MƯỜI BỐN MỐI

MƯỜI BỐN MỐI

 Lm. VĨNH SANG, DCCT,

Trích EPHATA 671

Với Tông Sắc “Dung mạo lòng thương xót” ( Misericordiae Vultus ), Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố mở Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót của Chúa. Vẫn với phong cách bình dị, đơn giản và đầy nhiệt huyết, Tông Sắc của vị Giáo Hoàng cho người nghèo chuyển tải đến chúng ta những gợi ý đầy cảm xúc về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa xuyên qua các câu chuyện trong Tin Mừng, đặc biệt là các dụ ngôn.

Như kết cấu chúng ta thường thấy trong các văn kiện, phần đầu mang tính Thần Học Tín Lý như

để minh định nền tảng của văn kiện, nhưng với Tông Sắc này, Đức Thánh Cha nhanh chóng đi qua phần đầu để trực tiếp dẫn chúng ta vào một không gian tràn ngập tình yêu thương của Thiên Chúa. Từ Dung Mạo Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, hình ảnh Đức Giêsu được trưng dẫn là một lời ngỏ độc đáo của Thiên Chúa dành cho nhân loại, Lời thành xác phàm và sống cụ thể Lòng Thương Xót vô bờ bến bằng chính thân phận con người, giữa loài người và cho loài người chúng ta.

Nắm bắt được nền tảng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa thể hiện cụ thể nơi Đức Giêsu, Đức

Thánh Cha nhanh chóng dẫn chúng ta vào sứ vụ sống Lòng Thương Xót của Chúa giữa nhân loại hôm nay. Thật sự bất ngờ khi Đức Thánh Cha đề nghị chúng ta sống theo kính Mười Bốn Mối.

 Thương người có mười bốn mối:

Thương xác bẩy mối:

  1. Thứ nhất: cho kẻ đói ăn.
  2. Thứ hai: cho kẻ khát uống.
  3. Thứ ba: cho kẻ rách rưới ăn mặc.
  4. Thứ bốn: viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc.
  5. Thứ năm: cho khách đỗ nhà.
  6. Thứ sáu: chuộc kẻ làm tôi.
  7. Thứ bảy: chôn xác kẻ chết.

 Thương linh hồn bẩy mối:

  1. Thứ nhất: lấy lời lành mà khuyên người.
  2. Thứ hai: mở dạy kẻ mê muội.
  3. Thứ ba: yên ủi kẻ âu lo.
  4. Thứ bốn: răn bảo kẻ có tội.
  5. Thứ năm: tha kẻ dể ta.
  6. Thứ sáu: nhịn kẻ mất lòng ta.
  7. Thứ bảy: cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

Cảm giác đầu tiên là cứ ngỡ câu kinh tiếng kệ này đã lùi vào quá khứ, cái thủơ các bà các ông

và đám trẻ con nhôi nhai cắp nách chiếc chiếu rách đến Nhà Thờ phủi đất cát tìm một chỗ để trải chiếu, cái quá khứ không còn tìm đâu ra những tiếng kinh vần điệu nhịp nhàng trên môi miệng các bà các cô không cần biết chữ, nhắm mắt mà vẫn đọc được kinh. Thậm chí bài kinh này gần như đã trôi theo năm tháng và được xếp xó ở một góc khuất nào đó trong nền văn minh của nhân loại mà bụi thời gian đã gần như phủ lấp đi. Bây giờ người ta chạy theo những tư tưởng thần học, những khám phá thần học mới, những suy tư và tìm kiếm những quy chuẩn luân lý mới. Đức Thánh Cha đơn sơ nhắc chúng ta sống cụ thể lời kinh cũ mèm của Hội Thánh nhưng đã từng làm nến tảng cho Luân Lý Kitô Giáo.

Đức Thánh Cha khuyên chúng ta đọc, nhắc chúng ta sống và bảo chúng ta phổ biến tinh thần

này. Chắc chắn chúng ta phải thực hiện, và khi thực hiện chúng ta sẽ phải đối đầu với một đại dịch vô cảm và nhẫn tâm của thời đại hôm nay, đối đầu ngay trong chính tâm hồn chúng ta.

Kẻ đói, kẻ khát, kẻ rách rưới ngay trước mắt chúng ta, lâu nay chúng ta không nhìn thấy, bây giờ phải thấy. Kẻ liệt, kẻ tù rạc, kẻ lỡ đường, kẻ chết vùi dập đang réo gọi chúng ta, lâu nay chúng ta bưng tai bịt mắt. Rồi có ngượng miệng không, khi chúng ta không dám đứng bên cạnh người nghèo, người bị áp bức, người đau khổ, người chịu nhiều thiệt thòi giữa xã hội hôm nay ? Có dám ngửng cao đầu hay không khi chúng ta phản bội lại những ai đã từng hy sinh cho chúng ta được an bình nay họ phải sống trong tàn tạ thiếu thốn ? Có còn được phép trốn tránh nữa không ? Có còn có thể đổ thừa là đi với người nghèo là làm chính trị theo nghĩa xấu nữa hay không ? Có thấy không cái mình đang hưởng thụ dư thừa là cái ăn cắp của người nghèo ? Có thấy rằng được hưởng Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa là một ân huệ lớn lao mà chúng ta không thể trả lễ chỉ bằng những giờ kinh nghêu ngao giữa trưa mà coi đó là đủ.

Đức Thánh Cha bảo chúng ta phải sống cụ thể !

 Lm. VĨNH SANG, DCCT,

12.12.2015

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay