DẤU CHÂN TRONG SA MẠC

DẤU CHÂN TRONG SA MẠC

 

Tác giả: M. Hoàng Thị Thùy Trang.

Ranh giới giữa sự sống và cái chết mỏng manh như trở bàn tay. Không ai là người có thể nắm giữ mạng sống. Cho dù giàu có, quyền cao chức trọng đến đâu, người ta cũng không thể nào thủ đắc được cuộc sống mình. Thế nhưng, thực tế trong cuộc sống, mọi người đều ra sức bảo tồn cuộc sống. Người khôn thì biết chọn lựa con đường khiến cho sự sống của mình được trường tồn hơn, kẻ dại thì tự hủy diệt chính mình.

Có nhiều cách khiến cho con người tự làm hại mình. Tựu trung cũng chỉ là lối sống ích kỉ,
hưởng thụ. Người chỉ biết ăn uống cho thỏa thuê khát vọng nhục dục, thì tự dẫn mình đến sự hủy hoại thân xác, làm mồi ngon cho những căn bệnh tai hại xâm nhập. Đó là cái chết về thân xác. Chưa kể đến cái chết tâm hồn. Những cái chết của lòng tham lam, ích kỉ, ghen tuông và thù hận, đã khiến cho con người sát hại, chiếm giết lẫn nhau.

Vậy thì, đâu là con đường duy nhất để có được sự sống đời đời? Thưa đó chính là con đường khổ giá. Đức Kytô, Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ, mới đến được vinh quang. Vậy thì chúng ta, là những đồ đệ của Ngài, chúng ta cũng không thể đi con đường nào khác ngoài con đường thập tự. Đó là con đường của tự hủy, yêu mến và hy sinh. Chỉ những ai quên bản thân, quên chính mình mới có thể bước đi trên con đường ấy được.

Đường thập giá là gì? Đó chính là con đường từ bỏ. Từ bỏ bản thân và vác khổ giá của chính mình chứ không phải của người khác. Đức Giêsu đã khẳng định như vậy: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mc 8,34)

Thập tự ở đâu? Thập giá là ở chỗ nào? Phải chăng hệ tại  chính bản thân? Bởi nó trái ngược với ý muốn, sở thích, tham vọng của tôi, cho nên nó trở thành thập giá. Thập giá bản thân thì nặng hơn thánh giá của tha nhân. Đức Giêsu, đã gánh trên vai mình cả thập giá và thánh giá nhân loại. Mọi lỗi lầm của con người, Ngài đã đón nhận vào hết thân thể để đưa lên cây thập tự làm của lễ hòa giải nhân loại với Thiên Chúa. Cho nên, bổn phận của chúng ta là
phải bước đi theo Ngài, vác lấy thập giá bản thân và gánh đỡ thánh giá tha nhân, để tất cả đều được cứu độ. Chỉ khi nào, thế giới biết chung vai gánh đỡ thánh giá của nhau, lúc ấy mới hy vọng có thái bình, thịnh vượng.

Nói vậy, Đức Kytô là ai? Ngài là ai để phải gánh lấy thập tự nhân loại. Ngài đã làm gì nên tội để phải gánh vác lỗi lầm thế gian?

Thưa, Ngài chính là Đấng của yêu thương. Ngài chính là đường của sự sống. Chỉ có một con đường duy nhất mang lại sự sống vĩnh cửu đó là con đường Kytô. Là con đường yêu thương và tận diệt. Là con đường khổ giá và vinh quang. Tất cả chúng ta, ai cũng có thể bước đi trên con đường ấy và đạt được hạnh phúc bất diệt, không còn đau khổ và phải chết, chỉ cần chúng ta biết từ bỏ… không còn biết mình là ai….!

Lạy Chúa, nhu cầu tự tôn bản thân thiết yếu như nhu cầu ăn mặc, bởi không ai có thể ghét chính bản thân mình. Con người sinh ra, đã được phú bẩm bản năng bảo tồn sự sống. Vậy mà Ngài lại dạy chúng con muốn theo Ngài, muốn sống vĩnh cửu thì phải từ bỏ chính mình. Bỏ Ngài, chúng con còn biết theo ai? Bởi chỉ mình Thiên Chúa là cội nguồn sự sống, là chốn phải tựa nương. Bỏ Ngài, chúng con biết chọn con đường nào để được hạnh phúc chứ? Xin giúp con, đã nhất quyết thì một lòng, kiên trung bước đi đến cùng. Dẫu thế gian là nước mắt, trái ngang và khổ đau…như một hoang mạc hoang vu, thì hệ tại ngay chính
nơi ấy đã có bước chân Ngài in dấu. Con không tự quyền chọn lựa nơi để sinh ra, nhưng con có tự do để chọn lựa chốn phải đi về. Xin cho con, chỉ cần can đảm, vững vàng đặt lên dấu chân Ngài, là có thể bước đến chân trời hạnh phúc.

M. Hoàng Thị Thùy Trang.

Nguồn:Maria Thanh Mai gởi

 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay