Lòng mẹ, tình cha
Phan Ngọc Vinh
(Viết nhân ngày lễ ra trường của con trai yêu quý)
Trên chuyến bay 6 giờ sáng, từ thành phố New York đến Chicago độ 2 tiếng rưỡi, ngồi trên máy bay với đứa con thứ nhì, lòng tôi bồi hồi khó tả, dù dậy thật sớm từ 3 giờ sáng, nhưng tôi vẫn không tài nào ngủ lại được.
Mẹ (bên phải) cùng con trai lớn (giữa) và con trai nhỏ trong ngày tốt nghiệp.
(Hình: Tác giả cung cấp)
Hôm nay là ngày tốt nghiệp Master của thằng con trai lớn của tôi, thằng nhỏ thì đã lấy Master of Science in Civil Engineering 2 năm về trước, đã có việc làm ổn định, hôm nay dắt mẹ đi dự lễ tốt nghiệp Master của thằng anh.
Sở dĩ thằng lớn lấy Master trễ hơn, vì sau khi tốt nghiệp 4 năm ở trường Business Wharton nó thấy bố mẹ vất vả quá, nên sẵn các hãng đến mời dụ đi làm, nó nghe lời đi làm với mức lương béo bở, sau vài năm dành dụm một số tiền không nhỏ, cộng với những kinh nghiệm làm việc, nó thi và được nhận vào trường Business Kellogg, rồi học thật nỗ lực với 2 môn, mà nó nói với mẹ là hãng trả tiền học.
Xin quý độc giả đừng nghĩ tôi khoe, tôi người Nam, ít học, có sao thì nói vậy, đang vui với hạnh phúc của gia đình tôi, của các con tôi, nên lời lẽ thiệt tình, xin quý độc giả lượng thứ, bao dung, nếu không vừa ý.
Đầu óc miên man suy nghĩ, gợi lại những kỷ niệm cách đây 29 năm…
Ngày ấy, một em bé ra đời, người đàn bà nghèo lớn tuổi cùng chồng ôm đứa con thơ, sống thật chật vật khó khăn, hai vợ chồng nghèo nhường hết tất cả những gì mình có cho đứa con đầu lòng, nhường từ miếng ăn, giấc ngủ, sao cho con được no đủ để trí thông minh nó phát triển toàn vẹn.
Ông nhịn riêng cho mình mọi thứ để mua từng lạng thịt về luộc rồi xé nhỏ, xào khô ông tự làm chà bông cho con ăn (vì “chê” bà làm không đúng cách) để con có chất thịt trong người, bà thì cắt từng cái áo, cái quần của ông và bà để may cho con, sống kham khổ chật vật, tất cả nhường cho con, để nó ăn đầy đủ chất bổ, cho con mặc ấm trong mùa đông khi tiết trời trở lạnh.
Con bị ngộp khi sinh khó khăn nên mẹ bị mổ, khi ra đời , đứa bé bị vấn đề về đường thở, nay ốm mai đau, bao nhiêu tiền dành dụm đổ hết vào tiền bác sĩ, nhà thương, ông làm tất cả những công việc bần cùng nhất khi được ai thuê, ai mướn, hầu có chút tiền mà lo cho con.
Mẹ và con trai 29 năm trước. (Hình: Tác giả cung cấp)
Sống chật vật kham khổ, bữa đói bữa no, rồi thì trời cũng ngó xuống, chương trình HO, đưa những cựu tù đến Mỹ, một chân trời mới mở rộng, đón chào ông bà cùng hai con nhỏ…
Khi sang Mỹ, trình độ tiếng Anh không nhiều, ông theo người Mỹ phụ sửa nhà, đi giao hàng, rồi vào làm hãng. Bà đi bưng đồ ăn, đi babysit cho những nhà có con nhỏ, đi phụ bán hàng, nhận lái xe chở con nít đi học thêm sau giờ học chính ở trường. Con thì còn nhỏ, bằng mọi cố gắng tất cả vì con, làm sao cho hai con thành đạt ở xứ người.
Ngày bay đi dự lễ tốt nghiệp của con, ông không đi được, vì trước một năm ông ngã bệnh, không thể đi xa, bà cùng thằng con thứ hai bay sang tiểu bang này dự lễ.
Trong chiếc lều căn lớn giữa sân trường rộng mênh mông, trường đãi các phụ huynh những món ăn ngon, nhẹ, nhạc êm dịu, tha thiết trỗi lên từ chiếc loa, thật là cảm động, nghĩ đến sự cố gắng, miệt mài học tập của con, quyết chí lấy hai bằng trong trường Business Kellogg, mà con tôi được lọt vào danh sách Top 10% trong số 600 sinh viên ra trường năm nay. Tôi ôm con vào lòng khóc nức nở, vì vui sướng, hạnh phúc và hãnh diện cho những thành tựu mà con của chúng tôi đạt được.
Tôi tưởng như mình đang nằm mơ, khi nghĩ từ một người đàn bà lam lũ nơi quê nhà, giờ được đứng chung với những người Mỹ, những ông bà Mỹ lịch sự, giàu có, sang trọng, giờ được sánh vai ngang hàng với họ, được ăn chung, không phân biệt giai cấp, trưởng giả sang hèn, chỉ có xứ Mỹ này lòng người mới bao la như thế. Ôi! thật khâm phục, cảm ơn tấm lòng của người Mỹ và nước Mỹ.
Được ôm con vào lòng như ôm đứa bé 29 năm về trước, tôi thốt ra tiếng nói trong tiếng nấc nghẹn ngào, “Ôi, con tôi giỏi quá, mẹ vui quá con ơi. Con tôi sao nó giỏi thế này!”
Đúng như ai đó đã nói, “khi buồn quá mình cũng khóc, và khi vui quá mình cũng khóc.” Ngày này tôi vui quá, nên không kiềm được nước mắt mà ôm con và khóc nức nở trên vai con.