Phùng Văn Phụng
Nhân đọc trong Facebook Lương Văn Can có nói đến hạnh phúc và bình an như sau:
“Hạnh phúc không phải là trời yên biển lặng, mà là trải qua sóng gió nhưng vẫn đủ trầm tĩnh sáng suốt để chèo chống bình an.
Không có sự bình an trong cuộc đời mà chỉ có sự bình an trong tâm hồn. Đừng trách đời, trách người cũng đừng tự trách mình, điều quan trọng là ta vẫn tìm ra được chính mình dù trải qua bao nhiêu gian khó.
Hạnh phúc không đến từ cuộc đời, không đến từ người khác, hạnh phúc chỉ nảy nở từ bên trong khi mình biết sống trọn vẹn với chính mình, với những gì mình đang có”.
******
Kinh thánh có viết: “(27) Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. (28) Anh em đã nghe Thầy bảo: “Thầy ra đi và đến cùng anh em” Nếu anh em yêu mến Thầy thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. (Gioan 14, 27-28)”
Bình an của Chúa Giêsu là bình an như thế nào?
Có phải là tình trạng không có chiến tranh, chết chóc, không có tai nạn không có bảo tố, cuộc sống êm ả như đang sống ở đồng quê miền Nam Việt Nam vào buổi chiều êm ả không?.
Bình an của Chúa không phải là bình an của thế gian như tình trạng hoà bình, êm ả
như nói trên.
Mà bình an của Chúa là bình an trong lòng, trong tâm hồn mình trước các thử thách khó khăn, thông thường người đời coi là ghê gớm, quá khủng khiếp, khó vượt qua được như trường hợp bà Thánh Anê Lê thị Thành (bà thánh Đê) (1781-1841)
“Lần tiếp theo ra trước tòa, quan cho túm tay áo lại rồi thả rắn độc vào trong áo, nhưng bà Đê vẫn giữ được bình tĩnh cách lạ lùng. Bà đứng yên không hề nhúc nhích nên rắn không cắn, chỉ lượn vài vòng rồi bò ra.
Các quan truyền đánh bà dữ hơn nữa rồi giam trong ngục. Nhưng bà đã kiệt sức, đi không nổi, phải có người dìu. Một nhân chứng tên Đang, về sau cho biết: “Bà Anê Đê đã bị đánh đập tàn bạo đến nỗi thân mình đầy máu mủ. Tuy vậy bà vẫn vui vẻ, và còn muốn chịu khó hơn nữa“. Quả thật bà đã thể hiện trọn vẹn mối phúc thứ tám:
“Tin yêu Chúa Tể muôn trùng,
Tan vàng nát ngọc chữ trung một lòng”.
Cô Lucia Nụ, con bà, đến thăm mẹ trong ngục, thấy y phục thân mẫu loang lỗ máu, cô thương mẹ khóc nức nở, bà an ủi con bằng những lời tràn trề lạc quan: “Con đừng khóc nữa. mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc”.(1)
Vì sao rất nhiều các thánh tử đạo Việt Nam như bà Lê Thị Thành chịu đựng được gian nan, khốn khó đó?
Vì họ biết được là chết vì Chúa Giêsu thì sẽ giống như Thầy mình là sẽ về Thiên Đàng ở cùng Chúa Cha.
“Nếu anh em yêu mến Thầy thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha” (câu 28)
Thánh Phaolô cũng nói: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, còn chết là mối lợi”. (Trong Bài trích thư Thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Philípphê:)
Kết:
Như vậy bình an của Thầy Giêsu hoàn toàn khác với bình an của thế gian, bình an theo quan niệm của người đời, cho nên nếu gặp gian nan, đau khổ, thử thách ở đời này vì Chúa Giêsu, và với niềm tin, hy vọng mai sau sẽ về cùng Thiên Chúa hưởng phúc Thiên đàng vĩnh cửu thì đâu có gì mà lo âu, sợ hãi nữa phải không?
Phùng Văn Phụng
(1) nguồn:https://giaophanlongxuyen.org/tin-tuc/thanh-ane-le-thi-thanhba-thanh-de-1781-1841.html