Phép lạ muà Giáng Sinh? thoát chết dưới lòng biển nhờ ở lời cầu nguyện.

Phép lạ muà Giáng Sinh? thoát chết dưới lòng biển nhờ ở lời cầu nguyện. Têrêsa Thu Lan

Cứ cho đó không phải là một phép lạ vì những nhà khoa học vẫn tìm ra được những lý lẽ để giải thích và cứ cho đó không phải là cuả muà Giáng Sinh vì câu chuyện đã xảy ra từ hồi tháng 5.

Tuy nhiên người ta cần viện dẫn nhiều lý lẽ phi thường để giải thích một chuyện may mắn bất bình thường, và sự việc đã không được phơi bày rộng rãi nếu không phải vì clip video cuả hãng AP trình làng đúng vào dịp Giáng Sinh.

Điều quan trọng là những người ở trong cuộc, cách riêng nhân vật chính, vẫn cho rằng đây là một phép lạ nhờ ở lời cầu nguyện.

Anh Harrison Okene 29 tuổi người ở tỉnh Warri xứ Nigeria đã bị mắc kẹt trong một con tàu bị đắm,đã bị giam dưới lòng biển sâu 100 feet (30m) trong 3 ngày trời, và đã được cứu thoát, không thương tích, không mất trí. Một kỷ lục chưa hề có trong lịch sử hàng hải.

Trong suốt cuộc ‘thương khó’, anh luôn luôn lẩm bẩm trong miệng câu thánh vịnh duy nhất mà anh nhớ được: ” Chuá ơi, con kêu lên danh Chuá…Xin Chuá cứu sống con.” (thánh vịnh 54..92)

Anh không phải là người ngoan đạo nhưng chị vợ thì rất rành rọt thánh kinh, chị đã gửi cho anh bài thánh vịnh này qua điện thoại vào đêm hôm trước để an ủi anh trong lúc biển động.

Anh Harrison Okene lúc đó làm đầu bếp trên một con tàu kéo có tên là AHT Jascon Nigeria 4. Đây là một loại tàu rất mạnh và hoạt động trong mọi thời tiết, nghiã là những nhân viên trên tàu, 12 người tất cả, đều là những nhân vật hảo hớn không nề hà về những cảnh chao đao biển động.

Lúc đó tầu Jascon Nigeria 4 đang cùng với 2 chiếc tầu kéo khác ‘kéo’ một chiếc tầu dầu cuả hãng Chevron để vượt qua một cơn bão ở ngoài khơi Nigeria.

Một làn sóng khổng lồ đánh vào hông tàu đã lật úp chiếc Jascon Nigeria 4, cắt đứt giây cáp, và nhanh chóng nhận chìm con tầu xuống đáy biển Đại Tây Dưong, cách bờ biển Nigeria 32 km vào khoảng 4:30 sáng ngày 26 tháng 5.

Tất cả thuỷ thủ đoàn đã thiệt mạng trừ anh Okene.

Anh kể lại lúc con tầu gặp nạn thì anh đang ở trong nhà cầu (những người đầu bếp thường thức giậy sớm để sửa sọan), bỗng nhiên anh cảm thấy con tầu nghiêng về một bên và có nước chảy vào.

Anh tung cửa chạy ra.

“Khi tôi ra khỏi nhà vệ sinh thì mọi sự đều đen ngòm vì vậy tôi phải lần mò theo trí nhớ để tìm lối thoát, ” anh nói.

“Lúc đó cũng có 3 thuỷ thủ khác đang ở trước mặt tôi và đột nhiên thì nước ào vào. Tôi thấy anh thứ nhất, rồi anh thứ hai và anh thứ ba bị nước cuốn đi. Tôi biết rằng họ phải chết.”

Okene bò ngược lại phiá lối cụt mà anh đã cố chạy khỏi, anh bị nước cuốn đi, đẩy anh vào một nhà vệ sinh khác cạnh căn phòng cuả thuyền trưởng. Nước dâng lên đến ngực thì anh cảm thấy con tầu bị lật hẳn và rơi vào đáy đại dương lạnh lẽo. Nước vẫn từ từ dâng lên nữa và anh nghĩ rằng anh sẽ chết như một con chuột, nhưng ngạc nhiên thay, nước dừng lại khi còn 4 ft (1.2m) ở bên trên và anh vẫn thở được.

Đầu tiên, anh lấy tay đu vào chiếc cầu tiêu (bây giờ ở trên đầu cuả anh) để khỏi bị chìm. Nhưng anh chỉ mặc có một chiếc quần xà loỏng mà nhiệt độ cuả nước thì bắt đầu lạnh xuống.

“Tôi bắt đầu kêu lên tên của Chúa”, Okene nói. “Tôi bắt đầu hồi tưởng về những câu kinh tôi đọc trước khi đi ngủ. Tôi đọc bài Thánh Vịnh mà vợ tôi gửi (text) cho tôi trước khi tôi đi ngủ. ”

Bài thánh vịnh cuả chị vợ gửi cho anh đêm hôm trước, thường được gọi là bài Kinh Cầu Giải Thoát. Anh đọc không ngừng nghỉ những gì anh nhớ được:” Chuá ơi, con kêu lên danh Chuá…Xin Chuá cứu sống con.”

Hồi lâu sau thì anh lấy lại được sự bình tĩnh, anh tìm cách bơi ra ngoài chiếc cầu tiêu và lặn vào phòng cuả thuyền trưởng. Anh cảm thấy anh không ở một mình…hình như có xác cuả các đồng bạn nằm quanh… và anh nghe thấy tiếng động cuả cá đang rỉ riã tranh ăn…tuy nhiên anh tìm ra được một cái áo phao, 2 đèn bấm và một cái nệm mousse. Anh mang theo, ngồi lên trên chiếc nệm và bắt đầu chờ đợi. Trong khi đó nước cứ lạnh dần, lạnh dần.

Trong đầu anh diễn ra một cuốn phim cuả đời anh, nhớ tới mẹ, bạn bè và cách riêng chị vợ hiền 5 năm qua nhưng vẫn còn son sẻ.

Anh lo cho vị thuyền trưởng, một người Ukrainian và 10 người bạn đồng hương, trong đó có 4 sinh viên sĩ quan tập sự từ trường Hải Quân. Mọi người đều khoá cửa khi đi ngủ vì đó là lệnh để chống lại những bọn cướp biển trong vùng. Có lẽ vì thế mà họ thiệt mạng tất cả.

Thỉnh thoảng anh rùng mình lo lắng vì có tiếng vật lộn mạnh mẽ ở gần bên, có thể là do những con cá mập đang tranh nhau ăn một con mồi lớn.

Nhờ có một chai Coca Cola, anh nhấm nháp cho đỡ khát.

Hai người thợ lặn Nam Phi, đã tìm đến phòng cuả anh. Các tay thợ lặn đều nghĩ rằng mọi người đã chết và đây là một công tác vớt xác. Họ hốt hoảng khi đụng vào chiếc bàn tay ‘nắm bắt’ cuả anh, người thợ lặn đã kêu lên: “có người sống, có người sống”.

Cảnh video chụp từ mũ cuả những người thợ lặn mô tả giây phút bàng hoàng cuả gương mặt cuả anh Okene khi biết rằng mình đã được sống. Nhưng anh chưa được giải thoát ngay. Với 3 ngày sống trong lòng biển, áp lực sẽ làm cho máu cuả anh sôi thành bọt trên đất liền, vì vậy người ta phải đưa nước nóng xuống giúp cho thân nhiệt cuả anh ấm lên, móc ống dưỡng khí cho anh thở và đưa anh vào một buồng giải sức nén trong 2 ngày trước khi cho anh ra ngoài.

Lúc anh ra ngoài thì trời đã hoàng hôn, không có ý thức về số thời gian bị giam hãm trong bóng tối, anh Okene đã hỏi: “Quí vị phải mất tới một ngày trời mới tìm thấy tôi hả?”

Sự thực anh đã nằm dưới lòng biển đúng 60 giờ, gần 3 ngày trời.

Ngày hôm nay, sau 6 tháng sống trên đất liền anh Okene vẫn chưa hết rùng rợn. “Đôi khi tôi vẫn còn nhảy ra khỏi giường mà la hoảng, ” anh cho biết, và nói rằng không biết đến khi nào thì anh mới có can đảm trở lại biển.

Nhưng có một điều anh biết chắc chắn, đó là “Tôi không thể biết tại sao mà nước đã không tràn ngập vào căn cầu tiêu đó. Tôi chỉ biết kêu cứu lên Chúa liên tục mà thôi. Ngài đã cứu tôi. Đó là một phép lạ”.

Xem video cảnh cứu thoát anh Okene dưới đây:

httpv://www.youtube.com/watch?v=ArWGILmKCqE

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay