Nhân viên kiện chủ tiệm nail Việt ‘bóc lộc sức lao động’
December 22, 2016
(Hình minh họa: Healthy Salon Program, County of Santa Clara.)
TUSTIN, California (NV) -Hôm Thứ Tư, bốn nhân viên người Việt nộp đơn kiện tiệm Tustin Nail Spa tại Tòa Thượng Thẩm Orange County, khiếu nại chủ nhân vi phạm luật lao động, theo thông cáo báo chí của tổ chức Người Mỹ Gốc Á Thăng Tiến Pháp Lý Los Angeles (AAJA) và tổ hợp luật Hadsell Stormer & Renick LLP.
Theo hồ sơ tòa, nguyên đơn gồm Jenny Hoàng, Thu Phạm, Trinh Thị Trương, và Tuyết Mai Thị Nguyễn.
Bị đơn gồm Lê Nguyễn, Mỹ Lệ Trần, Henry Trịnh (Tiến Trịnh), Michelle Tạ, Joseph Thụy Nguyễn, Anh Công Trần, Joseph Trân, Kathy Nguyễn, Phương Nguyễn.
Theo bản thông cáo, trong suốt nhiều năm. những người thợ móng tay này phải chịu đựng việc trả lương theo giờ trái pháp luật, bao gồm làm giờ dài không ăn, nghỉ, không được trả lương tối thiểu và không trả tiền khi làm thêm giờ, lại còn khấu trừ bất hợp pháp tiền sử dụng thiết bị, máy móc của tiệm, và bị buộc phải làm việc “không tính giờ.”
Ngành móng tay là một kỹ nghệ trị giá $ 8.5 tỷ trên toàn quốc, và phần lớn được các doanh nhân người Mỹ gốc Á và nhân công thuộc thế hệ đầu tiên điều hành, trong đó nhiều người không thạo tiếng Anh phải tranh đấu để tham gia vào kinh tế dòng chính.
“Sở hữu một tiệm làm móng tay là một phương tiện quan trọng để thăng tiến cho nhiều người nhập cư Mỹ gốc Á, đặc biệt là trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Trong khi nhiều chủ tiệm cố gắng tuân theo luật pháp, bao gồm các công nhân, để thành công, những người khác tìm cách làm giàu cho chính mình bằng cách cắt giảm tiền lương và bắt nhân công chia sẻ chi phí kinh doanh của họ,” Ông John C. Trang, một luật sư của tổ chức AAJA, đại diện cho các nguyên đơn, được trích lời nói.
Cũng theo bản thông cáo, các nhân viên cũ tại Tustin Nail Spa nhiều năm bị bóc lột đồng lương khó kiếm. Họ được trả khoảng 60% theo hệ thống hoa hồng khi khách trả tiền cho dịch vụ làm móng tay, bất kể họ làm bao nhiêu giờ.
Lý do là các nhân viên thường làm việc 10-12 giờ/một ngày, cách trả tiền này dẫn đến tiền lương được trả ít hơn, bao gồm cả việc không trả mức lương tối thiểu và có khi phải làm thêm giờ. Chủ tiệm cũng khấu trừ việc sử dụng ghế spa và các vật liệu khác từ tiền lương công nhân. Để che giấu việc làm trái phép của mình, các chủ tiệm dùng hệ thống ghi giờ giả và các chi phiếu lương không chính xác như thể là công nhân được trả lương giờ một cách hợp pháp.
“Những hoạt động này đang lan tràn trong kỹ nghệ làm móng tay, và chúng tôi có ý định phải chấm dứt việc này. Các nhân viên này phải chịu đựng sự tình trạng bất hợp pháp trong việc trả lương trong nhiều năm, nhưng đã can đảm đứng ra nộp đơn kiện để vạch trần bản chất lạm dụng và đối xử bất nhân đối với các nhân viên và gia đình họ,” bà Mary Tanagho Ross, luật sư tổ hợp luật Hadsell Stormer & Renick, cùng đại diện trong vụ kiện, nói.
Mặc dù là đối tượng trong việc điều tra các hành vi vi phạm luật lao động của Bộ Lao Động California, với kết quả số tiền phạt là $28,000, các chủ tiệm vẫn tiếp tục trả lương sai pháp luật. Họ còn bán một loạt các tiệm để không bị trách nhiệm về sau. Họ còn chuyển giao chủ quyền trong nội bộ, có tiệm được “bán” tổng cộng ba lần trong khoảng thời gian một năm.
“Các vụ kiện như thế này làm nổi bật các trò lừa đảo một số doanh nghiệp dùng để trốn tránh trách nhiệm. Trong khi nhân viên trong kỹ nghệ này hiếm khi ra mặt để đòi các quyền lợi tại nơi làm việc của họ vì sợ bị ghi tên vào sổ đen. Chúng tôi hy vọng vụ kiện này sẽ gởi ra thông điệp rằng các tổ chức như chúng tôi sẽ hỗ trợ nhân viên tìm công lý tại nơi làm việc của họ,” ông Kat Choi, luật sư tổ chức AAJA, đại diện trong vụ kiện, được trích lời nói.
Ngoài ra, các chủ tiệm liên tục cố gắng biến nhân viên thành người hợp đồng độc lập, để người chủ tránh trách nhiệm đối với việc trả tiền lương và giờ căn bản. Để đáp lại, các nguyên đơn đã tổ chức cho 30 công nhân ký tên vào một bản kiến nghị phản đối, cho việc phân loại này là sai. Trong khi các nhân viên phe chống tạm ngưng sự thay đổi, một nhóm chủ nhân thứ ba mới nắm quyền sở hữu, lại tuyên bố ý định của họ để biến các nhân viên này thành người hợp đồng độc lập trở lại. Chỉ vài ngày sau khi các nhân viên phản đối nữa, ba trong số bốn nguyên đơn bị đuổi. Thế là các tiệm lại được bán lần thứ tư sau khi bốn nhân viên này nộp đơn kiện. Nguyên đơn còn lại bị sa thải không lâu ngay sau khi tiệm có chủ mới, theo thông cáo.
“Dù chúng tôi mỉm cười, tỏ vẻ hạnh phúc trước mặt khách hàng, sự thật là chúng tôi đã lặng lẽ đau khổ. Chúng tôi không chống lại vì chúng tôi biết ơn được có công ăn việc làm như những người tị nạn không nói được nhiều tiếng Anh, và chúng tôi muốn nuôi sống gia đình và con cái. Sau khi Bộ Lao Động California điều tra các tiệm móng tay, tình hình trở nên tồi tệ hơn và chúng tôi quyết định chống lại khi họ cố gắng bóc lột chúng tôi hơn bằng cách gọi chúng tôi là nhân viên hợp đồng độc lập. Chúng tôi không bao giờ tưởng tượng người chủ sẽ phản ứng bằng cách sa thải chúng tôi và chúng tôi không hối tiếc đã lên tiếng và sử dụng pháp luật để yêu cầu được đối xử công bằng. Đó là điều đúng phải làm,” bà Jenny Hoàng, nguyên đơn, có ba con, và làm việc tại Tustin Nail Spa khoảng 10 năm, được trích lời nói. (L.N.)