y sĩ cho một số bệnh nhân thần kinh suy nhược cái toa nầy: “đa tạ”. Khi một bệnh nhân tới nhờ ông chẩn mạch, có vẻ thất vọng, chán đời, óc chỉ nghĩ tới những đau khổ của mình thôi, mà cơ thể không có triệu chứng gì đau nặng cả thì ông ta khuyên:

– Liên tiếp sáu tuần lễ, hễ có ai giúp ông một việc gì thì ông nói: “đa tạ”, và để tỏ rằng trong thâm tâm thực tình ông mang ơn người đó thì ông nên vừa nói vừa mỉm cười nhé.

Có vài bệnh nhân bảo:

– Nhưng thưa bác sĩ, có ai giúp tôi được việc nào bao giờ đâu.

Vị y sĩ già đó, nhắc lại câu này trong Thánh kinh:

– Cứ tìm đi thì sẽ thấy.

Sáu tuần lễ sau, đa số bệnh nhân đó trở lại, thay đổi hẳn, không oán trách người khác nữa, tin rằng thiên hạ sao mà tự nhiên hóa ra tốt hơn, nhân từ hơn.

Có vài người không tỏ lời cảm ơn vì ngại quấy rầy người ta. Một bệnh nhân của tôi hết bệnh, rời dưỡng đường rồi, vài tuần sau trở lại để cảm ơn nữ y tá đã săn sóc cho mình.

Ông ta bảo:

– Tôi không dám tới sớm vì tôi nghĩ rằng có nhiều người lại cảm ơn cô quá, làm rầy cô.

Nữ y tá đó đáp:

– Trái lại. Ông lại thăm tôi, tôi mừng lắm chứ. Rất ít người hiểu rằng chúng tôi cần được khuyến khích, và những lời bệnh nhân khuyến khích chúng tôi làm cho chúng tôi phấn khởi nhiều lắm.

 

5

Vậy chúng ta đừng bao giờ nên ngại tỏ lời mang ơn người khácVì chúng ta đừng quên rằng nụ cười, lời cảm ơn,những hành động biểu lộ lòng mang ơn của ta giúp cho người chung quanh ta có một thái độ lạc quan về đời sống.

 

A. J. Cronin

(Trong Ý CAO TÌNH ĐẸP do NGUYỄN HIẾN LÊ tuyển dịch)

 

______________

(1) Người phương Tây bữa trưa thường ăn ở tiệm, tối mới về nhà

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay