Nạn đói năm Ất Dậu 1945 tại quê tôi

Chuyện xưa chuyện nay (Bài 3)

Nạn đói năm Ất Dậu 1945 tại quê tôi

Hồi tưởng của Đoàn Thanh Liêm

Làng tôi hồi trước năm 1945 được gọi là xã Cát xuyên, thuộc phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Dân số hồi đó vào khoảng 500 người sinh sống trong chừng 80-90 nóc gia. Bà con phần lớn là nông dân mỗi năm cày cấy hai vụ luá, gọi là vụ chiêm gặt hái vào giữa năm, và vụ muà thu hoạch vào cuối năm. Còn một số ít, thì sinh sống bằng nghề làm bánh và chế biến đồ ăn để bán cho khách hàng trong các phiên họp tại Chợ Cát là một loại “chợ phiên” họp định kỳ mỗi tháng 6 phiên vào các ngày mồng 1,6,11,16,21,26 mỗi tháng theo Âm lịch.

Vụ muà vào cuối năm 1944 bị “mất đến 70-80%”, nên thu hoạch rất kém, vì toàn là loại luá lép thôi. Do đó mà gây nên nạn đói kém vào mấy tháng đầu năm Ất Dậu 1945. Tính ra trong làng tôi phải có đến trên 150 người  (tức là khoảng 30% dân số) bị chết đói trong năm đó. Trong số nạn nhân này có rất đông bà con và bạn hữu cuả tôi. Điển hình là chính ông chú út, em ruột cuả cha tôi là chú Thiêm, thì chú ấy phải bỏ nhà đi kiếm ăn mà bị chết mất xác ở đâu, chẳng một ai trong gia đình còn biết được tin tức về chú ấy nưã. Nhiều gia đình chết hết, nên căn nhà với khu vườn cuả họ trở thành hoang phế tiêu điều, trông thấy mà phát sợ luôn.

Tôi nhớ rất rõ chuyện này, vì vào muà hè năm 1945 đó tôi chăn dắt con trâu cho nó đi gặm cỏ trong các khu vườn tại những “thổ hoang” này, thì tôi chứng kiến tận mắt cái cảnh hoang tàn đìu hiu cuả những căn nhà sập xệ vô chủ đó. Và dĩ nhiên là tôi rất buồn vì đã mất đi bao nhiêu bà con đã từng sát cánh chung sống với mình, mà đã bị chết oan uổng trong cái đại nạn đó.

Trong nhà tôi, thì các anh chị lớn đều phải ăn cơm “độn với cám hay với khoai”. Mỗi ngày cha tôi cho thổi thêm ít cơm, rồi đem nắm lại thành những cục nhỏ để ông tận tay mang đến cho mấy bà con là những cụ già trong làng. Sau naỳ, vì còn ít gạo, thì ông cho nấu cháo và đi kêu mấy con cháu các cụ đó mang chén bát đến lấy về cho các cụ.

Điều khó khăn nưã là tại khu chợ Cát, thường mỗi buổi sáng sớm lại có một số người chết đói nằm ở góc chợ. Đó là những người ở xa đến xin ăn, mà vì đói lạnh quá nên đã tắt hơi thở, không có bà con họ hàng biết mà đến nhận xác để đem đi chôn cất. Vì thế mà cha tôi phải kiếm thêm một người trai trẻ còn khoẻ mạnh để phụ với ông đem những xác chết vô thưà nhận này đi chôn ở nghiã trang cuả làng. Ông tự nguyện làm việc này, theo như lời khuyên bảo làm việc bác ái trong một câu kinh cuả đạo công giáo là :”Chôn xác kẻ chết”. Vì việc từ thiện bác ái như vậy, nên sau này Giáo hội Công giáo mới tặng cho ông một “sắc phong” khen ngợi công lao giúp đỡ bà con trong cơn hoạn nạn khốn khổ thời ấy. Và chính cái gương làm việc từ thiện nhân đạo đó cuả ông cụ đã ảnh hưởng sâu xa đến suốt cuộc đời dấn thân phục vụ xã hội sau này cuả tôi vậy đó.

Sau năm 1975, bà con ở ngoài Bắc có vào thăm gia đình tôi ở Saigon, thì có người còn nhắc lại cái “công đức” cuả cha mẹ tôi đã cưú giúp cha mẹ họ lúc đó. Họ còn nói là” bây giờ các anh chị làm ăn học hành tiến bộ thành đạt, đó là nhờ ở phúc đức cuả ông bà xưa để lại “.

Con số thống kê cho biết là có tới 2 triệu người bị thiệt mạng trong nạn đói khủng khiếp này. Và nếu đối chiếu với dân số của đồng bằng sông Hồng hồi đó là khoảng 6 triệu người, thì số người chết đã tới hơn 30% trên tổng số dân trong khu vực, tỉ lệ này cũng tương đương với con số ước lượng tại làng Cát xuyên của tôi.

Bàn qua về nguyên nhân của nạn đói này, thì vì lý do chính trị, nhiều người cứ đổ hết trách nhiệm cho Quân đội Nhật bản đã gây ra cảnh đói kém này, vì họ đã bắt dân phải “phá bỏ ruộng cấy lúa đi, để lấy đất trông đay bố cho nhu cầu quân sự của họ. Rồi họ lại còn tích trữ số lượng thật lớn lúa gạo vào trong kho quân lương của họ. Điều đó không sai, nhưng đây không phải là căn nguyên duy nhất đã gây ra nạn đói. Mà phải kể đến 2 nguyên nhân khác nữa, đó là : 1/ Nạn mất mùa cuối năm 1944 (mất đến 80% như đã ghi ở trên); 2/ Vì lý do chiến tranh, đường giao thông từ Nam ra Bắc bị máy bay đồng minh oanh tạc tàn phá nặng nề, nên số gạo thặng dư ứ đọng khổng lồ ở miền Nam hồi đó (vì không thể xuất cảng được) đã không thể chuyên chở ra ngoài Bắc bằng tàu biển hay xe lửa. Tôi nghĩ 2 lý do này mới thực sự là nguyên nhân chính đã gây ra cái nạn đói kinh hòang đó.

Bây giờ sau mấy chục năm, chúng ta có thể công tâm mà phân định sự việc, chứ không nên giữ thiên kiến quá đáng về phía này, phía khác. Mà vì bản thân mình không phải là một sử gia, nên tôi cũng không dám lạm bàn chi tiết về vấn đề có tầm mức lớn lao này.

Nạn đói tai hại khủng khiếp này đã khiến cho toàn thể khối nông dân ở miền Bắc rất căm thù giận ghét đối với thực dân Pháp và quân phiệt Nhật là những thủ phạm chính yếu đã gây ra  tình trạng đau thương bi đát đó. Vì thế mà vào tháng 8 năm 1945 đó, quần chúng nhân dân đã nhất loạt hăng say hưởng ứng phong trào đòi độc lập do Việt minh khởi xướng, mà họ gọi là “Cách mạng Muà Thu”. Chỉ sau đó mấy năm, khi Việt minh phát động chính sách độc tài chuyên chế với thủ đoạn sắt máu tàn bạo nham hiểm, thì người dân mới lần hồi vỡ lẽ ra. Nhưng đến lúc đó, thì đã quá trễ mất rồi!

Vào năm 2002 gần đây, nhân gặp mấy sinh viên người Nhật tại một Đại học ở Virginia, tôi có hỏi họ xem là họ có biết gì về nạn đói tại Việt nam năm 1945 khi quân đội Nhật chiếm đóng và cai trị ở đó không? Tất cả đều lắc đầu và nói rằng : “Chúng tôi không hề được biết gì về nạn đói này. Và không hề thấy sách báo nào ở Nhật viết về trách nhiệm của quân đội Nhật trong chuyện này…” Tôi bèn nói cho họ biết là : Gia đình và bà con chúng tôi đã là nạn nhân khốn khổ của nạn đói kinh hoàng. Mà quân đội Nhật bản phải có phần trách nhiệm về số 2 triệu nạn nhân đã thiệt mạng, họ đều là bà con đồng bào ruột thịt cuả chúng tôi. Đó là điều suốt đời không bao giờ mà tôi lại quên được. Nghe tôi nói vậy, mấy bạn người Nhật đều tỏ ra vẻ đăm chiêu buồn bã. Có một bạn nói lại với tôi : “ We are very sorry for such an horrible thing!” (Chúng tôi rất ân hận về sự việc khủng khiếp như thế đó!)

Năm 2010 này là năm thứ 65 kể từ ngày nạn đói năm Ất dậu tàn phá toàn thể miền quê tôi tại vùng châu thổ sông Hồng ở miền Bắc nước ta. Tôi không thể nào mà quên được cái chết đau đớn, oan ức cuả chú Thiêm và cuả rất nhiều bà con bạn hưũ khác trong cái làng Cát xuyên nhỏ bé cuả tôi. Và tôi cũng thông cảm với các nạn nhân khác đày dãy trên thế giới ngày nay đang bị nạn đói dằn vật vì thiên tai, cũng như vì chiến tranh bạo lực, vì nạn bóc lột cướp phá do chính con người gây ra nưã./

California, cuốí năm Kỷ sưủ 2009

Đoàn Thanh Liêm

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay