Có Đi Có Lại – Mới Toại Lòng Nhau

Có Đi Có Lại – Mới Toại Lòng Nhau

Bài Ghi Ngắn của Đoàn Thanh Liêm

*     *     *

Tại nông thôn của ta từ xa xưa, thì bà con sống đùm bọc gắn bó với nhau thật là chặt chẽ. Vì thế mà có sự liên đới tương trợ, gia đình này giúp đỡ gia đình khác một cách rất hồn nhiên, thỏai mái trong mọi trường hợp. Bà con trao đổi miếng ăn thường ngày với nhau hoặc chuyên giúp đỡ nhau trong các vụ hiếu hỷ như đám tang đám giỗ hay lễ cưới lễ hỏi v.v…

Chuyện bà con chia sẻ với nhau như vậy, thì trong tiếng Mỹ người ta cũng thường nói: “To live is to share” (Sống là Chia sẻ với nhau). Dân gian ta từ lâu cũng hay nói: “bánh ít gửi đi, bánh quy gửi lại” để diễn tả cái mối quan hệ trao đổi hai chiều giữa con người với nhau (two-way communication).

Ngày nay, với tình trạng đô thị hóa càng mở rộng, thì người dân sống tại các thành phố không còn giữ được cái khung cảnh nền nếp thân thương chan hòa giữa các gia đình với nhau như xua nữa. Đó là cái mặt trái không sao tránh khỏi do sự phát triển kỹ nghệ trong xã hội đem lại.

Để chấn chỉnh tình hình suy thóai như thế trong nếp sống tình cảm nơi các đô thị, nhiều tổ chức do các tôn giáo cũng như các nhóm chuyên họat động về văn hóa xã hội đã có sáng kiến phát động những chương trình cải thiện nếp sống cộng đồng tại các khu phố nghèo nàn chật hẹp – mà thường gọi là “khu ổ chuột” (slums).

Đồng thời họ cũng gây áp lực đòi hỏi cơ quan nhà nước phải đầu tư nhiều hơn nữa trong việc cung cấp những dịch vụ xã hội thiết yếu cho tầng lớp người dân lao động như nhà giữ trẻ, trường học, bệnh viện, viện mồ côi, nhà chăm sóc người già v.v…

Từ đó, mà chính sách “An ninh Xã hội” (Social Security) lần hồi được hình thành và với thời gian chính sách này đã đạt tới mức độ hòan thiện như ta thấy tại nhiều quốc gia văn minh tiến bộ ngày nay trên thế giới. Qua hệ thống An ninh Xã hội như vậy, những viên chức trong cơ quan chính quyền nhà nước hiện đang thực hiện đúng cái vai trò của người “đày tớ phục vụ quần chúng nhân dân” – mà trong tiếng Anh người ta gọi đích danh là “public servants”.

Rõ ràng nhân dân là những người “đóng thuế” cho nhà nước (taxpayers), thì đổi lại họ có quyền đòi hỏi phải được viên chức chính quyền phục vụ một cách thật là trân trọng tương xứng. Như thế, mói đích thực là “Có Đi, Có Lại – Mới Tọai Lòng Nhau” vậy./

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay