​Thiếu đói khắp nơi…

​Thiếu đói khắp nơi…

báo Tuổi trẻ

TT – “Một hôm tôi xuống thăm người dân xã Hòa Nghĩa, huyện An Thụy, Hải Phòng thì thấy nhà nào cũng đói. Có gia đình ba cháu đói lả trên giường mà chẳng thấy người lớn…

Tôi hỏi cha mẹ các cháu đâu, bọn trẻ trả lời bố mẹ cháu ra bãi biển mò tôm cá về bán đong gạo”.

Ông Đoàn Duy Thành, nguyên phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, hồi tưởng về những năm tháng đói kém  – Ảnh: Q.V. – tư liệu

Nhắc nhớ những ngày khó khăn này, ông Đoàn Duy Thành, nguyên phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, vẫn ngậm ngùi suy tư. Ông tâm sự hồi đương chức chủ tịch rồi bí thư Tỉnh ủy Hải Phòng phải chứng kiến nhiều cảnh như vậy. Người dân phải tìm mọi cách để xoay xở miếng ăn.

“Ám ảnh việc kiếm cái ăn!”

“Không biết lúc nào cha mẹ các cháu mới về đến nhà, mà có kiếm được gì để ăn không, tôi bảo tài xế về gấp nhà tôi lấy gạo nấu ngay cho các cháu ăn lại sức” – vừa tâm sự, ông Đoàn Duy Thành vừa giở lại những tài liệu ố màu thời gian.

Hồi còn kháng chiến, ông nghĩ dân mình chỉ cần có đất là không lo, thế mà hòa bình người dân có đất vẫn cứ đói triền miên. Ruộng quê ông xưa cày cấy bình thường cũng được 100kg lúa mỗi sào đất, bây giờ cũng ruộng ấy chỉ được 40kg lúa. Ở các thửa ruộng khác lão nông tri điền cũng chẳng làm khá hơn.

Cày cho mình thật sự mọi người hăng hái đổ mồ hôi, cày cho hợp tác xã cuối vụ tính điểm còn không đủ thóc nuôi con, chẳng ai hăng hái nổi. Ông Thành đi tham quan các tỉnh lúa khác tình hình cũng chẳng khá hơn. Nông dân vẫn phải ăn bo bo, khoai độn, cháo nấu với thân chuối mỗi ngày.

Ở Hải Phòng, ông Thành kể: “Kinh tế hợp tác xã chỉ bảo đảm được 20% cuộc sống xã viên, mọi người phải bổ ra ngoài kiếm sống. Ngay trên ruộng hợp tác xã rộng lớn dân cũng chỉ làm qua loa cho xong để còn về làm ruộng 5% thuộc về mình. Quanh đi quẩn lại mọi người triền miên ám ảnh việc kiếm ăn”.

Cũng như nhiều địa phương khác, chỉ qua 10 ngày đầu tháng cửa hàng gạo Hải Phòng chẳng còn gì bán cho cán bộ công nhân viên, kể cả bo bo. Thành phần có lương, có tem phiếu đã vất vả, người dân lao động càng khó sống hơn.

Hồi tưởng năm tháng vật vã kiếm ăn hầu như ai cũng có kỷ niệm khó quên. Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, giám đốc Bảo tàng Dân tộc học – con trai cố bộ trưởng giáo dục Nguyễn Văn Huyên, tâm sự: “Hồi ấy đồng lương eo hẹp quá. Ở Hà Nội cả nhà tôi người là giáo sư, viện phó, người là tiến sĩ này nọ đều phải xoay xở kiếm thêm.

Khoảnh sân nhà tôi trở thành vườn – chuồng đúng nghĩa, chỉ còn thiếu mỗi ao, mà nếu có thể đào được thì chắc chúng tôi cũng đào rồi. Từ mẹ tôi, vợ một bộ trưởng đến con cái, dâu rể đều lăn ra nuôi heo, gà vịt, trồng nấm, sắn dây. Tối tối mọi người còn cặm cụi phân từng hạt đậu phộng bỏ vào bọc nilông đem bán kiếm thêm mấy hào”.

Tiến sĩ Huy bùi ngùi nhớ mẹ mình hồi ấy đã lớn tuổi mà đêm đêm vẫn thức khuya nối len, đan mũ, khăn quàng để vun vén thêm nồi cơm cho cả nhà ba thế hệ.

“Đến giờ tôi vẫn có thói quen ăn cơm nguội bữa sáng, mà hồi ấy có chén cơm là quý lắm. Chỉ mẹ già và con còn nhỏ mới được ưu tiên, chúng tôi vẫn phải ăn độn bo bo” – tiến sĩ Huy tâm sự mình vẫn nhớ “hương” phân gián trong chén bo bo.

Người dân TP.HCM sốt ruột chờ mua gạo – Ảnh: Q.V. – tư liệu

Cứu đói!

Nhiều nơi ở miền Nam mấy trăm năm chưa từng có chuyện thiếu miếng ăn, thế mà người dân thời kỳ này cũng phải bươn chải xoay gạo từng bữa. Cả xã hội vật vã kiếm ăn. Cả sinh viên cũng không thể toàn tâm ngồi ghế giảng đường.

Thầy giáo Nguyễn Xuân Thiệu, Trường tiểu học Nguyễn Văn Nguyên, huyện Đức Huệ, Long An, kể năm 1986 mình rời quê đi học sư phạm ở thị xã Tân An. Tiếng là ngành sư phạm được bao cấp hơn ngành khác, nhưng suốt thời gian dài người thầy này chỉ ăn hai bữa

mỗi ngày, thậm chí một bữa. “Lương” sinh viên sư phạm 13kg gạo, sau được quy tiền. Cầm số tiền đó mà ra ngoài ăn dè sẻn nhất cũng chỉ năm ngày đã thiếu, nên 25 ngày còn lại là nồi cơm sinh viên tự nấu và độn đủ thứ từ bo bo đến bắp, khoai mì… Tất cả trông vào gạo nhà quê tiếp tế, nhiều đợt không có phải nấu cháo húp với muối ớt chứ không được nước mắm ớt.

Hồi tưởng thời kỳ thiếu đói, ông Lê Văn Triết – nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại – ray rứt kể có những cuộc họp Chính phủ, Quốc hội thật nặng nề chuyện miếng cơm người dân.

Một lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa họp Quốc hội bị chất vấn: tại sao tỉnh lúa Bắc Trung bộ lại để dân đói trầm trọng? Vị cán bộ này khóc ròng giữa Quốc hội và thừa nhận địa phương bất lực…

Ông Đoàn Duy Thành, nguyên phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, cũng có kỷ niệm ngậm ngùi Tết Nguyên đán năm 1988 với hơn 100 người chết đói ở Thanh Hóa vì tình hình kinh tế khó khăn, lạm phát chung lại thêm mất mùa nặng ở địa phương.

Tuy nhiên, theo ông Thành, con số này vẫn chưa đầy đủ vì nhiều nơi báo cáo thiếu. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng mới nhận chức định vào Nam ăn tết, phải ở lại Hà Nội lo chuyện cứu đói. Hai ông gặp nhau ngày tết mà nặng trĩu nỗi lo.

Là nhân chứng trong đoàn cán bộ cứu đói Thanh Hóa, ông Nguyễn Thành Thơ – tức Mười Thơ, nguyên phó bí thư Thành ủy TP.HCM – kể vừa xuống ga xe lửa đã sốc với cảnh dân lén lút bán gạo với giá đắt gấp nhiều lần bình thường.

Lúc đong gạo, vài hạt bị vương vãi dân tranh nhau lượm. Ông Mười Thơ hỏi cán bộ tỉnh: “Địa phương có gạo dự trữ không?”. Người này thở dài: “Còn một ít dự trữ, nhưng chỉ đủ cho cán bộ, nhân viên ăn thôi”.

Đi vào vùng thiếu đói Thanh Hóa, ông Mười Thơ tiếp tục sốc với những góc bếp không một hạt gạo nào, có nhà chỉ còn một vài củ khoai mì, bắp, thậm chí chỉ có những rổ lá cây dại mà dân vào rừng kháng chiến như ông cũng không biết có ăn được không.

Bà Cao Thị Hảo – nguyên cục phó Cục Cung cấp lương thực Bộ Lương thực – đi kiểm tra tình hình phân phối lương thực ở Thanh Hóa ám ảnh mãi cảnh: “Một bà cụ chống gậy từ trong nhà ra đón chúng tôi. Bà đi được vài bước thì ngã quỵ xuống không đứng lên nổi. Tôi hỏi người con thì nghe câu trả lời nhiều ngày nhà không còn gì ăn, bà cụ lả vì đói”.

Bà Hảo kể những thời điểm thiếu đói nghiêm trọng đến mức xe chở gạo miền Nam ra Hà Nội nhưng cứ phải đỗ dọc đường vì không thể qua được các nơi thiếu đói gay gắt như Thanh Hóa, Nghệ An. Chính bà Hảo phải điện khẩn cấp về Bộ Lương thực xin ứng ít gạo, bo bo để tạm cứu đói cho dân.

Nền kinh tế tập thể nông dân chỉ tồn tại trên giấy và trên hình thức do cấp ủy địa phương sợ trung ương nên phải làm. Nông dân lại sợ cấp ủy nên phải vào tập đoàn sản xuất hay hợp tác xã. 

Năm 1976 sản lượng lúa bình quân trên một người dân là 211kg thì đến năm 1980 chỉ còn 157kg. Kế hoạch năm năm 1976-1980 nâng tổng sản lượng lúa lên gần gấp đôi vào khoảng 21 triệu tấn, nhưng đến năm 1980 chỉ đạt được khoảng một nửa, chưa bằng mức 11,827 triệu tấn của năm 1976.

…Do không thu mua được lương thực, người dân các thành phố phải ăn độn. Thủ đô Hà Nội khẩu phần định lượng được mua giá cung cấp 0,40 đồng/kg vốn đã ít ỏi (13 kg/người/tháng), đến tháng 3-1978 thực tế chỉ còn được 4kg gạo, còn lại là khoai lang, sắn khô… Chưa bao giờ tình trạng thiếu hụt lương thực lại trầm trọng như vậy, kể cả thời chiến. Thường trực Ban bí thư Nguyễn Duy Trinh phải điện khẩn các tỉnh nông nghiệp Hải Hưng, Hà

Bắc, Thái Bình, Hà Nam Ninh bằng mọi cách “làm nhiệm vụ chính trị” cung cấp gạo cho Hà Nội. Từ tháng 4 năm đó, số gạo đủ để bán cho mỗi nhân khẩu cũng chỉ bằng 40% tiêu chuẩn định lượng.

Nhà nghiên cứu ĐẶNG PHONG

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay