Vũ Van An
Mùa Chay năm nay quả có nhiều chuyện để suy tư: tình hình Kitô hữu tại Trung Đông, tình hình anh em Công Giáo tại Ukraine, chuyện hôn nhân và gia đình…, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là hồi tâm và đổi mới con người mình.
Có điều, dưới triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, hồi tâm và đổi mới bao giờ cũng có chiều kích tha nhân, đi ra khỏi mình, gặp gỡ anh em, gặp gỡ bất cứ ai, nhất là những người thuộc các khu ngoại vi đủ loại, từ kinh tế tới tâm linh, dù cho phải bầm dập, thương tích.
Chính vì thế, trong sứ điệp Mùa Chay 2015, Đức Phanxicô kêu gọi ta phải hướng về người khác.
Đức TGM Aquila của Denver cho rằng về một vài phương diện nào đó, việc tràn lan các kỹ thuật truyền thông khiến người ta ít khi lưu ý tới người khác. Chỉ cần vặn nút máy truyền hình hay vào internet là thấy đủ mọi hình ảnh về các đau đớn và nhẫn tâm của con người. Nguyên số lượng khổng lồ các đau đớn cũng đủ làm ta chịu không nổi, đành tắt máy. Không có ơn thánh Chúa củng cố, ta chỉ có thể chịu được một số lượng bất nhân và đau đớn nào đó, trước khi khép lòng mình lại.
Nhưng trong sứ điệp Mùa Chay 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập tới một khía cạnh đáng lưu ý hơn, đó là việc “hoàn cầu hóa lòng dửng dưng”. Ngài cảnh cáo ta về hiện tượng khắp trên thế giới, càng ngày càng có nhiều người hơn tự ý để lòng mình ra nguội lạnh và dửng dưng, chỉ biết quan tâm tới tiện nghi và phúc lợi riêng của mình. Ngài kêu gọi ta đấu tranh triệt hạ lòng dửng dưng này.
Ba khí cụ cổ điển của Mùa Chay đủ để ta thực hiện thành công cuộc đấu tranh trên. Ăn chay và kiêng thịt hay tiết chế các ham muốn nói chung là cách hay nhất làm tâm hồn ta dịu lại, chùng xuống. Khi sung sức và thoải mái, ta rất dễ quên khuấy các đau khổ và bất công mà những người kém may mắn hơn ta đang phải chịu; nói cách khác, ta dễ dửng dưng. Nhưng khi ta tự ý từ bỏ điều gì đó, sự hy sinh này giúp ta dễ cảm nhận các đau khổ của những người kém may mắn và tạo ra cánh cửa để Thiên Chúa bước vào chữa ta khỏi cơn bệnh dửng dưng.
Ăn chay cũng giúp ta nhận ra mình quá lấy mình làm trung tâm, và nhận ra các khuyết điểm của mình, dẫn mình tới bí tích hòa giải, nơi Thiên Chúa phục hồi ta trở lại địa vị làm con cái của Người. Cảm nghiệm được trở về với gia đình Thiên Chúa này hiển nhiên sẽ làm cái giá băng của tâm hồn ta tan biến, giúp ta nhìn mọi người như anh chị em…
Thói quen gia tăng cầu nguyện trong Mùa Chay cũng giúp ta cởi mở cõi lòng và phá tan dửng dưng. Nó làm thế nhờ nối kết ta với Chúa và hướng ta về cõi sống đời đời mà ta vốn được dựng nên để thụ hưởng. Đây là cảm nghiệm của Thánh Augustinô. Trước nhất, nhờ nghe Thánh Ambrôsiô thuyết giảng, nhưng điểm ngoặt là lúc ngài nghe một đứa trẻ hát câu “Hãy cầm lên mà đọc”. Tin rằng đây là lệnh truyền của Chúa, ngài cầm lấy cuốn Sách Thánh, mở ra trúng đọan thư Rôma 13:13-14: “Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng”. Cảm động về lời khuyên này, Thánh Augustinô cương quyết rời xa con đường say sưa, hưởng dục và ghen tương, mặc lấy Chúa Kitô…
Đọc Sách Thánh hàng ngày, như lời khuyên của Đức Phanxicô, nhân Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay vừa qua, có thể dẫn ta tới cùng một cảm nghiệm như trên, giúp ta ra khỏi mình và sống cho người khác.
Đức GH Phanxicô cũng cung hiến cho ta một lối đấu tranh chống dửng dưng khác là liên kết ta với hiệp thông các thánh. “Cùng với các thánh… ta trở thành thành phần của hiệp thông này trong đó, dửng dưng bị đánh bại nhờ tình yêu”. Trong hiệp thông này, ta được dự phần vào chiến thắng của Chúa Kitô đối với hận thù, dửng dưng và cứng lòng.
Sau cùng, ta có thể đấu tranh chống dửng dưng bằng cách hiến tặng những ai nghèo về tinh thần và vật chất. Có lẽ điển hình dửng dưng hiển nhiên nhất là khi ta bước qua hay lái xe qua một người vô gia cư và làm ngơ họ. Một số trong chúng ta tự đặt một khoảng cách giữa ta và những người túng thiếu vì mình cảm thấy bất lực không giúp gì được họ. Nhưng nếu bạn dành cho họ một cuộc chuyện vãn không thôi, nguyên việc này cũng đã mở rộng cõi lòng bạn rồi.
Đức Phanxicô dạy rằng: nhờ các hành vi bác ái, ta cảm nghiệm được “lời mời gọi hồi tâm, vì nhu cầu của họ nhắc ta nhớ tới những bất trắc của chính cuộc sống ta và sự lệ thuộc của ta vào Thiên Chúa và các anh chị em ta”.
Mùa Chay là mùa chết lành sống khỏe
Kathleen Hirsch, một phụ tá giáo sư tại Boston College và là một nhà hướng dẫn tĩnh tâm, có một suy tư khác về Mùa Chay: Mùa này giúp ta chuẩn bị chết lành! Người chuẩn bị chết lành không hẳn là người sẽ chết sớm.
Bà kể câu truyện về một người giáo dân trong xứ đạo của bà. Cứ tạm gọi người nữ giáo dân này là Lan đi. Hai năm trước đây, Lan theo một đoàn hành hương qua Đất Thánh. Ở đấy, nàng tiết lộ với anh chị em cùng đoàn rằng 4 ngày trước đó, nàng được chẩn đoán mắc chứng ung thư tụy tạng và bác sĩ cho nàng hay sau khi viếng nơi Chúa Giêsu từng giảng dạy và làm phép lạ, nàng sẽ về nhà chờ chết.
Cả đoàn đặt tay lên nàng và trong suốt hành trình hành hương, họ luôn ở gần nàng. Về nước, họ tiếp tục gặp nhau và tiếp tục chăm sóc Lan, lái xe đưa nàng đi nhà thờ hoặc tới bệnh viện, đem đồ ăn tới cho nàng. Lan tiếp tục đi nhà thờ. Ngồi cạnh nàng, tác giả đau đớn nhìn nàng lảo đảo cố gắng đứng lên hay ngồi phịch xuống ghế hoặc với chai nước tu cho đỡ cơn khát do thuốc men tạo ra. Một ai đó luôn có mặt để giúp nàng lên chỗ rước lễ.
Nhiều tuần trôi qua, tác giả bắt đầu nhận thấy tuy cơn bệnh đang dần lấy đi cơ thể trước đây khỏe mạnh của nàng, nàng vẫn cố gắng xuất hiện ở nhiều nơi, có khi còn nhiều hơn trước. Nàng tới sớm để ngồi hàng đầu trong tuần lễ trang phục của London, tóc nàng chải gọn gàng, móng tay chăm sóc kỹ. Y phục được điều chỉnh cho vừa với cơ thể đang tóp lại dần của nàng.
Nhưng các thay đổi bên trong mới đáng kể. Lan trở nên rạng rỡ trông thấy, hơn trước nhiều. Một điều gì đó rạng sáng qua con người nàng. Khi nàng cười, đôi mắt xanh của nàng sáng lên, cả một thiên hà ánh sáng xuất hiện. Trước đây, vốn là một nhà chuyên nghiệp dè dặt, chọn người để quen thân, nay Lan trở thành người sẵn sàng ôm hôn, rất chân thực lưu tâm tới bất cứ ai khác. Nàng không muốn nói về chính nàng (“ồ, chuyện ấy đâu có thích thú gì”)…
Điều tác giả biết thêm là: 3 tháng đến rồi đi, rồi 1 năm rưỡi nữa qua và được tin nàng vừa qua thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Tình cờ một hôm gặp nàng, tác giả bảo “Chị quả là một phép lạ đang bước đi”. Nàng chỉ ôn tồn đáp lại “Phép lạ ư, chữ ấy làm em sợ. Nó quá lớn đối với đời em lúc này. Hàng ngày, em cám ơn vì khi thức giấc thấy mình còn sống. Điều ấy đủ cho em rồi”.
Tác giả không cho biết thêm chi tiết nào khác, nhưng trích dẫn lời Henri Nouwen nói rằng Mùa Chay giúp ta lưu ý đến tầm quan trọng của việc chết lành. Nhà tư tưởng này cho rằng câu hỏi cần đặt ra là làm sao để đời ta mang ích lợi lại cho những người ta để lại sau lưng?
Tác giả cho rằng cần phân biệt điều đôi lúc đáng muốn và điều thực sự lâu bền. Vấn đề là phải tái sắp xếp. Các tập ghi chép, các máy cuộn tóc, những lọ nước hoa của tác giả sẽ kết thúc ở những bãi đắp đất (landfills) nơi những con mòng biển tha đi chiếc bóp đầm tác giả mang theo tới những cuộc khiêu vũ đầu đời hôn nhân. Nếu thời gian ở hoang địa, ta làm tốt, giống như Lan và những vị ẩn tu thời xa xưa, ta sẽ không làm thế vì nhịn những thỏi xôcôla thơm phức hay những ly rượu ngọt lịm trong 40 ngày, mà là vì ta đã học đôi chút về cách làm thế nào để chết lành.
Làm việc Mùa Chay cho đúng là chay tịnh những trò chơi điên khùng của cái tôi: hãnh diện và ghen tương, những vương miện rách nát, những chua cay châm chọc, những thèm muốn tính dục…
Về những tiết chế sâu sắc đó, nhà văn Gertrud Mueller Nelson, trong cuốn “Nhẩy Múa Với Thiên Chúa” (“To Dance With God”), có viết:
“Những điều thiện ác bị đơn giản hóa mà trước đây ta từng biết đến không còn giá trị nữa… Bỗng nhiên, ta đối diện với một hoàn cảnh tại cái nơi ta thấy mình yếu thế nhất và ta biết đây là thử thách. Ta đang hướng tới cái chiều đi xuống của cuộc đời và ta ý thức được cái chết của mình. Trên con đường này, ta chết cả hàng trăm cái chết nhỏ. Ta chết khi vươn tay ra với người khác, mà không hòng gì được tuyên dương hay đền trả. Ta từ bỏ việc kiểm soát người khác và dành cho họ cuộc sống mà họ vốn sinh ra để sống…
“Chỉ khi nào đã đi hết các chiều sâu của việc tự biết mình và ý thức được cái hỏa ngục mà chính ta đã tự tạo cho mình, chỉ khi ấy ta mới yêu thương bằng việc đồng hóa với người khác, chỉ khi ấy, ta mới có thể bắt đầu trỗi dậy”.