Kinh doanh ở VN: Lời hay lỗ đều phải hối lộ cho cán bộ thuế

Kinh doanh ở VN: Lời hay lỗ đều phải hối lộ cho cán bộ thuế

Nguoi-viet.com

HÀ NỘI (NV) – Để tránh bị hạch sách và yên ổn sản xuất kinh doanh, các chủ doanh nghiệp ở Việt Nam buộc phải “biết điều” với cán bộ thuế.

Doanh nghiệp và người dân khi đi làm thủ tục đóng thuế phải hối lộ cho
cán bộ thuế. (Hình: Thuvienphapluat)

Ngày 21 tháng 6, Tuổi Trẻ dẫn kết quả khảo sát của trung tâm nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng trong đề tài “nguy cơ tham nhũng trong khu vực hộ kinh doanh tại Việt Nam” cho thấy, trong 500 hộ kinh doanh được khảo sát, có 1/3 đồng ý hoàn toàn về việc thường “dàn xếp” với cán bộ thuế để phải nộp mức phạt thấp hơn và không lấy biên lai; 14% cho biết họ phải nộp thuế ít hơn nếu biếu quà cho cán bộ thuế.

Bồi dưỡng để công việc được thuận lợi, nhanh chóng, chứ không là thế nào cán bộ thuế cũng tìm ra sai phạm rồi làm khó dễ mình. Chỉ những người làm kinh doanh mới thấy được nỗi cay đắng, của hộ kinh doanh và doanh nghiệp khi bị cán bộ thuế và quản lý thị trường “hỏi thăm,” nhiều chủ doanh nghiệp đã cho biết như vậy về việc tại sao phải “lót tay” cho cán bộ thuế.

“Một năm hai lần cứ đến tháng 6 và tháng 12, chúng tôi lại được cán bộ gọi điện để… hỏi thăm sức khỏe. Và dù muốn hay không, vui hay buồn, thua lỗ hay lời to, chúng tôi vẫn phải ‘gặp’ các vị nếu không chỉ có con đường bị làm khó mà thôi,” ông Sơn, chủ doanh nghiệp nhựa ở Chợ Lớn nói.

Còn chị Ngọc, chủ một doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc cho biết, “Mình muốn cán bộ thuế xông xáo thì phải “tốt” với họ. Cái nào cũng có cái giá của nó. Nếu không ‘bồi dưỡng’ khi gặp khó khăn về thuế họ không hướng dẫn nhiệt tình. Tuy nhiên, mỗi năm, lại có nhiều quy định mới, do không theo kịp nên chắc chắn doanh nghiệp cũng vướng vài sai phạm.”

Còn anh Hoàng, một chủ trang trại heo ở Long An cho biết, “Chỉ cần không ‘bồi dưỡng’ thử một lần đi rồi sẽ thấy năm đó tự dưng ‘lòi’ ra bao nhiêu sai phạm. Làm kinh doanh phải tính chuyện lâu dài, tính đến lợi nhuận nên thà bỏ ra chút ít vẫn tốt hơn là bị cán bộ ‘để ý’ doanh nghiệp của mình.”

Kết quả điều tra xã hội học cho thấy, có 63% hộ kinh doanh tại 8 tỉnh lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ… được khảo sát tin rằng, việc thông đồng, cấu kết, vòi tiền trong ngành thuế luôn diễn ra. Không ai tin rằng hiếm hoặc không diễn ra thực tế này.

Theo ông Đặng Hoàng Giang, trung tâm phát triển cộng đồng, chủ đề tài khảo sát trên thì, hộ kinh doanh đóng thuế chỉ là đóng lấy lệ, một phần để chia cho cán bộ thuế. Các hộ kinh doanh khi bị nhũng nhiễu thường không tố cáo vì họ cho rằng có tố cáo cũng không có kết quả.

Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do thông tin về mức đóng thuế rối rắm, biểu thuế và việc áp dụng các mức thuế nào cho đối tượng nào không rõ ràng nên hộ kinh doanh không nắm được. Việc người dân không tin các khiếu nại, tố cáo của mình được giải quyết nên họ tìm cách thông đồng đút lót cho cán bộ thuế để hai bên cùng có lợi.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Ngô Trí Long, nguyên viện phó Viện Nghiên Cứu Thị Trường Giá Cả xác nhận: Hiện nay, thuế là một trong những mảnh đất màu mỡ cho tội phạm tham nhũng. Bằng chứng là ngành thuế luôn “hot,” mỗi khi thi tuyển luôn có hàng ngàn người xếp hàng tham gia. (Tr.N)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay