Kỹ niệm 70 tuổi.

Kỹ niệm 70 tuổi.

Bài này viết hồi năm 2012 (70 tuổi ,
bổ túc năm nay, 05/2015 hiện 73 tuổi)

Nhân sinh thất thập cổ lai hy.

Tháng 07 này kỹ niệm 70 tuổi. Trước đây bảy mươi là hiếm, ngày nay với sự tiến bộ của y khoa, cũng có rất nhiều người sống đến bảy mươi tuổi. Trong năm nay, kỹ niệm đáng ghi nhớ:

45 năm lập gia đình

21 năm làm con cái Chúa Kitô.

Tôi thường hay suy nghĩ vẩn vơ: “Sống trên đời này để làm gì?” và “khi tôi chết Linh Hồn sẽ đi về đâu?”

Về những người Thầy cũ:

Tôi học trường Tiểu Học Rạch Núi nằm ở dưới chân đồi, ngọn đồi không cao lắm. Trên đồi có chùa Núi. Hồi trẻ chúng tôi thường lên chùa Núi để hái trái me hoặc lượm me rớt dưới đất vì trái me ở đây rất nhiều.

Người thầy dạy tôi giúp tôi viết chữ cho ngay ngắn là thầy ba Hương (thầy Trần văn Hương) dạy lớp ba, thầy dạy lớp nhất (lớp 5) là thầy Nguyễn tuấn Kiệt.

Khi tôi lên học trường Trung học Cần Giuộc, tôi được hướng dẫn của Giáo sư Đinh văn Lô dạy toán, Thầy Hà Khải Hoàn dạy Việt văn, Thầy Đào Đức Hoàng dạy Anh văn, ở trường Trung Học Chu văn An có Thầy Đào văn Dương dạy toán, Trương Đình Ngữ dạy Lý Hoá, Vũ Bảo Ấu toán,   Trần văn Hiến Minh triết. Ở Đại học Luật Khoa có Giáo sư Vũ Quốc Thúc, Vũ quốc Thông, Nguyễn Cao Hách, Nguyễn văn Bông v.v…

Một người thầy nữa không trực tiếp dạy tôi, nhưng tôi rất mến phục, đã có ảnh hưởng rất nhiều trong cuộc đời tôi đó là nhà văn Nguyễn Hiến Lê.

Khoảng năm 1963, tôi cùng người bạn có ghé thăm thầy Nguyễn Hiến Lê ở đường Kỳ đồng.Thăm thầy để mua hai cuốn sách, loại sách “Học làm người” và cũng để gặp mặt thầy cho biết.

Vừa khi vào nhà thầy, thầy nói ngay “Tôi chỉ nói chuyện với các em trong hai mươi phút. Các em có hỏi gì thì hỏi trong thời gian đó mà thôi.” Trong khi ngồi nói chuyện với chúng tôi, thầy đem một ống viết chì khoảng ba bốn chục cây. Vừa nói chuyện, thầy vừa chuốc viết chì. Khi chuốc xong viết chì đã nhọn, thầy để qua ống thứ hai. Thầy viết sách bằng viết chì để dễ sửa chữa khi có đoạn nào không vừa ý. Sau một lúc nói chuyện với chúng tôi, ống thứ hai chứa viết chì nhọn đã đầy. Thầy tận dụng thì giờ. Thầy không bao giờ để phí thì giờ.

Về Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy.

Kỹ niệm về thầy Huy là năm tôi học trường Chính Trị Kinh Doanh ở thương xá Tax. Thầy Huy dạy tôi về môn Chính Trị ban Cao Học.

Thầy Huy ảnh hưởng nhiều nhất trong cuộc đời tôi. Thầy Huy có trí nhớ lạ lùng, từ chuyện xưa cho đến chuyện hiện tại trên thế giới, nhất là ở Trung Hoa ngày xưa, thầy nhớ hết. Thầy có thể nói chuyện liên tục hai giờ không cần giấy tờ gì cả.

Cuộc đời của Thầy là gương sáng “tri hành hiệp nhất”. Từ năm 1973, sau khi vợ Thầy mất, thầy không lấy vợ khác, sống chết cho đoàn thể, Thầy đã mất trên máy bay trên đường đi dự Đại Hội Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến toàn thế giới kỳ ba ở Hoà Lan năm 1990.

Nói về chuyện chánh quyền của Tổng Thống VNCH Nguyễn văn Thiệu đã tham nhũng có một số sinh viên đề nghị cần lật đổ (làm đảo chánh) để thay người mới. Giáo sư Huy trả lời: ” Mấy anh thấy Trần Thủ Độ rất ác với nhà Lý. Nhân ngày giỗ của tôn thất nhà Lý, ông Trần Thủ Độ đã đào hầm lớn, khi tôn thất nhà Lý đến dự lễ, làm sụp hầm, đã chôn sống tất cả dòng họ nhà Lý. Nhưng ông Trần Thủ Độ cũng đã có công đánh đuổi quân Mông cổ, dành độc lập cho nước Việt nam. Con người Trần Thủ Độ rất ác với nhà Lý nhưng vẫn có công với đất nước, dân tộc Việt nam. Muốn thay đổi chế độ của Tổng thống Nguyễn văn Thiệu, không thể dùng giải pháp quân sự, đảo chánh sẽ sinh ra bất ổn, mà cần phải thông qua bầu cử để dân chúng quyết định bằng lá phiếu.

Đi tìm đời sống tâm linh.

Tôi theo anh Ngô Thanh Nhàn Giáo sư dạy trường trung học Petrus Trương Vĩnh Ký để học hỏi về châm cứu.  Anh Nhàn lớn hơn tôi 6 tuổi. Đậu trường Đại Học Sư Phạm một năm. Dạy môn toán. Sau này anh cũng lấy được bằng Cử Nhân Luật Khoa. Gặp những vấn đề khó khăn, buồn khổ không giải quyết được, tôi hay hỏi ý kiến anh Nhàn. Anh thường nói với tôi là “quên mình đi, nghĩ đến người khác đi” sẽ có cách để giải quyết vấn đề khó khăn đó.

Tôi buồn rầu, chán nản vì không có việc làm, không có tiền để sinh sống.Tôi không biết phải làm nghề gì bây giờ. Đã chạy xe xích lô nhưng nặng nhọc quá không làm được. Theo anh hai Khuyên đi dọn dẹp các ống cống, khiêng những tấm “đan” quá nặng, không làm nổi. Trong khi đó lúc nào nhà cầm quyền cũng theo dõi tôi, xem có hành vi chống đối nào không? Tôi hoàn toàn mất tự do. Chẳng những vậy, tôi cảm giác bị coi thường vì không làm gì ra tiền mà cứ phải ăn bám vào bà xã tôi, vào ba má tôi. Tôi cứ ra vô trong nhà không biết làm gì cả thấy mình thật là vô dụng.

Trong khi đó nhà nước đòi tịch thu nhà của tôi nếu tôi được đi Mỹ theo diện HO. Nhà tôi thuộc diện nhà nước quản lý vì tôi là Phó Chủ tịch Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến cấp Quận. Nhà này là nhà của cha mẹ tôi, tôi chỉ đứng tên, chứ không phải là nhà do tôi mua hay xây dựng. Tôi rất đau khổ, lo lắng, buồn phiền về việc này.

Những áp lực nặng nề đó làm cho tôi vô cùng bất an. Tôi không biết làm sao để giải quyết căn nhà này nếu tôi xuất cảnh. Nếu tôi đi mà căn nhà này bị tịch thu thì tôi sẽ đau khổ vô cùng.

Tôi đi xem bói, nghe đồn ai có khả năng xem được tương lai là tôi tìm đến. Tôi theo anh Nhàn lên Thủ Đức để xem.Tôi nhờ anh Phạm Tư dẫn một người nói rằng có khả năng đoán được tương lai. Tôi cũng đến hỏi chừng nào được đi nước ngoài mà có được đi không? Căn nhà có bị tich thâu không?

Rồi cuối cùng, có lẽ có sự dẫn dắt của Thiên Chúa để tôi gặp anh Nguyễn Gia Phách là người công giáo dẫn tôi lên Fatima cầu nguyện. Tôi đến với Thiên Chúa, đến với Đạo Công Giáo thông qua Đức Mẹ. Rồi những biến cố khác cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ, tâm tư của tôi. Như trường hợp vợ anh Hà Hớn Liếu, bạn cải tạo của tôi, ba bốn tháng trước khi mất đã xin vào đạo Chúa. Làm đám tang ở nhà thờ. Sau đó, anh Liếu cùng bốn đứa con, cả nhà đều đi học đạo và được rửa tội làm con Chúa cùng một lượt.

Tôi đã vào đạo Chúa ngày 15 tháng 8 năm 1991, Lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời đến nay (15-8-2012)  đã tròn 21 năm.

Tin có Chúa cuộc đời tôi đổi khác rất nhiều.

Khi tôi gặp khó khăn, gặp vấn đề khó giải quyết, tôi vô nhà thờ cầu nguyện với Chúa và Đức Mẹ. Tôi bớt  nóng nảy rất nhiều, không vì bực dọc mà la lối vợ con hay cự nự người xung quanh nữa. Vì tôi tin rằng đời này khó khăn, đau khổ là để thông phần với đau khổ của Chúa chịu đóng đinh, để sau này sẽ được hưởng phúc trường sinh, hạnh phúc vinh quang vĩnh cửu, sau khi chết.

Tin có Chúa được những gì?

Tôi tập được “Đức khiêm nhường”Chúa nói: ” Hãy bắt chước ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. ” Tinh thần phục vụ” Chúa còn rửa chân cho các môn đệ, con người mình trình độ học vấn đâu có bao nhiêu, trong cuộc sống vướng nhiều lỗi lầm, tội lỗi mà không biết ăn năn sám hối sửa mình và bắt chước Chúa Kitô mà phục vụ anh em để đền bù tội lỗi của mình hay sao?

Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường (Mt12, câu 9)

Khó khăn quá thì cầu nguyện vì “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho…( Mt 7,7 )

Không thể nào Chúa không ban ơn khi chúng tha thiết cầu xin.

21 năm làm con cái Chúa.

Trong quảng đời còn lại chưa biết Chúa gọi lúc nào, tôi đã đặt ưu tiên là làm việc cho Chúa, đóng góp phần nào công sức để phục vụ nhà Chúa, hy vọng Chúa thương ban cho đời sống hạnh phúc Thiên đàng mai sau.

Do đó trong mấy năm nay tôi không chỉ đi lễ và phụ giúp lễ hai tối thứ bảy và tối Chúa nhật, mà sáng nào tôi cũng đi lễ. Vừa được nghe lời Chúa, còn được rước Chúa mỗi ngày nữa. Mỗi sáng thức dậy lúc 6 giờ 15, đến 6 giờ 40 lên xe đi đến nhà thờ. Thường đến nhà thờ sớm được 5 , 10 phút. Đi vào nhà thờ cầu nguyện, đọc kinh, thầm thì, than thở với Chúa, với Đức Mẹ. Năm 2012 có đi thăm anh Tuyên ở Cali, mỗi sáng, anh cũng dẫn tôi đi lễ ở nhà thờ “Đức Mẹ Dâng con” thuộc cộng đoàn Riverside, Corona.

Năm nay, các con các cháu, gia đình chú Tư tập họp ở nhà hàng Thiên Phú để mừng tôi 70 tuổi và bà xã tôi 65 tuổi. Có vài ba người bạn thân, được hai bàn tròn.

Tôi không ngờ tôi sống được đến ngày hôm nay. Bảy mươi năm trôi qua. Đời người quá ngắn ngủi. Đời người như “bóng câu qua cửa sổ” tôi đã nghe, đã học, đã biết câu này thời còn đi học ở trung học. Bây giờ sau thời gian dài hơn năm mươi năm, tôi mới cảm nghiệm được câu nói này. Đúng là đời người như “bóng câu qua cửa sổ”, thoáng chút, đã thấy mình già rồi. Đã bước vào tuổi “cổ lai hy” rồi. Có ai nghĩ tới ngày hôm nay đâu?. Rồi chỉ còn thời gian ngắn ngủi nữa thôi, ngày mai hay tháng tới hay năm tới mình sẽ ra đi, nào ai biết được. Có sẵn sàng chưa. Có gì để tiếc không?

Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức vì anh em không biết khi nào giờ ấy đến” (Mc 13, câu 33).

Tôi đã đóng góp gì cho đời và đã làm điều gì không tốt có hại cho linh hồn tôi ở đời sau.

Có người so sánh thời gian còn lại của đời người giống như phần còn lại mỏng manh của cuộn giấy đi cầu. Sau khi ta đã dùng gần hết cuộn giấy đi cầu, phần còn lại của cuộn giấy quả thật là mỏng te, quá ít ỏi. Ta sẽ thấy tiếc không dám phí phạm phần giấy còn lại cũng giống như thời gian còn lại của ta trên cõi đời này còn quá vắn vỏi, ta phải nên yêu quí nó, trân trọng nó. Dùng thì giờ còn lại thật có ý nghĩa, để mai sau được hưởng vĩnh phúc mà Thiên Chúa yêu thương sẽ ban cho.

Gia đình là nền tảng của xã hội. Gia đình muốn bền vững cần có lời Chúa. Lắng nghe, học hỏi và thực hành lời Chúa.

Cha Chu Quang Minh, dòng tên, sáng lập Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia đình, trong một kỳ tĩnh tâm về gia đình, có nói: “Cầu nguyện trong mọi sự, mọi sự đều cầu nguyện.( Prayer is in every thing, everything is prayer). Luôn luôn cầu nguyện. Cầu nguyện không ngừng. Sáng đi nhà thờ cầu nguyện. Lúc 3 giờ trưa cầu nguyện lòng thương xót Chúa. Khi đi tập thể dục, chạy bộ hay ngăm nước nóng cũng đọc kinh Lòng thưong xót Chúa.Tối đọc kinh Mân Côi.

Cầu nguyện cho gia đình, cho các con, cho thân nhân giòng họ, cho bạn bè và những người quen biết hay không quen biết luôn luôn yêu mến Thiên Chúa, yêu mến Đức Mẹ. Để chi vậy?

Để con cháu có chỗ dựa vào Thiên Chúa toàn năng, có đời sống tâm linh cao. Biết phó thác những sự khó khăn cho Chúa. Biết chịu đựng khi gặp khó khăn, gian nan thử thách.

Theo thống kê của Hoa Kỳ tuổi trung bình ra đi cho đàn ông là 75, 76 tuổi; đàn bà 80, 81 tuổi.

Như vậy tôi chỉ còn vỏn vẹn có 5, 6 năm nữa sống trên cõi đời này, tại sao mình không vui hưởng mà nghĩ vẫn vơ, than phiền những điều mình không vừa ý.

Sống để làm gì? Tại sao có tôi trên đời này?

Khi ở trong tù ngoài Bắc, tôi thường đặt câu hỏi học hành đỗ đạt để làm gì? Mà vì có học vấn, được hiểu biết, nên mới tham gia các đảng phái chính trị mục đích đóng góp một phần nào cho xã hội. Giả sử như tôi không đi học, không biết gì nhiều, liệu tôi có tham gia Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, đảng Tân Đại Việt hay không.? Như vậy vì có đi học, có hiểu biết, ao ước đóng góp gì cho đất nước, cho xã hội mà cộng sản đã giam giữ tôi vì quan điểm chính trị khác biệt. Tôi đã ở trong các trại cải tạo Long Thành, Lao Cai, Vĩnh Phú, Hà Nam Ninh gần 8 năm.

Đến cuối cuộc đời còn gì để tiếc.

Mỗi ngày vẫn làm việc bình thường đọc báo chí, sách vở, viết bài vở, chia xẻ tin tức mỗi ngày cùng những lời hay ý đẹp với bạn bè khắp nơi trên thế giới.

Còn niềm vui nào bằng. Tạ ơn Chúa tôi còn sáng suốt, còn sức khỏe để làm việc.

Viết xong  năm 2012

Sửa chữa xong tháng 05/2015

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay