Kỷ niệm hai chục năm chẵn của cuộc nổi dậy Thái Bình năm 1997, Bộ Chính trị đảng như “lên ruột” trước một cơn cuồng phong mới: Đồng Tâm 2017.
Cơn cuồng phong mới
Một hình ảnh hoàn thiện tái hiện dĩ vãng. Cũng bùng lên từ nguồn cơn giới nha lại địa phương tham nhũng đất đai, tham ô đủ thứ và nhũng nhiễu nông dân. Cũng đê vỡ toác trước con sóng trào phẫn uất vượt cả giới hạn sợ hãi của người dân. Cũng một tinh thần đoàn kết và đồng lòng, đồng tâm cao độ đến bất ngờ của nông dân, như thể một sự xúc phạm quá lớn đối với cảnh nạn phân hóa rã đám trong hệ thống chính quyền và công an trị thời nay.
Nhưng khác biệt cũng không nhỏ. Giờ đây, không còn là Quỳnh Phụ cách Hà Nội hàng trăm cây số, mà cái tên Đồng Tâm thình lình hiện ra ngay tại thủ đô, tạo dấu ấn chưa từng có kể từ thời “Hà Tây về Hà Nội”.
Hà Nội lại là ngự phủ của toàn bộ giới lãnh đạo chóp bu. Hiểm họa “Cách mạng tháng Tám” đang quá kề cổ.
Và cũng khác hẳn với quá khứ với một số lần người dân các nơi bắt giữ lẻ tẻ vài ba công an viên trong một số vụ việc bất công và bức xúc gây ra bởi chính quyền, cái tên Đồng Tâm đã tạo nên cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên người dân dám bắt giữ cả một đơn vị cấp trung đội cảnh sát cơ động của Công an Hà Nội, trong đó có cả “đồng chí Trung đoàn trưởng cảnh sát cơ động” và “đồng chí phó trưởng công an huyện Mỹ Đức mặc thường phục”.
Ở vào thế cùng kiệt về kế sinh nhai lẫn sinh mạng, nông dân chỉ còn biết hành động “người đổi người”.
Hãy đừng bao giờ cho rằng những nông dân hiền hòa ở xã Đồng Tâm ấy chỉ chực chờ nổi loạn chống chính quyền, theo cách mà bộ máy tuyên truyền của công an, tuyên giáo và giới dư luận viên mất sạch liêm sỉ luôn chực chờ tung ra. Thử hỏi khi vùng đất Đồng Tâm đang yên lành, nếu không có chuyện Đỗ Mười – Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng – ký một quyết định thu hồi hơn 47 ha đất nông nghiệp của nông dân Đồng Tâm từ năm 1980 để “phục vụ dự án an ninh quốc phòng và sân bay Miếu Môn”, làm sao có thể phát sinh hậu quả ghê gớm như ngày hôm nay? Thử hỏi, nếu không có chuyện chính quyền huyện Mỹ Đức, sau khi nhận lại số đất nông nghiệp trên từ Lữ đoàn 28 của Quân chủng Phòng không – không quân do sân bay Miếu Môn không làm được, nhưng lại nhập nhèm suốt 10 năm từ 2007 đến nay mà không làm quyết định giao đất cho bà con nông dân, trong khi lại xảy ra hàng loạt vụ việc một số quan chức địa phương bảo kê cho người thân chiếm dụng đất và giờ đây còn định để cho Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) “cướp” đất của dân, làm sao bà con nông dân lại phải rồng rắn kéo đoàn khiếu kiện đông người trong ròng rã nhiều năm trời? Và thử hỏi, nếu không có chuyện giới công an trị sử dụng “biện pháp nghiệp vụ”, mà thực chất là thủ đoạn “điệu hổ ly sơn”, để bắt giữ trái phép một số đại diện của dân xã Đồng Tâm, làm sao người dân xã này lại phải nghĩ đến việc bắt giữ lại các cảnh sát cơ động và quan chức công an để “trao đổi tù binh”?
Đồng Tâm lại đang trở thành một phiên bản của Ô Khảm. Sáu năm trước, cái làng nhỏ Trung Quốc chưa hề có tên trên địa đồ thế giới ấy thậm chí đã được báo The New York Times ví như “Công xã Paris Ô Khảm”.
Công xã Paris Ô Khảm
Năm 2011, Ô Khảm thuộc huyện Lục Phong, Quảng Đông đã nổi lên đánh đuổi lũ cường hào ác bá cộng sản ăn chặn của dân và tham nhũng đất đai ra khỏi làng này. Ô Khảm còn vùng lên dữ dội hơn nhiều sau khi một người đại diện cho dân làng là Tiết Cẩm Ba bị công an Trung Quốc tống giam và chết thảm trong tù vì bị tra tấn.
Nguồn cơn gây sóng trào phản kháng của dân giữa Ô Khảm và Đồng Tâm là y hệt nhau: chính quyền.
50 lần là chênh lệch giữa giá bán đất ra thị trường mà chính quyền đã toa rập cùng doanh nghiệp để thu lợi bất chính, so với giá bồi thường đất cho nông dân.
Khi đó, cũng như Đồng Tâm đương đại, Ô Khảm bị chính quyền khống chế và cô lập, bên trong thì cắt điện, bên ngoài thì chặn Internet và giới truyền thông, đồng thời sử dụng đến vài ngàn công an và quân đội vây kín.
Chỉ có điều, “Công xã Paris Ô Khảm” đã giành thắng lợi lớn. Cuộc đấu tranh quyết liệt, bền bỉ và sáng tạo của 13 ngàn người dân Ô Khảm, quyết tâm đi bộ đến tận Bắc Kinh để khiếu kiện, đã khiến thủ tướng Trung Quốc thời đó là Ôn Gia Bảo phải ngã lòng chuyên chính. Thế rồi Bộ Chính trị Trung Quốc bắt buộc phải nhân nhượng. Ít ngày sau, Ô Khảm đã ghi danh vào lịch sử dưới ách cai trị của đảng Cộng sản: làng đầu tiên ở Trung Quốc được tiến hành bầu cử tự do, với người phụ trách làng được chính nhân dân bầu ra.
Công xã Paris Đồng Tâm?
Đồng Tâm cũng có thể được như Ô Khảm. Bức xúc lên đến đỉnh điểm, tinh thần đoàn kết cùng ý thức tổ chức cao của 6 ngàn nông dân Hà Nội có thể tạo nên một Công xã Paris ngay trong lòng thủ đô.
Không những thế, tiếp ngay sau phong trào biểu tình phản kháng Formosa và phản đối chính quyền của vài chục ngàn ngư dân, giáo dân ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, vụ Đồng Tâm đang phát ra tín hiệu bùng nổ dây chuyền, một vết dầu loang cực lớn ở một số tỉnh thành miền Bắc – những nơi đã tích tụ đủ phẫn uất trước nạn cường hào ác bá và đã tích lũy đủ mầm mống để vào bất cứ lúc nào cũng có thể biến thành “khởi nghĩa”.
Vẫn là một câu ngạn ngữ thời nay: “Nếu cho chính quyền cộng sản cả sa mạc, chính quyền đó vẫn phải nhập khẩu cát”. Trong nhung nhúc các nhóm lợi ích trong một chế độ “ăn của dân không chừa thứ gì”, bao giờ cũng vẫn là quá muộn. Một tác nhân Viettel tiếp tay khiến nông dân bị bần cùng hóa hoàn toàn xứng đáng bị giới tiêu dùng ở Việt Nam và quốc tế tẩy chay.
Để khi đó, đừng mong đợi hão huyền “quân đội sẽ ra tay trấn áp các lực lượng thù địch”.
Không, kể từ thời quả bom Đoàn Văn Vươn nổ tung ở Hải Phòng năm 2012, đã và sẽ chẳng có quân đội nào chịu biến thành công cụ hèn tủi để bảo vệ cho giới quan chức “tiền trên bàn thờ”, đàn áp và chống lại Nhân Dân – những người đã sinh thành mình.