Kỷ niệm đáng ghi nhớ
Linh mục Bôgiani là tuyên úy quân đội. Ngày đoàn quân Italia lên đường hồi thế chiến thứ hai, cha cũng được lệnh theo họ, không phải để chiến đấu chống ai nhưng là để giúp đỡ tinh thần cho các chiến binh công giáo.
Không có cuộc chiến nào dù có chính đáng đến mấy mà lại không vô nhân, không gây đổ vỡ tang tóc cho mọi người. Đối với một linh mục, dấu chỉ yêu thương và hoà giải của Thiên Chúa, phải từng ngày chứng kiến cảnh bắn giết là một điều vô cùng đau đớn.
Tình hình chiến trận lan rộng và cha theo các binh đoàn sang Nga. Đoàn quân đi ngang qua Ukraina, một quốc gia vô cùng màu mỡ với những đồng lúa óng vàng rung rinh trước gió, trải dài đến vô tận. Nhưng cha không trông thấy nhà cửa, dân quê và nhất là không trông thấy một tháp chuông nhà thờ nào. Đâu đâu cũng chỉ toàn là một bầu khí câm nín chết chóc, lặng thinh đến ngạt thở. Trong cuộc hành trình trên đoạn đường dài hai ngàn cây số với bao nhiêu gian nan mệt mỏi, giờ đây lại phải đối đầu với một bầu khí thê lương như thế, cha Bôgiani cảm thấy nghẹt thở. Thêm vào đó là cảnh phục kích và bắn giết giữa hai bên.
Tuy nhiên, trong suốt lộ trình ngang qua nước Ukraina, cha Bôgiani đã có dịp thường xuyên cử hành thánh lễ, bác các bí tích cho người dân của quốc gia khốn khổ này. Vì mọi nhà thờ đã bị nhà nước quốc hữu hoá và sử dụng vào việc khác hay đã bị phá hủy, nên tín hữu tụ tập nhau ở những nơi nào có thể được như rạp hát, hội trường…
Sau mấy chục năm phải sống dưới sự cấm cách, người dân kéo đến tham dự lễ của cha nhưng trong bộ tịch rụt rè, sợ hãi với cái nhìn xa vắng và buồn rười rượi. Trong các nhà nguyện nhỏ, sau khi truyền phép cha Bôgiani giơ cao Mình và Máu Thánh Chúa lên và cha nghe được tiếng khóc sụt sùi cảm động của giáo hữu đang quì mọp dưới đất. Đối với nhiều người, không biết sau bao năm cấm cách đây là lần đầu tiên họ mới được tham dự thánh lễ.
Nhân dịp này tín hữu công giáo Ukraina đem con tới cho cha rửa tội. Cha Bôgiani không nhớ rõ con số trẻ em được cha ban bí tích Rửa tội. Các sĩ quan của đoàn quân Italia cũng thường được cha mời làm cha đỡ đầu cho các trẻ em này. Trong suốt thời gian đi qua nước Ukraina cha đã được sống các tâm tình và các cảm xúc của các thừa sai lớn của Giáo hội.
Nhưng kỷ niệm cha nhớ rõ nhất là kỷ niệm với anh Pickynô, một chiến binh Italia. Pickynô bị thương trên đầu vì một trái lựu đạn nổ nên anh mất hết tóc. Tuy được cấp cứu nhưng sau đó vết thương bị nhiễm trùng uốn ván.
Hôm ấy Pickynô đã cùng với những người lính khác xưng tội với cha Bôgiani. Sau khi giải tội xong, cha đi lấy Mình Thánh Chúa để trao cho họ. Đến phiên Pickynô thì anh ta bị trùng uốn ván khiến cho miệng cứng đơ ngậm chặt không sao mở ra được nữa. Tuy Pickynô muốn rước Mình Thánh Chúa lắm nhưng trong tình trạng này cha Bôgiani đành chịu không biết làm sao. Thấy cha trở lại trao Mình Thánh Chúa cho các đồng đội mà mình không sao mở miệng ra được để rước Chúa, Pickynô tủi thân khóc thầm.
Cha Gôgiani nói với anh: “Pickynô à, rất tiếc là tôi không thể cho anh rước Mình Thánh Chúa được. Nhưng tôi sẽ ban bí tích Xức dầu bệnh nhân cho anh. Anh hãy xác tín rằng Chúa cũng bằng lòng với anh rồi, anh rước Chúa bằng lòng ước muốn là được rồi.”
Nhưng Pickynô nắm chặt lấy tay cha Bôgiani tỏ dấu muốn rước Mình Thánh Chúa. Cha lại nói lớn: “Anh không thể rước Chúa được, nhưng Chúa vẫn hài lòng cơ mà!” Nói rồi cha miễn cưỡng tiếp tục trao Mình Thánh Chúa cho các chiến binh khác, cổ họng nghẹn cứng vì cảm động.
Được một lúc bỗng cha nghe có tiếng thét. Thì ra muốn rước Mình Thánh Chúa quá mà không biết cách nào mở miệng ra được, Pickynô đã cố hết sức với một dụng cụ y khoa nạy hai hàm răng để một khe nhỏ hầu có thể rước Mình Thánh Chúa. Cha Bôgiani quay lại đặt Mình Thánh Chúa qua khe hở của miệng anh. Ít phút sau đó, Pickynô êm ái trút hơi thở cuối cùng.
Đã hai lần cha Bôgiani mơ thấy Pickynô mỉm cười hạnh phúc và đẹp như thiên thần.
Lòng khao khát rước Chúa Giêsu Thánh Thể đã khiến anh Pickynô làm một hành động táo bạo. Hành động ấy biểu lộ một đức tin mãnh liệt vào sự hiện diện của Chúa và vào lời Người dạy: “Ai ăn Thịt và uống Máu Ta thì được sống muôn đời.”
Sự sống muôn đời ấy không chỉ cần thiết cho những người biết mình không còn sống được ở trần gian này nữa. Nhưng sự sống ấy phải là động lực cho mọi sinh hoạt của chúng ta trong cuộc sống đời này, là nguyên lý làm cho cuộc sống trần gian của ta được phát triển và đạt tới độ sung mãn trong cõi vĩnh hằng.
Với niềm xác tín ấy, chúng ta cũng tăng thêm lòng yêu mến Thánh Thể và năng đón nhận Thánh Thể với tất cả niềm tin yêu ngày càng lớn mạnh hơn.
S.T.
Anh chị Thụ Mai gởi