MẸ NIỀM CẬY TRÔNG, CHƯA THẤY AI XIN MẸ VỀ KHÔNG

MẸ NIỀM CẬY TRÔNG,  CHƯA THẤY AI XIN MẸ VỀ KHÔNG

 Maria TRẦN THỊ HƯỜNG, Nhóm BVSS Hà Nội

Trích EPHATA 687

 “Mẹ niềm cậy trông, chưa thấy ai xin Mẹ về không”. Đó là điều chắc  chắn cho những ai biết trông cậy, tín thác nơi Mẹ Maria. Tôi và gia đình tôi là một nhân chứng cho điều này, xin được lần lượt kể lại ít là 3 câu chuyện:

Chuyện thứ nhất: Tôi lập gia đình

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nền nếp đạo gốc cha truyền con nối… Khi trưởng thành tôi lập gia đình với chồng tôi giáo sư Đỗ Mạnh Môn dạy tại Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội, một gia đình cha mẹ là giáo viên theo đạo Phật. Mặc dầu khi cưới, chúng tôi đươc cha  xứ ban “phép chuẩn” ( Đạo ai người nấy giữ ), nhưng do khác đạo nên nhiều khi bản thân tôi vẫn buồn và lo lắng vì “chưa được nên một hoàn toàn trong tình yêu của Chúa”…

Thế rồi tôi chỉ biết cầu nguyện và trông cậy vào Chúa, vào lời cầu bầu của Mẹ Maria quan thầy của tôi. Hàng ngày tôi đọc kinh Hãy Nhớ: “Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào đến kêu xin cùng Đức Mẹ mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời…” Tôi đọc kinh này với lòng tha thiết nguyện xin Mẹ cứu giúp, chở che gia đình tôi và xin Chúa cho chồng tôi tìm được Chúa để chúng tôi hạnh phúc nên một trong Chúa.

Thế hệ chúng tôi đã lớn lên và tồn tại dưới chế độ CS Việt Nam, vì thế việc chồng tôi tìm Chúa và theo Chúa không dễ dàng như trong vòng 20 năm gần đây của thời buổi hiện tại. Các bạn có điều kiện, các cha ở các Giáo Xứ và Nhà Dòng mở các lớp Giáo Lý Hôn Nhân, Giáo Lý Tân Tòng. Còn ở thế hệ chúng tôi, không những chẳng có được các lớp Giáo Lý mà còn rất nhiều khó khăn cản trở của phía chính quyền vô thần…

Tôi đã cầu nguyện và cầu nguyện tha thiết trong suốt 40 năm cho chồng tôi tìm được Chúa. Tôi hy vọng trong tiệc cưới Cana, Mẹ đã thương nói với Chúa: “Nhà này hết rượu” và Chúa đã làm cho nước hóa thành rượu ngon. “Mẹ nguồn cậy trông, chưa thấy ai xin Mẹ về không…” Cứ thế tôi tín thác vào Mẹ Maria của tôi.

Và cuối cùng, Chúa đã thương cho chồng tôi gặp và theo Chúa một cách “tự nguyện”, lại còn hết sức sốt sắng nữa. Một buổi sáng tháng 8 năm 2010, như vậy là cách nay đã 6 năm, chồng tôi nói vớitôi:

“Bà ơi ! Tôi muốn theo Đạo Chúa để được ở cùng bà khi ra đi về với Chúa”. Tôi ngỡ ngàng hỏi nhà tôi:

“Ông là con trưởng và là trưởng tộc, ông theo Đạo Chúa thì tôi phải về quê hỏi bên họ Đỗ của ông, ít nhất cũng phải hỏi gia đình, anh chị em ông chứ.” Chồng tôi trả lời: “Chẳng phải hỏi ai cả, tôi ngần này tuổi đầu, tôi biết tôi tin vào ai chứ !”

Mừng vui và quá đỗi ngạc nhiên tôi hỏi ông: “Ông muốn mời cha nào đến giúp ông hiểu thêm về Chúa, về Đức Tin Công Giáo, trước khi ông nhận Bí Tích Thánh Tẩy không ?” Không ngần ngừ ông nói:

“Bà mời cha Bề Trên Vũ Khởi Phụng, DCCT Thái Hà, có được không ?” – “Ồ được chứ sao không ?”

Thực ra, trong thời gian trên 40 năm ông sống với tôi. Ông đã có dịp cùng tôi gặp và tiếp xúc với nhiều đấng bậc trong Hội Thánh mà trong việc Tông Đồ tôi thường gặp như: Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn, Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng và cha giáo Trịnh Hưng Kỷ, cha Nguyễn Văn Đạt và các cha DCCT… Không ngờ qua những cuộc trò truyện tiếp xúc với các ngài, ông đã nhận được ơn Chúa mà dần dần đã tin vào Người. Và thế là khi tôi đến ngỏ ý với cha Vũ Khởi Phụng, Bề Trên DCCT Thái Hà, Hà Nội, thì cha hiểu và vui mừng nhận lời ngay.

Sau hơn một tháng cha đến giúp chia sẻ củng cố niềm tin của ông vào Chúa, ông đã được chính ngài cử hành các Bí Tích Thánh Tẩy, Thêm Sức và Rước Chúa lần đầu tại Nhà Thờ Sainte Marie Dòng Saint Paul, phố Hai Bà Trưng, Hà Nội, với rất đông các bạn bè trí thức của ông tại trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội. Các soeurs Dòng Saint Paul, Đa Minh, Mến Thánh Giá Hà Nội và mọi người thân của gia đình chúng tôi, cả lương lẫn giáo đều đến dự Thánh Lễ rất trang trọng và thiêng thánh, trao ban các Bí Tích cho ông Đỗ Mạnh Môn, chồng tôi.

Tạ ơn Chúa, sau ba năm chính thức tin theo Chúa, chồng tôi đã được đón về bên Chúa theo

đúng nguyện vọng của ông lúc tuổi già.

 

Chuyện thứ hai: Tôi sinh con đầu long

 Tôi lập gia đình từ năm 1964, mà mãi tới năm 1968 mới sinh con đầu lòng. Ở Hà Nội thời chiến bắt đầu từ năm 1964. Sau Tết Mậu Thân năm 1968, Hà Nội đã hứng bom đạn của Mỹ thật ác liệt. Lúc bấy giờ mọi người sơ tán ra xa khỏi Hà Nội hàng trăm cây số. Cơ quan nơi tôi làm việc trực thuộc Hà Nội nên vào diện phải ở lại Hà Nôi để… “bảo vệ Thủ Đô” ! Vậy mà tôi lại được miễn trừ vì đang có bầu. Chồng tôi cũng đã sơ tán theo trường Đại Học Bách Khoa lên đến tận biên giới Na Sầm, tỉnh Cao Bằng, cách Hà Nội hơn 300 cây số. Thế là coi như gia đinh ly tán bởi

chiến tranh, không còn ai là người thân ở Hà Nội lúc bấy giờ. Tôi nhớ rất rõ: Giữa bom đạn ngày 12.4.1968, tôi chạy từ nơi đang sơ tán về nhà tại 40B phố Hòa Mã, Hà Nội, để chuẩn bị ít tã lót, áo quần cho cuộc “vượt cạn”. Về tới nhà không gặp một ai kể cả hàng xóm. Trong tiếng bom đạn xé trời, loa truyền thanh oang oang: “Máy bay Mỹ cách Hà Nội 80 cây số, 60, 50, 40 và máy bay địch đã vào Hà Nội… Mời đồng bào xuống hầm trú ẩn gấp…” Với chiếc bụng bầu lặc lè, tôi làm sao có thể xuống hầm trú ẩn khi bắt đầu thấy đau quặn, trở dạ sanh con ? ! ?

Tôi ra khỏi nhà. Khi ấy mọi người đã xuống hầm trú ẩn an toàn cả rồi mà tôi thì vẫn một mình lững thững đi trong tiếng gầm rú của máy bay B52 và tiếng pháo cao xạ rầm rầm đáp trả. Tôi tìm đến nhà hộ sinh để “vượt cạn” một mình… Có nơi tôi vừa đi qua, thì bom rơi trúng căn hầm có mấy người trú ẩn…

Lúc gian nguy, “khi gặp những sự thiếu thốn”, tôi thường chạy đến kêu cầu Mẹ Maria cứu giúp. Tôi thầm thĩ kêu xin Mẹ Maria, quan thầy của con, xin đến bên con lúc này… Và như có bàn tay vô hình nâng đỡ, tôi thấy mình như có một sức mạnh để yên tâm tiếp bước. Gần 12 giờ trưa, tôi biết mình đang trở dạ. Tôi cố lê bước đến nhà hộ sinh B chỉ cách nhà tôi có vài ba cây số mà phải mất hơn một giờ đồng hồ !

Cô y tá trực hỏi ráo hoảnh: “Có ai đi cùng không ?” Tôi trả lời: “Không !” Cô ấy tiếp tục căn vặn:

Bom đạn rầm rầm thế này mà đi đẻ một mình à ?” Rồi cô chỉ tay nói trống không: “Vào kia, phòng tay trái ! Chuẩn bị thay áo váy đi…”

Vào phòng chờ sinh, cơn đau tiếp tục dồn dập hơn, tôi mệt rũ người, và cũng quên bẵng từ sáng tới giờ hơn mười mấy giờ đồng hồ chưa ăn uống gì cả. Bụng đói miệng khát, nhưng tôi vẫn cố gắng chịu đựng vì sau khi thăm khám, bác sĩ bảo: “Con so, chưa vỡ ối, còn lâu mới sinh…”

Tôi vừa ngả lưng thì cơn đau lại tiếp tục, không thể nằm được, tôi cố ngồi dậy kéo cỗ tràng hạt đang đeo trên cổ, miệng đọc 3 Kinh Kính Mừng rồi đọc tiếp kinh Hãy Nhớ: “Mẹ ơi ! Không ai kêu cầu Mẹ mà về không… Lúc này con đang trong cơn khốn khó gian nguy… Đi biển có bầu có bạn, còn con vượt cạn một mình ! Mẹ ơi, bên cạnh con không một người thân, xin Mẹ đến bên nâng đỡ con lúc con sinh nở Mẹ nhé…”

Tôi nghiến răng chịu đựng cơn đau suốt từ 12 giờ trưa ngày 12 sang đến 1 giờ sáng hôm sau,

ngày 13.4.1968. Cơn đau của người sinh con, lại sinh con đầu lòng như tôi, thì cuộc trở dạ đau gấp nhiều lần người sinh con dạ, nghĩa là từ con thứ hai, thứ ba trở đi.

Đau quá, máu ra đầm đìa ướt cả váy. Tôi đến gặp bà bác sĩ trực đêm hôm đó xin được khám, bác sĩ hỏi: “Đau lâu chưa, đã vỡ ối chưa ?” Tôi trả lời: “Chưa ạ !” Bác sĩ tiếp tục phán: “Con so. Chưa vỡ ối.

Vào giường nằm, còn lâu mới sinh !” Người với người, cùng là phụ nữ với nhau cả, vậy mà không được lấy một câu an ủi sẻ chia. Thái độ bác sĩ và y tá XHCN là vậy đấy, lạnh lùng, vô cảm trước người bệnh !

Tôi đau đớn lê bước quay về giường… Qua ba lần xin bác sĩ và hộ lý thăm khám thì cả ba lần họ đều lạnh lùng trả lời như trên. Tôi đã kiệt sức vì đau và đói. Với cỗ tràng hạt trong tay, tôi nằm phó linh hồn chờ chết và xin Chúa cho con được chết lành trong tay Chúa và Mẹ Maria quan thầy của tôi. Máu ra đầm đìa cả váy áo và tấm drap giường như nhuộm đỏ. Tôi thiếp đi, có lẽ vào khoảng 11 giờ trưa…

Tôi đang lịm đi chờ chết thì rất may, có một bà bác sĩ từ bên Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương xuống kiểm tra những ca sinh khó của bệnh viện tuyến dưới. Tôi còn nhớ rõ bác sĩ tên Nguyệt. Tôi vừa chợt tỉnh thì lại thiêm thiếp đi, thế nhưng tai vẫn loáng thoáng nghe bà bác sĩ đến bên hỏi chị nằm giường cạnh tôi: Còn chị nào chưa khám không ? Có lẽ chị ấy đã chỉ vào tôi và nói với bác sĩ: “Chị này con so đến từ trưa hôm qua, băng huyết mà chưa sinh được…” Bác sĩ Nguyệt quay sang nhìn thấy tôi “sắp chết” môi khô da tái, bà gọi hộ lý, y tá đến bế tôi đặt lên bàn khám, bà âu yếm an ủi và lấy nước cho tôi uống… Những lời nói, những cử chỉ âu yếm của bác sĩ Nguyệt như một sức mạnh làm cho tôi hồi tỉnh lại. Tôi thầm tạ ơn Chúa thương tôi, qua lời cầu bầu của Mẹ Maria, đã đến cứu tôi qua bàn tay của bác sĩ Nguyệt đây rồi.

Trên bàn sanh, tôi nghe các hộ lý, y tá quây chung quanh bác sĩ Nguyệt nói: “Con so lại chưa vỡ ối ?” Bác sĩ Nguyệt bảo: “Chưa vỡ ối thì bấm ối cho sanh, chứ để con người ta chết ngạt trong bụng sao ? Các chị đâu, bấm ối xong, mang máy hút ra…” Trước đó, vì là con so nên bác sĩ Nguyệt hướng dẫn tôi cách “vượt cạn”… Tôi đã làm theo hướng dẫn ấy nhưng khi cháu sinh ra, do ở quá lâu trong tử cung và vòng nhau cuốn cổ, cháu đã ngạt thở và tím đen, không khóc nổi… Bác sĩ liền cầm chân cháu giốc ngược đầu xuống, phát nhẹ vào mông cháu, và cuối cùng cháu đã cất tiếng khóc chào đời đúng vào 12 giờ trưa 13.4.1968, sau đúng một ngày thập tử nhất sinh…

 

Chuyện thứ ba: Tôi gặp tai nạn

  Chuyện này xảy ra đã gần 50 năm, tôi vẫn còn nhớ “như in”, không bao giờ có thể quên

được… Tai nạn khủng khiếp xảy ra với tôi trong khi bom đạn và máy bay gầm thét trên bầu trời Hà Nội giữa buổi chiến tranh kinh hoàng. Dạo ấy phương tiện của mọi người dân tThủ

đô Hà Nội ra đường là xe đạp chứ không có xe máy hay ôtô như hiện nay. Ngoài ra cơ giới chỉ có xe UAZ 469 của Liên Sô viện trợ cho bộ đội hay xe Volga dành cho cán bộ lãnh đạo lưu thông trên đường phố mà thôi. Gia đình vợ chồng tôi cũng không ngoại lệ, cọc cạch chiếc xe đạp quanh năm.  Hôm ấy là Chúa Nhật, chồng tôi chở tôi bế cậu con trai đầu lòng mới 6, 7 tháng tuổi từ nhà Nội bên quận Hai Bà Trưng lên thăm nhà Ngoại bên quận Hoàn Kiếm, đoạn đường chỉ khoảng 3, 4 cây số. Trong  chiến tranh thì Hà Nội là mục tiêu của máy bay B 52 Mỹ ném bom xuống, bên này thì tên lửa, pháo cao xạ của bộ đội, của tự vệ thành Hà Nội bắn trả lên. Bom rơi đạn lạc chết người là chuyện thường ngày… Trên  đường đi bằng xe đạp đến thăm mẹ tôi, nếu dừng xe xuống hầm theo loa báo động thì ít nhất cũng cả chục lần… Của đáng tội, trong chiến tranh người Hà Nội nghe tiếng loa báo động giục giã tại các ngã 4 đường phố mãi rồi cũng “quen” nên xe đạp của gia đình chúng tôi cứ tiếp tục đi bất chấp mọi sự… Xe đang ngon trớn xuyên qua lưới bom đạn thì tôi nghe một tiếng rầm ! Tôi cứ ngỡ bom nổ ngay bên cạnh, nhưng không phải ! Ấy lại là xe UAZ của quân đội nghe báo động nên hốt hoảng lạc tay lái đâm trực diện vào xe đạp của vợ chồng tôi đang phóng nhanh trên phố Nguyễn Du. Cú đâm quá mạnh đến nỗi xe đạp và chồng tôi bắn lên vỉa hè. Cháu bé tôi bế trên tay bắn ra khỏi vòng tay của tôi, còn tôi thì ngã sấp mặt xuống đường, toàn thân tôi nằm sát đất, xe UAZ lao ngang qua và tôi lọt hoàn toàn dưới gầm xe !

Môt tai nạn thật kinh khủng xảy ra với tôi ! Vậy mà sao tôi vẫn tỉnh, tôi còn nghe tiếng phanh kít

của xe UAZ trên mặt đường nhựa. Khoảnh khắc ấy, lạ thay, tôi vẫn kịp nghĩ đến Mẹ Maria thánh quan  thầy của tôi, và tôi buột miệng kêu tên “Giêsu, Maria, Giuse” để phó linh hồn mình trong tay ba Đấng. Và rồi tôi nghe rõ tiếng mọi người và tiếng chồng tôi kêu cứu. Người ta cho xe lùi lại để có thể kéo xác tôi ra khỏi gầm xe, ai cũng tưởng tôi đã chết dí… Không ngờ, gầm xe chỉ xé nát quần áo tôi từ cổ xuống. Một ngón tay út bên phải bị bánh ô tô đè lên, tôi không nhấc được tay ra. Tôi lấy tay trái quờ vào đầu thấy đầu và tai chảy máu… Thế nhưng tôi vẫn tỉnh.

Bạn đã thấy một tai nạn kinh khủng nào mà người bị nạn nằm sấp hoàn toàn dưới gầm xe mà vẫn sống sót không ? Trong trường hợp tai nạn tương tự, nếu nạn nhân nằm lọt trong gầm xe thì đáng lẽ lái xe bình tĩnh tắt máy xe rối yêu cầu mọi người giúp đẩy xe, đề phòng lạc xe còn nổ máy có thể đè chết luôn nạn nhân bị thương, hoặc nếu đã chết thì có thể chết lần thứ hai ! Nhưng không, lái xe hôm ấy lại cuống lên trong tiếng kêu cứu của nhiều người, cứ nổ máy mà lùi xe… Nằm dưới gầm xe, khi nghe tiếng máy xe UAZ nổ ì ì cài số lui, tôi lạnh toát cả người và tiếp tục phó linh hồn tôi trong tay ba Đấng !

Không thể tưởng tượng được, như một phép lạ xe lùi về phía sau và tôi đã thoát khỏi gầm xe an toàn, thật sự tỉnh táo trước sự ngạc nhiên của mọi người chứng kiến tai nạn “có một không hai” ấy…

Máu từ đầu và tai bên phải tiếp tục chảy, nhưng tôi vẫn tỉnh… Và xe cấp cứu đến…

Về phần ông nhà tôi, khi người và xe đạp bắn tung lên vỉa hè, ông đã lồm cồm bò dậy không hề hấn gì, còn chú bé con sơ sinh rời khỏi vòng tay của tôi bắn ngược về phía sau thì được một người đi đường chạy đến bế lên. Khi xe cấp cứu đến nơi, người ấy trao cháu cho chồng tôi khi cháu đang còn khóc… Và cuối cùng, tôi còn kịp an tâm nhìn thấy ông nhà tôi bế con ngồi ngay bên cạnh băng ca của tôi trong xe cấp cứu, tôi cũng nhận biết có một bác sĩ đang sơ cứu cầm máu trên đầu và tai cho tôi… Xe cấp cứu bình an đến được Bệnh Viện Phủ Doãn, nay là Bệnh Viện Việt Đức nằm trên phố Phủ Doãn Hà Nội.

Cấp cứu đấy… nhưng do chiến tranh nên ưu tiên những nạn nhân bị bom đạn được chăm sóc trước và tai nạn xe như tôi thì phải xếp hàng chờ. Tôi lịm đi trong cơn đau đớn toàn thân, tôi nhớ miệng tôi vẫn không ngừng thầm thĩ lời cầu xin Mẹ Maria của tôi…

Hình như khoảng một giờ sau thì tôi tỉnh lại, đến lượt vào phòng cấp cứu, bác sĩ cho y tá tiêm giảm đau và khám lâm sàng… Họ rửa vết thương trên đầu và mấy ngón tay phải của tôi và cho siêu âm đầu ngay. Kết quả: không ảnh hưởng sọ não, chỉ chảy máu phần da bên ngoài. Bác sĩ chỉ đinh khâu 7 mũi trên đầu, băng bó đầu và mấy ngón tay. Chẳng biết y tá có quên tiêm thuốc giảm đau cho tôi khi khâu hay không mà tôi đau đớn quá chừng…

Khi thấy quần áo tôi bị gầm xe UAZ xé rách, bác sĩ lật lưng lên xem thì thấy một vết xước chạy dài từ cổ tới phần eo lưng, rất may, không có đụng chạm gì đến cột sống ! Đang giữa chiến tranh nên sau khi vết thương được lo liệu tạm ổn, bác sĩ kê đơn thuốc rồi tôi xuất viện cho về nhà, hẹn vài ngày sau khám lại và cắt chỉ trên đầu.

Về vụ tai nạn, không biết Công An có lập biên bản không, nhưng sau khi tôi ở viện về được hai hôm thì anh bộ đội lái xe đến nhà thăm và xin lỗi, anh nhận sai về phía mình, anh vừa nhận được bằng công nhận lái xe an toàn trong 15 năm của tiểu đoàn… Anh xin gia đình tôi không kiện cáo, nhưng tôi giải thích cho anh: có một bàn tay vô hình của Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã cứu giúp gia đình tôi và cũng là cứu giúp chính anh khỏi một tai nạn thảm khốc có thể chết đến ba mạng người !

Đó là một phép lạ ! Và thật bất ngờ, anh cho biết anh cũng là người Công Giáo và chưa từng thấy một tai nạn nào mà người bị nạn nằm sấp gọn gàng dưới gầm xe mà vẫn còn sống sót, hơn thế nữa, chính anh còn vô ý nổ máy cho xe lùi lại mà không cán ngang qua người tôi. Vâng, anh lính lái xe cũng tin đó là phép lạ. Cuối câu chuyện, anh đã cùng tôi đọc ba kinh kính mừng tạ ơn Chúa và Mẹ Maria…

Vậy đó, suốt đời tôi, tôi đã hoàn toàn tín thác và trông cậy vào Lòng Thương Xót của Chúa qua Mẹ Maria. Đúng là “Có Mẹ sợ chi, có mẹ lo gì”…

Maria TRẦN THỊ HƯỜNG, Nhóm BVSS Hà Nội

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay