Vaclac Havel và Cách Mạng Nhung ở Tiệp Khắc
Đoàn Thanh Liêm
* * *
Tài liệu tham khảo chính yếu :
HAVEL : A Life
by Michael Zantovsky
do Grove Press New York ấn hành
năm 2014, sách dày 543 trang
* * Năm 1989, lịch sử thế giới đã ghi nhận một biến cố cực kỳ quan trọng: đó là sự sụp đổ của chế độ cộng sản tại khu vực Đông Âu để rồi kéo theo sự giải thể của Liên Bang Xô Viết vào cuối năm 1991. Và kể từ đó là sự kết thúc cuộc Chiến Tranh Lạnh (The Cold War) giữa hai khối Cộng sản và Tư bản – cuộc đối đầu thật căng thẳng liên miên giữa hai siêu cường Mỹ và Nga khởi sự ngay sau khi thế chiến II chấm dứt vào năm 1945.
Trong bối cảnh chính trị xã hội sôi động của Đông Âu vào thời kỳ đó, thì tuy chỉ là một nước nhỏ với dân số tổng cộng chỉ vào khỏang 15 triệu người, thì Tiệp khắc đã được cả thế giới chú ý và ca ngợi vì thành tích tranh đấu bền bỉ để dành lại Tự do và Nhân quyền thông qua Phong trào Hiến chương 77 khởi sự từ đầu năm 1977 (The Charter 77 Movement). Và đặc biệt là cuộc Cách Mạng Nhung diễn ra trong các năm 1988 – 1989 (The Velvet Revolution) cùng với một nhân vật lãnh đạo xuất chúng: đó là Vaclac Havel – người sau này được bầu vào chức vụ Tổng thống suốt mấy nhiệm kỳ kéo dài trên 13 năm.
Bài viết này được xây dựng dựa trên những thông tin và tư liệu rất phong phú được chứa đựng trong cuốn sách có nhan đề là: “Havel : A Life” do tác giả Michael Zantovsky biên sọan và cho ấn hành mới đây vào năm 2014 – sau khi Vaclac Havel qua đời vào cuối năm 2011.
I – Sơ lược về tác giả Michael Zantovsky.
Michael Zantovsky hiện đang là Đại sứ của Cộng hòa Czech tại Anh quốc và là Chủ tịch của Viện Aspen Praha. Ông là một trong những thành viên sáng lập phong trào điều hợp công cuộc lật đổ chế độ cộng sản ở Tiệp khắc.
Năm 1990, ông trở thành phát ngôn viên, tùy viên báo chí và cố vấn cho Tổng thống Vaclac Havel. Sau đó, ông giữ chức vụ Đại sứ của Czech tại Washington và Tel Aviv. Ông họat động trên lãnh vực chính trị, ngọai giao và còn là một tác giả và dịch giả chuyên giới thiệu tác phẩm của các tác giả đương đại của Anh và Mỹ cho độc giả người Tiệp khắc.
II – Giới thiệu tổng quát về cuốn sách “Havel: A Life”.
Là một bạn chiến hứu thân thiết đã từng sát cánh lâu năm với Havel, nên tác giả Zantovsky đã có thể cống hiến cho chúng ta rất nhiều tư liệu và thông tin về đời tư và nhất là về những họat động thật hăng say sôi động của Vaclac Havel (1936 – 2011), đó là một nhân vật cực kỳ nổi danh của Tiệp khắc vào cuối thế kỷ XX qua đầu thế kỷ XXI.
Cuốn sách trải dài 543 trang, được phân chia thành 47 đề mục với mỗi tiêu đề riêng cho từng mục. Tuy vậy, tác giả lại không chia thành những chương, những phân đọan như thường gặp trong các sách khác và cũng không chịu ghi số thứ tự của mỗi mục. Vì thế mà người đọc gặp khó khăn trong việc theo dõi diễn biến của các sự việc với vô số chi tiết xảy ra xung quanh cuộc sống và họat động của Havel là nhân vật chính yếu của tác phẩm.
Đại cương, ta có thể ghi nhận tóm lược về cuộc đời của Havel với mấy nét nổi bật như sau:
(II) 1 – Trong thế chiến II, gia đình của Havel đã phải trải qua những đày đọa do chế độ độc tài Đức Quốc Xã gây ra cho tòan thể nước Tiệp Khắc. Rồi sau khi hết chiến tranh chẳng bao lâu, thì kể từ năm 1948 chế độ cộng sản do Stalin lãnh đạo đã bao trùm lên tòan thể khu vực Đông Âu và cậu bé Havel vừa đến tuổi 12, thì đã bị gạt ra ngòai lề xã hội, không được tiếp tục đi học và cũng thật khó mà kiếm được một việc làm tương đối ổn định – vì lý do là cậu xuất thân từ một gia đình tư sản địa chủ được coi như là một thứ “kẻ thù của cách mạng vô sản”.
Tuy vậy, do cố gắng vượt bậc vào độ tuổi 30 Havel đã trở thành một nhà viết kịch có tên tuổi với nhiều vở kịch được công chúng trong nước cũng như ngòai nước yêu chuộng – nhờ vậy mà ông đã có thể sống tự túc được bằng công việc sáng tác.
(II) 2 – Biến cố Mùa Xuân Praha năm 1968 và tiếp theo là cuộc “xâm lăng ào ạt” của các đạo quân thuộc khối Liên minh Quân sự Varsava do Liên Xô điều động để xâm nhập vào Tiệp khắc – nhằm dẹp bỏ cái chủ trương “Xã hội chủ nghĩa với bộ mặt nhân bản” (Socialism with Human Face) do giới lãnh đạo cộng sản địa phương phát động – đã khơi dậy tinh thần quật cường yêu nước của đa số nhân dân Tiệp khắc.Điển hình là vụ tự thiêu vào đầu năm 1969 của sinh viên Jan Palach tại công trương Wensceslav nơi trung tâm thủ đô Praha.
Và rồi với Thỏa ước Helsinki năm 1975, phong trào tranh đấu nhân quyền trong các quốc gia do cộng sản Liên Xô cầm trịch đã nhất lọat vùng lên – sự kiện này lại càng tiếp sức cho công cuộc đòi hỏi tự do và nhân quyền ở Tiệp khắc kể từ ngày nước này bị Liên Xô chiếm đóng sau vụ Mùa Xuân Praha như đã ghi ở trên.
Và chính trong bối cảnh chính trị xã hội sôi động đó mà Havel đã dấn thân nhập cuộc cùng với các bạn đồng chí hướng với mình trong việc đòi hỏi nhà nước cộng sản đương quyền phải trả tự do cho những tù nhân lương tâm bị giam giữ vô lý – điển hình như vụ các nghệ sĩ bị đàn áp vì lý do trình diễn lọai nhạc theo trào lưu Rock N Roll ở các nước Tây phương. Đó là điểm xuất phát của Phong trào Hiến chương 77 với sự phổ biến tòan văn Bản Hiến chương này được gửi đến chính quyền cộng sản. Ta sẽ bàn thảo chi tiết về biến cố cực kỳ quan trọng này khởi sự từ đầu năm 1977 ở mục sau.
(II) 3 – Tiếp theo là cuộc Cách Mạng Nhung phát động vào năm 1988 – 89 đưa đến thắng lợi cuối cùng là giải thể được chế độ cộng sản vào cuối năm 1989 và sau đó Vaclac Havel được dân chúng tín nhiệm giao cho trách nhiệm lèo lái con thuyền quốc gia Tiệp khắc trong giai đọan xây dựng và tái thiết đất nước kể từ đầu thập niên 1990.
Lãnh tụ Havel đã được cả thế giới biết đến và yêu chuộng vì phong cách hòa ái nhân hậu khi điều hành guồng máy nhà nước – mà cũng vì lập trường tranh đấu bất bạo động và hết sức kiên cường chống lại chế độ độc tài chuyên chế cộng sản. Ta sẽ ghi thêm chi tiết về họat động của người nghệ sĩ và chiến sĩ Havel trong mục sau.
III – Vaclac Havel là một nghệ sĩ mà cũng là một chiến sĩ nữa.
Là người sọan kịch (playwright) với nhiều tác phẩm được công chúng tán thưởng yêu chuộng, Havel luôn cố gắng trau dồi vê học thuật tư tưởng theo truyền thống nhân bản của Âu châu. Nhờ vậy mà ông đã có được một căn bản sở học vững vàng để hội nhập được với trào lưu văn hóa tiến bộ của thế giới.
Và mặc dầu phải sống trong khung cảnh ngột ngạt do sự kềm kẹp của Liên Xô sau biến cố Mùa Xuân Praha năm 1968, Havel vẫn tìm cách liên hệ được với giới văn nghệ sĩ trí thức tại các nước Âu Mỹ qua những vở kịch được trình diễn ở nước ngòai. Nhờ đó, mà ông được sự yểm trợ và bênh đỡ tận tình của những nhân vật có tên tuổi trên thế giới – mỗi khi bị nhà cầm quyền cộng sản đàn áp, bắt giam vì những họat động tranh đấu cho Tự do và Nhân quyền. Dưới đây, ta sẽ xem xét chi tiết hơn về sự nhập cuộc của Havel khi bước vào tuổi 30. Và sau đó, cũng điểm qua một số thành tích nổi bật nhất của ông trong thời giam giữ chức vụ Tổng thống của Tiệp khắc tự do dân chủ.
(III) 1 – Cuộc tranh đấu kiên cường ròng rã suốt trên 20 năm (1968 – 1989)
Nói chung, sau vụ khối Liên Xô kéo quân đội vào Tiệp khắc năm 1948, thì giới trí thức văn nghệ sĩ tại xứ này cũng như tại Đông Âu lại càng trở nên bất mãn và chống đối lại chính quyền cộng sản do Liên Xô áp đặt để kềm kẹp dân chúng chặt chẽ, khắc nghiệt hơn nữa – theo chính sách mà họ gọi là “bình thường hóa” (normalisation) để tái lập quyền thống trị tòan diện của đảng cộng sản chống lại khuynh hướng cải cách (reformist). Havel đã mỗi ngày tham gia nhiệt thành hơn vào cuộc tranh đấu của những phần tử cấp tiến nhất trong giới văn nghệ sĩ trí thức tại quê hương mình.
Nổi bật nhất là việc Havel góp phần sọan thảo bản văn của Hiến Chương 77 và rồi được giao phó trách nhiệm là một trong ba người phát ngôn viên của tổ chức này (spokeman). Lời văn nhẹ nhàng, khiêm tốn, nhưng nội dung thật dứt khóat tập chú vào việc đòi hỏi chính quyền phải tôn trọng nhân quyền bằng cách thả những người bị bắt giữ vì lý do chính kiến bất đồng (dissident).
Cũng vì tích cực hành động như vậy mà Havel đã bị giam giữ ngặt nghèo liên tục đến gần 5 năm từ năm 1978 đến 1983.
Tiếp đến là vào năm 1988, nhân kỷ niệm 40 năm ngày công bố Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948 – 1988), giới tranh đấu lại quy tụ với nhau dưới danh nghĩa “Diễn Đàn Công Dân” (Civic Forum) để đẩy mạnh hơn nữa cuộc tranh đấu cho Tự do và Nhân quyền. Và đó là căn nguyên của cuộc Cách Mạng Nhung đưa đến sự sụp đổ dứt khóat của chế độ cộng sản ở Tiệp khắc vào cuối năm 1989. Gọi là Cách Mạng Nhung bởi vì không hề có bạo động đổ máu và cũng không có sự trả thù của bên thắng cuộc là phe tự do dân chủ của Havel đối với những cựu đảng viên cán bộ cộng sản ở bên thua cuộc.
Tổng thống Havel được quốc tế ca ngợi và mến phục vì thái độ trượng phu quân tử khi nắm quyền lãnh đạo quốc gia sau khi chế độ cộng sản sụp đổ năm 1989 đó vậy, mặc dầu ông cũng bị một số bà con đồng bào ấm ức bất mãn vì chuyện quá ư nhân đạo bao dung cho kẻ đã từng gây ra bao nhiêu tội ác trong suốt hơn 40 năm đảng cộng sản nắm giữ quyền hành.
(III) 2 – Một vị Tổng thống được nhiều người mến mộ.
Từ sau năm 1990, ít có vị lãnh đạo quốc gia nào mà lại được tòan thể chính giới quốc tế ca ngợi mến chuộng như là đối với Tổng thống Havel của Tiệp khắc, một nước nhỏ mà vừa mới thóat khỏi ách cộng sản do thắng lợi kỳ diệu của cuộc Cách Mạng Nhung. Nhưng thành tích nổi bật nhất của Tổng thống Havel là ông đã thật khôn ngoan nhiệt thành trong việc vận động để Tiệp khắc được gia nhập minh ước phòng thủ NATO và tiếp theo là gia nhập vào Liên Hiệp Âu Châu (EU = European Union).
Đó quả thật là một kỳ công để Tiệp khắc có thể trở về trong vòng tay ấm cúng của đại gia đình Âu châu vốn có truyền thống văn hóa lịch sử cũng như học thuật tư tưởng sáng chói – mà nước này cũng như Ba Lan, Hungary ở Đông Âu đã chia sẻ chung với nhau từ cả ngàn năm trước. Chỉ có tầm nhìn thật bao quát rộng lớn của người nghệ sĩ trí thức như Vaclac Havel mới có thể lôi cuốn thuyết phục được giới lãnh đạo chính quyền cũng như xã hội dân sự tại các nước Tây Âu và Hoa kỳ chấp thuận cho Tiệp khắc hội nhập êm thăm với cộng đồng Tây Âu như vậy mà thôi.
(III) 3 – Một số tác phẩm tiêu biểu của Vaclac Havel.
Tại cuối sách “Havel:A Life”, tác giả Michael Zantovsky đã ghi ra khá nhiều tác phẩm của Havel mà ông đã trích dẫn trong sách. Xin ghi nơi đây một số tác phẩm tiêu biểu ;
A – “Disturbing the Peace” do Paul Wilson dịch, ấn hành năm 1990.
B – “Letters to Olga” cũng do P.Wilson dịch, ấn hành 1990. Olga là bà vợ lâu năm của Havel, hai người không có con với nhau. Bà chết vì bệnh ung thư năm 1995. Sau khi Olga mất, Havel tục huyền với Dasa Dagmar.
C – “Toward a Civil Society” do P. Wilson và những người khác dịch, ấn hành năm 1995.
D – “ The Power of the Powerless” tiểu luận viết năm 1978 (có đề tặng và tưởng niệm triết gia Jan Patocka người bị chết sau cuộc điều tra của công an mật vụ vì là đồng tác giả và phát ngôn nhân của Hiến chương 77).Bản dịch tiếng Anh ấn hành năm 1985 tại London.
E – “Selected Plays, 1963 – 83”, do Vera Blackwell dịch ấn hành tại London năm 1992
* * Tóm tắt lại, Vaclac Havel là một nhân vật xuất chúng của Tiệp khắc vào cuối thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI. Ông là một đại diện nổi trội nhất của tầng lớp trì thức văn nghệ sĩ tại Đông Âu với lòng dũng cảm kiên trì trong phong trào tranh đấu bất bạo động cho Tự do, Dân chủ và Nhân quyền để đạt tới thắng lợi cuối cùng vào năm 1989 – là dẹp bỏ dứt khóat được chế độ cộng sản độc tài tòan trị do Liên Xô áp đặt trên quê hương đất nước ông từ năm 1948. Cả thế giới đều ngưỡng mộ con người kiệt xuất này của thời đại chúng ta ngày nay vậy./
Costa Mesa California, Tháng Sáu 2015
Đoàn Thanh Liêm