Dân chúng tưởng niệm chiến tranh biên giới với Trung Quốc, bị công an bắt giữ
HÀ NỘI 17-2 (NV) – Nhà cầm quyền CSVN đã cản trở, gây rối, và bắt giữ một số người ở Sài Gòn và Hà Nội khi người dân tổ chức tưởng niệm cuộc chiến tranh biên giới Tháng Hai năm 1979 với Trung Quốc.
Rất nhiều tin tức cập nhật kèm theo hình ảnh và video clips phổ biến trên môt số trang mạng xã hội về người dân ở Hà Nội, Sài Gòn tổ chức tưởng niệm cuộc chiến kéo dài một tháng suốt dọc 6 tỉnh Việt Nam giáp giới Trung Quốc mà Đặng Tiểu Bình tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Vì có nhiều người bị Công An canh giữ và ngăn chặn ngay tại nhà, nhìn qua các video clip, chỉ có khoảng dưới 100 người tham dự buổi tưởng niệm tại tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội, trong khi lực lượng công an đông đảo canh chừng.
Một số người đã đặt vòng hoa, thắp hương tưởng nhớ những người lính và người dân đã chết trong cuộc xâm lăng của hàng trăm ngàn quân Trung Quốc nổ ra từ ngày 17/2/1979 suốt dọc 6 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Trên một đoạn video clip, người ta thấy mấy công an thường phục xông tới giật một tấm biểu ngữ cầm tay của một người dân. Tiếng loa quấy rối của một cảnh sát sắc phục oang oang từng chập nhưng không làm cho những người tham gia sợ hãi.
“Họ sử dụng loa tuyên truyền giải tán đoàn người, xúi dục và kích động một số phần tử côn đồ phá rối buổi tưởng niệm, một số kẻ nhảy múa trên khu vực sân trước tượng đài Lý Thái Tổ. Có kẻ phá rối các hãng thông tấn nước ngoài săn tin và thách thức họ.” Facebooker Sơn Văn Lê kể trên mạng xã hội. “Đoàn người tưởng niệm vẫn kiên trì, ôn hòa để thành kính dâng lên những bông hoa, nén nhang cho các vị anh hùng dân tộc, ” Facebooker Sơn Văn Lê nói.
Trong những người bị bắt tại Hà Nội có nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Xuân Diện nhưng các ông đã được thả ra mấy giờ sau đó.
Tại Sài Gòn, cuộc tưởng niệm được tổ chức tại khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo, bến Bạch Đằng, quận Một. Theo tường thuật của trang mạng Tin Mừng cho Người Nghèo thì “từ sáng sớm, rất đông công an, cảnh sát giao thông mặc sắc phục, an ninh chìm nổi vây xung quanh khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo, Bến Bạch Đằng, Sài Gòn. Các rào chắn barrier, hàng rào kẽm gai được đặt tại các ngả đường đi vào khu vực nơi tưởng niệm.”
Theo nguồn tin vừa kể, nghệ sĩ Kim Chi, những người có tiếng nói khác nhà cầm quyền và nhiều dân oan các tỉnh đã đến được nơi tưởng niệm. Nhưng chỉ ít phút sau đó, họ đã bị lực lượng công an đưa lên xe buýt, đưa về các đồn. Đến trưa cùng ngày, họ đã được trả tự do.
Ông Kha Lương Ngãi, nguyên phó tổng biên tập tờ Sài Gòn Giải Phóng nay trở thành người đấu tranh dân chủ thông báo trên mạng xã hội là “tôi và hầu hết thành viên chủ chốt của Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng đều đã bị an ninh ngăn chận tại nhà từ 13 giờ chiều hôm nay (16/2/2017).”
Các khẩu hiệu ông giao cho người khác chuẩn bị đem tới chỗ tổ chức tưởng niệm đã bị công an tịch thu. Ông Ngãi giận dữ viết trên mạng xã hội là “họ đã cố tình ngăn cản và gây khó cho buổi lễ tưởng niệm. Họ vong ơn, họ sợ kẻ thù, nhưng họ lại quyết liệt không cho chúng ta nhớ ơn đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ tổ quốc. Và họ cũng không muốn cho chúng ta lên án kẻ thù Trung Quốc xâm lược.”
Tuy cuộc chiến biên giới Việt- Trung 1979 kéo dài chưa tới một tháng nhưng đã có những tổn thất nặng nề cho cả hai bên. Các con số thật sự về tổn thất hiện còn bị che giấu nhưng thương lên hàng chục ngàn người, gồm cả thường dân.
Cách đây một năm, trong cuộc phỏng vấn với VnExpress, ông Vũ Dương Ninh, đồng chủ biên cuốn sách Lịch sử lớp 12 của Bộ giáo dục CSVN, đã tiết lộ về phần biên soạn lịch sử cuộc chiến biên giới 1979 “đã bị cắt gọt từ thời lượng 4 trang được biên soạn ban đầu xuống còn vỏn vẹn 11 dòng”. (TN)