Cảnh sát Mỹ bị bắn ở Ferguson

Cảnh sát Mỹ bị bắn ở Ferguson

Hai cảnh sát Mỹ đã bị bắn tại Ferguson, thị trấn ở Missouri, nơi từng có các cuộc bạo loạn bắt nguồn từ vụ một thiếu niên da đen không mang vũ khí bị giết chết hồi năm ngoái.

Một viên cảnh sát bị bắn vào mặt, còn người kia vào vai, cảnh sát trưởng hạt St Louis, Jon Belmar nói.

Cả hai đã bị “những vết thương nghiêm trọng do đạn bắn” nhưng tỉnh táo, ông nói.

Họ bị bắn trong một cuộc biểu tình diễn ra sau vụ từ chức của cảnh sát trưởng Ferguson. Ông này từ chức do nội dung bản phúc trình cáo buộc là có sự thành kiến chủng tộc trong đơn vị của mình.

Những người biểu tình đã tụ tập bên ngoài trụ sở cảnh sát Ferguson vào cuối ngày hôm thứ Tư, và ban đầu đó chỉ là một cuộc biểu tình khá yên ắng.

Nhưng ngay sau nửa đêm, đã xảy ra ít nhất ba cú nổ súng khi đám đông người biểu tình bắt đầu hỗn loạn, ông Belmar nói.

Ông nói ông cho rằng “những cú bắn đó đã cố tình nhắm vào các nhân viên cảnh sát của tôi,” chứ không phải họ bị đạn lạc.

Keith Rose, một người biểu tình, nói ông thấy một viên sỹ quan “đầy máu” và các nhân viên cảnh sát khác bê lôi người đó đi, để lại vệt máu trên mặt đất.

Cảnh sát đã giữ người biểu tình trong phạm vi khu vực để lấy lời khai nhân chứng, ông nói.

Những người biểu tình đòi giới chức phải có thêm hành động dựa trên nội dung bản phúc trình liên bang, và phải có thêm nhiều người trong đơn vị cảnh sát phải từ chức, ông Rose nói.

‘Thành kiến với người da màu?’

Cảnh sát trưởng Thomas Jackson là sỹ quan thứ sáu của Ferguson bị buộc thôi việc hoặc từ chức. Ông lúc đầu đã phản đối lời kêu gọi của người biểu tình và một số lãnh đạo tiểu bang theo đó muốn ông ra đi.

Đã xảy ra nhiều tuần biểu tình ở Ferguson sau vụ thiếu niên da đen Michael Brown bị bắn chết

Cảnh sát Ferguson đã bị chỉ trích rộng rãi sau vụ bắn chết Michael Brown hồi tháng Tám; Các cuộc biểu tình đã diễn ra trong nhiều tuần sau đó.

Hồi tháng Mười Một, một đại hội đồng bồi thẩm đoàn của hạt St Louis và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ kết luận rằng sỹ quan cảnh sát Darren Wilson đã không vi phạm bất kỳ điều luật nào khi bắn Brown.

Tuy nhiên, vụ nổ súng bắn Brown và các cuộc bạo động sau đó khiến giới chức phải tiến hành cuộc điều tra cấp liên bang, và kết quả điều tra nói rằng đã có sự thành kiến về chủng tộc trong hoạt động của cảnh sát thị trấn.

Bản phúc trình ghi nhận việc các quan chức thường ra vé phạt và “tha cho đi” đối với các lỗi vi phạm nhỏ của người da trắng, trong lúc một số người da đen thì phải qua đêm trong trại giam nếu không trả tiền phạt.

Bản phúc trình cũng nói rằng các cư dân da đen bị chặn đường vô căn cứ nhiều hơn, bị nhắc nhở nhiều hơn về các lỗi nhỏ như đi bộ xuống lòng đường.

Lực lượng cảnh sát Ferguson chỉ có ba nhân viên da đen, trong lúc thị trấn có 21 ngàn dân này là nơi đa số cư dân là người da đen.

Công tố liên bang Eric Holder nói chính quyền liên bang sẽ “sử dụng mọi quyền lực chúng tôi có để thay đổi tình hình”.

Điều đó có thể gồm cả việc giải thể lực lượng cảnh sát và chuyển trách nhiệm thực thi pháp luật cho các lực lượng cảnh sát ở các khu vực kế cận đảm trách.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay