Trung Quốc đang đặt ASEAN vào sự đã rồi
Việt Hà, phóng viên RFA
2014-10-15
Bản đồ Biển Đông với đường lưỡi bò do TQ đơn phương công bố nhằm chiếm trọn Biển Đông, vị trí dàn khoan HD 981 và dàn khoan thứ hai do TQ thiết lập hồi tháng 6 năm 2014.
AFP
Những hành động cải tạo đất và xây dựng các cơ sở quân sự và dân sự trên các đảo tại biển Đông thời gian qua không chỉ gây lo ngại về những dự định chiến lược quân sự của Trung Quốc, mà còn đang đặt các nước ASEAN vào mọi sự đã rồi trước bất cứ những đàm phán tương lai sắp tới.
Phá vỡ hiện trạng để thực hiện chiến lược quân sự
Hôm 7 tháng 10 vừa qua, Tân Hoa Xã của Trung Quốc loan tin nước này vừa hoàn thành việc xây dựng một đường băng dài 2.000 mét dùng cho mục đích quân sự trên đảo Phú Lâm (Woody Island), thuộc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam. Đây là một trong những hành động gần đây nhất của Trung Quốc liên quan đến việc xây dựng, cải tạo các đảo, bãi đá đang tranh chấp ở biển Đông bị các nước có liên quan coi là những hành động phá vỡ hiện trạng, từng bước thực hiện những bước chiến lược quân sự lâu dài của Trung Quốc nhằm thâu tóm biển Đông.
Trong một hội thảo thường niên về biển Đông được tổ chức ở Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Washington DC, hồi trung tuần tháng 7 vừa qua, Phó Đô đốc hải quân Nhật bản, ông Yoji Koda, đã lên tiếng cảnh báo về những bước đi này của Trung Quốc:
” Tôi nghĩ về lâu về dài họ sẽ làm vì mục tiêu của họ là chiếm được vùng biển Đông tức là kế hoạch nước sâu của họ đưa ra từ năm 1982 từ thời ông Lưu Hoa Thanh.
-Thạc sĩ Hoàng Việt”
“Hãy nghĩ về khoảng cách, từ Sanya đến đảo Phú Lâm là 700 km, từ đảo Phú Lâm đến bãi Scarborough Shoal là 650 km, và tới Gạc ma là 900 km. Điều này có nghĩa là nếu Trung Quốc sử dụng 3 đảo đó như là những viên đá đầu tiên thì Trung Quốc có thể thực hiện việc kiểm soát về quân sự, chiến lược và kinh tế ở khu vực biển Đông.”
Sanya là thành phố cực nam của đảo Hải Nam của Trung Quốc. Đảo Hải nam cũng là nơi có căn cứ quân sự và tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc. Bãi Scarborough Shoal trước kia do Philippines kiểm soát nhưng đã bị Trung Quốc chiếm vào năm 2012. Theo Phó Đô đốc Yoji Koda, Trung Quốc có thể có dự định xây dựng bãi này thành nơi đỗ tàu chiến lớn. Phó đô đốc Yoji Koda cũng cho rằng Hoa Kỳ và Nhật bản đã chậm chạp trong việc nhận ra ý đồ này của Trung Quốc.
Hồi tháng 5 vừa qua, Philippines đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc cho xây dựng một đường băng trên đảo Gạc Ma ở Trường sa. Đây là đảo mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam trong một trận hải chiến ngắn đẫm máu vào năm 1988.
Tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc cùng trong tháng 5 có bài viết khẳng định Trung quốc đang cho xây dựng một đảo nhân tạo tại Gạc Ma. Theo tờ báo thì Trung Quốc sẽ cho xây dựng các cơ sở như sân bay, cảng biển. Các cơ sở này được sử dụng để làm tăng khả năng đáp ứng nhanh của tàu chiến Trung Quốc.
Tàu khu trục Thanh Đảo thuộc Hải quân Trung Quốc tại một cảng ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, ngày 27 tháng 02 năm 2012. AFP PHOTO.
Mặc dù chính phủ Trung Quốc chưa chính thức xác nhận việc xây dựng đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự tại Gạc Ma, nhưng Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lên tiếng khẳng định nước này có toàn quyền xây dựng những đảo và bãi đá thuộc chủ quyền của nước này. Thạc sĩ luật Hoàng Việt, chuyên gia về biển Đông của Việt Nam, lo lắng về khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện những bước cải tạo đất và xây dựng các đảo để thực hiện chiến lược lâu dài:
“Tôi nghĩ về lâu về dài họ sẽ làm vì mục tiêu của họ là chiếm được vùng biển Đông tức là kế hoạch nước sâu của họ đưa ra từ năm 1982 từ thời ông Lưu Hoa Thanh, theo đó họ phát triển mạnh, họ phải vươn từ chuỗi đảo thứ nhất mà biển đông là nằm trong chuỗi đảo thứ hai, và từ chuỗi đảo thứ hai và họ vươn ra Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và đe dọa vị trí của Hoa Kỳ.”
Theo lý thuyết do Đô đốc Lưu Hoa Thanh của Trung Quốc đưa ra từ năm 1982, chuỗi đảo thứ nhất kéo dài từ Hàn Quốc đến Philippines, tức là bao gồm toàn khu vực biển Đông, chuỗi đảo thứ hai kéo dài từ đảo Honshu của Nhật đi qua quần đảo Ogasawara, Mariana và quần đảo Palau. Đô đốc Lưu Hoa Thanh đề xuất đến năm 2040, hải quân Trung Quốc cần sẵn sàng đón nhận những thách thức của quân đội Mỹ tại Tây Thái Bình Dương và Ấn độ dương, và vào thời gian đó, biển Hoa Đông sẽ trở thành sân sau của hải quân Trung Quốc.
Đặt ASEAN vào sự đã rồi
” Mục đích chính của Trung Quốc là gia cố càng nhiều càng tốt trước khi có bất cứ đàm phán nào đạt kết quả gì với ASEAN, ngay kể cả COC.
-GS Carl Thayer”
Với việc hoàn tất xây dựng sân bay dài 2.000 mét trên đảo Phú Lâm, Tân Hoa Xã cho hay, sân bay sẽ giúp cải thiện khả năng bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông. Tuy nhiên, theo Giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện quốc phòng Úc thì sân bay này đã có từ trước và việc xây dựng mới chỉ là mở rộng thêm. Bên cạnh đó sân bay này cũng có những hạn chế nhất định và không thể hoạt động như là một sân bây quân sự chính như ở đảo Hải Nam.
Mặc dù vậy, việc xây dựng cải tạo bãi đá, và củng cố thêm các căn cứ quân sự ở Trung Quốc ở biển Đông, theo Giáo sư Carl Thayer, nhằm một mục tạo sự đã rồi trước các đàm phán với ASEAN.
“Mục đích chính của Trung Quốc là gia cố càng nhiều càng tốt trước khi có bất cứ đàm phán nào đạt kết quả gì với ASEAN, ngay kể cả COC. Trong vòng 6 tháng đầu của 2015, tòa quốc tế theo dự kiến sẽ có phán quyết liên quan đến vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc. Vì vậy họ phải gia cố trước khi có bất cứ thay đổi nào để chuẩn bị trước, tạo một thực tế đã rồi trên thực địa, để ngăn cản Hoa Kỳ và ngăn cản bất cứ quốc gia nào có phản ứng lại với họ.”
Vào tháng giêng năm 2013, Philippines chính thức đưa vấn đề biển Đông ra tòa trọng tài quốc tế theo Công ước về luật biển của Liên Hiệp quốc 1982. Theo hồ sơ kiện, Philippines muốn Trung Quốc phải làm rõ những yêu sách liên quan đến các đòi hỏi chủ quyền của đường đứt khúc 9 đoạn trên biển Đông. Trung Quốc sau đó đã tuyên bố từ chối tham dự phiên tòa.
Liên quan đến vấn đề Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông (COC), hiện ASEAN và Trung Quốc đã tiến hành vòng tham vấn chính thức đầu tiên để tiến tới COC vào tháng 9 năm ngoái. Sau hội nghị Ngoại trưởng ASEAN Trung Quốc diễn ra vào tháng 8 vừa qua, Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng lên tiếng khẳng định Trung Quốc ủng hộ việc tiếp tục thực hiện những tham vấn chính thức với ASEAN trong năm nay để hướng tới việc hoàn tất một COC trong tương lai.