Chuyện cục gạch của ‘Bác Hồ’

Chuyện cục gạch của ‘Bác Hồ’
Nguoi-viet.com

Tạp ghi Huy Phương

Liên tưởng là nhân sự việc, hiện tượng nào đó mà nghĩ tới sự việc, hiện tượng khác có liên quan, có khi tương đồng nhưng có khi tương phản. Mấy hôm nay trời California trở lạnh, tôi nghĩ đến những ngày tuyết giá ở miền Đông, nơi mà tôi đã sống một thời gian mấy năm, nhưng đồng thời tôi cũng nghĩ đến một cái gì nóng và ấm. Thì ra tôi đang nhớ đến chuyện cục gạch của “Bác Hồ” mà tôi đã được nghe qua ở đâu đó.

Chuyện cục gạch này không phải là huyền thoại, nó cũng không là chuyện tiểu thuyết hư cấu, mà chính là chuyện thật của đời “Bác,” do chính “Bác” kể, và chính “Bác” viết thành sách, thì đương nhiên phải là chuyện thật. Tên cuốn sách là: “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch,” và tác giả là Trần Dân Tiên, không sai vào đâu, đó chính là “Bác.” Khổ nỗi, không ai nói cho bọn trẻ dưới chế độ XHCN biết Trần Dân Tiên “chính mi,” Hồ Chí Minh.

Câu chuyện Trần Dân Tiên viết ở trang 36 về “cục gạch của Bác” như sau:

“Ông trọ ở một phòng nhỏ trong một khách sạn rất rẻ tiền ở xóm lao động. Phòng chỉ vừa kê một cái giường sắt chật, một cái bàn nhỏ và một cái ghế. Chỉ thế thôi, không có gì khác. Về mùa Đông lạnh, mỗi buổi sáng trước khi đi làm, ông để một viên gạch vào lò bếp của khách sạn. Chiều đến ông lấy viên gạch ra, bọc nó vào trong những tờ báo cũ, để xuống nệm cho đỡ rét.”

Câu chuyện Trần Dân Tiên viết, có thể xem qua rồi bỏ, nhưng khổ thay các con cháu của “Bác” lại cứ nhặng xị lên, làm như thật, vì cái gì của “Bác” lại không thơm tho, vĩ đại. Không rõ câu chuyện thực hư thế nào, các văn công thi sĩ cứ vung bút ca tụng lên cho có lập trường cái đã, rồi mọi chuyện tính sau.

Chế Lan Viên, chuyên viên nịnh bợ, đã viết một câu thơ chẳng ra thơ:

“Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê
Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá!”

Tố Hữu không quên “nghề của chàng” nhưng câu cuối xuống “xề” quá vụng:

“Muôn nỗi đời như ảnh trắng đen
Bâng khuâng đêm lạnh, thức bên đèn
Một hòn gạch nóng nung tâm huyết
Mẩu bánh mì con nuôi chí bền.”

Sách “Bác” ghi rõ ràng là viên gạch, trước khi đi làm “Bác” bỏ vào lò bếp khách sạn, nhưng đời sau, sợ bếp khách sạn không đủ nóng, người ta lại nói “Bác” đem gửi cục gạch ở lò bánh mì. Con cháu đời sau, có người minh chứng rằng một “cục gạch hồng” không thể gói bằng tờ giấy báo đem lên lầu hai nơi “Bác” ở được, tờ báo sẽ cháy và “Bác” sẽ bị phỏng tay. Một cục gạch nếu được đốt nóng cũng không giữ nhiệt được quá một tiếng đồng hồ.

Bác ở nhà số 9 ngõ Compoint từ ngày 14 Tháng Bảy, 1921 đến 14 Tháng Ba, 1923, mãi đến 56 năm sau, hơn nửa thế kỷ, kể cũng lạ, là khi phái đoàn Cộng Sản Bắc Việt đến Paris, tìm đến thăm nơi “Bác” ở, mà tất cả hãy còn nguyên vẹn: “Một chiếc la-va-bô treo tường, có vòi nước chỉ để rửa mặt, ngay cạnh đó là một chiếc tủ quần áo làm bằng gỗ tạp. Sát tường bên trái là một chiếc giường sắt đơn vừa đủ một người nằm. Đầu giường có một chiếc tủ con để sách vở và vài đồ lặt vặt. Phía trên có một ngọn đèn nhỏ vừa đủ để thắp sáng gian buồng…”

Báo Giáo Dục và Đào Tạo còn phịa chuyện: “Ta còn phải học Bác ở tinh thần vượt gian khổ để học tập. Thời gian Bác sống ở Paris, rất cực khổ. Bác thuê phòng trọ nhỏ trong một khách sạn rẻ tiền, mỗi buổi mai nấu cơm trong một cái sanh nhỏ đặt trên ngọn đèn dầu. Cơm ăn với một con cá mắm hoặc một ít thịt, ăn một nửa còn một nửa dành đến chiều. Có khi một miếng bánh mì với một miếng phó-mát là đủ ăn cả ngày.”

