Giỗ 100 năm Hàn Mặc Tử:Có Chở Trăng Về Kịp Tối Nay ?


Giỗ 100 năm Hàn Mặc Tử:Có Chở  Trăng Về Kịp Tối Nay ?

LM. Giuse Trương Đình Hiền

9/20/2012                             nguồn: Vietcatholic.net

(Bài chia sẻ trong thánh lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhật thi sĩ Hàn Mặc Tử )
(22/11/1912 – 22/11/2012)
Kính thưa cộng đoàn Phụng Vụ,
Trong bầu khí ấm cúng, thân thương của Bàn Tiệc Thánh Thể hôm nay, thánh lễ
dành kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thi sĩ Hàn Mặc Tử, một nhà thơ Công Giáo,
một vì sao chói lọi trên vòm trời thi ca Việt Nam thế kỷ 20, quả thật chúng
ta thấy gần gũi dường nào và ấm cũng biết bao:
– Ấm cúng với nhau, bên nhau trong niềm tin phục sinh – cõi vĩnh hằng và
trong đồng cảm văn hóa, văn hóa của thi ca mà người đón mời và nối kết hôm
nay – thi sĩ Hàn Mặc Tử, đang hiện diện cách vô hình.
– Gần gũi với cõi thiêng liêng, với Đấng Thiên Chúa yêu thương và toàn năng,
một sự gần gũi mà hình như chỉ có ngôn ngữ thi ca của Hàn Mặc Tử mới diễn đạt
cách tài tình và sống động:
Cả trời bỗng tiêu diêu như báu vỡ:

Nên tiếng vang thầm dội đến thâm tâm,
Mà ta ngỡ đấng tiên tri muôn thuở

Giữa đêm nay còn đứng giảng Phúc Âm. (Nguồn Thơm)
Hôm nay chúng ta tưởng niệm một người đã khuất nhưng trong một “bàn tiệc
của sự sống”; niềm tin đã nối kết kẻ sống và người đã ra đi trong niềm
hoan vui đoàn tụ và hy vọng phục sinh. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất chí lý
khi diễn tả cảm nhận nầy trong ca khúc “Nối vòng tay lớn”:
“Người chết nối linh thiêng vào đời và nụ cười nở trên môi”. Tôi
tin chắc rằng, nếu thi sĩ Hàn Mặc Tử mà sống lại và hiện diện như chúng ta và
với chúng ta trong bối cảnh nầy, chắc anh đã có một bài thơ khác về cái chết,
về sự sống bên kia sẽ đầy hy vọng, tươi sáng hơn những bài thơ mà anh đã sáng
tác khi liên tưởng tới cái chết của chính mình, một sự hiện hữu của thế giới
bên kia mà anh cảm nhận quá ư cô đơn, đen tối, lạnh lùng:
Tôi vẫn còn đây hay ở đâu ?

Ai đem tôi bỏ dưới sông sâu ?
Sao bông phượng nở trong màu huyết ?
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu ? (Những Giọt Lệ)

Hoặc:
Rồi hồn ngắm tử thi hồn tan rã,

Bốc thành âm khí loãng nguyệt cầu xa.
Hồn mất xác, hồn sẽ cười nghiêng ngả,
Và kêu rêu thảm thiết khắp bao la. .. (Hồn lìa khỏi xác)

Hoặc:
Một mai kia ở bên khe nước ngọc

Với sao sương Anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn Anh và rửa vết thương tâm (Duyên kỳ ngộ)

Mà quả thật, hôm nay, trên cõi vĩnh hằng, chắc chắn anh đã cảm nhận khác rồi.
Đặc biệt hôm nay, và trong suốt bao tháng năm qua, tưởng nhớ đến anh không
chỉ là “bông phượng nở trong màu huyết” để “Nhỏ xuống lòng tôi
những giọt châu”, hay để “nàng tiên mô đến khóc ” và hôn Anh
và rửa vết thương tâm”. ..mà như nhận xét của Kiều Văn:
“Hơn nửa thế kỷ qua, không thể đếm xuể những con người thuộc mọi tầng lớp,
mọi trình độ, đã nghiêng mình kính cẩn trước anh linh Hàn Mặc Tử, không thể
đong được những dòng lệ mà người đời đã nhỏ xuống khóc người thi sĩ tài hoa
bạc mệnh ấy”
(Trích trong bài khảo luận: “Hàn Mặc Tử Anh là ai
? của Hoàng Vũ Thuật)
Nhưng cho dù anh thế nào và nhiều người ở đây đã biết về anh ra sao, thì
trong ngày kỷ niệm 100 năm anh mở mắt chào đời, 100 năm anh được Thượng Đế
trao ban cuộc sống làm người và làm con Thiên Chúa, chúng ta cũng phải một
lần sơ lượt cuộc đời và sự nghiệp của anh, như nghĩa cử “đập cổ kính ra
tìm lấy bóng”, một cái bóng vĩ đại trên thi đàn Việt Nam và trong vườn
thơ Công Giáo.
Hàn Mạc Tử hay Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí. Sinh ngày 22.9.1912
tại làng Lệ Mỹ, tổng Võ Xá, huyện Phong Lộc (nay là Đồng Hới), tỉnh Quảng
Bình. Được rửa tội ngày 25.9.1912 tại nhà thờ Tam Tòa với tên thánh Phanxicô
Assisi và 21 năm sau – 1933 – chịu phép Thêm Sức tại nhà thờ Chính Tòa Qui
Nhơn với tên thánh là Phanxicô Xavie. Thân phụ và thân mẫu của thi sĩ là Vinh
Sơn Phaolô Nguyễn Văn Toản và Maria Nguyễn thị Duy.
Nhà thơ Hàn Mạc Tử là người con thứ tư trong một gia đình có 8 anh chị em:
anh trai là Nguyễn Bá Nhân, hai chị là Nguyễn Thị Như Nghĩa, Nguyễn Thị Như
Lễ và bốn em trai là Nguyễn Bá Tín, Nguyễn Bá Hiếu, Nguyễn Văn Hiền, Nguyễn
Văn Thảo. Vì là một nhà nho học, ông Nguyễn Văn Toản đã chọn Ngũ Thường
(Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí Tín) của Ðức Khổng Tử để đặt tên cho các con với ước
mong chúng sẽ bước theo vết chân của các bậc thánh hiền.
Do hoàn cảnh gia đình, thi sĩ phải di cư và sống nhiều nơi: Sa Kỳ Quảng Ngãi
(1924-1926), Qui Nhơn (1926-1928), Học Pellerin ở Huế (1928-1930), làm công
chức ở Qui Nhơn (1930-1933), sống và viết báo tại Sài Gòn (1934-1936), về lại
Qui Nhơn và tạm trú nhiều nơi khi trỗ bệnh hiểm nghèo (1937-1940). Ngày
20.09.1940 nhập trai phong Qui Hòa với số hiệu bệnh nhân 1134 để được các nữ
tu dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ chăm sóc.
Sau 52 ngày được các nữ tu, đặc biệt sơ Julienne và Mẹ Nhất Maria Juetta, tận
tình săn sóc, cùng một người bạn thân đồng bệnh đồng đạo người Huế, ông
Nguyễn Văn Xê, giúp đỡ, nhà thơ tài hoa bạc mệnh Hàn Mạc Tử đã nhẹ nhàng tắt
thở lúc 5 giờ 45 sáng ngày 11 tháng 11, 1940, hưởng dương 28 tuổi.
Sau đây là “gia tài văn hóa” của Hàn Mặc Tử:
– Lệ thanh thi tập Thơ
– Gái quê Thơ
– Nắng xuân Giai phẩm
– Đau thương Thơ
– Xuân như ý Thơ
– Thượng thanh khí Thơ
– Cẩm châu duyên Thơ
– Duyên kỳ ngộ Kịch
– Quần tiên hội Kịch
– Chơi giữa mùa trăng Thơ văn xuôi
Sau 72 năm từ khi thi sĩ qua đời (1940), đã có không biết bao nhiêu phê bình,
đánh giá, nghiên cứu, mổ xẻ. Nhà phê bình Trần Văn Lý trong tiểu luận văn học
tái bản năm 2006, đã xếp Hàn Mặc Tử là một trong 4 thi sĩ tiêu biểu đáng nhớ
nhất của thế kỷ 20.
Riêng trong lãnh vực niềm tin và thi ca nơi hàn Mặc Tử, linh mục Trần Quý
Thiện đã có những nhận xét chí lý:
“Hàn Mặc Tử, một thi nhân, một nhà thơ Công Giáo, một tâm hồn thuấn nhầm
Niềm Tin Công Giáo sâu sắc, được nuôi dưỡng bằng kinh nguyện, bằng đời sống
nội tâm phong phú thánh thiện, đã khám phá được những chiều kích mới lạ vượt
qua những niềm đau bất hạnh mà thi nhân đã trải qua. Càng đọc thi phẩm bất hủ
Ave Maria càng đưa chúng ta tới bến bờ huyền nhiệm trong thế giới vô hình.
Phải chăng qua đó, nhà thơ đã đi tiên phong trong sứ mệnh trình bày một nền
Thần học Á Châu dựa trên những suy tư và văn hóa lâu đời của Á Châu. Ðem tôn
giáo vào thơ, lấy nguồn cảm hứng thơ trong tôn giáo phải chăng Hàn Mạc Tử đã
đi đúng con đường mà sau này Tông Huấn Giáo Hội Á Châu đã trình bày. Ðây
chính là một vinh dự cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, vì có một người con đã
đóng góp và khai phá một con đường mới trong Văn Học Việt Nam”
.
Nhưng có lẽ để tóm kết những gì đặc biệt nhất, thâm sâu nhất, tuyệt vời nhất
về giá trị thi ca nơi Hàn Mặc Tử, cả đạo lẫn đời, nhiều người có thể tâm đắc
với nhận xét của thi sĩ Chế Lan Viên, người bạn và nhà thơ đồng thời với Hàn
Mặc Tử: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường,
mực thước kia biến tan đi và còn lại của cái thời kỳ này chút gì đáng kể, đó
là Hàn Mặc Tử”.
Kính thưa cộng đoàn,
Trong khung cảnh Phụng Vụ của thánh lễ tưởng niệm hôm nay, đặc biệt, qua gợi
ý của trích đoạn Tin Mừng Luca về “Dụ ngôn người gieo giống”, tôi chỉ xin
chia sẻ đôi điều về người thi sĩ mang danh “thi sĩ của đạo quân Thánh Gi
1. Hàn Mặc Tử: người đã đem hạt giống Lời Chúa, hạt giống đức tin nhập thể
vào đời bằng ngôn ngữ thi ca.
Để xác định ý nghĩa nầy chúng ta có thể đọc lại chính quan niệm của anh về
thơ:
“Đức Chúa trời tạo ra trăng, hoa, nhạc, hương là để cho người đời hưởng
thụ, nhưng người đời u mê phần nhiều không biết tận hưởng một cách say sưa,
và nhân đấy chiêm nghiệm lẽ mầu nhiệm, phép tắc của Đấng Chí tôn. Vì thế, trừ
hai loài trọng vọng là “ thiên thần” và “ loài người”, Đức Chúa Trời phải cho
ra đời một loài thứ ba nữa: “ loài thi sĩ”! Loài này là những bông hoa rất
quí và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mạng rất thiêng liêng: Phải biết tận
hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã gây nên, ca ngợi quyền
phép của Người, và trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê,
nhưng rất thơm tho tinh sạch…Cho nên tất cả thi sĩ trong đời phải qui tụ,
phải đi khơi mạch thơ ở Đức Chúa Trời. Thi sĩ không phải là một người thường.
Với một sứ mệnh của Trời thi sĩ phải biết đem cái tài năng ra ca ngợi Đấng
Chí Tôn, và làm cho người đời thấy rõ vẽ đẹp của thơ, để đua nhau nhìn nhận
và tận hưởng…”
(Thư gửi cho Trọng Miên: Quan niệm về Thơ).
Và phải chăng đó chính dòng chảy bất tận thiên thu của công trình “hội nhập
hạt giống Lời Chúa” mà ngay từ thuở hồng hoang Cựu ước, các tác giá Thánh
Kinh thể hiện với “Diễm Tình Ca”, với “Thánh Vịnh”, với những hình ảnh thơ
mộng nơi Isaia, tình tứ nơi Hô-sê hay huyền ảo, mầu nhiệm với Ê-giê-ki-en,
Đa-ni-en…
Chỉ một đôi câu trong bài thơ “Thánh Nữ Đồng Trinh”, thi sĩ Hàn Mặc Tử đã cho
chúng ta cái cảm nhận thật sống động về mầu nhiệm Nhập Thể-Giáng Sinh:
Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Gabriel,

Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ,
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú?
Người có nghe náo động cả muôn trờỉ
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời…(

Thánh Nữ Đồng Trinh)
Và đó chính cuộc gặp gỡ, giao duyên của những con người đã từng có những cảm
nhận sâu xa về đức tin, về Lời Chúa để có thể “bật ra” những diễn cảm thâm
thúy, hay ho mà lịch sử Giáo Hội đã minh chứng qua các chứng nhân như Giáo
phụ Augustinô, các nhà thần bí như Têrêsa Avila, Gioan Thánh Giá…
Riêng Hội Thánh Việt Nam, trước Hàn Mặc Tử, cũng đã có bao nhiêu con người đã
vận dụng thơ văn để chuyển tải Lời Chúa, để truyền bá đức tin mà hôm nay
chúng ta xác nhận bằng ngôn ngữ của thời đại đó là những cuộc “hội nhập văn
hóa”.
2. Hàn Mặc Tử: Người đã biến cuộc đời thành mảnh đất tốt để hạt giống đức tin
sinh hoa kết trái phong phú.
Với chỉ 28 năm trong cuộc đời tại thế mà trong đó là lao đao lận đận trong bể
khổ bến mê, thất bại trong đường tình, đớn đau vì bệnh tật. Thế nhưng, Hàn
Mặc Tử không vì thế mà để cuộc đời mình chìm đắm trong thất vọng nảo nề, thui
chột trong đầu hàng bế tắc. Anh đã sống hết mình và đã biến mình thành một “hạt
giống chịu mục nát với thời gian”, một “mảnh đất tốt để trỗ sinh nhiều hoa
trái”. Anh đã nói:
“Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng
lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của Tình Yêu. Tôi đã vui,
buồn, giận hờn đến gần đứt cả Sự Sống”. (Lời tựa của tập Thơ Điên 1938)
Trong ý nghĩa đó, quả Hàn Mặc Tử đã gia nhập những thế hệ nhân chứng mà thi
sĩ đã tự nhận đó là “đạo quân Thánh giá”:
“Đây thi sĩ của đạo quân Thánh giá,

Nửa đêm nay vùng dậy để tung hô,
Để sớt cho cả xuân xuân thiên hạ
Hương mến yêu là lộc của lời thơ”.

(Nguồn Thơm)
Kính thưa quý vị, trong bàn Tiệc Thánh Thể hôm nay, trong niềm tin vào sự
Phục Sinh của Chúa Kitô, chúng ta tin rằng, Hàn Mặc Tử đang cùng chúng ta
tham dự bàn Tiệc Tạ Ơn nầy, đang cùng nhau dâng lời ca ngợi tạ ơn Chúa, tôn
vinh Đức Mẹ Đồng Trinh, lời tôn vinh ca ngợi vượt qua không gian và thời gian
mà ngày xưa chính thi sĩ đã từng cảm nhận:
Ngọc như ý vô tri còn biết cả

Huống chi tôi là Thánh thể kết tinh
Tôi ưa nhìn Bắc Đẩu rạng bình minh,
Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giớị..
Sáng nhiều quá cho thanh âm vời vợi,
Thơm dường bao cho miệng lưỡi khong khen

. (Thánh Nữ Đồng Trinh)
Và có lẽ, nói về Hàn Mặc Tử sẽ không bao giờ ta nói hết, chia sẻ về người thi
sĩ mang tiếng “Điên” nầy sẽ không bao giờ cạn. Bởi chính anh ta cũng chỉ là
một nổi khát vọng vô bờ như hình ảnh con chim phượng hoàng bay cao, bay cao
lên mãi như lời thơ anh:
Phượng Trì! Phượng Trì!Phượng Trì! Phượng Trì!

Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu,
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu

.
Và như thế, để tưởng niệm 100 năm ngày sinh của Hàn Mặc Tử hôm nay, chúng ta
cũng chỉ như một khách sang sông mượn chiếc thuyền chở trăng về quá khứ cho
kịp tối nay:
Thuyền ai đậu bến Sông Trăng đó,

Có chở trăng về kịp tối nay?

(Đây thôn Vỹ Dạ)
Để nói với Hàn Mặc Tử rằng: Yên tâm đi thi sĩ, chúng tôi ở đây, bây giờ vẫn
dành cho anh một tình cảm đậm đà, đậm đà như tim anh đã từng rung lên khi về
thăm thôn Vỹ:
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,

Ai biết tình ai có đậm đà?

(Đây thôn Vỹ Dạ)
Và như thế, chúng ta đã sẵn sàng cùng với anh tiến dâng cuộc đời làm hy lễ.
Amen.
LM. Giuse Trương Đình Hiền
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay