Mắt bão đã xuất hiện?
Cánh Cò, viết từ Việt Nam
RFA
Blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh từng nhiều lần công khai phản đối công ty Formosa gây ra thảm họa môi trường tại miềnTrung Việt Nam.
File photo
Mấy ngày nay cái tên Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tức Mẹ Nấm gần như thay thế cho mọi thứ đang dẫn đầu từ khóa (keywords) trên mạng Internet. Người ta gọi nhau, viết những dòng status phản đối mạnh mẽ, trạng thái vừa phẫn uất vừa nghẹn lời với hoàn cảnh của bà mẹ đơn thân với hai con còn quá nhỏ.
Không ít người tự đứng vào hàng ngũ có tên “Chúng ta là Mẹ Nấm”. Không ít người trước đây xích mích với chị bỗng nhìn lại mình và bày tỏ sự tiếc nuối cho thời gian đã qua.
Người ta đang đối xử với chị như người thân, bất kể cá tính thẳng thắn và bén như dao chưa bao giờ làm cho Như Quỳnh cúi đầu trước chế độ hay ngay cả với bạn bè đồng sự.
Hệ lụy từ vụ bắt Mẹ Nấm
Bắt Mẹ Nấm có kết quả đầu tiên là như thế: thay vì đánh tan đám đông, chế độ quần tụ đám đông và làm cho nó có tiếng nói chung khác với trước khi Mẹ Nấm bị bắt.
Hệ lụy nào cũng có nguyên nhân của nó. Nếu bình thản nhắm mắt cho bộ não quay lại tất cả mọi chuyển biến từ vài tháng qua người ta sẽ thấy chưa khi nào chế độ lo sợ và rối loạn như hiện nay.
Trước nhất là sự thua cuộc của phe Nguyễn Tấn Dũng, mặc dù tạm nuốt nhục để giữ sĩ diện và tài sản nhưng vẫn bị phe đương quyền truy bức sau khi đã củng cố quyền lực và bước cuối cùng là nắm luôn Đảng Ủy Công an Trung ương, một vị trí có khả năng khống chế mọi cuộc nổi loạn từ người dân hay từ những âm mưu chính trị của những con bài cuối cùng đã bị đá ra khỏi hệ thống.
Nhưng Việt Nam vẫn còn may mắn trong cơn hấp hối, dòng tiền Trung Quốc bỏ ra cho Formosa đã phơi bày đến từng chi tiết sau khi thảm họa do nó gây ra làm sự chịu đựng của người Việt bùng vỡ.
Người dân không còn sợ chế độ, hàng chục ngàn người biểu tình, hàng triệu dân chúng bốn tỉnh miền Trung tuy chưa chung sức nhưng trong thâm tâm đã hòa cùng và đồng cảm bởi hàng chục ngàn người kia đang nói lên tiếng nói cho họ, tiếng nói của những người bị áp bức.
500 triệu đôla nói là tiền Formosa bồi thường được ông Thủ tướng thay mặt chế độ nhận lấy như một bó hoa nhựa chào mừng do Formosa trao tặng ngay sau khi ông công du Trung Quốc trở về đã làm sự phẫn nộ của người dân tràn bờ.
Chế độ loay hoay cố tháo bớt sợi giây thòng lọng nhân dân tệ xiết chặt khi Tôn Hoa sen tiếp tục nhận tiền Trung Quốc tính chuyện chặt Cà Ná làm đôi bởi dự án thép bẩn thỉu và vô lương.
Chế độ úp mở không ừ không lắc, họ đang đặt người dân Ninh Thuận trên chiếc thuyền thúng bất an giữa những ngày bão táp.
Cách ứng xử gia trưởng của đảng cầm quyền cộng với những cái đầu chỉ biết gật trong Bộ chính trị dĩ nhiên sẽ xuất hiện người chống đối. Với chế độ, chống đối bằng bất cứ cách nào cũng là mối lo cho sự cai trị.
Những con số 258, 88, 79 lại được mang ra bỏ vào lọ xóc lên như con bạc trong lúc khát nước và hết vốn, con số nhảy ra thế nào thì con bạc đánh tiền vào tụ ấy trong lúc hoang mang giãy dụa.
Và con số 88 rớt ra giữa chiếu bạc cho blogger Mẹ Nấm.
Ứng phó với khủng hoảng?
Trên thế giới hiện nay chưa có nước nào đánh bạc mà tiền vốn được tình trên người dân của mình như Việt Nam. Cách ứng phó khủng hoàng chính trị của Hà Nội luôn luôn làm cho thế giới ngạc nhiên vì không giống với bất cứ ai.
Tàn ác thua Bình Nhưỡng, lưu manh thua Trung Quốc, ngu xuẩn kém vài nước Phi Châu, thậm chí lì lợm và côn đồ trắng trợn thua xa Duterte của Philippines, nhưng nếu nói về lật lọng trong ngôn ngữ thì Việt Nam không hề thua bạn bè cùng khối.
Mẹ Nấm bị bắt với con số 88 không những làm cho người Việt hiểu chuyện phẫn nộ, nó còn làm cho các định chế chính phủ trên thế giới bất mãn.
Trước tiên là Châu âu, rồi Đặc ủy Nhân quyền Liên bang Đức, Rồi Hoa Kỳ và tiếp theo hầu như các nước dưới thể chế dân chủ có quan hệ ngoại giao với Việt Nam đều có thư phản đối.
Những lá thư nhẹ nhàng này không giống như lúc trước khi mà Việt Nam còn đu trên sợi giây nhân quyền nhằm vuốt ve sự bất mãn của quốc tế.
Người ta không khó để nhận ra hiện tình hôm nay không cho phép Hà Nội chọn cách đi hai hàng, họ không còn con đường nào khác phải chọn một và chỉ một mà thôi.
Họ chọn Trung Quốc.
Bởi không chọn Trung Quốc thì ngay lập tức Formosa sẽ là những chiếc đinh đóng nắp quan tài cho chế độ. Bao nhiêu tiền lại quả cho các dự án thép họ đã nhận. Bao nhiêu hoa hồng khi trung gian cho Trung Quốc xuất khẩu thép nay đã lộ hàng và chờ ngày ôm trọn sự trừng phạt nếu không dựa vào Trung Quốc thì dựa vào ai?
Bắt Như Quỳnh là cách mà Bộ công an tin là sẽ giúp ông Nguyễn Phú Trọng bớt nhức đầu trong giai đoạn rối rắm hiện nay.
Thế nhưng sự bắt bớ nào cũng làm cho đối phương có hai kết quả khác nhau tùy nhân thân và yếu tố chính trị của họ. Thứ nhất, vô hiệu hóa hành động của người này vì không còn tự do phát biểu như khi còn ở ngoài. Thứ hai, cảnh cáo những người còn lại nếu không muốn vào tù bởi những con số khác.
Trả lời cho ý đồ thứ nhất: Một người nổi tiếng như Mẹ Nấm ngồi trong tù vẫn sẽ tiếp tục phát biểu những lời mạnh mẽ và hùng hồn nhất. Chị đã có mục tiêu bởi các tấm bàng mà công an tịch thu tại nhà: Bảng tóm tắt hơn 30 vụ công an giết người trong đồn. Những biểu ngữ chống Formosa. Mục tiêu ấy nay đã được công an đóng dấu cho phép lưu hành trên toàn thế giới.
Biểu tượng cho một biến cố?
Lịch sử đã chứng minh rằng lời nói của người bất đồng chính kiến trong tù luôn có sức mạnh gấp trăm lần khi đang ở bên ngoài. Hãy nhìn Trần Huỳnh Duy Thức hôm nay so với trước khi anh bị kết án thì sẽ thấy.
Tấm gương bà Aung Shan Suu Kyi còn đó, mặc dù bị quản chế 17 năm nhưng không có lúc nào nhân dân Miến Điện quên tới bà. Họ âm thầm làm theo những gì bà truyền đạt ra khỏi nơi quản thúc. Những người đồng chí trong đảng của bà đã tận tâm truyền cái quyền lực âm thầm ấy làm nên một Miến Điện bây giờ.
Ý đồ thứ hai: Có ai sợ hãi sau khi Như Quỳnh bị bắt? Sự thật rành rành ra đó: Người ta công khai tên tuổi của mình khi ủng hộ Như Quỳnh. Hàng trăm blogger như được đánh thức qua sự bắt bớ này và họ đang tập trung lại dưới con số 88.
Mắt bão đã xuất hiện và Mẹ Nấm là nguồn lực thúc đẩy cho một biến cố không ai biết trước. Bão sẽ nổi lên và bão sẽ cuốn phăng đi tất cả những toan tính, âm mưu kể cả xem kẻ thù là đồng chí.
Sự lên tiếng và theo dõi từng động thái của chế độ từ các nhà ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ không phải làm chiếu lệ như nhiểu người chán nản, họ làm theo cách của họ, và cái cách ấy đã từng thành công tại Miến.
Và lịch sử sẽ lập lại: Con số 88 cũng là con số nổi tiếng của Miến Điện, biểu tượng cho một biến cố giết chết hàng ngàn sinh viên vào năm 1988, và phong trào 88 đã làm cho chế độ quân phiệt Miến cáo chung.
(Cánh Cò, Việt Nam 11/10/2016)