Vượt biển !

From facebook: Hoang Le Thanh added 2 new photos 
Vượt biển !

Khi trường Đại học Kinh Thương (Viện ĐH Minh Đức) tổ chức lễ tốt nghiệp khóa đầu tiên, tôi đến Kỳ Đồng lôi Thắng vào một phòng riêng, hỏi nhỏ:

– Ông có giúp tôi một vài bản nhac, được chăng?
– Ở đâu ?
– Lễ tốt nghiệp khóa đầu tiên, trường Kinh Thương.
– Ồ! Rất vinh dự!
Tôi nói :
– Sinh viên tổ chức, không có tiền thù lao đâu nhé !
– Biết rồi! Thắng bảo và nói thêm: – Tôi thích hát cùng sinh viên!
– Khôn dữ hé! Tôi và Thắng cùng cười.

Vài hôm sau, tôi đến cư xá Bắc Hải đón và đưa Thắng cùng cây đàn guitar đến dự buổi lễ. Bố trí Thắng ngồi cùng dãy quan khách gồm các vị tổng trưởng, thứ trưởng, qúy Đức Cha, Linh muc và các giáo sư đại học, …

Sau nầy tôi cảm ơn Thắng bằng một chầu cà phê cóc ở chợ Kiến Thiết, gần nhà anh Ngô Mạnh Thu (dân ca), có cả anh Nguyễn Minh Nữu, Ngô Mạnh Thu, Nguyễn Đức Quang, … vài cô nữ sinh Gia Long cũng có mặt uống ké.

… tình cờ nhìn thấy bài viết của Nguyễn Quyết Thắng (nhạc sĩ). Một chút xa xưa nhớ về người bạn nhạc sĩ dễ thương, hiền hóa, thường nỡ nụ cười trên môi.

Xin giới thiệu và mời qúy bạn cùng đọc một bài viết về̀ – Kỷ niệm Tháng Tư Đen – của Nguyễn Quyết Thắng.

Xin tag đến anh Nguyễn Minh Nữu để Thắng có hỏi, nhờ Nữu nói với Thắng: Tôi gởi lời thăm!
Lê Thanh Hoang Le Thanh

***
” Nước …”

Nguyễn Quyết Thắng
Du Ca
Sau chuyến vượt biên hụt hẫng tại Nha Trang vào một buổi tối mùa thu của năm 1980, tôi không thể trở về Banmê được nữa nên chạy thẳng xuống Sài gòn. Cơ duyên hội ngộ chúng tôi 3 người bắt tay nhau để tiếp tục thực hiện ý định vượt biên luôn sẵn trong tâm trí, anh Nguyễn Thế Bang có tài ăn nói khôn khéo, uyến chuyển và nhanh trí, lo tiếp xúc với bạn bè và những người muốn tham gia vượt biên, anh “làm cái” đứng mũi chịu sào nên tôi gọi đùa là “Cái Bang”, chị Minh Tâm một người hiền hòa ăn nói nhã nhặn, khuôn mặt phúc hậu và là người con của một gia đình uy tín trước kia, vì thế những người được chị mời đến tham gia đều tin tưởng và hy vọng. Cũng từ cái duyên này mà anh Bang và chị Tâm thường xuyên gặp nhau, tình yêu nẩy nở và nên duyên vợ chồng.

Nhiệm vụ tôi phải lo trực tiếp những nhu cầu cần thiết cho chiếc thuyền, từ giấy tờ chuyên chở hàng hóa để ngụy trang, đến vật dụng cần thiết như tìm mua hải bàn, hải đồ, dầu nhớt, thuốc men v..v.. một công việc qủa khó khăn và nguy hiểm. Mặc dù sẽ có tài công lo điều khiển con tầu, nhưng tôi cũng phải nghiên cứu tìm tòi học hỏi cách lái tầu, chọn con nước, hướng gió, ôn lại ánh trăng sao, những chuyện này tôi từng quen biết nhờ sinh hoạt trong Hướng Đạo, các hội đoàn và những ngày tháng phục vụ trong quân đội. Tôi luôn có mặt trên thuyền để bảo vệ phá hoại hoặc bị đánh cắp thuyền, nó là một vật quan trọng, một ước mơ, một hy vọng của tương lai đời sống chúng tôi.

Tôi đã bán đi chiếc nhẫn cưới và sợi dây chuyền cuối cùng để mua ly tách, phin càphê, vài cái ghế đẩu chân thấp và 2 cái bàn xếp cho có lệ, thuê một quán cóc bên đường đối diện với cổng sau Sở Thú đầu cầu Thị Nghè mở quán bán càphê, dùng làm điểm hẹn hò, nơi gặp gỡ bàn bạc công việc, khách qua đường ghé uống càphê thì cũng bán bình thường như thường. Đêm về, xập mái hiên lá xuống che kín phiá trước thay cho cánh cửa, nằm trong chiếc ghế bố mượn của anh chị Kha được mở ra khi đi ngủ, nghe đêm về tịch liêu, nhớ nhà, nhớ vợ con đang còn ở trên cao nguyên Banmê, nơi chất chứa đầy kỷ niệm thời mới lớn, nay đành phải rời xa, thương cho tương lai đàn con thật mịt mờ, cuộc sống hẩm hiu thua kém chúng bạn, thiếu thốn mọi điều, ngay hạnh phúc gia đình với tình cha con cũng bị cách ngăn, không biết bao giờ mới an bình quây quần bên nhau. Thương chúng bao nhiêu, thương mình bấy nhiêu, trong bóng đêm âm thầm lặng câm, đôi dòng lệ trào dâng, ấy là niềm an ủi vô biên luôn theo sát bên tôi.

Chiếc thuyền dài 9 thước, rộng 2 thước rưỡi, đã được vài người tài công mời từ Phan Thiết đến thăm, cùng đôi người thợ máy đến viếng, đều lần lượt bỏ ra đi với nhiều lý do khác nhau, tựu chung là ” chê “, máy Zanma 2 đầu bạc với bánh trớn to tổ chảng và nặng chình chịch, xưa qúa rồi, mũi thuyền thấp qúa, không phải thuyền đi biển, phải là mũi..” Thái Lan ” mới được, anh Bang nói rằng : ” Tháng 3 bà già đi biển “, sóng êm gió lặng, loại thuyền này đi thì không sợ bị lộ, thắng là cái chắc. Điều này tôi không có ý kiến, chẳng có kinh nghiệm, mở mắt chào đời đến nay, đây là chiếc thuyền đầu tiên tôi thực sự được sờ tận tay ray tận mắt, tôi nghĩ rằng chiếc nào thì cũng tương tự như nhau, khác chăng là to hay nhỏ hơn thế thôi ! tôi là dân sống trên núi, bơi còn chưa biết nữa huống hồ…

Thế rồi ! tháng 3 năm 1981 ngày dự định đã đến, chàng cựu sĩ quan hải quân cùng người thợ máy bạn của anh ta đột nhiên biến mất, không một lý do ? May thay chị Tâm đã mời được ông Nhất từ Phan Thiết về làm tài công, ngày đi không thay đổi, chỉ có tôi và ông Nhất trên thuyền đến điểm hẹn nơi cửa biển, các “taxi” ( ghe nhỏ ) sẽ đổ người ra. Tôi cầm sổ thông hành cấp phép đi từ bến Hàm Tử Chợ lớn đến Vũng Tầu để nhận hàng về, qua trạm kiểm soát tôi phải nhẩy lên bờ trình giấy, xòe điếu thuốc Vàm Cỏ ra mời. Đường đi nước bước trên sông ngòi, tôi hoàn toàn mù tịt, chỉ lẳng lặng nghe theo lời ông Nhất, cũng chẳng hề nghi ngờ ông ta có biết đường hay không? dường như cũng có lần lạc lối vì thấy ông ta hỏi vọng qua những thuyền khác dọ hướng đi, điểm đến ở đâu đó bên cửa Thuận An !! tất cả hải bàn, hải đồ, thuốc men, thực phẩm đều giao cho người điều động đánh bãi và taxi, họ sẽ giao lại ở bãi chính, chúng tôi không được mang theo, sợ lộ.

Thuyền chạy qua bao làng xóm, tỉnh lỵ bên sông nước, những vẻ đẹp thật thơ mộng của sông rạch miền Nam tôi chưa hề được chiêm ngưỡng, những cành lá của cây dừa nước xỏa ra bên bờ lạch cùng những mái nhà tranh thấp thoáng sau vườn cây thưa nắng, yên bình như trong hình vẽ, ngồi trước mũi thuyền thở mùi nước đục, hưởng làn gió mát và tiếng nước vỗ bên mạn thuyền, tôi quên rằng mình đang trên đường trốn chạy. Ánh mây chiều đỏ thẫm, từng vệt dài chen lẫn hàng mây xanh-vàng, những khối mây đen nổi rõ từng cuộn phía trước, hoà tan dần dần, nối đến mây xám trải dài sau lưng. Giữa dòng sông rộng lớn, sóng nhấp nhô dập mũi thuyền chồm lên chúi xuống, hai bên bờ sông lui dần ra xa và bóng tối phủ xuống không còn nhìn rõ những mái nhà thấp thoáng sau rặng tre bên bờ sông đất lở. Giữa sông có chòm cù lao khá lớn, thuyền chạy đến đó, tôi nhẩy lên bờ. Cù lao trống trơn không có ngọn cỏ, toàn cát-đá-sỏi trộn lẫn bùn đất, có những con Thòi Lòi nằm dương cặp mắt tròn lo như nai tơ nhìn chúng tôi dò hỏi?… Ông Nhất nói : “mình nấu cơm ăn đi” rồi tự tay cầm nồi múc nước sông vo gạo, lấy bình nước uống đổ vào, đặt nồi cơm trên bếp dầu sau thuyền, tôi lấy loong guigoz đựng thịt kho mặn bầy ra. Cơn gió thổi lồng lộng trong khung trời rộng, không ai nói nói lời nào, tôi nhìn ông Nhất ưu tư, da xạm nắng dáng khắc khổ, râu dài hơn tóc, và hàm răng đóng nhựa thuốc lào, tôi đoán ông khoảng 60 tuổi, nhưng thực ra tuổi của ông mới ngoài 50, sóng gió và biển cả đã làm ông già đi trước tuổi.

Ăn xong chúng tôi nhổ neo đi tiếp, trong bóng đêm của sông nước miền đất lạ, thật khó nhận diện cảnh vật phía trước, ông Nhất lái thuyền thì tôi đứng trước mũi dòm chừng chỉ lối, hoặc ngược lại, chiếc đèn pha trên mui không đủ chiếu ánh sáng xa hơn chục thước phía trước, càng làm tôi mỏi mắt hơn khi phải điều tiết trong bóng đêm, bực mình hơn thế nữa là những lưới đánh cá giăng qúa nhiều giữa sông, thường thì người ta cắm 2 chiếc đèn bão ở 2 đầu cọc lưới, đêm khuya có khi 1 đèn bị tắt không biết đâu là bên phải, đâu là trái, có khi thuyên trôi vào giữa đáy lưới, làm ông Nhất phải nhẩy xuống nước gỡ lưới quấn quanh chân vịt và cả bàn lái, cũng may đó chỉ là lưới cá nhỏ dễ gỡ, phải làm thật nhanh và chạy cho lẹ, kẻo chủ lưới bắt được không những đòi bồi thường mà còn bị lộ chuyện vượt biên thì thật tai họa.

Thuyền qua nhiều khu vực tỉnh lẻ, tôi không nhớ hết địa danh mà ông Nhất đã kể…, rồi thuyền đến bến Ninh Kiều Cần Thơ, ông Nhất nói nghỉ ở đây một chút rồi thuê ghe nhỏ vào chợ, quanh đây đầy thuyền to ghe nhỏ dọc ngang qua lại, hay im lìm neo trước bến. Trên bờ đèn đuốc sáng trưng, khói nấu-nướng tỏa mù mịt một góc. Chừng nửa giờ sau ông Nhất trở về với chai rượu trắng và gói giấy trong tay, tôi đoán là đồ nhậu ! Thì ra ông Nhất thèm rượu, nói đúng ra là nghiện rượu, có rượu là ông ta vui vẻ, khoẻ mạnh hơn, tiếc cho ông ta là tôi không biết uống để làm bạn tri kỷ với ông, tuy nhiên ông ta cũng huyên thuyên kể chuyện về gia đình của ông, cũng vì thế tôi biết được vợ con ông đều đang sống ở Mỹ, qua những đợt vượt biên trước đây họ đã chở thuê cho những người ra bãi rồi nhẩy theo luôn, ông ta thì bị bắt nhốt tù, nay mãn hạn trở về, đang tìm cơ hội để ra đi lần nữa.

Rời bến Ninh Kiều, thuyền chạy dọc qua nhiều lò gốm phía bên trái, từng đống chum lọ bằng đất sứ chồng chất lên nhau, chờ ngày đem bán, bên phải là bờ đất cao hơn cả 3-4 thước, phía trên là lò nấu đường, thơm mùi khét mía cháy, vị ngọt của mạch nha, lửa đốt trong lò rực sáng hun đúc chum đường sôi sục văng vãi lung tung, những đường rãnh nước chẩy bào mòn từ trên lò chẩy xuống bờ sông nhớp nháp, có đàn chuột cống nhẩy qua, chạy lại loanh quanh, tôi nghĩ, giá có con chuột nào vô phước rớt vào chum đường đang sôi kia, chắc cũng chẳng ai biết vì khói trong nồi bốc ra khá dầy đặc. Tới ranh giới tỉnh Sóc Trăng, tôi thấy đằng xa có ngôi nhà thờ sáng rực, nhiều quầy-quán và xe bán dạo bật đèn sáng đủ mầu, bóng người thấp thoáng đông đảo. Tôi nhẩy lên bờ nhắm hướng ánh sáng đi tới, đoán là buổi chợ đêm, định đến để tìm mua thêm gói thuốc lá dằn túi, đến nơi mới biết đó là một buổi lễ cầu nguyện của giáo dân trong vùng trong ngày cuối tuần, tiếng cầu kinh vang ra từ trong giáo đường hòa lẫn tiếng nhạc của xe bán nước ngọt, caphê, mực khô vang lên ngoài đường, âm vang vui nhộn. Tôi đảo mắt tìm xe thuốc lá, nhưng chợt đổi ý, không nên đến chỗ đó, mình dễ bị phát hiện là kẻ lạ mặt và chẳng may bị bắt thì thật đáng tiếc. Nghĩ thế, tôi quay lưng trở về thuyền.

Dường như có ánh trăng nửa đêm yếu ớt ẩn mình sau tầng mây cao, thuyền trôi đến một một vùng sông rộng lớn, những cành cây lưa thưa vươn trên mặt nước khẳng khiu đơn độc, những tàn cây này đã bị nước thủy triều dâng cao nên không thấy gốc, chốc nữa nó cũng sẽ bị ngập chìm toàn diện dưới mặt nước, quay nhìn lại phía sau, tôi chợt bắt gặp một vùng lân tinh tỏa ánh sáng lung linh, nhấp nhô ánh thép bạc lan tỏa khắp mặt nước như trăm ngàn ngọn đèn lấp lánh từ đáy nước hắt lên, và từ trên cao rơi xuống, những cuộn hơi sương đục như khói trắng bốc lên, tan loãng trên mặt nước trông tựa như một giòng nước nóng đang bốc hơi giải nhiệt êm đềm, thật ngoạn mục và kỳ quái, một cảnh thần tiên tôi chưa hề thấy, lạ lùng và huyền bí như truyện thần thoại, tôi muốn vốc những ánh lân tinh mầu trắng-xanh lấp lánh trong suốt đó trong lòng tay, hay thử đập vỡ nó ra xem có gì lạ? lòng vui và kinh ngạc trộn lẫn chút lo lắng không tên, …
Trong khoang ông Nhất ngồi ngủ gục sau những ngụm rượu khề khà, tôi nghe hình như có tiếng nước chẩy lao xao phía trước, qua khung cửa kính phòng lái, tôi nhìn thấy cảnh vật mờ mờ ảo ảo phía trước, bật đèn pha trên mui ra xem, thì hỡi ôi ! cách mũi thuyền dăm bẩy thước là một đáy lưới cá khổng lồ giăng ngang bằng một dây cáp sắt cao hơn mũi thuyền, nước đổ vào đáy ào ào tạo thành một phễu nước xoáy từ miệng sông rộng gom vào túi đáy thu nhỏ phía sau, 2 đầu giây cáp được quấn chặt vào 2 cột trụ gỗ đóng sâu xuống lòng sông to bằng tay người ôm.

Tôi không còn đủ thời giờ để hét lên nữa, tay giật mạnh cần số về phía sau, bánh đưôi tôm quay ngược, con tầu rung chuyển bần bật trong tiếng rú của máy de lui mệt nhọc khó khăn, tuy đã rú ga lui hết cỡ về sau, nhưng con tầu vẫn từ từ trôi vào miệng đáy, không còn thời giờ để suy tính chọn lựa tìm cách thoát hiểm, chỉ còn phản xạ tự nhiên, thực hiện ngay những gì lý trí bảo mình làm.

Nếu tầu bị hút vào đáy, nước sẽ nhận chìm con tầu xuống nước như những chiếc lá trôi sông, như những con cá vào đáy không đủ sức vẫy vùng bơi ngược dòng trở lại, huống chi tôi lại chẳng biết bơi, và cái lưới to lớn kia sẽ cuốn hút xoay vòng trói chặt con mồi hết lối thoát.

Thấy de lui không có kết qủa và sự nguy hiểm đang cận kề, tôi gạt cần số tới, rú ga và bẻ hết cỡ về bên phải, con tầu rướn lên trôi ngang trên mặt nước cuồn cuộn, đâm xầm vào đầu cột đáy giữa sông rồi trượt qua bên kia, cái cột to bị đổ nghiêng qua một bên, và may thay con tầu đã lướt qua được phía ngoài của miệng đáy trôi tuột ra xa….. tôi nhủ thầm cám ơn Trời Phật đã độ lượng, tiếng ông Nhất vọng ra : – Chuyện gì đó ?…

Bấy giờ tôi mới nhớ có ông Nhất ngủ trong khoang.

Một giờ sau, thuyền đến một bến nước có nhiều căn nhà dựng tuốt ngoài sông, thủy triều xuống để trơ ra những cột nhà khẳng khiu mỏng manh được đóng xuống lòng sông cao lêu khêu, nhà nhà đều tối thui, ông Nhất ghé vô một căn nhà còn ánh sáng hắt ra, gọi lớn :
– Còn đồ ăn không ? ông chủ ơi ! rồi quay lại bảo tôi : – Đây là quán ăn .

Quả đúng như vậy, nhà có một cầu thang phía sau thòng xuống nước để đón khách thuyền đò ghé qua, chúng tôi leo lên, căn nhà vắng hoe…, chợt có một bà khoảng 50 tuổi bước ra hỏi :

– Cần chi ông? đồ ăn hết mất rồi…
Ông Nhất đòi hỏi :
– Có cái gì ăn cũng được !! Tô cháo gà đi ! được mà..
– !!!!… Nhà chỉ còn con gà, nhưng còn nhỏ xíu xìu hà.
– Được rồi, được !!!

Bất đắc dĩ bà chủ bắt gà làm thịt nấu cháo cho chúng tôi không một tiếng thở than, chắc cảnh này vẫn thường xẩy ra.. Tôi ngồi im chờ đợi, nhìn ra mặt sông tối đen, lo lắng, mệt mỏi, nhiều suy nghĩ đổ ra rối tung, tôi cũng chẳng biết còn bao lâu nữa thì đến điểm hẹn, đi cũng đã gần 2 ngày rồi còn gì ?. Tránh các trạm kiểm soát làm việc ban ngày và tránh để người dân nhận diện thuyền lạ, chúng tôi phải chọn đi ban đêm, ít phiền nhiễu, nhưng không ngờ lại gặp những khó khăn khác.

Ăn xong trả tiền, chúng tôi cho thuyền qua phía bên kia, sau một dẫy nhà dựng trên mặt nước neo ở đấy ngủ. Sáng hôm sau bị đánh thức bởi tiếng máy đuôi tôm gào lớn và sóng nước cuộn tới, nâng thuyền tôi lên xuống lắc lư, sóng đánh vào mạn thuyền bồm bộp, mở mắt nhìn theo thấy đó là 1 chiếc ghe tam bản dài khoảng 5-6 mét, phía sau gắn một máy đuôi tôm cần trục dài thoòng chĩa xuống nước quậy sóng, người thanh niên trẻ tuổi háo động, rồ máy ghe lượn qua lượn lại, phóng hết ga biểu diễn, khiến các ghe buôn bán hàng hóa trên mặt sông la ó bất bình. Chúng tôi ở đó nguyên ngày, chờ đến chiều tối lại nổ máy đi tiếp…

Cuối cùng cũng đã đến điểm hẹn, đợi ở đó suốt từ sáng đến chiều mới thấy một chiếc ghe nhỏ từ đâu chèo đến, một người thò đầu vào thuyền nhìn tôi cười cười hất hàm hỏi :

-Tới lâu chưa ? mệt không ?. Rồi quay qua nói với ông Nhất :- Lui thuyền lại chỗ trống kia đi bác Hai ?

Chẳng cần nghe tôi trả lời, và cũng chẳng cần biết họ có quen tôi hay không? đoán chắc chỉ là người trong ” bãi đánh ” nên ông Nhất thản nhiên nổ máy làm theo lời họ. Một lúc sau, cũng chiếc ghe đó chạy xát vào thuyền tôi và quăng qua cửa sổ một chùm bánh nếp nhân đậu đỏ, gói bằng lá dừa mầu vàng trông giống như bánh ú nho nhỏ, khoảng 50-70 cái cột với nhau thành 1 chùm, nói với theo :

– Đồ ăn đó !

Mừng qúa, buồn ngủ gặp chiếu manh, họ thật tử tế và chu đáo đã cho tôi thức ăn lót bụng, bèn mở một cái ra ăn thử. Có biết đâu rằng đó là phần thực phẩm dành của 50 người vượt biên trong bao nhiêu ngày lênh đênh trên biển đấy?… Lúc sau lại có 1 ghe khác cặp vào bên hông, một người đàn ông chui vô khoang máy nói :

– Trước khi ra biển, phải kiểm tra máy móc lần chót cho an toàn ! nhé ?

Rồi ông ta mở nắp máy xem xét, chỉnh qua chỉnh lại, vặn tới vặn lui 4 cái “Béc dầu” xong nhẩy ra ngoài biến mất. Còn người thợ máy chính thức theo chúng tôi trên đường vượt biển, sẽ đến chung với nhóm người bằng ” ghe taxi ” tối nay.

Ánh mặt trời dần tắt, tôi bồn chồn chờ đợi, thỉnh thoảng lại ghé mắt bên cửa sổ nhỏ nhìn ra ngoài, ông Nhất cũng thế ! chẳng ai muốn nói năng lời nào, và chẳng ai nghĩ đến chuyện cần phải nấu cơm ăn tối cả. Nhìn lại bao quát căn buồng máy, tất cả đã gọn gàng ngăn nắp, sàn ngồi trong khoang lót ván là chỗ ngủ của tôi bấy lâu nay có thể chứa được 35 người ngồi bó gối, phía sau buồng lái chứa khoảng 15 người, số còn lại ở trên mui, cái máy thuyền to qúa, nằm giữa khoang với cái ” bánh trớn ” to chả khác gì của “xe ủi lô”, thấy phát khiếp không ai dám ngồi gần, thùng nước bằng thiếc to thiết kế theo dạng mũi thuyền chứa được 800 lít nước và phía sau đuôi thuyền cũng có 1 thùng thiếc phía dưới chứa 800 lít dầu gasoil, thêm 4 kan lẻ để phía trên và 4 kan nhớt máy nữa. Tất cả do ông chủ nhà, nơi neo thuyền ở bến Hàm Tử lo đầy đủ và giao cho chúng tôi lúc ra đi, 2 cái “béc ” phun dầu dự phòng để trong hộc khoang phía trước cùng với sợi dây cu roa máy bơm nước, bên hông trên cao mới gắn thêm 1 máy bơm nước bằng tay, phòng trường hợp máy bơm máy không làm việc, một trục máy dài 2 mét gắn sẵn chân vịt mới dự trữ, đây là kinh nghiệm học được ở những người đi trước thưòng gặp phải trục trặc.

Chợt có tiếng người nhẩy lên thuyền làm tôi điếng người, một người đàn ông cúi mình thò đầu vào khoang nhìn dáo giác một lượt rồi hỏi :

– Xong rồi chứ ? đánh nhe, mọi người tới rồi.

Tôi chỉ kịp trả lời :- Dà. thì ông ta đã quay gót nhẩy lên bờ, lát sau thì nhiều tiếng động trước mũi thuyền, làm chiếc thuyền chao đảo không ngừng, gìa trẻ trai gái, lần lượt chui nhanh vào khoang, chỉ có tiếng xì xào to nhỏ và tiếng lục cục của chân dẫm lên bục gỗ. Em Nguyễn Hữu Chí trao cho tôi gói giấy, phía ngoài bọc bao nylon, trong đó có cái hải bàn, và tấm hải đồ mà tôi đã khó khăn dò la để mua được. Ông Nhất nói với Chí quay giúp bánh trớn, cái máy ho lên xằng xặc nổ được chốc lát rồi từ từ tắt ngấm, lại quay – rồi lại tắt. Ông Nhất bực dọc : – Thợ máy đâu rồi hè ?. Một người lên tiếng :- Tôi đây, rồi thoăn thoắt chen qua đám người ngồi chật ních đến bên máy tầu kiểm soát, tôi cũng chui đầu vào nhìn, thấy nhớt trong máy phun ra phè phè mỗi khi máy nổ, anh ta lẩm bẩm gì đó với nắp máy đã dược tháo ra, tôi hỏi :

– Có cần gì không anh ? sao vậy ?

Anh ta trả lời :
– Không sao, chạy được, nhưng uống nhớt hơi nhiều, ai căn máy gì kỳ qúa dzậy? để coi lại coi !!!

Anh ta vặn vặn xoay xoay một chặp thì máy cũng nổ được đều đặn trở lại, và chiếc thuyền rời bến nhắm thẳng cửa biển tiến tới, mọi người ngồi im lặng trong bóng tối nén tiếng thở mạnh, thế nhưng cái máy tầu cứ ho lên còng cọc vang lên và ống nước giải nhiệt trong máy thải ra ngoài phun lên phè phè. Cái khoang bé xíu vậy mà có thể chứa được hầu hết tất cả mọi người trong đó, khi nghe ông Nhất nói tôi mới để ý : – Ráng chịu khó ở trỏng một lát đi bà con, ra khỏi cửa biển là xong rồi.
Thuyền chạy được một lúc thì đến cửa biển, nước trong thuyền dâng cao ướt chỗ ngồi, ông Nhất mở máy bơm cho nước ra ngoài, sóng cuộn có phần mạnh hơn, trước mặt là biển nước mênh mông, ánh nước nhấp nhô trong bóng đen rờn rợn, tôi quay lại nhìn phía sau, không còn thấy nhánh sông vừa đi ra là ở chỗ nào nữa, chỉ thấy lờ mờ những hàng cây, bờ đất ẩn hiện thành một hàng ngang, trên cao là cột hải đăng sừng sững đang thè lưỡi liếm bóng đêm từng vòng.

Thuyền kéo ga hết cỡ đi về phía trước, tôi mừng thầm : “Chạy nhanh như vậy sẽ mau đến hải phận, giờ này nếu bị phát hiện họ đuổi theo cũng không kịp”. Nhưng mỗi khi nhìn lại ngọn đèn hải đăng, thì vẫn thấy nó nằm đó, vẫn thấy rõ mồn một chẳng cách xa được là bao nhiêu. Tôi lần mò mở bao giấy lấy hải bàn ra xem, giờ phải dùng đến nó để định hướng đi, tôi xực nhớ đến những vật dụng cần thiết khác, bèn hỏi lớn :

– Ai cầm gói thuốc tây ??… Có ai thấy cái buồm không ??… Ai giữ phao, mấy cái ruột xe hơi đó ??…

Không có tiếng trả lời, đáng nhẽ ra tôi phải nhớ hỏi ngay từ lúc mọi người lên thuyền chứ ? nhiều việc chi phối trong đầu, khiến tôi không thể nhớ được mọi thứ. Tôi hỏi lại lần nữa, hỡi ôi ! vẫn không có ai trả lời, tôi thất vọng, bực bội và nổi giận. Bịch thuốc Tây gồm thuốc tiêu chẩy, thuốc say sóng, dầu nóng, thuốc nhức đầu, những cuộn băng vết thương v.v.. tất cả tôi đã mua được của anh Trần Đại Lộc, gần chợ An Đông. Cũng không thấy 4 cái ruột bánh xe vận tải được cắt đôi ra thành 8 khúc, ép kín và bắt khoen 2 đầu, dùng để gắn 2 bên sườn thuyền thay thế phao nổi cho thuyền cân bằng, tôi đã phải khó khăn để thuê làm cho thật tốt và kín đáo với giá không rẻ, thuê xe Ba Gác chở từ Hàng Xanh về Bến Hàm Tử thật không dễ tránh né Công An kiểm soát. Còn cái buồm nữa :- Trời ơi ! cái buồm đâu rồi ?. Cái buồm được cắt ra từ một cái dù mầu trắng của lính nhẩy dù còn cả dây dù mới tinh, anh Thảo đã nhờ người nhà ngồi may suốt buổi tối. Tội nghiệp cái cột buồm còn nằm trơ kia, tôi đã phải đợi đến bến Ninh Kiều Cần Thơ mới mua được một thân cây gỗ dài 6 mét, đục đẽo làm chốt gắn sau buồng lái, để phòng khi ra khơi cần đến sẽ dựng lên. Tất cả mọi vật, anh Bang đã trao cho ông Đông ” chủ bãi ” để đem ra đây cùng với mọi người trong ngày hôm nay, tất cả đều không thấy đâu? Vì cuộc sống khó khăn, hay vì lương tâm bất nhẫn, lòng tham đã khiến người ta giữ những vật ” vô giá ” đó của chúng tôi làm của riêng, mà không cần màng đến tính mạng và thân phận của những người đang đi vào cõi tử sinh, “một đi không trở lại”, và họ nghĩ rằng, sẽ không còn gặp lại chúng tôi nữa. “Bần cùng sinh đạo tặc”, buồn cho ” thế thái nhân tình” trong cuộc sống khó khăn của xã hội mới, đã tạo cho họ những tư tưởng và hành động bất nhân như thế. Có tiếng ai la lớn trong khoang:

– Sao nước vô nhiều qúa vậy ? mở máy bơm lên.

Có tiếng ông Nhất vang lên :

– Mở rồi, chở ” khẳm ” nước dô chút đỉnh mà, lo chi.
Tiếng máy vẫn nổ cọc cọc vang động dòn tan, đẩy chiêc thuyền đi tới, trong bóng đêm mênh mông, mặt nước tương đối bình lặng, biển nước bao la không có một điểm mốc nên thấy như nó vẫn đứng nguyên một chỗ, trong khoang lặng im trong sự căng thẳng hồi hộp, tôi lo lắng nhìn về phía bờ xa sau lưng, ngọn hải đăng vẫn còn đấy, – Trời ơi, đi lâu qúa rồi mà vẫn chưa khuất ngọn hải đăng, điệu này, chắc họ nhìn thấy mình qúa. Tôi nhủ thầm, bỗng nghe ” Xầm ” một cái, chiếc thuyền nghiêng về một bên, bất động, ông Nhất la lên :

– Mắc cồn rồi !!!

Tiếng máy rú lên, hạ xuống, rồi lại rú lên, chiếc thuyền không nhúc nhích, ông Nhất nói lớn.

– Bà con làm ơn xuống bớt đi, bị mắc cạn rồi, xuống cho nhẹ bớt… xuống đẩy phụ thuyền lui lại một chút, mấy người to con đó, xuống đi, lẹ lẹ một chút đi, làm ơn mà !!!

Chẳng một ai dám xuống cả, giữa đêm đen bảo nhẩy xuống giữa biển mênh mông, làm sao có đủ can đảm. Tôi lại không biết bơi, không dám nhẩy xuống nước, thì làm sao dám hô hào kêu gọi mọi người, đang bận rộn tìm phương cách gỉải cứu chiếc thuyền ra khỏi chỗ này, nên không có hề ý tưởng thất vọng bi quan gì cả. Tiếng ông Nhất lại la lên :

– Bà con giúp một tay đi chớ, tụi nó ra bắt cả lũ bây giờ, lẹ lên.

Vài người thanh niên làu bàu văng tục nhẩy xuống nước, chắc họ không biết bơi, có người leo qua mạn thuyền trượt xuống nước, tôi hỏi :

– Nước có sâu không vậy ?
– Tới đây nè !

Người thanh niên khoác tay, quơ ngang cần cổ, tôi lần theo mạn thuyền cũng trèo xuống, thuyền chạy trên một bãi cồn cát ngay giữa cửa biển trong khi mực nước xuống thấp và chiếc thuyền chở nặng với sức trớn phóng nhanh đã đâm sâu vào giữa vùng cát nên bị mắc cạn, chúng tôi hè nhau đẩy tới, đẩy lui, tiếng máy rú lên, nhưng chiếc thuyền chỉ lắc qua lắc lại.

– Xuống hết đi bà con, nặng qúa, giúp một tay đi bà con ơi !!!

Thêm được một vài người nữa nhẩy xuống, người đẩy, người dùng chân moi cát, người lắc, làm được chuyện gì thì cứ làm. Khoảng 15 phút sau chiếc thuyền không còn nhúc nhích được nữa, nó lệch nghiêng qua một bên, lặng im như đài tưởng niệm được xây cứng bằng xi măng, mức nước xuống tới ngực, tiếng máy thuyền chậm dần hậm hực rồi tắt lịm. Tôi hỏi như một phản xạ :
– Sao vậy ?
Ông Nhất nói :
– Chạy gì nổi, chờ nước lên rồi đẩy ra chạy tiếp.

Niềm lo lắng và thất vọng bao trùm lên mọi người, tiếng lẩm bẩm, tiếng chửi, tiếng than và tiếng cầu kinh nổi rân rang trên thuyền. Mọi người đều chờ đợi, đợi con nước mau mau về tới, đợi tầu tuần tra ra cứu? hay họ ra bắt? sao cũng được, không thể làm khác hơn được, niềm lo lắng và thất vọng kéo dài từng giây phút khiến sự chấp nhận số phận đã an bài. Tôi miên man nghĩ đến những sự việc đen tối sẽ sẩy ra, tương lai rồi sẽ ra sao ? Ở nhà chắc đang mừng rỡ khi nghe ông Đông về báo tin tất cả đã ra cửa biển an toàn, hay đã được tầu buôn ngoại quốc vớt lên rồi. Bầu trời vẫn tối đen, có một chút mờ ảo của ánh trăng đã bị mây mù và hơi nước của biển che lấp không nhìn rõ những sự vật xung quanh, bộ quần áo trên người ướt sũng nhưng không thấy lạnh , vì nhiệt độ nóng bức hay bởi sự chán nản khiến chẳng ai quan tâm ? Lậy trời đừng để tôi bị bắt, nếu bị vào tù chắc chắn vợ và con tôi khổ lắm, họ đang lao đao sống ẩn núp mọi nơi, việc học của các con bị gián đoạn,

Ồ mà không sao, đâu cần đến trường học những thứ đó, ráng chịu khó một thời gian rồi sẽ được học những điều giá trị hơn, sống một cuộc sống đúng nghĩa hơn. Tội nghiệp vợ tôi phải vất vả với các con nơi vùng đất xa lạ với miếng cơm giấc ngủ hằng ngày, những người thân thích nay đã không còn ở đó nữa, họ đã đi vùng kinh tế mới, vượt biên hay trong lao tù cả rồi, bằng hữu thì phần lớn đã ra nước ngoài, phần còn lại cũng lao đao vất vả không kém gì mình, chắc rồi lại phải dắt díu nhau trở về nhà mà thôi, nơi còn có cha mẹ anh em đang hy vọng cầu mong con mình đã tìm được một chỗ an thân, trở về với đắng cay, về với khổ nhục lưu đầy, về bên những con người cùng mầu da, cùng tiếng nói nhưng luôn tìm cách đầy đọa trấn áp nhau, có còn lối nào thoát thân nữa không? Nếu như giờ này vợ con tôi cũng có mặt trên chiếc thuyền này thì sẽ ra sao ? cả nhà sẽ vào chung trong một nhà tù? lại càng đau lòng và ân hận hơn.

Tôi thở một hơi dài an ủi may chỉ có 1 mình, định mệnh đã xếp đặt tôi không thể tham lam, không thể thất hứa những hẹn ước mà ngay ban đầu đã dành cho nhau, cả nhà đều đặt ưu tiên cho tôi lên hàng đầu, phải bằng mọi cách vượt thoát càng nhanh càng tốt, phần còn lại sẽ giải quyết sau, hoàn cảnh chỉ có thế !!!

Ngồi chờ con nước lên, chờ niềm hy vọng và hạnh phúc mong manh sẽ tới. Có tiếng nước vỗ vào mạn thuyền, lúc đầu nhè nhẹ rồi mạnh dần, ông Nhất gọi lớn :

– Bà con phụ đẩy thuyền một chút đi, nước lên rồi.

Rồi kêu người quay bánh trớn cho nổ máy, vài người thanh niên nhẩy xuống, đẩy qua đẩy lại, chiếc thuyền nhúc nhích có vẻ nhẹ hơn đêm qua, rồi bất chợt chiếc ghe bật qua nằm thẳng, mấy người thanh niên vội leo nhanh lên thuyền khi nghe tiếng máy rú lên, chiếc thuyền lúc lắc vài cái và trôi tuột ra phía sau, mọi người vui mừng reo lên chuyện trò nhốn nháo, ông Nhất quay mũi thuyền tránh bãi cồn và tống ga nhắm hướng chân trời phóng tới…, phía xa trước mặt một vẫng sáng mờ lạt đang tỏ dần, báo hiệu bình minh sắp ló dạng, cái lưỡi ánh sáng của ngọn hải đăng vẫn gắng gượng quét trên đầu chúng tôi, và thật hân hoan, tôi ưỡn ngực hít sâu một luồng gió mát đầy phổi, thật sảng khóai, nhẹ nhõm…

Đợt thủy triều kéo về đất liền, tạo thành những lằn nước cuộn tròn lăn về phía chúng tôi, thuyền bơi theo dòng ngược ra khơi như những con cá hồi vượt dòng thác trở về nơi ra đời, chống chỏi mệt mỏi, mỗi lần thuyền cưỡi lên lằn sóng rướn mình qua bên kia, nó dập mũi xuống múc lên một mẻ đầy nước biển, cũng may, mặt boong thuyền đã được đóng kín và cửa vào khoang thuyền cũng có bệ cao ngăn chặn nước tràn vào. Bầu trời mỗi lúc một tỏ hơn, tôi đứng trước cửa khoang, nhìn ra ngoài mặt biển, chung quanh vẫn chỉ một mầu nước thâm đen, không một bóng thuyền nào khác ngoài tiếng động cơ máy nổ rầm rộ và tiếng ói mửa bên trong lại vang lên. Đây là lần đầu tiên tôi được đi trong một chiếc thuyền nhỏ trên biển, tận hưởng những lằn sóng ngoạn mục nhào lên lặn xuống, vậy mà tôi lại không bị say sóng không một mảy may khó chịu, ngược lại, còn có phần thích thú là đằng khác, không hề nghĩ rằng sự nguy hiểm có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

Niềm lo lắng đêm qua vừa tan biến, niềm vui mới chưa ngập lòng thì bỗng :

– Sao nước vô nhiều vậy nè bà con ơi, tát nước, tát nước, lẹ lên, lẹ lên.

Nhiều tiếng hốt hoảng la lên, tôi hoảng hồn nhìn vào khoang thuyền, nuớc ngập làm ướt chỗ ngồi, nhìn qua bệ gắn máy tầu, phía dưới nước dâng ngang lườn máy, chiếc motor bơm nước cũng nằm phía dưới đó, người ta nhốn nháo la ó loạn xạ :

– Tát nước, mở máy bơm nước !! bể thuyền rồi, máy bơm không chạy !!
– Máy đang bơm mà ? bơm tay nữa đi, cái bơm gắn trên tường kia kìa…

Cái máy bơm bằng điện chắc bi hư rồi, nên không làm việc được, vài người thay nhau đẩy cần bơm tay qua lại, nước phun ra ngoài, nhưng được một lúc thì ai cũng nản vì mệt mỏi, chiếc thuyền chở nặng chìm xuống mặt nước sâu hơn, và mỗI lần cưỡi sóng ngoi lên, là một lần múc đầy nước trên mui thuyền, chả khác gì con cá voi mỗi lần trồi lên là phun nước phè phè ra ngoài, đồ ói mửa như mật xanh mật vàng, lênh láng bồng bềnh trong khoang thuyền bám vào quần áo mọi người đang ngồi thu gối nước ngập ngang mông, mùi tanh hôi nồng nặc tỏa khắp căn phòng như cái hầm gỗ, mọi người cùng hít thở cái không khí vẩn đục đó, người không say sóng cũng bị ói mửa theo là vì vậy.
Bình thường nhìn qua khung cửa nhỏ trên vách thấy cảnh vật phía dưới thật xa, nhưng giờ thì thấy nước biển lấp ló phía ngoài, tựa hồ muốn trào vào trong, trong thuyền còn có một cái gầu múc nước, giờ chuyền nhau múc nước tạt ra ngoài cửa sổ, chị Nguyệt ngồi tựa lưng vào cửa sổ nhỏ bên trái, múc từng ca nước hắt ra ngoài, miệng túm tím như đang ăn trầu, khuôn mặt thản nhiên không vướng chút âu lo, bởi chị đã quen và từng sống trên sông nước lâu năm. Lê Văn Thành người có nước da ngâm đen ngồi sau lưng cửa khoang, nụ cười luôn nở trên môi, anh dùng một can nhựa 20 lít đã được cắt rộng miệng và cũng thản nhiên múc nước trong khoang đổ ra ngoài, anh nói nói cười cười kể chuyện luôn miệng nhưng tôi không nghe rõ được điều gì, một hình ảnh thể hiện tâm tánh của con người bình tĩnh, thản nhiên đối phó trước sự hiểm nguy trước mặt, thật dễ cảm mến, cũng kể từ lúc đó tôi quen biết anh.
Không ai biết được nước từ đâu vào, mọi người lần mò tìm kiếm khe hở trong lòng thuyền, từ chỗ những mảnh ván ghép vào nhau được trét kín bằng giây gai trộn Chai keo, cho đến những lỗ bắt đinh ốc dưới đáy thuyền, cũng không thấy mạch nước phun lên, lạ qúa ? chắc chắn phải có chứ !! vì tát hoài mà nước mỗi lúc một nhiều hơn. Có người đề nghị :

– Vứt đồ không cần thiết cho nhẹ bớt đi.
– Vứt bớt mấy can dầu dư kia đi.

Thật là điên, vứt dầu đi thì làm sao vượt biển được nữa, nhưng đã qúa trễ, người ta quăng tất cả những gì có thể quăng được xuống biển khi vừa nghe xong lời đề nghị. Như một quyết định có sẵn, như một mệnh lệnh vừa được ban ra, kể cả mấy can dầu lẻ nằm ngang phía sau mạn thuyền, không ai kịp ngăn cản cũng đã bồng bềnh nhấp nhô trên sóng nước trôi xa.

Một người lớn tuổi ôn tồn nói :
– Bà con thấy rồi đấy, máy bơm hư rồi và nước vô nhiều qúa, nếu tiếp tục đi nữa chắc chìm thuyền luôn không ai có sức tát nổi, mấy can dầu cũng bị vứt xuống biển rồi, làm sao đi tới nơi, bà con muốn tiếp tục đi nữa hay quay về ?
Nghe tới đây nhiều người la lên :
– Thôi dzề đi bà con ơi !!!

Tiếng la ó, tiếng chửi thề, tiếng than khóc vang lên, nhưng mọi người dường như hài lòng với đề nghị này, họ đã nhận thấy sự nguy hiểm đang đến gần, việc quay trở lại bây giờ là đúng lúc, vì thuyền không ở xa bờ là bao nhiêu. Trong trường hợp này bắt buộc ông Nhất phải chấp nhận, quay tay lái đánh một vòng ngược lại. Tôi buồn rầu cúi mặt nghĩ đến chặng đường gian nan sắp tới mà lòng đầy thất vọng, mắt chằm chằm nhìn đôi bàn tay của anh Thành vẫn nhịp nhàng múc nước trong khoang đổ ra ngoài, như một lời cảnh báo, cùng là một lời vỗ về an ủi. Thuyền nhắm thẳng ngọn hải đăng trở về, ánh vừng hồng ngại ngùng tỏa sáng sau lưng…

Cửa Thạnh An, nơi khởi hành đêm qua, giờ chẳng biết đâu nữa, từ xa nhìn vào chỉ thấy một bờ giống nhau, cứ chạy thẳng vào đấy rồi tìm nhánh sông chui vào, thâp thoáng 2 bên có bóng thuyền chạy ra biển, chắc tầu đánh cá, chẳng ai để ý đến chúng tôi cả, và cũng không thấy bóng dáng tầu tuần duyên.

Thấy được nhánh sông, ông Nhất tiến sâu vào đấy, chạy được một lúc, có một bờ đất rộng nhiều cây lớn mọc, phía xa có bóng nhà dân, ông Nhất cho thuyền ghé xát vào bờ rồi la to :
– Chạy đi bà con, chạy lẹ đi kẻo bị bắt đó.

Thế là mọi người vội vã ùa nhau nhẩy lên bờ, tiếng la của trẻ con, tiếng khóc của phụ nữ, tiếng than của đàn ông tạo thành một âm thanh ồn ào hỗn độn, mọi người tủa ra mọi phía, mạnh ai người đó chạy. Ông Nhất nhìn tôi ngầm hỏi ý, rồi quay lưng định nhẩy luôn lên bờ, tôi gọi dật lại :

– Bác Nhất ! đừng đi bác ơi ! ai lái thuyền về bây giờ đây ?
– Đem thuyền về bây giờ là bị bắt cho coi, thua rồi thì bỏ tiếc chi nữa, anh cũng chạy mau đi ?
– Bác làm ơn giúp một phen cho chót đi, lên bờ chưa chắc là thoát, tôi còn giữ giấy tờ ghe chở hàng, ráng chạy về đi, bỏ mất lấy gì đi được nữa.

Tôi năn nỉ một tràng, vừa nghe, ông Nhất vừa khom mình luồn vô buồng lái, mở máy chạy tiếp. Coi vậy mới biết ông ta là người tốt, không có ý phản bội, cũng còn có trách nhiệm và giữ lời hứa, hay tại ông ta không còn lối nào thoát, trên ghe vẫn an toàn hơn trên đất chứ ?, kinh nghiệm lần trước cho ông thấy lớ ngớ trên đất lạ, bị phát hiện vượt biên là bị bắt ngay, phải có vài chỉ vàng trong túi để hối lộ chính quyền địa phương kịp thời.

Mọi dấu tích của sự vượt biên phải được phi tang lập tức, tôi chui vào khoang thuyền kiểm soát, một cảnh hỗn độn bừa bãi bầy ra trước mắt như một bãi rác sau cuộc ăn chơi vui thú, nào giấy báo gói xôi, nào lá chuối lá dừa gói bánh, nào bao nylon gói rác, gói đồ ói mửa, quần áo dơ bẩn bám đầy dầu mỡ, dây dợ, chai lọ…tất cả lềnh bềnh dạt qua dạt lại trong khoang thuyền, mùi tanh hôi của nôn mửa vẫn còn đó làm tôi lợm giọng, khó thở. Dang rộng tay, tôi vội vã gom tất cả những thứ đó quăng nhanh ra sông, phải làm sạch sẽ càng nhanh càng tốt, thời gian thật cần thiết, lật mấy tấm ván lên để kiểm soát phần phía dưới, ở đó cũng bừa bãi chẳng khác gì phía trên. Trời ơi ! quần áo dầy dép bao bì rác rưới ở đâu mà nhiều thế ?

Ngồi chật ních bó gối một chỗ trong khoang, cho nên những thứ gì không cần dùng nữa, tiện nhất là nhét xuống phía dưới, nhét vô kẽ thuyền, hoặc chỗ dựa lưng là xong. Đầu ống tube của máy bơm nước được bao chung quanh bằng một tấm lưới sắt dùng để ngăn lọc đất cát hay rác vụn, giờ bị bít kín bởi giấy báo và bao nylon, thảm nào máy không thể bơm nước ra ngoài, may quá bơm chưa bị hư, tôi gỡ bỏ tất cả những rác bẩn đó và nước dược bơm ra ào ào ngay lập tức, chốc lát sau, trong khoang cạn khô và chẳng tìm đâu ra một chỗ hở hay vết nứt khiến nước ngập tràn như thế, tôi nói với ông Nhất :

– Kỳ qúa, không biết nước vô chỗ nào ? bây giờ thì chẳng còn giọt nước nào cả !!!

Sau này, khi nâng tầu lên bờ sửa chữa mới biết rằng, cái ống tube được gắn kín trong hầm phía sau, làm trục đõ cho cần lái thuyền qúa ngắn, bình thường thì không có chuyện gì xẩy ra, nhưng khi chở qúa nặng, thuyền chìm sâu xuống nước, sức đẩy của nước bị tống lên theo lõi ống tube phun vào trong, thuyền càng chạy nhanh, đuôi thuyền càng rị xuống thấp, sức ép của nước phun vào càng nhanh.

Thuyền đi lạc lối loanh quanh, xuyên qua nhiều lạch nhỏ, băng qua bao nhánh lớn, thỉnh thoảng gặp thuyền qua lại, ông Nhất hỏi thăm đường về SàiGòn, lần này thuyền chỉ đi vào ban ngày, ban đêm tìm chỗ neo thuyền ngủ lại, đường về ít bị để ý hơn lúc đi.

Thế nhưng vào một buổi chiều khoảng 4-5 giờ, trên một bờ đất lở, có một đám người đứng gìm súng hô gào, gọi vẫy chúng tôi cặp vào bờ. Cột thuyền vào hàng cọc đã neo sẵn vài chiếc thuyền nơi đó, tôi và ông Nhất cùng leo lên, họ hỏi thẻ Chứng Minh Nhân Dân cùng Giấy Thông Hành, họ chỉ chúng tôi ngồi chung với đám người đang ủ rũ trên cây gỗ mục nằm sát ven hàng rào, cạnh hàng cây bụi tre. Mọi người ngồi đấy đã hơn nửa tiếng đồng hồ mà chẳng nghe gọi đến tên, chẳng nghe chất vấn hay tra khảo chi cả, một nguời trong “trạm kiểm soát ” lững thững ra mé sông, nhẩy lên từng chiếc ghe – thuyền, nhìn ngó quanh quất, rồi lại trở lên.

Một ông lớn tuổi ngồi trong đám lên tiếng :

– Thôi ! góp chút đỉnh caphê thuốc lá cho nó đi, có tiền không ?

Thiệt chán qúa ! ” gia tài ” tôi chỉ còn độc nhất 20 đồng trong túi, còn phải mua đồ ăn dọc đường nữa chứ ! ông Nhất chỉ còn khoảng 15 đồng ( lương nhân viên lúc này khoảng 27 đông VN một tháng ), tôi trao 10 đồng cho người đàn ông đại diện cho cả nhóm, số còn lại dấu đi, ông Nhất cũng nộp 10 đồng, gom góp chẳng biết được bao nhiêu, chặp sau ông ta từ trong văn phòng ra nói :

– Chưa đủ, nộp thêm nữa, họ làm khó dễ qúa bà con.

Lại một vòng ” lạc quyên ” nữa, tôi đành móc hết cho xong, kẻo lỡ họ ra lục soát thấy còn dấu tiền thì…không biết nói sao đây ?

Gió chiều lồng lộng thổi, bầu trời ngả mầu xám xịt như cơn giông đang kéo đến, mặt sông gợn sóng bồng bềnh dập vào mạn thuyền, những chiếc thuyền nhẹ tâng lúc lắc, uốn éo theo làn sóng nước va dập vào nhau, gió cuộn hơi nước mát lạnh thổi ập đến chúng tôi, chưa lúc nào tôi thấy lạnh như lúc này, có lẽ vì đói, mệt và chán nản, chúng tôi phải ngồi chịu trận ở đó cả tiếng nữa, không biết lý do tại sao lại phải ngồi đây ? (cũng may là không có lý do ). Cuối cùng thì chúng tôi cũng nhận lại được giấy tờ, lục đục kéo nhau trở về thuyền. Hầu như tất cả những chiếc thuyền này đều đi chở thuê, nhưng hôm nay đều trống rỗng, không chở hàng hóa trên thuyền, cho nên bị ” phạt ” ngồi hơi lâu, bình thường nếu có hàng chuyên chở thì phải tự động vào nộp ” mãi lộ ” sẽ được đi ngay.

Đường trở về bao giờ cũng thấy ngắn hơn, tránh né tất cả những gì có thể đem lại phiền phức, lần mò hỏi thăm đường đi thường xuyên, nên chúng tôi đã về được bến Sài Gòn dễ dàng và nhanh hơn dự tính, nắp khoang thuyền cũng như mái che buồng lái, vẫn phủ mờ một lớp muối mỏng trắng xóa dưới ánh mặt trời, mặc dù thỉnh thoảng tôi đã phải múc nước sông lên dội cho muối trôi đi, cột ống khói và những đinh-ôc bằng kim loại, đều bị hoen rỉ đổ mầu vàng nâu vì muối ăn mòn. Đến bến Hàm Tử, chạy ngay về chỗ cũ, nơi ông chủ nhà đã giao kết chấp chứa cho neo thuyền sau nhà ông, đúng vào những ngày cuối năm, mọi người đang sửa soạn đón Tết Tân Dậu 1981. Chúng tôi cột thuyền xong, bước xuyên qua phòng khách băng ra đường, đón xe ôm về nhà, để lại sự kinh ngạc của ông chủ nhà, đang ngơ ngác nhìn chiếc thuyền còn phủ mờ một làn muối trắng, dấu tích của cuộc vượt biên thất bại vừa qua.

Và cũng kể từ hôm đó, tôi không còn dịp gặp lại ông Nhất nữa.

Nguyễn Quyết Thắng

Image may contain: ocean and water
Image may contain: ocean, water, outdoor and nature
 
 
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay