Mỹ: Người đồng tính có quyền kết hôn trên toàn quốc

Mỹ: Người đồng tính có quyền kết hôn trên toàn quốc

Nguoi-viet.com

WASHINGTON DC (NV) Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ hôm Thứ Sáu đưa ra phán quyết: Các cặp đôi đồng tính, như những tình nhân khác, có quyền hiến định được kết hôn trên toàn quốc, mà không lệ thuộc vào luật tiểu bang.

Với 5 phiếu thuận, 4 chống, phán quyết này được xem như bước ngoặt của luật về quyền dân sự tại Hoa Kỳ. Hôn nhân đồng tính giờ đây hợp pháp tại tất cả 50 tiểu bang trên toàn nước Mỹ.


Giới ủng hộ hôn nhân đồng tính reo hò sau quyết định của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. (Hình: Alex Wong/Getty Images)

Giới LBTG (lesbian, gay, bisexual, transgender – đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính, chuyển giới) và những người ủng hộ hôn nhân đồng tính xem phán quyết này là chiến thắng lớn chờ đợi từ lâu, đúc kết cuộc đấu tranh hơn hai thập niên, đòi cho bằng được quyền bình đẳng về hôn nhân theo Hiến Pháp.

Ngay sau khi quyết định được công bố, nhiều cặp đồng tính tại các tiểu bang đang cấm họ kết hôn, đã kéo nhau ngay đến phòng thư ký quận (County Clerk Recorder Office) để xin giấy hôn thú, vì một số tiểu bang nói rằng họ tôn trọng phán quyết của Tối Cao Pháp Viện. Thế nhưng, ít nhất hai tiểu bang, Louisiana và Mississippi, cho biết họ sẽ không cấp hôn thú ngay cho những cặp đồng tính. Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện thường phải 25 ngày sau mới có hiệu lực.

Thẩm Phán Anthony M. Kennedy, người được cho là có lá phiếu quyết định, cũng là vị thẩm phán có ý kiến dài nhất, trình bày: “Quyền kết hôn là quyền cơ bản nằm sẵn trong sự tự do của một con người, và theo đúng thủ tục, cũng như điều khoản bảo vệ bình đẳng của Tu Chính Án 14, các cặp đồng tính không thể bị tước quyền đó và tự do của họ.”

Ông giải thích: “Không có sự kết hợp nào sâu xa hơn hôn nhân, vì nó là hiện thân của lý tưởng cao nhất của tình yêu, lòng trung thành, tận tụy, hy sinh, và tình gia đình. Trong việc kết hôn, hai người trở thành một tập hợp lớn hơn chính họ trước đó.”

Khi Thẩm Phán Kennedy kết thúc phần trình bày ý kiến của mình, một số người tham dự âm thầm lau nước mắt, những người khác cười tươi, ôm chầm lấy nhau.

Tại Vườn Hồng trong Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Barack Obama ca ngợi sự bền tâm của giới ủng hộ hôn nhân đồng tính, những người đã miệt mài đấu tranh tại các cơ quan chính phủ, tòa án mọi cấp, cuối cùng đưa vấn đề lên đến tận Tối Cao Pháp Viện. “Ðôi khi,” ông Obama nói, “có những ngày như thế này, khi nỗ lực chậm chạp nhưng bền bỉ được tưởng thưởng bằng công lý, đến với chúng ta như một tiếng sét.”

“Phán quyết này là một chiến thắng của nước Mỹ, nó khẳng định những gì mà hàng triệu người Mỹ vẫn tin trong trái tim họ, rằng mọi người dân Mỹ đều được đối xử bình đẳng, mọi người Mỹ đều được tự do.” Ông Obama nói.

Ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Dân Chủ, Hillary Clinton, gửi một “tweets” rằng bà “hãnh diện được ăn mừng một quyết định lịch sử,” và ca ngợi rằng nỗ lực bền bỉ của giới LGBT trong việc đấu tranh cho bình đẳng hôn nhân đã “thay đổi con tim, suy nghĩ của con người, và thay đổi luật pháp.”

Nhiều người nổi tiếng dùng mạng xã hội để bày tỏ niềm hân hoan trước quyết định này. Một tweeter viết: “Hôm nay, tình yêu là điều hợp pháp cho tất cả mọi người.”

Phản ứng giới bảo thủ

Không phải ai cũng hân hoan với quyết định lịch sử này của Tối Cao Pháp Viện. Giới bảo thủ phản đối phán quyết này một cách mạnh mẽ. Chánh Án John G. Roberts Jr., một trong những người bỏ phiếu chống, lập luận: “Tối Cao Pháp Viện không phải là một cơ quan lập pháp. Việc hôn nhân đồng tính có phải là một ý tưởng tốt hay không, không phải là quan tâm của tòa án này.”

Thẩm Phán Roberts Jr., giải bày: “Vấn đề không nằm ở chỗ theo phán đoán của tôi thể chế hôn nhân có nên được thay đổi để bao gồm các cặp vợ chồng đồng tính. Thay vào đó, câu hỏi phải được đặt ra là, liệu ở một đất nước dân chủ, quyết định này phải nằm trong tay người dân, qua những vị dân cử, hay nên nằm trong tay năm người luật sư, được nắm quyền giải quyết những tranh chấp pháp lý theo luật định.”

Ðồng ý với Thẩm Phán Roberts Jr., Thẩm Phán Antonin Scalia, một nhà bảo thủ khác, nói rằng quyết định này cho thấy Tối Cao Pháp Viện là một “mối đe dọa cho nền dân chủ Mỹ.”

Dù phán quyết này chỉ ảnh hưởng đến luật của các tiểu bang, và các thể chế tôn giáo vẫn có quyền quyết định kết hợp những cuộc hôn nhân đồng tính hay không, giới không ủng hộ phán quyết tỏ ý lo ngại về ảnh hưởng của quyết định trên những người phản đối hôn nhân đồng tính dựa trên cơ sở tôn giáo.

“Những câu hỏi khó sẽ nảy sinh khi tín đồ một số tôn giáo hành đạo theo quy tắc có thể bị xem là xung đột với quyền mới cho hôn nhân đồng tính.” Thẩm Phán Roberts nói.

Cựu thống đốc tiểu bang Arkansas, ông Mike Huckabee, người từng nói rằng việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính sẽ dẫn đến “hình sự hóa Kitô Giáo,” có lẽ là người đưa ra phản ứng sắc bén nhất về quyết định của Tối Cao Pháp Viện, cảnh báo hôm Thứ Sáu, trên trang web của ông, rằng Hoa Kỳ “phải chống lại và loại bỏ chế độ độc tài tư pháp, chứ không được rút lui.”

Thống đốc tiểu bang Louisiana, Bobby Jindal, nói rằng quyết định này “sẽ mở đường cho một cuộc tấn công quyền tự do tôn giáo của người Kitô hữu không đồng ý với hôn nhân đồng tính.”

Thống đốc tiểu bang Wisconsin, Scott Walker, nói “cách đối phó duy nhất còn lại cho nhân dân Mỹ là hỗ trợ việc sửa đổi Hiến Pháp Hoa Kỳ, để tái khẳng định quyền định nghĩa hôn nhân của các tiểu bang.”

Hầu như tất cả các ứng cử viên Cộng Hòa đều bày tỏ phản đối hôn nhân đồng tính và niềm tin của họ là việc định nghĩa hôn nhân nên dành cho các tiểu bang, nhưng ngay giữa họ cũng có những phản ứng khác nhau. Trong khi thống đốc tiểu bang Wisconsin, ông Scott Walker – mạnh mẽ thúc giục giới bảo thủ chống lại quyết định này, nhiều người khác, chẳng hạn cựu thống đốc Florida, Jeb Bush, và Nghị Sĩ Marco Rubio, Florida, có những tuyên bố dịu nhẹ.

Giới phân tích cho rằng các phản ứng mạnh, nhẹ khác nhau cho thấy thách thức khó khăn đang đối mặt với các ứng cử viên Cộng Hòa, là làm thế nào để vừa thu hút thành phần bảo thủ luôn kịch liệt phản đối hôn nhân đồng tính, mà vẫn không làm mình bị cô lập với số đông cử tri ngày càng có khuynh hướng chấp nhận hôn nhân đồng tính.

Hành trình nhiều thập niên

Với nhiều người, phán quyết của Tối Cao Pháp Viện là kết quả “không bất ngờ” và “đã đến lúc” phải đạt được gần đúng 46 năm sau vụ bạo loạn tại Stonewall Inn (the Stonewall Inn riots), nơi người dân ném chai vào cảnh sát New York để phản đối sự đàn áp của họ với khách hàng của một quán rượu của người đồng tính, biến cố được xem là khởi đầu của phong trào đấu tranh cho quyền của người đồng tính.

Sau bạo loạn Stonewall Inn vào cuối Tháng Sáu, 1969, giới đồng tính đã trải qua nhiều thăng trầm để đòi quyền bình đẳng trong tình yêu và hôn nhân như mọi người khác.

Một biến cố đáng chú ý, có lợi cho giới đồng tính xảy ra vào ngày 21 Tháng Mười Hai, 1993 khi Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ ban bố chính sách “Không Hỏi, Không Nói” (Don’t Ask, Don’t Tell), cấm quân đội ngăn cản người nộp đơn vào lính chỉ vì khuynh hướng tình dục của họ.

Ðến Tháng Mười Một, 2008, người dân California bỏ phiếu chấp thuận Proposition 8, biến California thành tiểu bang không chấp nhận hôn nhân đồng tính. Thế nhưng chính kết quả cuộc bỏ phiếu này khiến một nhóm người đứng ra cổ động phong trào chống lại Proposition 8, với nhiều người nổi tiếng nhập cuộc đòi bình đẳng hôn nhân cho người đồng tính.

Thế nhưng phong trào hỗ trợ cho hôn nhân chỉ nóng lên cách đây hai năm khi Tối Cao Pháp Viện bác bỏ một phần của luật Defense of Marriage Act (của liên bang), nói rằng hôn nhân của những cặp vợ chồng đồng tính xứng đáng được tôn trọng và bình đẳng trước pháp luật.

Khi bác bỏ một phần của luật Defense of Marriage Act, lúc đó Tối Cao Pháp Viện chỉ nhằm trả lời một câu hỏi duy nhất về quyền lợi của liên bang cho các cặp vợ chồng, nhưng lập luận này thúc đẩy các thẩm phán dần dà làm mất hiệu lực một loạt các luật tiểu bang hạn chế rằng hôn nhân chỉ có thể xảy ra giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Khi bị bắt buộc phải bảo vệ luật của tiểu bang mình, các luật sư nhà nước đã không thể đưa ra lý do thuyết phục nào để giải thích tại sao các cặp vợ chồng, một số đã chung sống với nhau nhiều năm, nuôi con chung, lại bị từ chối hôn thú.

Không chỉ riêng giới đồng tính đấu tranh đòi bình đẳng, quan niệm của người dân trong mấy thập niên qua cũng dần thay đổi. Chỉ cách đây một thập niên, đa số dân Mỹ nói họ hoàn toàn phản đối hôn nhân đồng tính. Vào đầu năm 2004, để bảo vệ hôn nhân truyền thống, một loạt tiểu bang đưa luật giới hạn hôn nhân, định nghĩa đó là sự kết hợp của hai người khác giới.

Nhưng theo thời gian, đều đặn, kết quả nhiều cuộc trưng cầu dân ý cho thấy quan niệm của dân Hoa Kỳ đã thay đổi. Ngày càng có nhiều người bày tỏ ủng hộ bình đẳng trong hôn nhân. Nhiều người trong số này chấp nhận hôn nhân đồng tính, dù họ không thích điều này trên phương diện tôn giáo hay trong triết lý sống, nhưng họ không thể không đồng ý việc cho mọi người quyền bình đẳng mà bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ đã khẳng định.

Có lẽ Thẩm Phán Kennedy giải thích quyết định của Tối Cao Pháp Viện rõ nhất khi ông nói: “Các cặp đồng tính chỉ đòi hỏi quyền được bình đẳng trước pháp luật. Hiến Pháp của chúng ta cho họ cái quyền đó.” (HG)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay