CHÂN PHÚC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, MỘT NGƯỜI CẦU NGUYỆN

CHÂN PHÚC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, MỘT NGƯỜI CẦU NGUYỆN

22-10-2012                    nguồn: Vietvatican.net

Ngày 31-10-2007, vọng lễ Các Thánh Nam Nữ, nhà xuất bản Fayard bên Pháp phát hành tác phẩm ”J’ai senti battre le coeur du monde” (Tôi cảm nhận nhịp tim đập của thế giới). Cuốn sách là thành quả các trao đổi chuyện trò giữa ký giả Bernard
Lecomte và Đức Hồng Y Roger Etchegaray, người Pháp. Năm ấy Đức Hồng Y 85 tuổi và là Phó Niên Trưởng Hồng Y Đoàn. Xin trích một đoạn ngắn Đức Hồng Y nói về Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1978-2005): một người cầu nguyện (unhomme de prière).

(Đôi hàng giới thiệu về Đức Hồng Y Roger Etchegaray).

Đức Hồng Y Roger Etchegaray chào đời ngày 25-9-1922 tại Espelette thuộc
miền Pyrénées-Atlantiques ở miền Nam nước Pháp, giáp giới với nước Tây Ban Nha.
Thụ phong Linh Mục ngày 13-7-1947, 12 năm sau, Cha Roger được Đức Giáo Hoàng
Phaolô VI (1963-1978) chỉ định làm Giám Mục phụ tá Tổng Giáo Phận Paris. Vỏn
vẹn một năm sau – 1970 – Đức Cha Roger Etchegaray lại được thuyên chuyển về
Tổng Giáo Phận Marseille. Năm 1979 ngài được vinh thăng Hồng Y và 5 năm sau,
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đưa ngài về Roma trao phó nhiệm vụ Chủ Tịch Hội
Đồng Tòa Thánh Công Lý Hòa Bình và COR UNUM Đồng Tâm. Đức Hồng Y Roger Etchegaray chu toàn nghĩa vụ này trong vòng 14 năm từ 1984-1998. Sau đó Đức Hồng Y Roger Etchegaray lại được chỉ định làm Chủ Tịch Ủy Ban Đại Năm Thánh 2000. Có thể nói
trong vòng 20 năm trời (1984-2005) Đức Hồng Y Roger Etchegaray đã sát cánh bên
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cử làm đặc
sứ trong những chức vụ tế nhị vào những thời điểm thảm khốc nhất của vận mệnh
thế giới và của Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ. Đức Hồng Y đã đi đến các vùng có
chiến tranh hoặc xung đột sôi sục khói lửa hận thù như Kosovo, Cuba, Messico,
Haiti, Rwanda, Irak, Trung Quốc và Việt Nam.

Riêng Việt Nam, Đức Hồng Y Roger Etchegaray đã đến đây 3 lần. Lần đầu tiên từ
ngày mồng 1 đến 13-7-1989. Đức Hồng Y viếng thăm Giáo Hội Công Giáo Việt Nam
theo lời mời của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Lần thứ hai – với tư cách đặc sứ
của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II – Đức Hồng Y Roger đến Hà Nội chủ sự Thánh Lễ
an táng Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn (1921-1990) ngày 23-5-1990. Lần
thứ ba, Đức Hồng Y Roger Etchegaray dẫn đầu Phái Đoàn Tòa Thánh chính thức
viếng thăm và thảo luận với các cơ quan chức trách của chính phủ Việt Nam. Cuộc
viếng thăm kéo dài từ ngày mùng 5 đến 14-11-1990.

Xin nhường lời cho Đức Hồng Y Roger Etchegaray nói về Đức Chân Phúc Giáo
Hoàng Gioan Phaolô II.

Vị Giáo Hoàng có ngôn từ cao cả, có cử điệu rộng rãi phong phú ấy trước tiên là
một con người cầu nguyện. Tôi trải qua thời gian 20 năm làm việc cho Đức Giáo
Hoàng và bên cạnh Đức Giáo Hoàng. Nhưng chúng tôi không bao giờ tiến sâu vào
chỗ thân mật, có lẽ do cá tính khác biệt giữa hai chúng tôi. Đức Giáo Hoàng
người Ba Lan trong khi tôi người vùng Basque.

Không bao giờ ngài trao cho tôi những chỉ thị rõ ràng có tính chất bắt buộc
trước mỗi khi tôi lên đường thi hành một nhiệm vụ do ngài sai đi tại một vùng
đất này hay nơi một xứ sở kia ở tận cùng bờ cõi trái đất. Ngài hoàn toàn tin
tưởng nơi tôi. Hay nói đúng hơn, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II luôn luôn đặt
trọn niềm tin tưởng nơi THIÊN CHÚA .. Đây cũng là điểm nổi bật nhất nơi con
người Đức Gioan Phaolô II khiến cho tất cả các cộng tác viên thân cận nhất của
ngài phải ngỡ ngàng thán phục.

Vị Giáo Hoàng từng quyến dũ giới truyền thông bằng nhân cách ”trung gian”, vị
Mục Tử có ngôn từ cao cả, có cử điệu phong phú dồi dào, lại là con người – trước
hết và trên hết – của cầu nguyện. Từ sáng tinh sương đến tối khuya của ngày
tàn, Đức Gioan Phaolô II không bao giờ ngừng cầu nguyện.

Chính ký giả André Frossard (1915-1995) – nếu tôi nhớ không lầm – từng ví Đức
Giáo Hoàng Gioan Phaolô II với một khối cầu nguyện (bloc de prière) sau một lần
ông được diễm phúc tham dự Thánh Lễ do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cử hành
nơi nhà nguyện riêng ở nội thành Vatican.

Tất cả những ai từng cộng tác, từng làm việc chung với Đức Thánh Cha Gioan
Phaolô II, cũng như tất cả những ai từng tháp tùng ngài trong các chuyến công
du mục vụ đều ngạc nhiên thán phục trước khả năng của Đức Giáo Hoàng – ở bất cứ
nơi đâu trong bất cứ hoàn cảnh và trạng huống nào – cũng đều có thể tách rời
khỏi mọi ồn ào huyên náo bên ngoài để lắng đọng vào bên trong và cầu nguyện.
Chính vì lý do này mà đôi lúc Đức Gioan Phaolô II gieo rắc hoảng hốt lo âu cho
những người có trách nhiệm tổ chức các chuyến công du, khi thấy Đức Thánh Cha
Gioan Phaolô II đắm mình trong cuộc chuyện trò thân mật với Đấng Cứu Thế, mặc
cho sự chậm trễ của chương trình đã được hoạch định tỉ mỉ trước từng giây từng
phút!

Tôi còn nhớ trong chuyến Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viếng thăm nước Pháp
lần thứ 5 vào năm 1996 từ ngày 19 đến 22 tháng 9, với trạm dừng đầu tiên là thành
phố Tours. Trong Tu Viện nơi chúng tôi trú ngụ, tôi tình cờ bắt gặp Đức Gioan
Phaolô II, vào sáng sớm thứ sáu 20-9-1996, đang một mình gẫm Đàng Thánh Giá
trong nhà nguyện. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II không bao giờ bỏ qua một ngày
thứ sáu nào mà không Đi Đàng Thánh Giá – dù cho ngài ở bất cứ nơi đâu.

Mỗi khi di chuyển bằng máy bay, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II luôn luôn cầm
tràng hạt Mân Côi trong tay và ngoài những nghi thức ngoại giao ngài bắt buộc
phải chu toàn, hoặc phải trả lời các cuộc phỏng vấn của các ký giả quốc tế tháp
tùng chuyến công du mục vụ mà ngài luôn luôn nhã nhặn thi hành, ngoài tất cả
các việc này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lại đắm mình trong kinh nguyện.
Ngài không bao giờ nhìn qua khung cửa sổ máy bay để chiêm ngắm cảnh vật. Không
bao giờ. Ngài chỉ thinh lặng cầu nguyện cho đến khi máy bay đáp xuống phi đạo
của đất nước ngài sắp viếng thăm.

… Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Lạy Ba Ngôi Chí Thánh,

chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho Giáo Hội

Đức Chân Phúc Gioan Phaolô II

và biểu dương nơi người

lòng ưu ái của tình phụ tử Chúa,

vinh quang Thánh Giá của Đức KITÔ

và sự huy hoàng của Thánh Thần Tình Yêu.

Khi hoàn toàn phó thác

nơi lòng thương xót vô biên của Chúa

và nơi sự chuyển cầu từ mẫu của Đức Mẹ MARIA

người đã cho chúng con một hình ảnh sống động của Đức GIÊSU

Đấng Chăn Chiên Nhân Lành

và đã chỉ cho chúng con đường nên thánh

như chiều kích thanh cao

của đời sống kitô thường ngày

là con đường duy nhất đạt tới

niềm hiệp thông vĩnh cửu với Chúa.

Nhờ lời chuyển cầu của người,

xin Chúa ban cho chúng con,

tùy theo thánh ý Chúa,

ơn chúng con van nài,

trong niềm hy vọng mãnh liệt

người sẽ sớm được nâng lên hàng Các Thánh của Giáo Hội.

Amen.

(”Pèlerin”, L’Hebdo du Quotidien, n.6518, Jeudi 1er Novembre 2007, trang
32-39)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay