TIẾNG CHUÔNG ĐIỆN THOẠI

TIẾNG CHUÔNG ĐIỆN THOẠI

Bác sĩ Maria Anphongso Hoàng Lệ Sâm

Anh chị em Tân tòng thân mến!

Tôi xin được thổ lộ cùng anh chị em ba vấn đề sau đây:

1/  Tại sao tôi lại xin gia nhập đạo Kitô – Đạo Công giáo. Thưa có 4 lý do sau đây:

a/-Tôi may mắn được quen thân một chứng nhân sống, đó là một người đàn bà Công giáo, tên bà là Teresa Nguyễn Thị Sa, người tỉnh Hà Đông, thuộc xứ Đại ơn, năm ấy bà khoảng 50 tuổi. Bà là một con người hiền lành, thật thà, chất phác, đạo đức, không mấy khi bà to tiếng với ai, thương con chìu chồng hết lòng…

Có hai lần bà trao lại cho tôi một chiếc nhẫn vàng 2 chỉ và 1 túi tiền lương của hơn 20 cán bộ Bệnh viện mà tôi lĩnh hộ về nhà. Hai chỉ vàng tôi đánh rơi vài ngày không rõ nơi mất, còn túi tiền thì sáng ra đi làm vội, bỏ quên ở trước cửa nhà, nơi đó người qua lại nhiều, bà quét nhà tình cờ nhìn thấy.

Bà ít khi quên ơn ai đã giúp đỡ bà hoặc chồng con mình.

Bà chăm đi lễ nhà thờ, bà đã dẫn 2 cháu ngoại tôi đi học giáo lý, cháu trở nên ngoan ngoãn hơn nhiều. Hai cháu đều được rửa tội, mẹ cháu (con gái tôi) thấy vậy cũng đi học giáo lý và cũng được làm con Chúa.

b/- Lý do thứ hai: Tôi được bà cho 1 quyển kinh bổn do nhà thời Phát Diệm phát hành năm 1990. Bước đầu tôi được hiểu đạo Chúa rành rọt. Trong quyển sách đó có 10 điều răn, ai xem cũng làm lý thú lắm. Chúng tôi gọi nó là “Luật đề phòng” có nghĩa là điều luật ngăn không cho phạm tội, chứ không để chờ phạm tội rồi mới đem ra xét xử.

Kinh thứ hai tôi lấy làm tâm đắc là Kinh hoà bình. Nhiều người xem thấy chí lý quá, có người còn ghi chép vào sổ tay.

c/- Khi hiểu được đạo Chúa rồi, tôi muốn được ơn cứu rỗi, đó là lý do thứ ba.

d/- Lý do thứ bốn người ta đồn ông cha cố ở đây giảng bài hay lắm, bài giảng của ông thường thấm sâu vào lòng người…

2/ Tôi xin được chia sẻ phần thứ hai: Những khó khăn gì trước ngày rửa tội, xin thưa có hai lý do: khách quan và chủ quan.

a/ Khó khăn bên trong: đó là tâm trạng của sự lựa chọn.

Lựa chọn gì vậy? Thưa, tôi là một phật tử, tôi đã theo đạo Phật 10 năm rồi. Cửa Phật là nơi tôi tĩnh tâm rèn mình khỏi mắc phải những thói hư tật xấu của đời thường, không để mất hoặc giảm lương tri.

Tôi là một người thầy thuốc, địa vị ấy dễ bị sa ngã vì đồng tiền bất chính. Tôi ghi vào quyển sổ nhật ký lời Phật bà dạy như sau: “…Thương người Trời lại thương liền/ Của ta bỏ một Trời đền cho muôn/ Lượng Trời thật vô lượng vô cùng/ Làm công chớ nghĩ đến công/ Làm lành chớ để ở trong dạ này/ Thế mới là lòng ngay dạ thẳng/ Thế mới là phúc đẳng hà sa/ Con ơi hãy ngẫm cho ra/ Bên tiền bên đức con đà thử cân/ Tích đức được muôn năm bền chắc/ Bạc tiền rồi có lúc tan không…”

Thời gian ấy, các đền chùa, cho dù xa dù gần, dù nắng mưa gió rét tôi đều có mặt trong các ngày lễ lớn. Tôi đã rước Phật về thờ tại gia để dễ bề kinh nguyện sáng tối.

Tôi đã có lòng mến mộ Phật từ thời ấy, đến nay tôi lại chọn đi với Chúa, sự lựa chọn đó đã làm cho tôi trăn trở ngày đêm.

Có một câu chuyện mà làm cho tôi nhớ mãi:  Có một hôm trong đêm khuya thanh vắng, tôi đang đọc sách bỗng có tiếng chuông điện thoại vang lên làm tôi giật mình, không ngờ đầu dây bên kia lại là tiếng gọi của một cháu bé gái lên 6, đã được rửa tội là cháu ngoại tôi. Nhấc máy lên “a lô, a lô, bà ngoại đấy à”, như ra lệnh cháu nói “một trong hai con đường bà chọn con đường nào? A ha…a ha” cháu cười nhạt. Tôi vẫn lắng nghe trong im lặng, cháu biết là tôi xúc động nên giọng cháu trầm lại “a lô, bà ơi bà, cháu xin lỗi bà, bà đừng khóc nữa, bà ơi! Bà cứ thắp hương cho Phật cũng được, nhưng thắp một cây thôi nhé”. Tôi chỉ ậm ừ, mãi cháu mới đặt máy xuống.

Đêm đó tôi không sao ngủ được, tôi ghi lại dòng tâm sự trong nước mắt:

Tâm tư

Đời con như giữa ngã ba

Theo Phật Kính Chúa xin Cha giãi bày

Đường nào con cũng mê say

Chư Phật dạy bảo những ngày còn thơ

Những điều răn ấy chưa mờ

Ơn nhờ Phật dạy không dơ mùi bùn

Đạo lý xuống dưới đất đen

Con như tắm giữa ao sen mát lành

Đến nay lại hiểu ngọn ngành

Chúa là Thiên Chúa Cha sinh rõ ràng

Chúa là con một Trời ban

Chúa xuống chuộc tội cứu đàn sinh linh

Trải bao cay đắng nhục hình

Cho ta có được hiển vinh đời đời

Thịt da máu Chúa rụng rơi

Là ơn cứu độ đời đời cho ta

Ơn Chúa vô vàn bao la

Con hiểu quá chậm xin Cha thương lòng

Con như những kẻ làm công

Hái nho được ít chắc không hề gì

Cha thương không phải nằn nì

Dù sớm dù muộn vẫn ghi công đều

Lạy xin Thiên Chúa Ba Ngôi

Cho con được đến làm tôi tớ Ngài   (Đêm 28.9.97)

b/ Những khó khăn bên ngoài:

Tôi học xong lớp Giáo lý thứ nhất, con gái tôi rủ tôi đi học, cháu đã học được 5-6 bài rồi, cháu nói “học giáo lý Cha giảng hay lắm, mẹ đi học đi”, kỳ thi kiểm tra tôi cũng được trên điểm trung bình 15/20 điểm (điểm tối đa là 20 điểm)

Từ ngày ghi tên vào học lớp giáo lý, ngày nào tôi cũng đi tham dự thánh lễ ở nhà thờ Thái Hà.  Lòng mến Chúa trong tôi ngày một hơn, tôi quyết định xin Cha cho rửa tội, nhưng không thành! Tôi nhờ các ông bà đứng đầu Hội thánh thưa dùm. Nhưng…Cha cần có thời gian để thử thách.

Tôi không chán nản, nhưng trong lòng đôi lúc cũng buồn buồn. Nhất là trong các giờ thánh lễ, tôi phải ngồi yên một chỗ, nhìn mọi người lên rước Chúa, có lúc cũng rơm rớm nước mắt, và có phần ái ngại thấy người xung quanh nhìn mình.

Tôi lại ghi tên vào học lớp giáo lý thứ hai, ngay từ đầu tôi đã đặt cho mình một nhiệm vụ như là khoa cử.

Tôi nghiền ngẫm sách giáo lý và đọc thêm Kinh thánh, muốn hiểu sâu về Đạo Chúa, một phần nữa để tỏ cho Cha hiểu thêm về sự nhất tâm của mình.

Lớp giáo lý bế giảng, điểm thi của tôi…xin các bạn thử đoán là bao nhiêu điểm?

Nghi thức Thanh Tẩy làm con Chúa tôi không phải xin Cha xứ nữa, Ngài đã xếp ngày vui ấy rồi. Cả cộng đoàn trong Giáo xứ Thái Hà cùng hân hoan với tôi, lòng thư thái nhẹ nhàng, tâm hồn tôi lâng lâng như một giấc mơ…sau hai năm đã được thử thách.

Còn một tuần nữa thôi, tôi phải đến từng gia đình anh em họ hàng để báo cáo, người thì ủng hộ kẻ thì miễn cưỡng, các bạn bè xa gần tôi đều báo tin hết, có người thì vui, có người thì băn khoăn chất vấn tôi. Tôi nói hết…chẳng việc gì phải úp mở.

Các bạn thân mến, thật là suôn sẻ, trong mọi việc như đã an bài.

Nhưng! Trong lòng tôi lại bứt rứt xốn xang làm sao?! Chẳng đêm nào tôi ngủ được, con gái tôi phải mời bà mẹ đỡ đầu của tôi (chính là bà Sa) để luôn ở bên tôi đọc kinh cầu nguyện cho tôi.

Phải chăng tâm trạng tôi đang phải cọ xát với sự lựa chọn…

Còn một đêm cuối cùng nữa là ngày vui đến, trong lòng tôi mới hết phân vân, không khí gia đình bớt trầm mặc.

Niềm vui và trách nhiệm đến với mọi người, ai cũng được phân công rõ ràng nhiệm vụ của ngày mai, ai mua hoa, ai dâng lễ, ai là quần áo, ai tiếp khách…

Rộn rã hẳn lên như đang chuẩn bị cho một ngày cưới. Chuông điện thoại réo lên cả ngày…nào bạn bè bà con xa gần chúc mừng, người thì xin địa chỉ để đến tham dự.

Đúng chiều ngày mồng 8 tháng 9, bạn bè xa gần họ hàng bà con có mặt đông đủ ở nhà thờ Thái Hà, bà con lối xóm cũng hoa, đàn ông, đàn bà quần áo là lượt như đi Lễ cưới vậy. Ôi! buổi chiều hôm ấy rộn ràng làm sao, quang cảnh nhà thờ tưng bừng như ngày dạ hội. Ông Từ và các người trong xe kháo nhau: “Đám cưới nhà ai mà sang thế nhỉ sao chưa thấy cô dâu và chú rể đâu…”

18h30′ tiếng chuông uy nghi reo lên, Cha chủ tế cùng đoàn người giúp lễ bước ra cung thánh đi thẳng xuống dưới cuối nhà thờ.

Đoàn người đông đảo phần lớn là bên lương, già trẻ gái trai, quần áo đủ mọi màu sắc sặc sỡ đang đứng chờ để tiến vào cung thánh.

Tôi bước đi như trên mây…

Thánh Lễ được cử hành đồng tế. Lòng rạo rực niềm vui…

Thánh Lễ xong, anh chị em trong gia đình bạn bè tôi và các trưởng hội đoàn trong giáo xứ còn bịn rịn với tôi trước ống kính chụp ảnh, giờ liên hoan, văn nghệ phát biểu cảm tưởng.

Cuối ngày, tôi ghi lại cảm nghĩ của mình:

Một ngày nhớ mãi

Chiều thu về tiết trời ảm đạm.

Lá vàng rơi… từ giã thân cây

Mà lòng dường những tràn đầy,

Mùa xuân đến giữa tháng ngày với ta.

Ai đem lại không gian trìu mến,

Con nhớ hoài nhớ mãi không thôi.

Trong con Chúa đến bồi hồi…

Lòng Cha, tình bạn người người nở hoa.

Đã bao năm con khao khát Chúa

Lòng ước mong xin Chúa về đây.

Chiều nay như giấc mơ say

Lòng con yêu Chúa ngày ngày đừng qua. (Sinh nhật Đức Mẹ- 1999)

3/ Tôi xin chia sẻ phần cuối:

– Sau ngày Rửa tội còn khó khăn gì nữa không?. Xin thưa là không.

Tôi đã nắm bắt được người bên lương còn mặc cảm lớn với Đạo Công giáo chúng ta điều gì. Đó là nghi thức thờ cúng ông bà tổ tiên. Ngày nào các cha cũng dâng Lễ cho các bậc tiền bối, cho các linh hồn…

Nhưng nghi thức cúng Lễ của người bên lương lại khác hẳn bên Giáo. Ngày Giỗ ngày Tết có gà, có mâm cao cỗ đầy, khói hương nghi ngút, trên bàn thờ mới là trọn nghĩa. Ngoài ra còn có các thủ tục khác nữa như đốt vàng mã…

Có một điều mà trước đây Giáo hội ta đã bỏ qua: Thắp hương, một nén hương tưởng nhớ đến người đã qua cũng chẳng thấy đâu? Cứ tưởng việc làm nhỏ nhặt, ngờ đâu lại ăn sâu vào tiềm thức của người lương:  “Theo Chúa thì bỏ hết Giỗ Tết, cha mẹ, ông bà”.  Đó là mặc cảm lớn nhất của họ. Để xóa bỏ mặc cảm đó tôi phải làm gì? Trước hết ngày Giỗ ngày Tết tôi cũng phải làm y như mọi người trong gia đình, kể cả cúng vàng mã (làm xong có khi tôi đi xưng tội hoặc khấn xin Đức Mẹ trước khi làm để mong được nhẹ tội. Để rồi dần dà…)

Còn những việc làm khác như hiếu hỉ thăm nom người đau ốm, giúp đỡ người sa cơ lỡ bước thì tôi cố gắng chu đáo hơn trước, chắc sẽ làm đẹp lòng Chúa hơn.

Tôi mỉm cười khi có tiếng xầm xì về tôi:  “Người Công giáo như thím Sâm thì còn phải nói.”

“Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa”. Sau hơn một năm tôi được làm con cái Chúa, cậu em rể tôi cũng cho em gái tôi và cháu nội đến nhà thờ học Giáo lý. Sáu tháng sau cả hai bà cháu cũng được Rửa tội một ngày. Tin vui ấy được báo ra Hà Nội. Thế rồi gia đình tôi 7-8 người kéo nhau vào Nghệ An trước mấy ngày để tham dự Thánh Lễ. Chúng tôi muốn được tổ chức long trọng, lời đề nghị được Cha Xứ chấp nhận. Lễ nghi được tổ chức y như giáo xứ Thái Hà ta, mà ở xứ đó chưa bao giờ tổ chức như vậy. Nhân ngày Chầu lượt của xứ, tiếng đồn càng vang xa.

Có một câu chuyện tôi xin được kể lại. Sau buổi thánh Lễ đó có một người đàn bà trung tuổi quê ở Vinh đến gặp em tôi, tay bắt mặt mừng, chị nói: “buổi Lễ trọng thể quá, chị được nhìn thấy ơn Chúa quá, em là người Đạo gốc đây, em chúc mừng chị “. Chị nói với giọng đầy xúc động: “Làm sao mà chị theo Đạo sốt sắng thế, ngày mai em đến nhà chị chơi.”

Thế rồi sáng sớm ngày hôm sau, người Đạo gốc ấy đến chơi với em tôi, chị tên là Maria Nguyễn thị Liên, chị tâm sự nhỏ to chuyện gia đình chị, chị lập gia đình khi tuổi đã cao. Chồng chị là giám đốc khách sạn lớn ở Thành phố Vinh, anh chị có hai con lớn rồi mà vẫn chưa được Rửa tội. Từ ngày về nhà chồng, chị không đi nhà thờ nữa. Mỗi lần chị đặt câu hỏi: “ai đem các chị vào Đạo, làm sao mà sốt sắng thế, em là Đạo gốc đây…” chị lại rơm rớm nước mắt. Ra về chị hứa sẽ đem xe đến đưa em tôi đi Lễ nhà thờ cách nhà em tôi 1 cây số .Từ đó hai chị em đi Lễ đều. Chúng tôi đã trở thành thân tín của nhau trong Chúa Kitô.

Nửa năm sau, tôi về thăm quê có ghé vào chơi nhà Liên. Tôi được xem một số tấm hình chụp trong ngày vui ở nhà Thờ, hình được treo trên tường tại nhà Liên. Có các cha tham dự: Cha Khôi, chính xứ nhà thờ Cầu Rầm, cha Lợi, cha Tâm, Giáo sư Chủng viện Vinh Thanh, còn có các sơ đang ở nhà chị Liên để đi học, có những tấm hình gia đình chị chụp chung với các ngài, có cả chồng con của chị Liên, nét mặt vui tươi rạng rỡ của mọi người cho ta cảm giác họ đang sống tin yêu hạnh phúc trong Chúa Kitô. Liên nói: “Chồng em ủng hộ hai cháu cũng muốn đi nhà thờ chị cầu nguyện cho em với, cho hai cháu được Rửa tội.”

Ngày tháng trôi qua, tôi đã được chính thức làm con Chúa gần 6 năm, với 2 năm tìm hiểu Giáo lý. Tám năm qua lòng tin yêu của tôi với Chúa như được lớn dần lên, xin anh chị em cầu nguyện cho tôi với.

Chúng ta là dòng dõi của ông thánh Phaolô Tông đồ, chúng ta hãy nắm chặt tay nhau và xin hứa với Ngài luôn sống sao trọn nghĩa với Ngài như Ngài đã sống trọn nghĩa với Chúa.

Xin hết lời và xin cảm ơn anh chị em.

Hà Nội, ngày 08.08.2005

Bác sĩ Maria Anphongso Hoàng Lệ Sâm

Anh chi Thụ & Mai gởi

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay