“MẸ ƠI, CON YÊU MẸ, YÊU TỪ HỒI THƠ BÉ…”

“MẸ ƠI, CON YÊU MẸ, YÊU TỪ HỒI THƠ BÉ…”

Trích EPHATA 641

Thằng nhóc người Mỹ phục vụ bàn tại nhà hàng mình làm là người theo đạo Cải Cách ( Reform Church ), nhánh Methodist. Bỗng dưng tuần trước, hỏi tôi: “Xếp ơi, xếp là người Công Giáo, có bao giờ xếp gặp Bà Maria chưa ?” ( Nguyên văn, thằng bé dùng từ “encounter” có nhiều nghĩa: chạm trán, gặp mặt, đối diện, chứng kiến một phép lạ của Mẹ Maria v.v… ).

Câu hỏi của cậu bé khiến mình suy nghĩ nhiều, cũng đến lúc mình nói lên chứng tá nhỏ bé của mình. Có lẽ sau “Jesus”, thì “Maria” là một tên gọi gây nên nhiều tranh cãi và nhạy cảm nhất. Lời mở đầu cuốn “More Than A Carpenter” của Josh McDowell, như sau: “…as soon as you mention Jesus, people often want to stop the conversation. Why have men and women down through the ages been divided over the question “Who is Jesus ?” ( ngay khi bạn đề cập đến Giêsu, người ta thường muốn ngưng đối thoại. Làm sao mà cả đàn ông lẫn phụ nữ trong mọi thế hệ cứ bị chia rẽ bởi câu hỏi này ?”

Mình muốn thay “Jesus” bằng “Maria” để minh họa khía cạnh ảnh hưởng rất sâu xa và rộng lớn của Mẹ Maria trong đời sống tâm linh và lý luận con người.

Điều gì đã làm cho một cái tên, một thôn nữ bình dị của làng quê Nazareth, được đề cập không nhiều trong Kinh Thánh, lại trở thành một tâm điểm cho nhiều lẽ sống, suy tôn, ca tụng, là cảm hứng cho mọi ngành nghệ thuật và cũng là chủ đề cho quá nhiều tranh luận và chia rẽ lớn lao ?

“Rất Thánh Mân Côi”, “Vô Nhiễm Nguyên Tội”, “Nữ Vương Hòa Bình”, “Mẹ đầy ơn phước” “Đấng Cầu Bầu”… Bao nhiêu là danh xưng, tước hiệu dành cho Mẹ Maria. Nhưng thú thật tôi lại rất say mê tước hiệu “Mẹ Hằng Cứu Giúp”. Vì một lẽ đơn giản, sự hiện diện rất rõ ràng và sinh động của Mẹ trong đời sống thế gian và cảm nghiêm tâm linh con người chính tôi.

Bác tôi là một Linh Mục, cuộc đời của bác có không biết bao lần bàn tay Mẹ can thiệp rõ ràng. Tôi chỉ xin kể lần cuối cùng. Lúc đó, bác đã rơi vào trạng thái “thực vật”. Bác sĩ gọi chị tôi và sơ phụ trách chăm sóc vào để thông báo ông đã hoàn toàn ở “trạng thái sống cũng như chết”, vậy chỉ còn vấn đề quyết định có chọn “an tử” hay không, nghĩa là nếu quyết định rút một sợi dây, bác sẽ ra đi nhẹ nhàng, còn ngược lại thì cứ để bác nằm đó, thoi thóp tội nghiệp ngày này qua ngày khác với đủ thứ máy móc, dây nhợ, có khi cả vài năm mới xuôi tay !

Chị tôi và bà sơ không thể quyết định, đúng là tiến thoái lưỡng nan, bỏ thì thương, vương thì tội đầy đầu ! Họ chạy ra ngoài, quỳ xuống ngoài hành lang nhà thương, và đọc kinh Mai Khôi cầu nguyện, chỉ ít phút sau, bác ra đi nhẹ nhàng và thanh thản, chẳng cần đến chuyện “trợ tử”, “an tử” chi cả !

Thời còn chiến tranh, đợt pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất, mấy chị em tôi nằm dưới cầu thang của tòa nhà, run rẩy vì sợ. Chị Cả nói tất cả hãy cùng đọc kinh Mai Khôi, vừa đọc vừa khóc. Sáng ra, nhìn cái chỗ hai anh em tôi vẫn chơi đùa, chi chít các loại đinh ghim có bốn cánh, khi bom nổ, bắn ra gây sát thương tàn bạo. Cái chỗ ấy chỉ cách chỗ ẩn nấp của chúng tôi một tấm vách gỗ mỏng mảnh mong manh !

Có lần tôi nhận giữ quỹ quyên góp cho người nghèo gửi về từ Mỹ. Sổ sách thế nào, khuyết mất 5.000 đôla. Một số tiền quá lớn lúc bấy giờ. Tôi lo đến tím tái cả người, làm sao bây giờ ? Tôi chả có bất kỳ chi tiết gì giúp hình dung số tiền đó ở đâu. Chả dám hé răng, cứ mê muội cả hai, ba tuần lễ liền. Thế rồi, trong trí nhớ chợt lóe ra một niềm hy vọng, tôi chạy đến trước pho tượng Mẹ Maria trong nhà, quỳ xuống cầu xin. Lạy Chúa tôi, tôi tìm ra ngay lập tức nguyên vẹn cái bao thư đựng tiền tôi làm rớt ngay dưới gầm cái tủ sắt, rất nhiều người làm ra vào, bất kỳ ai cũng có thể đã nhặt lấy và cầm đi cái phong bì ấy.

Có đến năm, sáu lần xảy ra những chuyện liên quan đến tiền nong tương tự, và chỉ sau lời cầu nguyện Mai Khôi, Mẹ lại giải quyết ổn thỏa, cứ như đùa, không tin không được !

Một người xếp cao cấp công ty dược phẩm kia, thân với tôi, ông gặp vấn đề xung khắc tinh thần, vì công ty ông sản xuất thuốc tránh thai, thuốc giục thai, thuốc phá thai, mà ông lại là người Công Giáo. Ông hỏi tôi: “Tôi nên làm thế nào ?” Cái tên kém cỏi về Giáo Lý như tôi làm sao mà đủ tư cách trả lời bây giờ ! Tôi hỏi cha Quang Uy, Cha nói: “Anh bảo ông ta cứ cầu nguyện xin Mẹ Maria hướng dẫn”. Tôi thậm chí bực mình vì cha Uy đã không đưa ra được một lời khuyên nào cụ thể, chứ nói như thế thì quá đơn giản, ai chẳng nói được. Nhưng rồi tôi cũng vâng lời làm theo đúng chỉ dẫn. Tôi tặng ông một chuỗi Mai Khôi, đem vào Nhà Thờ Phủ Cam, Huế, nhờ cha Sở thánh hóa… Chỉ ít lâu sau, ông xin nghỉ việc ở công ty dược phẩm kia một cách bất ngờ, và bây giờ, ông đang vận hành một công ty tư vấn riêng, rất thành công. Thỉnh thoảng ông vẫn gửi email cảm ơn vì đã “nhắc tôi cầu nguyện với Mẹ Maria, điều mà tôi không hề nghĩ là sẽ giải quyết được vấn đề cách trọn vẹn đâu ra đấy như thế !”

Những năm 1994, 1995 gì đó, ở Việt Nam rộ lên loại tội phạm chuyên bắt cóc người đem sang bán bên Kampuchia, con bé em lần đầu tiên lên Sàigòn học luyện thi Đại Học. Hẹn nó ở ngã tư Hàng Sanh, tới giờ, ra đón chả thấy đâu, nghĩ nó kêu xe ôm, chạy về nhà ở đường Hồ Biểu Chánh cũng chả thấy, lại chạy ra Hàng Sanh, rồi lại chạy về nhà… cứ thế cả gần bốn, năm vòng mà em thì cứ mất tăm. Vợ ngồi sau xe cứ sụt sịt khóc vì lo sợ. Vòng cuối cùng, tôi bảo vợ: “Thôi, phải đi báo Công An thôi”. Nhưng từ Phú Nhuận, tôi vòng qua Nhà Thờ Đức Bà và đọc một kinh Mai Khôi với lời cầu nguyện “xin Mẹ cho chúng con bằng an” rồi lại vòng lên Văn Thánh, về nhà, định bụng sẽ tới đồn Công An luôn, tự nhiên thấy đèn trên lầu sáng, gọi với lên, con bé em thò đầu ra… Hú vía, quát đứa em mà lòng bay bổng lên tới Mẹ Maria.

Khi vợ chồng tôi sinh cháu đầu lòng, cháu bị cái gì đó, không ra “phân su”. Vợ tôi là bác sĩ phán cho một câu bàng hoàng ngay trong nhà thương: “Anh ơi, nếu sau vài giờ nữa, không thấy ra phân su, con mình sẽ phải… đại phẫu !” Chúa ơi, sợ ơi là sợ, nhìn con khóc, bụng trương phình mà thắt cả ruột gan. Chạy một mạch ra Nhà Thờ Phú Hạnh gần đó, quỳ bên đài Đức Mẹ và nói lời cầu nguyện rối bời chả giống ai: “Mẹ ơi, xin Mẹ cho con của con nó chịu ra… phân su”. Về đến nhà thương, vừa đúng lúc, thấy bà ngoại đang giúp con thải ra một đống phân su đen và quánh đặc như nhựa đường. Lúc đó, tôi dường như muốn sụp xuống quỳ lạy Mẹ Maria một cách vô thức.

Và còn nữa, nhưng cũng chỉ là chuyện bé bỏng của cá nhân tôi…

Các Thầy Dòng Phanxicô luôn mang theo một chuỗi Mai Khôi lòng thòng ngay chỗ thắt lưng có sợi dây thừng màu trắng thắt ba cái nút tượng trưng cho ba lời khấn, ai cũng hiểu rằng, các Thầy coi đó là vật hộ thân, Đức Mẹ sẽ bảo vệ các thầy trên đường đời hành đạo, đi trên lưng lừa ngựa qua những con đường xa xôi, nguy hiểm để tới những nơi truyền giáo. Nhưng có lẽ, ít người biết một điều khác, và điều này các Thầy vẫn đang làm. Ngày xưa, khi cưỡi lưng ngựa, lừa, la đi trên con đường dài tới nơi cần, các Thầy dùng chuỗi Mai Khôi cầu nguyện và con đường sẽ trở nên ngắn hơn, hành trình như nhanh hơn. Các Thầy gọi đó là “The Franciscan way”. Lời cầu kinh Mai Khôi luôn làm cho các con đường đi trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Và bản thân tôi, khi lái xe tới chỗ làm hay từ chỗ làm lái xe về nhà hàng ngay, tôi vẫn làm Dấu Thánh và đọc Kinh Mai Khôi: “Kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa trời ở cùng Bà, Bà có phước lạ hơn mọi người nữ…”

Ks. THÁI VŨ, Texas ( Hoa Kỳ )

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay