Ngày 17 tháng 1 THÁNH AN-TÔN Viện phụ

Ngày 17 tháng 1 THÁNH AN-TÔN Viện phụ

Trang Chủ » Hạnh Các Thánh » Ngày 17 tháng 1 THÁNH AN-TÔN Viện phụ

* Gương Thánh Nhân:

Sinh năm 251 tại Cai Rô, miền thượng Ai Cập, thánh An tôn là con một gia đình giàu có, đạo đức, Ngay từ nhỏ, thánh nhân đã được cha mẹ dạy dỗ sống đời đức hạnh. Khi lên 18 tuổi thì cha mẹ ngài qua đời, để lại một gia tài to lớn.

Một hôm, ở thánh đường, thánh nhân nghe đọc lời kinh thánh: ” Nếu con muốn nên trọn lành hãy về bán hết của cải mà phân phát cho người nghèo khó rồi theo Ta”. ( Mt .19,21). Ngài nghĩ là lời đó Chúa muốn nói với mình, nên về bán hết gia tài cha mẹ để lại, phân phát cho người nghèo, chỉ để lại chút ít cho người em gái, rồi vào sa mạc ăn chay, hãm mình, cầu nguyện và làm việc cực nhọc hằng ngày để sinh sống. Thánh A-ta-na-xi-ô đã viết về ngài: ” Anh tự làm lấy mà ăn vì anh đã nghe nói rằng: Ai không làm thì đừng có ăn. Tiền làm ra, anh đem mua bánh ăn một phần; phần còn dư lại, anh phát cho kẻ nghèo.

Anh cầu nguyện liên lỉ, vì anh nghe nói phải cầu nguyện riêng không ngừng. Anh chăm chỉ đọc sách đến nỗi không để rơi lời Kinh Thánh nào, nhưng nhớ hết, đến nỗi sau này anh có thể dùng trí nhớ thay cho sách vở. Mọi người trong làng, mọi kẻ hẳn hoi đến thăm anh. Thấy anh sống như vậy, họ gọi anh là bạn của Chúa. Người thì yêu anh như con cái, kẻ lại thương anh như anh em”

Mặc dầu sống giữa sa mạc hoang vu hiu quạnh, thánh nhân luôn bị ma quỷ cám dỗ. Chúng cám dỗ ngài về những ham mê xác thịt, tiền của, danh vọng, nhất là bỏ đời tu luyện khắc khổ mà trở về thế gian. Nhưng chúng càng cám dỗ dữ dội chừng nào, ngài càng tăng gia ăn chay cầu nguyện nhiều chừng nấy. Và nhờ ơn Chúa ngài luôn luôn chiến thắng . Dầu vậy, thánh nhân cũng phải rời sa mạc hai lần. Lần thứ nhất vào năm 311, do cuộc bắt đạo của A-la-xi-mô-nô. Ngài đi khích lệ các tù nhân và khuyến khích mọi người trung thành làm chứng cho Chúa. Lần thứ hai ngài rời sa mạc trở lại thành A-lê- xăn-tri, để phụ giúp Đức Giám mục A- na-ta-xi-ô chống lại lạc giáo. Ngài rảo khắp thành thị làng mạc, rao giảng kêu gọi mọi người trung thành sống theo giáo huấn của Hội thánh. Đi tới đâu, dân chúng cũng tuôn đến nghe ngài, vì ngài giảng rất hùng hồn thông suốt, khiến nhiều người lầm lạc ăn năn hoán cải. Còn những kẻ đạo đức trí thức thì hết sức ngạc nhiên về tài trí thông minh của ngài. Họ không ngờ ngài sống trong sa mạc, thiếu liên lạc tiếp xúc với các nền văn hoá cũng như không có sách vở học hỏi mà thấu suốt hết mọi vấn đề, nhất là về phương diện thiêng liêng nhân đức. Họ không biết rằng ngài đã học biết Chúa nhiều hơn qua các cảnh vật thiên nhiên do Thiên Chúa tạo dựng. Đối với người có đức tin và lòng sốt mến, thiên nhiên là cuốn sách vĩ đại giúp họ nhìn biết Thiên Chúa và các tài năng, đức tính của Người.

Sau khi giúp Đức Giám mục giải quyết lạc giáo xong, thánh nhân trở lại đời sống ẩn dật, khắc khổ nơi sa mạc. Từ đó, nhân đức thánh thiện của ngài vang dội khắp nơi. Nhiều người đạo đức đến xin làm môn đệ ngài. Thế là nhờ Thánh An tôn mà phong trào ẩn tu đã phát triển mạnh mẽ. Và nhiều người đã nên thánh nhờ lời giáo huấn và gương sáng đời sống của ngài. Lúc đó, ngài đã gần 100 tuổi. Ngài biết sắp từ giã cõi trần, nên hằng ngày lo dọn mình trở về cùng Chúa. Ngài qua đời năm 356, hưởng thọ 105 tuổi.

* Quyết tâm: Noi gương thánh An-tôn, sẵn lòng từ bỏ mọi sự giàu sang, vui sướng ở đời, sống âm thầm thân mật với Chúa trong việc ăn chay cầu nguyện hằng ngày, hầu đủ sức chống trả mọi chước cám dỗ của ma quỷ, xác thịt, thế gian.

* Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh An-tôn viện phụ sống một đời phi thường trong sa mạc để phụng sự Chúa. Xin Chúa nhậm lời người nguyện giúp cầu thay, mà cho chúng con biết quên mình, để một niềm yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

GPVL

Ngày 17 tháng 01   

THÁNH ANTÔN ẨN TU
          (521-357)

Đời sống thánh Antôn là tấm gương chiến đấu liên lỉ và can đảm với thù tặc Satan, xứng đáng cho mọi người công giáo noi theo.

Antôn chào đời vào năm 251, tại làng Cosma thơ mộng, một làng đẹp nhất miền Ai Cập thượng. Cha mẹ ngài thuộc dòng tộc quý phái; lại giầu lòng đạo đức. Cả hai kiên tâm giáo hoá con cái về học vấn lẫn tu đức. Mà vì nền giáo dục quá nghiêm khắc, cậu Antôn ít được ra khỏi nhà hay chơi đùa với các bạn đồng tuổi. Suốt đời niên thiếu hầu như cậu chỉ biết có dinh thự gia đình và nhà nguyện của làng.

Năm 18 tuổi, sau khi cha mẹ từ trần, Antôn ở với em gái. Hai anh em theo gương cha mẹ, hết lòng yêu thương nhau, và giúp nhau sống đạo đức. Cũng vào kỳ này, Antôn nghĩ nhiều đến việc dâng mình cho Chúa. Một hôm đi dự lễ, Antôn nghe đọc lời Phúc Âm Chúa phán với người giầu có: “Nếu con muốn nên trọn lành, con hãy trở về bán hết gia tài, đem tiền cho kẻ khó rồi đến đây theo Cha, con sẽ được kho tàng trên trời”. Tưởng như Chúa nói với mình, Antôn nhất định áp dụng đến triệt để, và nhất quyết theo Chúa. Thánh nhân về nhà chia vườn đất cho người nghèo trong làng, bán đồ đạc lấy tiền bố thí cho người túng bấn. Ban đầu ngài còn để lại chút ít lấy cái độ thân và nuôi em, nhưng khi suy đến lời Chúa: “Con đừng bận tâm đến ngày mai”. Ngài lại đem bán tất cả những cái còn lại lấy tiền cho kẻ khó. Xong việc, ngài dâng cô em vào một cộng đồng Trinh nữ, và quyết chí bỏ thế gian.

Thời ấy ở Ai Cập chưa có mấy nhà dòng sống kiểu cộng đồng, vì những nhà đầu tiên đã bị phân tán trước ngọn gió bách hại. Đàng khác, đời sống ẩn tu dường như ít ai nghĩ đến. Sau nhiều ngày lang thang, Antôn tình cờ gặp một vị ẩn sĩ tuổi tác, Antôn liền xin dựng lều gần ông để tập sống đời ẩn tu. Đầu tiên vị ẩn sĩ trẻ tuổi này phân phối thời gian để học Thánh kinh, cầu nguyện và làm việc tay chân hầu phát triển cả thể xác lẫn tinh thần. Ngài không quên tìm cách ăn chay hãm mình, và dành thời giờ viếng thăm các đồng bạn chung quanh. Với ơn Chúa và thiện chí, không bao lâu ẩn sĩ trẻ tuổi ấy đã nên gương mẫu cho anh em cùng lý tưởng. Cảm phục nhân đức và đời sống khắc khổ của Antôn, các tu sĩ đã tặng người một tên đệm: “Đêicôla” nghĩa là kẻ thờ phượng Chúa.

Ngài đã chiến đấu, nhưng từ nay ngài càng phải chiến đấu hơn nữa với trăm ngàn cám dỗ của Satan. Chúng chịu làm sao được khi nhìn thấy tâm hồn thánh thiện của đầy tớ Thiên Chúa. Nhất nữa vì thánh nhân là người đã phát động phong trào tu hành phồn thịnh tại Ai Cập; Palestina và Arập. Sức chiến đấu can đảm của thánh nhân trong 25 năm trời, chứng minh đầy đủ câu châm ngôn: “Chúa không bao giờ để chúng ta bị cám dỗ quá sức chúng ta”.

Quả vậy, ma quỷ dùng chiến lược tấn công ngài như xưa chúng đã tấn công Chúa. Chiến lược thứ nhất chúng dùng vinh hoa thế gian và đau khổ đời tu hành. Chiến lược thứ hai là lạc thú tình dục với mọi hình thức khêu gợi. Và chiến lược thứ ba là lòng kiêu ngạo, coi mình như đã vượt mức thánh thiện. Và đây là chiến thuật đối phó của thánh nhân. Sẵn sàng nghênh chiến với Satan bằng tinh thần suy niệm và cầu nguyện liên lỉ, bằng hy sinh và đánh tội. Chính vì thế, ngài cầu nguyện và đọc sách thâu đêm, ăn chay đánh tội hằng ngày. Mỗi ngày ngài chỉ ăn một tấm bánh nhỏ với muối và nước lạnh sau khi mặt trời đã lặn. Chiến đấu với cám dỗ này thánh nhân lại chuẩn bị chống lại mưu độc khác.

Chưa lấy thế làm đủ, thánh Antôn còn muốn sống đời khổ hạnh hơn: ngài bỏ lều, xuống một hầm kín và chật chội. Không muốn một ai viếng thăm, trừ một thầy bạn, thỉnh thoảng tiếp tế đồ ăn cho ngài. Thánh nhân trốn xa người thế nhưng không thoát khỏi quyến rũ, hành hạ của Satan. Quả thế, trong hầm tối tăm này, thánh nhân có khi phải nhức óc vì những tiếng gầm thét, tru tréo của Satan mặc hình thức thú vật hoặc phải chết lử vì những trận đòn hung ác. Nhưng thánh Antôn vẫn kiên tâm, vì tin rằng Chúa hằng ở với ngài. Lần kia, sau trận đòn nhừ tử, thánh nhân tỉnh dậy thưa với Chúa: “ Lạy Chúa, vừa rồi Chúa ở đâu. Tại sao Chúa không giúp con ngay phút đầu?”. Lập tức có tiếng phán: “Cha vẫn ở đây, để chứng kiến con chiến đấu. Cha thấy con chiến đấu dũng cảm lắm, con hãy tin vào Cha, Cha sẵn sàng tiếp ứng con!”

Năm 35 tuổi, thánh nhân muốn rút lui vào hẳn sa mạc, với một số lương thực vừa đủ sáu tháng. Không một chút do dự trước những khối bạc lượng vàng ma quỉ bầy ra để quyến rũ, thánh nhân băng qua sông Nil, trèo lên một ngọn núi cao gần Atphite Ngài ở đó suốt 20 năm, không tiếp đón ai, trừ mấy người bạn hằng năm hai lần đem của ăn tới cho ngài.

Nhưng “hữu xạ tự nhiên hương”, dù thánh Antôn có ý tránh xa thế tục, thì hương thơm nhân đức lại lôi kéo nhiều khách thập phương đến thăm ngài. Ban đầu thánh nhân còn tìm lẽ nọ bầy kế kia để thoái thác, nhưng được ít lâu vì số người đến mỗi ngày một đông, lại nhất định tìm mọi cách để gặp mặt, nên thánh Antôn buộc lòng phải ra đón tiếp họ. Mục đích đoàn khách thập phương là đến thăm viếng và xin ngài dậy đường nhân đức. Và ngài cứ ở đây đón tiếp họ cho đến năm 305 mới nhận rõ ý Chúa là muốn ngài bỏ đời ẩn tu, đi lập các tu viện. Ngài lập nhiều tu viện, thu nhận nhiều môn đệ. Hằng năm ngài lần lượt đi thăm các cộng đồng tu sĩ và huấn dụ về đời sống thiêng liêng. Ngài theo kinh nghiệm bản thân, bầy tỏ cho các tu sĩ những mưu mô xảo quyệt của Satan. Và, theo ngài, khí giới chiến đấu hữu hiệu hơn cả là cầu nguyện, ăn chay, làm dấu thánh giá và thái độ coi khinh chúng.

Thêm vào đời sống tu hành khắc khổ, thánh Antôn còn mong mỏi được phúc tử đạo. Vậy năm 327, khi được tin Hoàng đế Maximinô Daia ra chỉ bách hại công giáo, và tại Alexanđria sắp có cuộc xử tử một số tín hữu kiên trung, thánh nhân liền nhất định xuống khích lệ anh em đồng đạo và mong được cùng chết vì Chúa Kitô. Vì thế, ngài cùng với một số tu sĩ xuôi dòng sông Nil, đáp thuyền vào tận thành phố. Rồi ngài ngang nhiên tiến thẳng vào toà án, khuyến khích tín hữu giữ vững đức tin, không kể gì đến các quan và dân ngoại. Ngài can đảm sống gần các vị tử đạo cho đến phút cuối cùng trên đấu trường. Nhưng ý Chúa không muốn ban cho thánh Antôn triều thiên tử đạo, Chúa muốn ngài thành một tấm gương can đảm chiến đấu và cầu nguyện ăn chay cho đại gia đình tu trì. Tuy nhiên thánh nhân vẫn lưu lại đô thị cho đến khi ngọn lửa bách hại tắt hẳn mới trở gót về cộng đồng tu sĩ.

Và từ đấy cho đến cuối đời, thánh Antôn không được sống an tịnh như ý muốn. Ngài dựng lều trên sườn núi Gôtzin (Gokzin) và suốt ngày tiếp đón mọi thứ người: các tu sĩ, các tín hữu và cả lương dân. Năm 342, ngài đến thăm thánh Phaolô Thêbê và tận tình giúp đỡ trong an táng thánh Phaolô. Bấy giờ tiếng khôn ngoan và nhân đức thánh Antôn vang lừng khắp kinh thành nên đã được thánh tổ phụ Athanasiô mời về thành để cùng chung lực chống lại các tà giáo, nhất là bè rối Ariô. Cũng thời này, thánh Antôn được Chúa cho phép làm phép lạ: Ngài chữa nhiều bệnh nhân, trừ người bị quỷ ám và biết trước số phận nhiều linh hồn bên kia thế giới. Ngoài ra, thánh Antôn còn được ơn nói tiên tri như lời thánh tổ phụ Gioan Christon làm chứng.

Sống được 105 tuổi, thánh Antôn biết mình kiệt sức và giờ về thiên quốc sắp tới, ngài liền hội các tu sĩ lại quanh giường, khuyên bảo lần sau cùng. Ngài cũng dậy các môn đệ đừng ướp xác và làm ma chay theo kiểu người Ai Cập. Sau cùng thánh nhân giơ tay chúc lành cho tất cả các tu sĩ và phó linh hồn trong tình yêu vô biên của Chúa ngày 17-1 năm 356.

Đến năm 561 dưới triều Hoàng đế Justiliô, người ta đem xác ngài về táng trong nhà thờ thánh Gioan Tẩy giả thành Alexanđria. Lòng sùng kính đối với thánh nhân bắt đầu từ các giáo đoàn Trung Đông và Tiểu Á. Phong trào tốt lành ấy mỗi ngày một lan rộng sang các nước Âu châu, và càng phổ cập hơn trong thế giới công giáo khi Giáo hội chính thức tôn phong ngài lên bậc Hiển thánh.

Tinmung

Anh chị Thụ & Mai gởi

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay