CON THUYỀN VINALINES CHÌM DẦN, AI SẼ LÀ NGƯỜI PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM?

CON THUYỀN VINALINES CHÌM DẦN, AI SẼ LÀ NGƯỜI PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM?

Phóng viên Độc lập

25-6-2016

Những "tàu ma" của Vinashin đang chìm dần ngoài Vịnh Hạ Long. Ảnh: internet

Thời gian gần đây hàng loạt bài báo đã đề cập đến việc làm ăn thua lỗ, thất thoát tại Vinalines và đỉnh điểm là việc chuẩn bị bán một số con tàu với giá bằng một phần mười lúc mua sau khi làm lỗ hơn 20.000 tỷ đồng. (Tàu Vinalines: Mua giá “cắt cổ”, thanh lý….bèo bọt – Dân Trí, ngày 9/06/2016; Vinalines lỗ gần tỷ USD, phải giám sát đặc biệt – PLTP ngày 24/11/2015)

Theo thông báo mới nhất, Vinalines có ý định bán 6 con tàu với mức thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng nữa để “tái cơ cấu”. Vậy ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm cho những thất bại đau đớn này? Liệu vụ việc có được đưa ra ánh sáng hay lại chìm xuồng như những vụ khác theo đó doanh nghiệp lỗ cứ lỗ, còn lãnh đạo doanh nghiệp, người phải chịu trách nhiệm chính thì vẫn tiếp tục không những bình an vô sự, mà còn leo cao chui sâu vào chức vụ cao hơn, để lại hậu quả cho không ai khác là nhân dân phải gánh chịu.

Người đầu tiên mà chúng tôi muốn nói tới là ông Nguyễn Cảnh Việt, người đã được bổ nhiệm vào chức vụ tổng GĐ của Vinalines từ năm 2011 đến năm 2014 sau khi đã có “thành tích” làm lỗ hơn 1000 tỷ đồng tại Công ty Nosco (một công ty con của Vinalines). Việc bổ nhiệm ông vào chức vụ Tổng GĐ Vinalines đã được rất nhiều cán bộ công nhân viên của Nosco đặt nghi vấn nhưng chưa có hồi đáp thì ông này đã kịp điều hành Vinalines gây ra khoản lỗ hơn 20.000 tỷ đồng đã nói ở trên (Cuộc “vượt vũ môn” ngoạn mục của tân tổng GĐ Tổng Cty hàng hải Việt Nam – Công Luận, ngày 7/01/2011).

Người thứ hai là ông Lê Anh Sơn, với cương vị là tổng GĐ Vinalines từ năm 2014, ông Sơn góp phần quan trọng vào “gói lỗ” hơn 20.000 tỷ và phải chịu trách nhiệm về việc đã và đang phá sản của hàng loạt các công ty con thuộc Vinalines như Ilaco Saigon, Ilaco Haiphong, Nosco, Vitranchart , Viconship Saigon, Vinashinlines, Công ty cổ phần vận tải dầu khí Việt Nam (Falcon), Dong Do Marine… cũng như tình trạng thua lỗ kéo dài tại các cảng liên doanh của Vinalines như Cái Lân, SSIT, SPPSA, CMIT… Nhưng rồi bất chấp kết quả kinh doanh thê thảm như vậy, ông vẫn được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn là Chủ tịch HĐTV của Vinalines.

Điều lạ lùng hơn là ông Nguyễn Cảnh Việt, sau khi gây ra con số lỗ khủng trên, không những đã thoát hiểm ngoạn mục bằng một chức vụ cao hơn mà còn cơ cấu được ông em họ Nguyễn Cảnh Tĩnh thay mình để điều hành Vinalines thông qua một “qui trình” mà chắc chắn nhiều người muốn đặt dấu hỏi.

Nói về qui trình để đưa ông em họ từ nhân viên kế toán của một Công ty TNHH trở thành quyền tổng GĐ của một ngành quan trọng của nhà nước, xin tham khảo bài báo “Lựa chọn tổng GĐ của Vinalines: không hẳn phải có chuyên môn hàng hải” trên báo Tin Tức, ngày 26/09/2015.

Theo thông tin chúng tôi, được biết ông Cảnh Tĩnh học ngành tài chính, không có nghiệp vụ và kinh nghiệm gì về ngành hàng hải, một thuật ngữ chuyên ngành ông cũng không nắm được nhưng nhờ ông anh biết “vận dụng qui trình” nên ông chễm trệ ngồi ghế quyền tổng GĐ mà ra lệnh cho hàng nghìn cán bộ công nhân viên có hàng mấy chục năm đóng góp cho ngành. (Nghi vấn bổ nhiệm quyền tổng giám đốc Vinalines không theo qui trình –Tiền Phong, ngày 2/10/2015)

Dư luận không thể không đặt ra câu hỏi việc hai anh em cùng tiến thân này với sự tham gia đắc lực của tổng GĐ thua lỗ Lê Anh Sơn, có hay không nằm trong một kế hoạch tinh vi để dễ bề che chắn những sai phạm trước đó của nhóm lợi ích này, vì với năng lực hạn chế về chuyên môn, ông Cảnh Tĩnh chẳng thể làm gì hơn ngoài việc lên kế hoạch bán tàu.

Trong bài “Nghi vấn bổ nhiệm quyền Tổng giám đốc Vinalines không theo qui trình” trên báo Tiền Phong, ngày 02/10/2015, khi phóng viên báo Tiền Phong trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Huệ, chủ tịch HĐTV Vinalines tại thời điểm đó về vấn đề bổ nhiệm cán bộ, ông cho rằng việc bổ nhiệm cán bộ của ông xuất phát từ ban điều hành. “Ban điều hành đưa lên, cứ đủ điều kiện là tôi bổ nhiệm chứ không quan tâm số lượng nhiều hay ít”. Thì ra qui trình là như vậy. Không biết ông đã đọc điểm c, khoản 2, điều 38 Điều lệ của Vinalines (ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ số 184/2013/NĐ-CP) hay chưa mà ông ngang nhiên ký quyết định đề nghị bổ nhiệm một người không có chuyên môn trong lĩnh vực kinh doanh chính của Vinalines cũng như không có một ngày kinh nghiệm nào tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp thuộc ngành (trong khi điều lệ đòi hỏi 3 năm) làm quyền tổng GĐ Vinalines. Có hay không một đường dây chạy chức chạy quyền ở Vinalines với sự chống lưng của cấp cao hơn nữa thì chỉ có cơ quan chức năng mới trả lời được.

Chúng tôi cũng không thể không nói đến trách nhiệm của các thành viên trong HĐTV Vinalines trong “qui trình” bổ nhiệm nói trên. Với vai trò là đại diện vốn của nhà nước trong Vinalines, từng thành viên trong HĐTV Vinalines phải có trách nhiệm trong việc quản lý, giám sát, định hướng ban điều hành Vinalines trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như về mặt nhân sự. Nhưng vì lý do nào đó, những thành viên này hoàn toàn không có phản ứng gì trước những vi phạm có hệ thống nêu trên. Họ đã bị vô hiệu hóa hay cũng nằm trong nhóm lợi ích tại Vinalines? Chúng ta hãy chờ kết luận từ cơ quan có thẩm quyền.

Với quyết định dứt khoát của Tổng Bí thư về sự việc của ông Trịnh Xuân Thanh, người đã được lên chức theo “qui trình” sau khi làm thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng tại Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC), chúng tôi tin rằng Đảng và Nhà nước sẽ xử lý dến nơi đến chốn vụ việc với mức độ nghiêm trọng gấp nhiều lần xảy ra tại Vinalines.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay