Học giả học giếc
Bùi Bảo Trúc
Mấy hôm đầu năm, ở trong nước, không ít người đã ồn hẳn lên về mấy bức ảnh chụp một người đàn ông có tuổi ôm hôn một phụ nữ trẻ khi cô cùng với gia đình đến thăm người đàn ông này tại nhà riêng của ông ta nhân dịp Tết.
Ông Vũ Khiêu và câu đối tặng cô hoa hậu. (Hình: Vietnamnet.vn)
Người đàn ông ấy mới đây đã qua được sinh nhật thứ 100, và được gọi là một học giả nghiên cứu về văn hóa Việt Nam. Ông cũng đã từng nắm giữ một vài chức vụ khá quan trọng khác. Chuyện thăm viếng một người như ông của một phụ nữ trẻ là một việc làm đẹp, nhất là khi cô còn rất trẻ, lại có một cuộc sống sôi động rất ít liên quan đến văn hóa: Cô là một hoa hậu mới đăng quang của Việt Nam.
Chuyện trở nên ồn ào khi nhiều ý kiến cho rằng việc ông ta ôm hôn người phụ nữ trẻ đến thăm ông là một việc không nên làm, vì việc đó không thích hợp với phong tục và tập quán của người Việt, nhất là ở cái tuổi của ông. Ông có thể cầm lấy tay cô gái, nói vài ba câu cám ơn, mừng tuổi cô là đủ. Không cần phải ôm lấy cô để hôn lên má như trong ảnh.
Đâu phải cứ thấy Hồ Chí Minh hôn môi mấy cháu nhi đồng rồi chàng cũng thừa thắng xông lên ôm hôn hoa hậu cho bõ những ngày cơ cực đâu.
Nhưng thực ra chuyện ôm hôn người phụ nữ trẻ đến chúc Tết mình cũng chỉ là một chuyện có thể bỏ qua được. Cháu ra đến ngoài cửa, lấy khăn chùi mạnh mấy cái thì hết cái hôn ấy ngay chứ gì. Xong một chuyện.
Chuyện thứ hai là học giả tặng cho cô hoa hậu một đôi câu đối (?) do chính chàng viết tay trên giấy đỏ để cả hai cùng ký tên vào cho … tình.
Trí như bạch tuyết tâm như ngọc
Vân tưởng y thường hoa tưởng dung
Hai câu rõ ràng là bằng chữ Hán nhưng chàng viết bằng chữ quốc ngữ với cách viết để người đọc sẽ nghĩ đó là hai câu đối. Nhưng hai câu chàng tặng cô hoa hậu không phải là hai câu đối vì chúng hoàn toàn không đối nhau: TRÍ không thể đối với VÂN. BẠCH TUYẾT không đối với Y THƯỜNG. TÂM là tiếng bằng không thể đối với HOA cùng là tiếng bằng. NGỌC không thể đối với DUNG vì ý không đối.
Câu trên nghĩa là đầu óc (cô hoa hậu) thì trong trắng như tuyết, quả tim thì như ngọc. Câu dưới là thấy mây thì nghĩ là xiêm áo và nhìn hoa thì ngỡ là dung nhan của nàng.
Nhưng câu “Vân tưởng y thường hoa tưởng dung” không phải là sáng tác của chàng. Chàng vồ của Lý Bạch (*). Đó là câu đầu của bài Thanh Bình Điệu gồm 3 đoạn mà Lý Bạch viết theo đơn đặt hàng của Đường Minh Hoàng để phổ thành ca khúc hát lên khi Đường Minh Hoàng và Dương Quí Phi thưởng hoa trong cung.
Chàng, giáo sư học giả Vũ Khiêu, thấy hay quá bèn chôm luôn viết cho thành hai câu tặng người đẹp. Nham nhở hết chỗ nói.
Nếu không biết tặng cô gái trẻ cái gì thì cứ đem cả bài Thanh Bình Điệu ra đọc cho cháu nghe, rồi cà kê giảng cho cháu, khen cháu như Lý Bạch ca Dương Quí Phi cũng đã là đủ. Nhưng chàng sốt ruột quá, không biết thơ phú để làm vài câu tặng hoa hậu, bèn lôi ngay thơ Lý Bạch ra chép cạnh câu “Trí như bạch tuyết tâm như ngọc” (không biết chàng mượn của ai) cho thành hai câu viết lằng nhằng giả bộ như thư pháp cho cháu phục lăn chiêng. Chàng viết láo lếu thế nào khiến cho chữ NHƯ đọc như chữ NGƯI.
Rồi chàng ký tên ở dưới và bảo cháu hoa hậu cùng ký tên ngay cạnh. Không hề có cái hoa thị kèm theo vài ba chữ chú thích nói mượn tạm một câu của Lý Bạch.
Thối không để đâu cho hết thối.
Không biết chàng học hành ấm ớ như thế nào nhưng khoe là tốt nghiệp (?) tú tài ở Hải Phòng rồi lên Hà Nội làm cu ly trong nhà thương của Pháp năm 1935. Ai cũng biết hồi ấy mà có cái bằng tú tài thì không ai đi làm lao công trong bệnh viện bao giờ. Chỉ có thứ phét lác thiếu cơ sở mới khai bố láo như thế. Rồi chàng theo cách mạng, lên rừng làm giáo sư và học giả nên mới có thứ chữ nghĩa chôm chỉa đem lòe cháu hoa hậu như khi cháu đến thăm chàng.
Chuyện thuổng thơ văn người khác thì chàng đã làm vài ba lần trước rồi chứ chuyện chôm thơ Lý Bạch nhận là của mình không phải là lần đầu. Người ta kể rằng chàng đã vồ hai câu trong đình làng An Trì thờ Ngô Quyền ở Hải Phòng có từ đầu thế kỷ thứ XIX:
Vạn cổ càn khôn hưng tái tạo
Cửu vân nhật nguyệt ánh trùng quang
Và đem nguyên văn hai câu ấy về dâng (!) lên nhà thờ tổ họ Vũ của chàng ở Mộ Trạch, Hải Dương. Chàng nhận là của chàng cho … tiện.
Nụ hôn gây “chấn động” dư luận. (Hình: Vietnamnet.vn)
Chao ôi, một giáo sư, học giả mà làm ăn như vậy hay sao. Có đạo thơ thì cũng nên chịu khó kiếm bài thơ nào ít ai biết trong mấy ngàn bài thơ Đường chứ sao lại ăn cắp ngay một câu con nít cũng biết là của Lý Bạch mà tặng hoa hậu bao giờ.
Thật là ngu hết chỗ nói. Hay là học giả ở Việt Nam thì phải như thế đấy!
Đó là chưa kể chuyện chàng từng đề nghị dùng hoa mào gà để làm biểu tượng cho nước Việt Nam. Rất may là cái đề nghị ngớ ngẩn đó của chàng đã không được hưởng ứng.
Sao lại có cái thứ học giả ngu xuẩn đến như vậy chứ !
(*)
Thanh Bình Điệu
I
Vân tưởng y thường hoa tưởng dung
Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng
Nhược phi Quần Ngọc sơn đầu kiến
Hội hướng Dao Đài nguyệt hạ phùng
II
Nhất chi hồng điểm lộ ngưng hương
Vân vũ Vu Sơn uổng đoạn trường
Tá vấn Hán cung thùy đắc tự?
Khả liên Phi Yến ỷ tân trang
III
Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoa
Trường đắc quân vương đới tiếu khan
Giải thích xuân phong vô hạn hận
Trầm Hương đình bắc ỷ lan can
Ngô Tất Tố dịch:
I
Thoáng bóng mây hoa nhớ bóng hồng
Gió xuân dìu dặt giọt sương trong
Ví chăng non Ngọc không nhìn thấy
Dưới nguyệt đài Dao thử ngóng trông
II
Hương đông móc đượm một cành hồng
Non Giáp mây mưa những cực lòng
Ướm hỏi Hán cung ai mảng tượng?
Điểm tô nàng Yến tốn bao công
III
Sắc nước hương trời khéo sánh đôi
Quân vương nhìn ngắm những tươi cười
Sầu xuân man mác tan đầu gió
Cửa bắc đình Trầm đứng lả lơi