Không tự nhiên mà Cộng Sản tồn tại ở xứ này lâu đến vậy

Bắt đầu bằng ý tưởng giới thiệu và so sánh những tấm bảng chỉ dẫn 51 tiểu bang của Hoa Kỳ do một bạn đăng tải trên mạng xã hội. Sau đó hàng loạt Facebooker đăng lại, cuối cùng báo Tuổi Trẻ cũng có một bài để nói về sự xa xỉ của Việt Nam qua hàng triệu cái cổng chào tiền tỉ.

Khắp nơi trên mảnh đất đau thương này, từ phố thị cho đến những bản làng xa xôi, người ta dễ dàng bắt gặp những cái cổng làng bề thế có giá trị lên đến nhiều tỉ đồng. Càng ra phía Bắc, độ hoành tráng càng cao. 

Hồi đó ghé nhà thằng đệ ở một thôn nghèo thuộc Bắc Miền Trung. Tui choáng với cái cổng chào nghe đâu được làm hơn 2 tỉ. Hai cái trụ to vật vả của nó nằm luôn dưới ruộng vì con đường lầy lội vào làng chỉ tầm hơn 3 mét chiều ngang. 

Bên trên nó, ngoài dòng chữ ghi Làng Văn Hoá ra thì tui không tìm thấy bất cứ tí văn hoá nào nếu xét về kiến trúc, kết cấu, lẫn tính tương quan với hạ tầng.

Hỏi thì được biết rằng một doanh nghiệp nào đó tận mãi đâu ngoài Hà Nội vô làm. Địa phương chỉ việc giao đất và kí nhận thụ hưởng cái cổng chào chành bành chướng tai gai mắt ấy. Hoá ra người ta lập dự án ở đâu đó, phê duyệt ở đâu đó, rồi rót tiền cho một doanh nghiệp nào đó đến làm. Bất chấp chuyện người dân có đồng ý hay không, bất chấp nơi được đặt cổng chào hạ tầng có những thứ cần hơn cái cổng.

Điều nguy hiểm không chỉ đến từ sự lãng phí của cái cổng chào. Nghiêm trọng hơn là ở chỗ người ta coi nó như một sự hiển nhiên. Người ta tự hào rằng làng tau có cái cổng chào to nhất xã. Và thế rồi làng nọ đấu với làng kia về cái cổng chào. Nơi có vốn ngân sách rót đã đành, nơi không có người ta thu tiền của dân để làm cho bằng được nhân danh cái gọi là “Nông Thôn Mới”. 

Những dự án mang tên xã hội hoá, nhà nước và nhân dân cùng làm. Xét cho cùng nó chỉ là một hình thức lạm thu dưới những cái tên mĩ miều nhằm ru ngủ công dân. Có thể những dự án ấy vẫn còn có nơi dân chẳng đồng tình, thế nhưng nó vẫn được làm bằng mọi giá và dân vẫn móc tiền ra trả như một sự đương nhiên.

Người Việt mình vẫn thường lãng phí ngay chính những đồng tiền từ mồ hôi nước mắt của bản thân. Không ít gia đình đi vay mượn để làm cái nhà to vật vả, và rồi sau đó còng lưng trả nợ, còng lưng lau dọn, cho tới ngày không dọn nổi nữa thì người ta để dành nuôi chuột và chứa bụi. Bạn mình nói dân Việt luôn nô lệ cho vật chất.

Không tự nhiên mà Cộng Sản tồn tại ở xứ này lâu đến vậy. Mọi việc đều có nguyên nhân của nó. Là nhờ sự tương đồng trong suy nghĩ từ tiềm thức của con người. 

Thời phong kiến các tầng lớp quý tộc đã bóp méo Nho giáo, vận dụng nó phục vụ cho mục đích cai trị. Tâm thức người dân vẫn quen với việc cam chịu và coi nó như là thước đo của một công dân mẫu mực. Chính bởi cái yếu tố ấy đã giúp cho Cộng Sản có thể cắm rễ sâu, thiết lập một triều đại phong kiến kiểu mới để bóc lột dân mình.

Khi nào nền giáo dục chưa khai phóng các giá trị con người. Khi nào công dân vẫn còn coi việc điều hành xã hội là việc chẳng liên quan gì đến bản thân. Khi nào người ta vẫn chưa biết thể hiện chính kiến của riêng mình thì khi ấy chúng ta vẫn mãi là nô lệ.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay