Trung Đông: Dân Kurds ở giữa 2 kẻ thù và 3 đối thủ
Dân Kurds đứng ở tuyến đầu trong cuộc chiến đấu của quốc tế chống tổ chức quá khích tự xưng là Nhà Nước Hồi Giáo (IS) ở Trung Đông.
Họ cũng còn đứng về phía chống chính quyền Syria và tuy hiện nay không có xung đột nhưng Kurds vẫn bị Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran hoài nghi dè chừng về chiều hướng tranh đấu muốn ly khai và phân chia lãnh thổ.
Các nữ chiến binh Pershmerga của Iraq Kurdistan, một lực lượng có khả năng chiến đấu hiệu quả chống ISIL (Hình: Ahmad al-Rubaye-Pool/Getty Images) |
Kurds là một dân tộc không tổ quốc đông nhất thế giới với khoảng 35 triệu người, hầu hết sinh sống tại Trung Đông, số còn lại rải rác lưu vong ở nhiều quốc gia trên toàn cầu.
Dân Kurds tập trung trong một vùng diện tích khoảng gần 400,000 km2, được gọi là Kurdistan, với 65,000 km2 trên lãnh thổ Iraq, 190,000 km2 ở Thổ Nhĩ Kỳ, 125,000 km2 ở Iran, 12,000 km2 ở Syria, còn lại ở các nước miền Nam Nga như Armenia, Azerbaijan,… Kurdistan có quy chế bán tự trị trong Iraq nhưng chưa phải ở các quốc gia khác, và từ lâu người Kurds đã tranh đấu võ trang kháng chiến cho điều này và mục tiêu tối hậu của họ là hình thành một quốc gia độc lập.
Năm 2011 dân chúng Syria nổi dậy theo kiểu phong trào cách mạng Mùa Xuân Á Rập chống chế độ độc tài của Tổng Thống Bashar al-Assad. Nhưng cuộc nội chiến Syria tiếp theo đó đi tới những diễn biến hết sức phức tạp, không nên hiểu chỉ đơn giản là một cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ, mà bao gồm nhiều yếu tố tôn giáo, chủng tộc, phe phái chính tri đặc thù của khu vực Trung Đông.
Dân Kurds sống ở miền Bắc Syria đóng một vai trò quan trọng trong cuộc nội chiến, họ đứng về phía các phe phái võ trang nổi dậy, đánh chiếm các thị xã và làng mạc và dựng cờ của đảng PYD (Liên Hiệp Dân Chủ), một đảng chính trị của dân Kurds.
Một số phân tích gia cho rằng Bashar al-Assad có ý chấp nhận tình trạng ấy như một biện pháp trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ vì vùng này nằm sát biên giới và dân Kurds nổi dậy trong nước Thổ từ trước vẫn bị đàn áp quyết liệt.
Thủ Tướng Thổ Recep Tayyip Erdogan tán thành việc lật đổ al-Assad và hỗ trợ lực lượng nổi dậy FSA (Quân Đội Syria Tự Do) là một nhóm ôn hoà được Tây Phương ủng hộ. Lúc đó FSA đang nắm thế chủ động trong cuộc nội chiến và giữa FSA với PYD vẫn thường xảy ra xung đột.
Nhưng rồi qua ba năm nội chiến, lực lượng FSA suy yếu dần trước sức tấn công của quân đội chính quyền al-Assad, trong khi những nhóm Hồi Giáo quá khích Mặt Trận Al Nusra, phân bộ của al-Qaeda và Nhà Nước Hồi Giáo ISIL lại nổi lên lớn mạnh. Từ tháng 6 vừa qua ISIL mở cuộc tổng tấn công quy mô đánh chiếm được nhiều vùng ở Syria và Iraq, đồng thời gây nên sự đe dọa sống còn cho dân Kurds vì sự kỳ thị đối với những chủng tộc bị coi là đi ngược lập trường tôn giáo cực đoan của họ.
Chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Syria và dân Kurds có ảnh hưởng lớn trong tình hình tranh chấp quyết liệt ở Trung Đông. Thủ Tướng Erdogan, bây giờ là Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ, muốn al-Assad phải ra đi nhưng sự kiện ông này vẫn còn tồn tại đã làm lệch lạc những tính toán của Thổ. Các nước NATO, trong đó Hoa Kỳ nắm vai trò quyết định chính, phần nào đồng ý với Nga rằng một nước Syria không có chính quyền sẽ là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của những tổ chức Hồi Giáo quá khích và khủng bố. Vì vậy, năm ngoái Hoa Kỳ đã hủy bỏ kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria khi chính quyền nước này dùng đến vũ khí hóa học, thay vào đó chấp thuận để Syria trao nạp phá hủy hết vũ khí hóa học và giải quyết vấn đề chính trị bằng đường lối ngoại giao với áp lực quân sự.
Khi Tổng Thống Obama cho lệnh mở chiến dịch không quân đánh ISIL, Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra lưỡng lự trong sự tham gia. Là thành viên Hồi Giáo duy nhất trong NATO, Thổ có những điều kiện tế nhị nhất định trong sự đối đầu với ISIL. Giống như nhiều nước Trung Đông khác, Thổ Nhĩ Kỳ do dự khi phải chống lại một phe phái cùng là Hồi Giáo Sunni dù rằng các hoạt động khủng bố cũng là nguy cơ cho chính mình. Thổ Nhĩ Kỳ cũng lo ngại rằng chống ISIL là giúp cho al-Assad tồn tại và “chiến lược chống ISIL sẽ không thể thành công nếu không tập trung vào mục tiêu thay đổi chế độ Syria.”
Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ không muốn chấp nhận sự hiện diện của một khu vực dân Kurds tự trị ở Syria ngay cạnh biên giới, sẽ có tác động xấu đối với dân Kurds ở Thổ mà phong trào kháng chiến PKK đã 30 năm chiến đấu đòi tự trị trong lãnh thổ của mình. Điều ấy thể hiện trong cuộc chiến tại Kobani, thành phố do các lực lượng dân Kurds kiểm soát ở Syria từ 2012, đang bị ISIL tấn công vây hãm từ tuần trước và chắc chắn đã thất thủ nếu không có sự can thiệp oanh kích của máy bay Hoa Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân đội và chiến xa đến biên giới nhưng chỉ đứng quan sát mà không trợ giúp can thiệp vào cuộc chiến.
Mùa hè vừa qua, Tổng Thống Massoud Barzani của lãnh thổ tự trị Kurdistan ở Iraq, công khai tuyên bố sẽ vận động tiến tới thành lập một quốc gia độc lập cho dân Kurds. Tiếp đó chiến binh Hồi Giáo ISIL tấn công đánh chiếm nhiều vùng ở Iraq. Lực lượng dân quân Pershmerga của dân Kurds đã kháng cự quyết liệt đẩy lui được ISIL tại nhiều nơi và còn chiếm lại được thành phố Kirkut và vùng phụ cận mà quân đội Iraq đã tháo lui. Kurdistan và Iraq từ năm 2003 đã tranh chấp gay gắt về sự phân chia quyền lợi ở khu vực mỏ dầu lửa Kirkut, đồng thời về quy chế của Kurdistan trong liên bang Iraq.
Tuy vẫn không đồng ý cho dân Kurds tự trị ở Syria hay trong nước mình, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ gần đây lại tỏ ra ủng hộ Kurdistan tự trị ở Iraq. Do đó, mặc dầu bị đe dọa nguy hiểm vì ISIL, cuộc chiến tranh ở Iraq hiện nay lại chính là cơ hội bằng vàng cho dân Kurds gia tăng quyền hạn và tiến tới thành một quốc gia độc lập. (HC)