Ở Paris vào năm 1921, chưa có dân Việt tị nạn Cộng Sản chạy sang đông như dân Little Saigon ngày nay, mà “Bác” đã kiếm ra cá mắm để xơi nửa con, và gạo Ông Địa để nấu cơm, mà nấu cơm trên một ngọn đèn dầu, lòng tôi không thấy chút nào khâm phục “Bác” mà khâm phục người viết báo thối tha nào đã bịa chuyện kinh hoàng đến mức này.

Ông Nguyễn Trường Phú, chuyên viên Bảo Tàng Hồ Chí Minh, còn bạo gan nói rằng “hiện vật viên gạch hồng” cùng với nhiều đồ vật khác mà người thanh niên Nguyễn Ái Quốc sử dụng khi ở ngôi nhà số 9, ngõ Công-poăng, quận 17, thành phố Pa-ri (Pháp) nằm trong bộ sưu tập quý của Bảo Tàng Hồ Chí Minh.” Nhưng sau đó, thấy chuyện vô lý, ông này đã nói lại là viên gạch trưng bày ở đó hiện nay là viên gạch được phục chế trên cơ sở viên gạch đồng thời, đồng loại do ông tổng lãnh sự Pháp tại Sài Gòn tặng viện bảo tàng!

“Năm 1974, chiếc tủ đựng quần áo, tủ con để đầu giường đã được đại sứ quán nước ta tại Pháp tổ chức lực lượng vận chuyển qua Béc-lin (Đức) bằng xe lửa, rồi gửi về nước!” Thật quá rắc rối!

Cũng không hiểu sao với chuyện nhà cửa đắt đỏ ở một thành phố lớn như Paris, mà bà chủ nhà Jammot lại để nguyên đồ đạc trong căn phòng của “anh Nguyễn” hơn nửa thế kỷ, để chờ phái đoàn Việt Cộng đi hội đàm ở Paris đến thăm và đòi mua lại. Hồ Chí Minh sinh năm 1890, hoạt động ở Paris đến năm 1921, tức là lúc ông đã 31 tuổi. Nếu bà cụ Jammot trẻ lắm thì phải trạc hay hơn tuổi “Bác,” như vậy năm 1974, bà đầm này cũng đã 84 tuổi, còn ở nguyên căn nhà ấy, còn minh mẫn để nhớ, kể chuyện vanh vách và dẫn lên tầng 2, nơi “anh Nguyễn” ở. Giá mà Bộ Chính Trị chở được bà này về Hà Nội trưng bày trong viện bảo tàng thì hay biết mấy!

“Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” “là cuốn sách kể lại những mẩu chuyện về đời hoạt động của Chủ Tịch Hồ Chí Minh từ lúc ra đi tìm đường cứu nước cho đến những năm đầu trong cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược,” của chính một người viết để đánh bóng thân thế và sự nghiệp của chính mình. Chính “Bác” trong cuốn sách này đã tự tả vẻ “đẹp lão“của mình (vào năm 1946) “Tóc người đã hoa râm, trán rộng và cao, đôi mắt sáng ngời, mũi thẳng …”

Thế giới từng có chuyện suy tôn lãnh tụ, cũng có văn, thi sĩ đặt thêm bút hiệu để tự ca tụng mình, nhưng quả thật trên đời này, không ai vô liêm sỉ bằng “Bác!”

Trở lại huyền thoại “cục gạch hồng” của “Bác” người ta kể lại một câu chuyện “tếu” như sau:

“Một phái đoàn Hà Nội được thành lập, lên đường đi Paris, quyết tâm cao tìm cục gạch. Đến Pháp, họ tới ngõ làm bánh mì ngày xưa, thăm hỏi, lục lọi nhiều nơi, nhiều ngày, nhưng không ai nghe nói đến cục gạch của ‘Bác.’ Cuối cùng họ gặp một bà đầm đầu tóc bạc, móm mém ở một góc phố. Kiên nhẫn, nhân viên trong phái đoàn lập lại những câu hỏi về cục gạch.

-Các ông nói là các ông đi tìm cục gạch để sưởi ấm những đêm Đông tại nhà trọ, ngõ này của ông Nguyễn?

-Vâng ạ, chúng cháu đang tìm cục gạch đó ạ.

-Thế thì: Cục gạch, mà các ông đang đi tìm chính là… tôi đây!

Đừng tin những gì “Bác” nói và những chuyện chúng ca tụng về “Bác.”

Chân lý ấy không bao giờ thay đổi.

Người Bắc gọi “bốc phét.”

Người Nam kêu “ba xạo!”

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay