CHẾT RỒI… ĐI ĐÂU ?

CHẾT RỒI… ĐI ĐÂU ?

 PHÙNG VĂN HÓA

 Ephata 689

Đối với người bình thường thì cái chết luôn là một đề tài kiêng kỵ, người ta dường như muốn lẩn tránh nó. Thế nhưng có những trường hợp không thể lẩn tránh, đó là khi người thân yêu ruột thịt của chúng ta qua đời. Đứng trước ngôi mộ mới đắp khói hương nghi ngút, mọi người đều đã ra về chỉ còn mình ta với câu hỏi quay quắt: Xác thân nằm đó còn hồn đi đâu ? Sở dĩ cái chết của những người mà chúng ta rất đỗi yêu thương như cha mẹ vợ chồng con cái, mới gợi cho ta nỗi niềm thắc mắc, là bởi những con người ấy đã sống với ta một quãng thời gian lâu dài, với biết bao là yêu thương gắn bó, mà nay lại phải chia ly không ngày gặp lại ! Chết là một sự chia ly, và sự chia ly ấy có nghĩa: một người còn ở lại trên cõi đời này, còn người kia thì ra đi biền biệt sang cõi đời khác. Thật sự thì có hay không một cõi đời khác để người chết ra đi, đó là một nan đề triết học mà cho đến nay vẫn chưa được giải quyết. Với duy vật thì chết là hết chuyện chẳng có gì để nói. Tuy nhiên nói thì vậy nhưng đối với những con người có đầu óc suy tư, chẳng hạn J.P. Sartre, thì cái chết vẫn là một bí ẩn khôn dò: “Điều cần ghi nhận đầu tiên là tính chất phi lý của sự chết”. Sở dĩ chết là phi lý bởi vì nó mù quáng và đột ngột chấm dứt mọi dự phóng. Theo triết gia hiện sinh này thì con người tất yếu là dự phóng và dự phóng ấy chỉ là những hoài vọng vô ích ở cõi đời này, tuyệt nhiên chẳng có quan hệ gì với cõi đời sau.

Chết có phải hết hay còn, đó là đề tài muôn thuở của triết học cho cả Đông lẫn Tây. Để tránh cái tệ nạn viển vông, Đức Khổng trả lời cho đệ tử là Tử Cống rằng: “Cho người chết là mất hẳn không biết gì nữa là bất nhân không nên theo. Cho người chết là còn biết như lúc còn sống là bất trí không nên theo” ( Chi tử nhi tri tử chi, bất nhân, nhi bất khả vi giã; chi tử như tri sinh chi, bất trí, nhi bất khả vi giã – Lễ Ký ).

Cho người chết là mất hẳn không còn gì nữa là bất nhân, bởi như thế sẽ chẳng còn có tưởng niệm, có cầu nguyện, tóm lại, chẳng còn có đời sống tâm linh tôn giáo gì cả. Ông HCM một người tự nhận là CS vô thần mà khi làm di chúc vẫn nói mình đi theo ông Mác, ông Lê. Vậy thử hỏi cái việc đi theo ấy là đi đâu ? Phải có nơi có chốn để đi chứ đâu thể cứ nói khơi khơi vậy được ? Cần có nơi có chốn mới có thể đi. Đây là vấn đề hết sức quan hệ trong lãnh vực tâm linh, không thể bỏ qua.

Đạo Công Giáo hiện đang rơi vào khủng hoảng mà nguyên nhân gây ra cho nó chính là vì đã không xác định được cái nơi chốn để về. Trước đây Gíao Hội vẫn tin và giảng dạy về bốn sự sau hết gọi là Tứ Chung ( Novissimis ): Chết, Phán xét, Thiên Đàng, Hoả Ngục. Tín hữu luôn tin rằng sau khi chết con người sẽ chịu phán xét, kẻ lành lên Thiên Đàng hưởng phúc đời đời, còn kẻ dữ sẽ phải phạt trong Hoả Ngục muôn kiếp. Tin có Thiên Đàng có Hoả Ngục tức là tin đó là hai nơi chốn có thực. Cần có lòng tin như thế chúng ta mới cố gắng làm lành lánh dữ để được lên Thiên Đàng và khỏi sa Hoả Ngục. Tin vào đời sau, có thưởng có phạt đó không phải dị đoan nhưng là niềm tin chính đáng ( chánh tín ) của người có đạo. Thế nhưng niềm tin Thiên Đàng, Hoả Ngục có nơi có chốn ấy ngày nay đã bị Thần Học thẳng thừng bác bỏ: “Nếu bạn đã từng nghĩ như tôi hoặc vẫn còn đang nghĩ Thiên Đàng, Luyện Ngục và Hoả Ngục là những nơi chốn thì sai rồi. Bạn cứ mở cuốn Toát yếu Giáo Lý Công Giáo do Đức Giáo Hoàng Benedicto đương kim soạn thảo ra mà xem thì sẽ thấy quan niệm về Nơi Chốn của Thiên Đàng, Luyện Ngục và Hoả Ngục như là những Nơi Chốn là sai bét tè le” ( Nguồn: Lm. Ansgar Phạm Tĩnh, Tháng các Linh Hồn, tìm hiểu Thiên Đàng, Luyện Ngục và Hoả Ngục ) Thay cho quan niệm Thiên Đàng, Hoả Ngục có nơi chốn, Thần Học cho rằng đó chỉ là những tình trạng: “Thiên Đàng là tình trạng hạnh phúc tối thượng và vĩnh viễn. Ai chết trong ân sủng của Thiên Chúa và ai không còn bất cứ sự thanh luyện cuối cùng nào sẽ được quy tụ quanh Chúa Giêsu và Đức Maria, các Thiên Thần và các Thánh…” Thiên Đàng là tình trạng, và Hoả Ngục cũng thế:

“Hoả Ngục là tình trạng xa cách đời đời khỏi Thiên Chúa… Đức Kitô diễn tả thực tại Hoả Ngục bằng những lời này: “Quân bị nguyền rủa kia đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời” ( Mt 25, 41 ).

Ở đây ta thấy có sự bất nhất; trước thì nói Thiên Đàng không phải nơi chốn sao lại bảo Thiên Đàng là nơi quy tụ ?!? Không có nơi có chốn thì làm sao quy tụ được đây ? Lại nữa Hoả Ngục cũng phải có nơi có chốn bởi nếu không thì kẻ dữ sẽ vào đâu khi nghe Chúa phán: “Hãy đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời ?”

Cả Thiên Đàng lẫn Hoả Ngục chẳng những đều có nơi có chốn, hơn nữa còn có nhiều tầng bậc cao thấp khác nhau. Thánh Phaolô có lần đã được dẫn đưa tới tầng trời thứ ba: “Tôi biết một người trong Đức Kitô cách mười bốn năm trước đây đã được cất lên đến tầng trời thứ ba. Hoặc trong thân thể tôi chẳng biết hoặc ngoài thân thể tôi cũng chẳng biết, có Đức Chúa Trời biết. Tôi biết thể nào người đó, hoặc trong thân thể hoặc ngoài thân thể tôi cũng chẳng biết, có Đức Chúa Trời biết, đã được cất lên đến Lạc Viên ( Paradis ) nghe những lời không thể nói mà người nào cũng không được phép nói ra” ( 2Cr 12, 2-4 ).

Thánh Phaolô nói ngài đã được cất lên tới tầng thứ ba. Điều này cho thấy rõ ràng Thiên Đàng có một nơi chốn chứ chẳng phải tình trạng như Thần Học nói. Thiên Đàng như một nơi chốn hoàn toàn khác với tình trạng ở chỗ: một đàng Thiên Đàng là nơi cư ngụ vĩnh viễn của Chúa Giêsu, Đức Mẹ, các Thánh và những kẻ lành, còn tình trạng chỉ là trạng thái lúc có lúc không và mang tính chất bất định. Mặt khác, Thiên Đàng phải là một nơi chốn mang tính vĩnh viễn mới khiến cho ta quy hướng mong mỏi được về, chứ có ai lại muốn  về với cái tình trạng bất định làm gì ?

Nguyên nhân sâu xa khiến Thần Học bác bỏ Thiên Đàng như một nơi chốn là bởi người ta đã không nhận ra chiều kích tâm linh của Thiên Đàng cũng như của Hoả Ngục. Thiên Đàng, Hoả Ngục là lãnh vực thuộc tâm giới chứ không phải vật giới. Tâm giới thuộc vô hình, còn vật giới thuộc hữu hình. Con người chết, tức từ cõi hữu hình bước sang cõi vô hình. Gọi là vô hình bởi vì giác quan không thể cảm nhận chứ nó thực sự là một cõi, một thế giới với vô vàn vô số tầng bậc khác nhau.

Theo quan điểm nhà Phật thì cõi vô hình ấy gồm có sáu nẻo đó là: Thiên, Nhân, Atula, Ngạ Quỷ, Súc Sanh và Địa Ngục. Nguyên nhân khiến con người sau khi chết phải vào sáu nẻo luân hồi là do cái nghiệp dẫn dắt. Nghiệp nhân nào thì có quả báo của nghiệp đó. Cũng theo quan điểm Phật Giáo thì mục đích rốt ráo của việc tu hành là để thoát khỏi lục đạo luân hồi hầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

Trong tinh thần hội nhập hôm nay, thiết nghĩ chỉ có thuyết Nghiệp Báo của Phật giáo mới có thể giải đáp thoả đáng được cho câu hỏi “Chết rồi đi đâu”. Triết Học đề ra cho mình ba vấn đề. Một là con người bởi đâu sinh ra, hai là sống trên đời để làm gì và ba là chết rồi đi đâu ? Đề ra nhưng không thể giải quyết, triết học đương nhiên lâm vào bế tắc. Riêng với Thần Học, một thứ triết duy lý trá hình, thì sự thất bại còn não nề hơn, chẳng những không biết chết về đâu mà còn phủ nhận cả cái nơi cần trở về ấy nữa.

Bởi nguyên do nào mà Thần Học lại đi đến chỗ phủ nhận cả Thiên Đàng lẫn Hoả Ngục ? Xin thưa là vì vẫn còn chưa thoát khỏi quan niệm Đấng Thần Linh Tạo Hoá. Quan niệm Đấng Tạo Hoá đưa đến hai hệ quả. Một là Thuyết Định Mệnh, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng và như thế được lên Thiên Đàng hay phải xuống Hoả Ngục đều do Chúa quyết định. Hai là Thiên Chúa không bao giờ dựng nên Hoả Ngục bởi vì Ngài là Thiên Chúa Tình Yêu chẳng khi nào lại nỡ đày đoạ con cái mình vào nơi khốn nạn ấy !

Dẫu sao Thuyết Định Mệnh ngày nay chẳng còn mấy ai chấp nhận. Tuy nhiên nếu bảo rằng tôi phải trách nhiệm về đời mình thì người ta có thể lập luận: điều ấy chỉ đúng trong cuộc sống hiện tại còn đời sau thì không. Tại sao ? Bởi vì cái đời sau, nghĩa là sau khi chết ấy, tôi có còn phải là tôi nữa đâu ?

Chính vì cho rằng sau khi chết tôi không còn phải là tôi nên mới có những người tự kết liễu đời mình bởi nghĩ chết là hết cái… nợ đời ! Thật sự thì chẳng bao giờ hết được nợ vì rằng đây chính là cái “Nghiệp” mà mỗi người đã vương mang từ muôn kiếp. Thi hào Nguyễn Du nói: “Đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa” “Nghiệp” dịch từ chữ Phạn là Karma nghĩa của nó là Tác Ý. Tất cả tư tưởng lời nói việc làm là do ý muốn làm động cơ khởi phát và ý muốn ấy cứ lập đi lập lại để thành ra Nghiệp. Ý muốn thuộc về Tâm là cái vô hình nhưng nó quyết định cho mọi hành vi con người. Có ý muốn tốt sẽ hành động tốt, ngược lại ý muốn xấu sẽ hành động xấu. Đức Kitô nói: “Không có cây tốt lại sanh trái xấu, cũng không có cây xấu lại sanh trái tốt. Cứ xem quả thì biết cây. Người ta không hái trái vả nơi lùm gai. Cũng không hái trái nho nơi chà chuôm. Người thiện do lòng chứa thiện mà phát ra điều thiện. Kẻ ác do lòng chứa ác mà phát ra điều ác. Vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” ( Lc 6, 43 – 45 ).

Chứa ở đây là chất chứa, có chất chứa những ý muốn thiện lành thì mới có thể có những hành động thiện lành. Ngược lại, cứ chứa chấp những ý muốn xấu xa ác độc thì sẽ hành động ác. Người đời coi thường những ý muốn khởi phát ở nơi Tâm, tưởng nó vô hại mà không biết rằng mình đang tạo nghiệp. Nghiệp nhân nào sẽ có nghiệp quả đó. Được lên Thiên Đàng hay phải đoạ đày muôn kiếp trong Hoả Ngục hoàn toàn không do một Đấng Thần Linh nào đó quyết định, nhưng là do nghiệp dẫn. Hiểu như thế thì vấn đề quan trọng của mỗi người có đạo chúng ta là phải làm sao tạo cho mình một cái nghiệp lành để hưởng quả lành tối thượng là Nước Thiên Đàng đời đời.  Tạo nghiệp lành để hưởng quả lành, và nghiệp lành ấy không gì bằng là thi hành Thánh Ý Chúa trong tư tưởng lời nói việc làm: “Chẳng phải mỗi kẻ nói cùng Ta rằng: lạy Chúa lạy Chúa mà vào Nước Trời được đâu, nhưng chỉ những kẻ biết vâng theo Ý Chỉ của Cha Ta trên trời mà thôi” ( Mt 7, 21 ).

Vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa là một việc khó mà dễ. Nói là khó, rất khó bởi vì vẫn còn thấy có cái Ta ( Ngã chấp ). Còn dễ là biết bỏ cái Ta không thật đó đi. Bỏ cái Ta có nghĩa là bỏ hết dục vọng còn chứa chấp ở nơi mình, khi ấy Đấng Cha tức bộ mặt xưa nay ( Bổn lai Diện Mục ) sẽ hiện tiền: “Cứ phá bỏ được những dục vọng bên ngoài thì sẽ thấy cái thiện căn bản của lòng mình được no đầy” ( Dĩ khử phù ngoại dụ chi nhi sung kỳ bản nhiên chi thiện ( Trung Dung – Chương một ).

Bỏ dục vọng, tức bỏ đi những ý muốn xấu ác, chỉ có thế thôi. Thế nhưng để làm được việc làm này thì phải có ơn Chúa. Mặc dầu ơn Chúa là cái không thể thiếu, nhưng nếu ta không cộng tác tức không gắng sức tạo cho mình một cái nghiệp lành bằng cách tham dự Thánh Lễ hàng ngày cách sốt sắng và chuyên cần đọc Kinh Mai Khôi, thì cũng vô ích: “Song ai bền đỗ đến cùng thì mới được cứu” ( Mt 10, 22 ).

PHÙNG VĂN HÓA

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay