Công nhân tiếp tục đình công, chính quyền bối rối
SÀI GÒN (NV) – Cuộc đình công của 90, 000 công nhân công ty Pouyuen vẫn còn đang tiếp tục. Sang đến ngày 30 tháng 3, công nhân vẫn đến công ty nhưng chỉ tuần hành trong khuôn viên chứ không làm việc.
Công nhân công ty Pouyuen vẫn còn đình công. (Hình: Báo Lao Động)
Công ty Pouyuen (vốn đầu tư 100% Đài Loan), có nhà máy chuyên sản xuất giày da trong Khu Công Nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, Sài Gòn. Lần đầu tiên, người ta thấy công nhân lao động tại Việt Nam đình công chống lại luật lệ và chính sách của nhà cầm quyền, không phải chỉ đình công đòi tăng lương hay cải thiện chế độ làm việc.
Hôm 26 tháng 3-2015, sau khi nghe “tuyên truyền” về Luật Bảo Hiểm Xã Hội mới, khoảng 30 công nhân của xưởng D3 đã kéo qua xưởng D4 tắt đèn và 500 công nhân ở đó đồng loạt ngưng làm việc. Đến chiều 26 tháng 3, 2015 có thêm 700 công nhân ngưng làm việc và sang ngày hôm sau, con số công nhân ngưng làm việc đã tăng lên khoảng 90,000 (tờ Pháp Luật TP.HCM cho biết số công nhân tham gia đình công là 83,000, tờ Lao Động thì xác định là gần 90,000,…).
Trước đây, Luật Bảo Hiểm Xã Hội ban hành năm 2006 cho phép tất cả những công nhân đã làm việc được một năm, nếu mất việc hoặc nghỉ việc, không thể tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, vẫn có quyền nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần.
Năm ngoái, Quốc Hội Việt Nam thông qua Luật Bảo Hiểm Xã Hội mới. Theo đó, những công nhân chưa đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm mà mất việc hoặc nghỉ việc sẽ không được hưởng bất kỳ khoản trợ cấp nào. Trợ cấp bảo hiểm xã hội chỉ được phát khi họ đến tuổi nghỉ hưu.
Đó cũng là lý do dẫn đến cuộc đình công vừa kể. Những công nhân tham gia đình công yêu cầu duy trì quy định của luật cũ bởi khi mất việc họ cần phải sống.
Sau khi đình công xảy ra, ông Nguyễn Văn Khải, phó chủ tịch Liên Đoàn Lao Động thành phố Sài Gòn, nói với tờ Pháp Luật TP.HCM, rằng cơ quan của ông đã gửi “báo cáo nhanh” về cuộc đình công cho các “cơ quan chức năng.”
Đó là chuyện duy nhất mà cơ quan đại diện quyền lợi, nguyện vọng cho giai cấp công nhân ở Sài Gòn đã làm.
Còn ông Điều Bá Được, trưởng ban Chính Sách của Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam, giải thích, việc hưởng trợ cấp một lần khi mất việc hoặc nghỉ việc chỉ giải quyết khó khăn trước mắt, trong khi quy định mới nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài cho người lao động khi về già (có thể nhận lương hưu mỗi tháng cho tới chết).
Tuy nhiên “lợi ích lâu dài” mà ông Được đề cập có thể chẳng bao giờ có.
Do hàng loạt sai lầm trong việc hoạch định chính sách lao động và an sinh xã hội, Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam có thể sẽ chỉ duy trì được 19 năm nữa. Theo tính toán do chính Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam công bố hồi tháng 9 năm ngoái thì Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội của Việt Nam sẽ thâm thủng vào năm 2020 và “vỡ” vào năm 2034.
Nói cách khác, nếu không được nhận trợ cấp Bảo Hiểm Xã Hội một lần khi thất nghiệp hoặc nghỉ việc theo Luật Bảo Hiểm Xã Hội cũ mà chờ đến lúc đủ 55 tuổi vào năm 2035, công nhân Việt Nam sẽ… chẳng có đồng nào khi đến tuổi nghỉ hưu.
Hồi tháng 8 năm 2013, trong một báo cáo về nợ nần của chính quyền Việt Nam, Bộ Tài chính cho biết, nếu tính nợ công theo chủ nợ, chính phủ Việt Nam nợ Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội 5% trên tổng nợ vào lúc đó. Đó là một trong những lý do góp phần làm Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội của Việt Nam “vỡ.”
Đến tháng 9 năm ngoái, theo thống kê do Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam loan báo thì chính phủ Việt Nam nợ Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội của Việt Nam 303 tỷ đồng.
Lý do chính phủ Việt Nam nợ Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội của Việt Nam là vì lẽ ra phải đóng tiền bảo hiểm xã hội cho cán bộ, công chức, chính phủ Việt Nam không đóng nhưng Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội của Việt Nam vẫn phải trả lương hưu cho cán bộ, công chức nghỉ hưu. Lương hưu của cán bộ, công chức nghỉ hưu cao hơn nhiều lần so với những giới khác.
Có một điểm đáng lưu ý là nếu tất cả những người có đi làm, trước nay vẫn bị trừ lương để đóng bảo hiểm xã hội cùng nhận ra điều này, chắc chắc số lượng đình công, biểu tình phản đối sẽ không chỉ có 90,000 và không chỉ có công nhân.
Tin mới nhất cho biết, đại diện Liên Đoàn Lao Động quận Bình Tân không thuyết phục được 90,000 công nhân công ty Pouyuen ngưng đình công. Đến chiều thứ hai, một viên thứ trưởng Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội đã bay vào Sài Gòn kêu gọi công nhân quay lại làm việc.
Cơ quan Bảo Hiểm Xã Hội của thành phố Sài Gòn thì phát hành một thông báo, nhấn mạnh, đến đầu năm 2016, Luật Bảo Hiểm Xã Hội mới mới có hiệu lực. Từ nay đến đó, việc trả trợ cấp ngay khi công nhân thất nghiệp hoặc nghỉ việc vẫn được duy trì theo luật cũ. (G.Đ)