Nhà nước pháp quyền: chìa khóa vực dậy nền văn hóa xuống dốc tận đáy của Việt Nam

Nhà nước pháp quyền: chìa khóa vực dậy nền văn hóa xuống dốc tận đáy của Việt Nam

Vietnam map

Vietnam map

Trà Mi-VOA

06.03.2015

Văn hóa, đạo đức của người Việt đã xuống dốc tới mức ‘chạm đáy.’ Đó là nhận xét của một Giáo sư-Tiến sĩ Khoa học danh tiếng trong nước chuyên nghiên cứu văn hóa-xã hội Việt Nam trên 20 năm nay.

Bình luận của Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận-Ứng dụng thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, Trần Ngọc Thêm, được đưa ra giữa lúc cách hành xử hung hãn, bạo lực, giành giựt của người Việt đang gia tăng báo động và hình ảnh người Việt càng ngày càng trở nên xấu xí hơn trong mắt của nhau và của bạn bè quốc tế.

GS-TS Trần Ngọc Thêm đã dành cho VOA Việt ngữ cuộc trao đổi phân tích nguyên nhân và đề ra những khuyến nghị nhằm giải quyết vấn nạn xã hội nhức nhối này.

GS-TS Trần Ngọc Thêm: Cách hành xử của con người càng ngày càng tệ hại. Nguyên nhân thứ nhất là do việc chạy theo đồng tiền, chạy theo vật chất. Cái này dính tới kinh tế thị trường, nhưng kinh tế thị trường không phải làm nên cái này. Cũng là kinh tế thị trường nhưng ở nhiều nước phát triển khác không có những chuyện lộn xộn như thế. Vấn đề ở chúng ta là các hệ giá trị đang bị đảo lộn. Các giá trị văn hóa truyền thống vốn thích nghi với môi trường ổn định, làng xã, nông nghiệp-nông thôn đang bị phá vỡ. Cái cần phải có, hệ giá trị mới của một xã hội đô thị, công nghiệp, hội nhập chưa hình thành xong. Vì vậy, xung đột dẫn tới sự đảo lộn. Lẽ ra phát triển kinh tế phải song hành với văn hóa. Văn hóa là nền tảng cho phát triển kinh tế. Nhưng ở ta, đáng tiếc là vế thứ hai chưa làm được.

VOA: Làm thế nào có thể thoát khỏi những cái chưa hay, chưa đẹp của nền văn hóa nông nghiệp trong thời đại xã hội công nghiệp hiện nay, thưa GS?

GS-TS Trần Ngọc Thêm: Chúng ta thoát là thoát khỏi những tật xấu không còn thích hợp nữa, những hậu quả của văn hóa truyền thống mà giờ không thích hợp trong môi trường mới. Cần phân tích đầy đủ các nguyên nhân. Nguyên nhân kinh tế không đi cùng văn hóa là một. Nguyên nhân khác nữa là luật pháp của ta không nghiêm. Cho nên, cần phải thúc đẩy sự phát triển văn hóa, xây dựng văn hóa con người và phải xây dựng một nhà nước pháp quyền, tất cả tuân thủ theo luật pháp. Việc thứ ba, về mặt quản trị xã hội, do ảnh hưởng của văn hóa truyền thống, trong mọi mối quan hệ có sự thiêng vị, không công bằng, không minh bạch, dẫn tới người dân có những uẩn ức, không hài lòng nhưng không giải thoát ra được ở đâu, kết quả là rất dễ xảy ra những điều như đang thấy. Cũng từ văn hóa truyền thống tạo ra tính cộng đồng ‘hội chứng đám đông.’  Ví dụ khi tham gia lễ hội, chỉ cần một người dùng sức mạnh chân tay thì dễ lây lan.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay