From facebook: Trần Bang
– Nghe chừng các quan VN muốn học tập làm theo bác… Tập? Nhưng quan trọng là người dân VN có muốn học theo mánh lới, gian dối kiểu Tàu không?
BBC: Hôm 17/11 tại phiên họp chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng TT&TT cho biết Google đã “tuân thủ” trong việc gỡ bỏ hơn 5000 video “nội dung xấu, độc hại, bôi nhọ và làm xấu danh tính của nhiều lãnh đạo Việt Nam” trên Youtube.
Còn “Facebook tỏ ra kém hợp tác hơn,” VnExpress English dẫn lời ông Tuấn.
Tuy nhiên, Google, công ty mẹ của Youtube nói chỉ mới nhận được khoảng 50 yêu cầu gỡ bỏ, và từ 2009 đến tháng 12/2016 chỉ có 5 yêu cầu từ chính quyền Việt Nam, theo báo cáo minh bạch của Google.
Cũng theo VnExpress, ông Trương Minh Tuấn cũng “phàn nàn” về Facebook với các quan chức ngoại giao Hoa Kỳ trong một cuộc họp gần đây và bộ TT&TT cũng sẽ gia tăng xử lý các hành vi vi phạm trên Facebook.
Phần lớn thị phần thương mại điện tử của nước ngoài
Cũng trong chiều 17/11, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ trích các công ty nước ngoài nẫng tay trên “trăm triệu đôla” mà không đóng thuế.
Báo Thanh tra hôm 17/11 dẫn lời ông Đam nói: “Tiền quảng cáo các công ty nước ngoài điển hình là Facebook và Youtube chiếm tới 80% thị phần. Riêng số tiền mà hai công ty Facebook và Youtube năm vừa rồi thu được là 320 triệu đô la. Thời gian tới chúng ta phải có thái độ kiên quyết hơn với những vấn này”
Dẫn lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, báo này viết ở Việt Nam, “mạng xã hội 95% thị phần của nước ngoài; công cụ tìm kiếm 98% của nước ngoài; thương mại điện tử 80% của công ty nước ngoài…”
“Google có chính sách chia sẻ doanh thu cho người sản xuất nội dung nên các phần tử chống đối, thế lực thù địch lợi dụng người dân vì hám lợi tham gia sản xuất, đăng tải clip phản động lên mạng, coi đó là việc làm nhẹ nhàng thu nhập cao,” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói theo báo Thanh tra.
Theo báo cáo năm 2017 của Freedom House, Việt Nam vẫn nằm trong những nước không có tự do internet
Xây dựng thương hiệu Việt thay thếGoogle, Facebook
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn bày bỏ “tham vọng xây dựng thương hiệu cạnh tranh” với Google và Facebook.
Ông dẫn chứng một số quốc gia đã thành công trong việc này như Trung Quốc, vốn có mạng xã hội Weibo thống lĩnh thị trường nội địa và Nga, quốc gia có công cụ tìm kiếm riêng, Yandex.
Ông cũng đề cập đến một số trang mạng xã hội Việt Nam như Bamboo, Zalo, Zingme, vốn không cạnh tranh thành công đối với Facebook.
Ông Tuấn đề nghị “thí điểm triển khai một số cơ chế chính sách, với điều kiện ưu tiên đồng bộ cả thuế, tài chính, giảm thủ tục hành chính, có chính sách ưu tiên đặc biệt để quản lý thông tin hỗ trợ” các doanh nghiệp Việt Nam phát triển.
Theo báo cáo mới nhất của tổ chức Freedom House, Nga, Trung Quốc và Việt Nam đều nằm trong những nước bị đánh giá “không có tự do Internet”.