60 năm cuộc nổi dậy Budapest 1956

60 năm cuộc nổi dậy Budapest 1956

Kính Hòa, phóng viên RFA

2016-10-31 In trang này
Xe tăng Liên Xô tại Budapest, Hungary hôm 12/11/1956.

Xe tăng Liên Xô tại Budapest, Hungary hôm 12/11/1956.

AFP/INTERCONTINENTALE

Ngày 23 tháng 10 năm 1956, cách đây tròn 60 năm người dân Hungary nổi dậy đòi dân chủ. Ngày 4 tháng 11 cùng năm, xe tăng Liên Xô kéo vào Hungary dẹp tan cuộc nổi dậy. Theo một số thống kê, có đến 30 ngàn người chết trong cuộc nổi dậy này.

Ý nghĩa của cuộc cách mạng

Ông Nguyễn Hoàng Linh, nhà báo độc lập, người nghiên cứu về cuộc nổi dậy Budapest 1956 dành cho RFA cuộc trao đổi sau đây nhân kỷ niệm 60 năm chính biến quan trọng này. Ông Nguyễn Hoàng Linh hiện sống và làm việc tại thủ đô Budapest của Hungary.

Nguyễn Hoàng Linh: Cuộc cách mạng của người dân Hungary diễn ra vào ngày 23 tháng 10 năm 1956, mà bên đây người ta mới kỷ niệm sáu thập niên cuộc cách mạng đó. Vào ngày đó đã có cuộc biểu tình lớn của sinh viên đại học bách khoa. Đầu tiên họ xuống đường để muốn nói lời ủng hộ những nổ lực dân chủ của người Ba Lan thời đó. Vì lúc ấy bên Ba Lan trong khoảng thời gian từ mùa hè đến mùa thu, cũng có những chuyển động dân chủ như vậy. Sau rồi đám đông đó lại đi đến những đòi hỏi dân chủ khác tại chính Hungary. Và đỉnh điểm là đến buổi tối hôm đó có đến ba bốn trăm ngàn người đến đài phát thanh lúc đó, đòi đọc những yêu sách về dân chủ, cũng như yêu sách đòi chính quyền thân Nga phải từ chức. Và một số yêu sách đó về sau này được gọi là 13 hay 16 yêu sách đòi Nga Sô phải lập tức rút khỏi Hungary, và Hungary phải trở thành một quốc gia trung lập, lấy mô hình nước Áo, hồi năm 1955 đã rút ra được khỏi sự lệ thuộc vào Nga Sô để trở thành một quốc gia trung lập.

Khoảng chưa đầy hai tuần thì cuộc cách mạng đó bị dập tắt, nhưng dư âm của nó còn lại rất lâu sau này.
-Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh

Lúc đầu cuộc cách mạng đó diễn ra với những nổ lực rất ôn hòa. Tuy nhiên, sau đó hai ngày, vào ngày 25 tháng mười khi đoàn tuần hành tập trung trước Quốc hội Hungary thì bị mật vụ cộng sản của Hung cũng như những đội quân của Nga Sô bắn vào đám đông làm cho mấy trăm người thiệt mạng, một sự kiện mà bây giờ người ta gọi là Ngày thứ Năm đẫm máu. Và đỉnh điểm của nó là ông Nagy Imre, một chính khách cộng sản nhưng theo xu hướng dân chủ, cải cách được đưa lên nắm quyền thì ông chấp nhận toàn bộ những yêu sách của những người khởi nghĩa.

Cho đến cuối tháng 10 năm 1956 thì dường như cuộc cách mạng đó đã giành được thắng lợi, khi mà bên Nga nói rằng họ chấp nhận những yêu sách đó, nhưng một cách phủ phàng là sáng sớm ngày 4 tháng 11 quân Nga vào Hungary. Khoảng chưa đầy hai tuần thì cuộc cách mạng đó bị dập tắt, nhưng dư âm của nó còn lại rất lâu sau này. Chẳng hạn như năm 1968, cái gọi là mùa xuân Prague bên Tiệp Khắc cũng do những lãnh tụ cộng sản theo xu hướng cải tổ thời đó, theo con đường của ông Imre Nagy, tức là tìm kiếm, tạo dựng một chủ nghĩa cộng sản mang khuôn mặt nhân tính. Đó là ý nghĩa của cuộc cách mạng đó, người dân Hung và mọi người trên thế giới vẫn nhắc.

Kính Hòa: Từ 1945 đến 1956 khi người Nga chiếm đóng Hungary, tình hình ở đó khác so với các quốc gia cộng sản khác như là Việt Nam, Trung quốc, hay Cuba, có phải không?

000_ARP2971802.jpg
Xe tăng Liên Xô tại Đại lộ Saint Joseph, Budapest, Hungary hôm 06/11/1956. AFP/INTERCONTINENTALE

Nguyễn Hoàng Linh: Những người cộng sản không có vai trò lớn trong việc mà như chúng ta gọi là giải phóng nước Hung khỏi ách phát xít. Trong thế chiến thứ hai, chính quyền Hung thời đó và chính quyền Đức là đồng minh với nhau, cho nên khi thua cuộc thì cũng chịu nhiều thiệt hại. Khi mà Liên Xô đưa quân vào Hungary dù với danh nghĩa là giải phóng như vậy, thực chất trong các giấy tờ của họ, họ gọi là một sự chiếm đóng, họ coi Hung là một quốc gia thù địch đối với họ. Cho nên sự hiện diện của quân đội Xô Viết ở Hung là một điều nhức nhối đối với dân Hung, vì người ta cho đó là một sự chiếm đóng.

Từ năm 1945 đến 1948, ở Hung vẫn có chế độ đa đảng, nhưng từ 1948 trở đi sau khi dùng bạo lực, hoặc là những mánh khóe gian dối trong các cuộc bầu cử, để mà độc quyền thì đảng cộng sản Hung không được ủng hộ của đa số người dân Hung. Cho nên cái quá trình ấy nó âm ỉ từ lâu rồi, chứ không đợi đến năm 1956.

Mà cũng cần nhắc lại là năm 1953, ông Nagy Imre, vị Thủ tướng cách mạng sau này, có một nhiệm kỳ Thủ tướng, và ông ấy đã làm một số cải tổ rất sâu rộng. Trước hết là về kinh tế, rồi đến một số quyết sách về chính trị, chẳng hạn như đại ân xá, hay là phục hồi những nạn nhân của những lãnh đạo cộng sản độc tài trước đó. Tức là từ 1953 Hungary đã có hơi hướng, mơ ước về một nền dân chủ như vậy rồi.

Sự nổi dậy trong tâm thức của con người

Kính Hòa: Hungary cũng là quốc gia đầu tiên thoát khỏi cộng sản ở Đông Âu trong những năm cuối của thập niên 80. Sau sự biến 1956, Hungary có gì thay đổi không so với các quốc gia cộng sản tương đồng?

Nguyễn Hoàng Linh: Xã hội Hungary thay đổi một cách ghê gớm sau năm 1956. Có đến 200 ngàn người Hung di tản ra nước ngoài sau cuộc cách mạng. Khi họ đến các quốc gia khác thì họ được vinh danh là đem đến những điều mới đến các quốc gia tiếp nhận họ.

Từ năm 1956 trở đi, trong lòng nước Hung lúc nào cũng có những phe đối lập dân chủ, thân phương Tây, hay nói khác đi là họ tiếp nhận những tư tưởng, tiến bộ từ phương Tây. Sau này người ta nói nếu không có 1956 thì cũng không có 1989. Và một điều đặc biệt là những yêu sách vào năm 1989, lúc nước Hung thay đồi thể chế, gần như là sự lặp lại của những yêu sách 1956.

1956 của Hungary vẫn được coi là sự nổi dậy trong tâm thức của con người, khi mà họ có lòng yêu tự do, yêu độc lập, không muốn nước mình phụ thuộc vào bên ngoài.
-Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh

Ngoài ra cần nhấn mạnh một sự kiện rất quan trọng của lịch sử Hungary, là cho đến 1989, trong hơn ba thập niên như vậy cuộc cách mạng 1956 vẫn bị gọi là bạo loạn phản cách mạng. Cho đến đầu năm 1989, thì một lãnh tụ của ban lãnh đạo thượng đỉnh lúc đó là ông Pozsgay Imre nói là cần phải nhìn nhận lại, xem 1956 là cuộc cách mạng của nhân dân. Người ta đánh giá là kể từ thời điểm đó, thể chế cộng sản ở Hungary không còn mang tính chính danh nữa, không còn tính hợp thức nữa, và đó là bước đầu tiên dẫn đến sự sụp đổ của chế độ cộng sản Hungary vào mùa thu năm 1989.

Kính Hòa: Nếu có thể thì ông có một so sánh nào không giữa những chuyển động trong lòng xã hội Hungary trước 1989 và những chuyển động xã hội tại Việt Nam hiện nay?

Nguyễn Hoàng Linh: Nếu so sánh thì rất khó, vì những tương quan rất khác nhau, hoàn cảnh cũng khác nhau. Tuy nhiên mình cũng có thế nói rằng ước vọng được tự do, ước vọng được độc lập không bị các thế lực bên ngoài chi phối nó có trong lòng tất cả các dân tộc, trong lòng tất cả những người dân có ý thức về quốc gia và dân tộc. Nếu mà nhìn như vậy thì 1956 của Hungary vẫn được coi là sự nổi dậy trong tâm thức của con người, khi mà họ có lòng yêu tự do, yêu độc lập, không muốn nước mình phụ thuộc vào bên ngoài.

Có thể nói rằng đây là nổ lực đầu tiên của một nước bên trong khối cộng sản, nó làm cho phe cộng sản có những rạn nứt từ năm 1956 đến 1989 khi mà có những thay đổi thật sự. Thời gian cũng dài, nó trải qua đến 3 thập niên. Nhưng sau này giới sử học cũng như giới bình luận chính trị nói rằng cũng cần có những khoản thời gian như thế để làm cho những chuyện đó trở nên hiện thực, để cho những chuyển động đó tạo nên những biến đổi rất sâu sắc trong lòng một quốc gia.

Kính Hòa: Xin ám ơn ông.

Được xem 3 lần, bởi 2 Bạn Đọc trong ngày hôm nay