VẬT LỘN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Họ lầm than vất vưởng”.

Năm 480 trước Công Nguyên, Leonidas – vua Hy Lạp – chuẩn bị nghênh chiến với Ba Tư. Một sứ giả Ba Tư xuất hiện, người này thuyết phục Leonidas đầu hàng, “Quân đội chúng tôi rất hùng mạnh, lực lượng cung thủ thiện xạ đông đảo; tên của họ bay làm tối mặt trời!”. Leonidas trả lời, “Càng tốt, chúng tôi sẽ vật lộn với quân thù dưới bóng râm!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, Lời Chúa hôm nay nói đến những cuộc ‘vật lộn’: vật với Chúa, vật với mình. Ngạc nhiên thay, Thiên Chúa có mặt ở cả hai chiến địa và Ngài muốn bạn ‘toàn thắng!’.

Trước hết, cuộc ‘vật lộn’ không mấy đúng luật của ‘Ai đó’ với Giacóp, vì đối thủ đạp vào đùi ông. Đó là cuộc đọ sức mà cuối hiệp, Giacóp vỡ lẽ, ông đã vật với Chúa – bài đọc một. Hoàn hồn, ông nói, “Tôi đã thấy Thiên Chúa mặt đối mặt, mà tôi đã được tha mạng!”. Thánh Vịnh đáp ca dâng lời tạ ơn, “Lạy Chúa, con sẽ được trông thấy mặt Ngài!”. Với trình thuật này, Charles Péguy viết, “Ta đã thường chơi với con người, hỡi ngươi, đồ khờ! Trong cuộc chơi này, ai thắng thì thua, ai thua thì thắng. Thử hỏi, ngươi cứ cố thắng, làm sao Ta ẵm ngươi và chữa ngươi lành? Hỡi con người, tên ngươi là ‘Khờ Khạo!’”.

Tin Mừng nói đến những người đến với Chúa Giêsu. Họ là những con người ‘vật lộn’ với đủ loại hình trong thể xác và tâm hồn; “họ lầm than vất vưởng” và điều này khiến Ngài day dứt. Có lẽ bạn và tôi cũng đang ở trong đoàn người tan nát, bẽ bàng và bị bỏ rơi đó. Ai trong chúng ta cũng có những ‘lầm than’ thầm kín và đôi khi, cảm thấy ‘vất vưởng’, mất phương hướng; và chúng ta sẽ ‘vật lộn’ với bản thân cho đến khi biết mình ‘thuộc về ai’. “Tôi đã mệt mỏi với chính mình – với những ảo tưởng, nỗi lo sợ, những cố gắng tự cứu. Và rồi tôi buông mình vào vòng tay Chúa, nơi tôi thực sự thuộc về!” – Têrêxa Lisieux.

Trước hết, ‘lầm than’ có thể đến từ nhiều phía: một ký ức, một mối quan hệ tan vỡ, một tội trọng, một cơn giận… Vì thế, câu hỏi đầu tiên là liệu tôi đang có ‘một trái tim lầm than?’. Cả những vị thánh cũng sẽ tìm thấy mình trong một số ‘chiến địa’. Tôi đang ‘vật lộn’ trong chiến địa nào? Thứ đến, cảm giác ‘vất vưởng’; đó có phải là do một tội lỗi? Chỉ khi nhận được ơn tha thứ và lớn lên trong cầu nguyện, bạn mới toàn thắng. “Bạn có thể thắng một trận chiến bằng trí khôn, nhưng bạn chỉ thắng đời mình khi đã quỳ xuống để Chúa thứ tha!” – Phanxicô Xaviê Thuận.

Anh Chị em,

“Họ lầm than vất vưởng”. Chúa Giêsu biết bạn “lầm than vất vưởng” cách nào đó, và Ngài không mệt mỏi cất bước đi tìm. Với tư cách mục tử, Ngài muốn ùa tới, gánh lấy mọi lo âu và dọn đường cho chúng ta tái khám phá địa vị của mình trong đoàn chiên. Ngài đến, mang theo một trái tim đầy xót thương; Ngài sẽ chữa lành và làm cho tâm hồn bạn và tôi – co quắp, yếu nhược và tội lỗi – được tươi mới. “Trong toà giải tội, linh hồn được rửa sạch và nhẹ như gió. Những gì co rúm vì tội lỗi được giãn nở trong lòng thương xót!” – Faustina Kowalska. Đừng sợ, hãy đến với Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con sẽ vật lộn với quân thù dưới bóng râm của Thánh Thể; và con sẽ toàn thắng trong vòng tay thương xót của Chúa ở toà giải tội!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

**********************************************

Thứ Ba Tuần XIV Thường Niên, Năm Lẻ

Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.   Mt 9,32-38

32 Khi ấy, người ta đem đến cho Đức Giê-su một người câm bị quỷ ám. 33 Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được. Dân chúng kinh ngạc, nói rằng : “Ở Ít-ra-en, chưa hề thấy thế bao giờ !” 34 Nhưng người Pha-ri-sêu lại bảo : “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.”

35 Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

36 Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. 37 Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng : “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. 38 Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”


 

Được xem 3 lần, bởi 3 Bạn Đọc trong ngày hôm nay