Lại suy nghĩ về sự chết – Bài viết của Phùng Văn Phụng

 Bài viết của Phùng Văn Phụng

Đầu tháng 05 năm 2025, tin tức từ Việt Nam, ở quê nhà cho biết anh Tr mất, thọ 95, 96 tuổi. Nhưng khi nói đến anh Tr. chết, cháu trong nhà liền nói “đừng nói đến chuyện mất, chuyện chết, không tốt”. Cháu cũng đã 58 tuổi rồi nhưng vẫn sợ nói đến sự chết “vì cho rằng, nhắc đến sự chết là xui xẻo”. Không muốn nói, không muốn nghe nói đến sự CHẾT. Cháu không dám nghĩ rằng làm người ai ai cũng phải chết vì đó là qui luật của tạo hóa: Sinh Lão Bịnh Tử”. Không có ai thoát khỏi qui luật này.

Tần Thủy Hoàng (259 TCN-210 TCN) đã ra lịnh tìm thuốc trường sinh nhưng Tần Thủy Hoàng cũng phải chết.

******

Tôi đã in tất cả 15 tờ giấy có ghi chữ “Suy Ngẫm: Làm Sao Vui Để Đợi Chết”, tôi đã dán trong phòng ngủ cũng là phòng làm việc của tôi.

Ngồi đâu cũng thấy câu này, sáng thức dậy nhìn lên tường là thấy câu này để nhắc nhở tôi về SỰ CHẾT. Làm người ai cũng phải ra đi, sẽ CHẾT, nhưng làm sao trong lúc đang sống cho đến lúc chết, có cuộc sống VUI hơn là sống với tâm trạng buồn rầu.

Thánh Vịnh 90 câu 10 có viết: “Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi”.

1-   Nhờ thường xuyên suy niệm về sự CHẾT, nên khi bị người khác mắng chửi, khinh chê, nói xấu, bịa đặt, vu khống làm ta tổn thương, ta ít bị ảnh hưởng hơn, ít tức giận hơn?

2-   Nếu bị cự nự, công kích ta xem như không có và nên tội nghiệp, thương xót người đó vì phải có lý do nào đó họ mới chửi bới, nói xấu mình.

3-   Cầu nguyện cho họ vì họ đã hiểu lầm. Tại sao phải cầu nguyện cho họ? Nếu ta bỏ qua, đừng để ý đến, đó chỉ là hình thức tiêu cực mà thôi. Còn tích cực ta phải thương xót họ, phải cầu nguyện cho họ để cho họ sáng suốt, để họ phân định đúng, sai và có hành động đúng đắn hơn. Nhờ đó ta không bị ảnh hưởng bởi lời phê bình, chỉ trích vô lý của người khác.

4-    Sự giận hờn làm tim ta đau nhói, làm cho ta mất bình an, làm cho ta khó ngủ. Vậy ta có nên giận hờn không?

Vài suy nghĩ lan man:

-Nếu đau bịnh nặng không tự ăn uống, tắm rửa được thì làm sao?

-Vào sống ở Nursing home; thường có hai ý kiến trái ngược:

  1. a) không thích vì buồn, nhớ nhà, không quen, lạ chỗ
  2. b) đầy đủ tiện nghi có bác sĩ, y tá lo về sức khoẻ.

Vài tháng sau khi ta mất chẳng có ai còn nhớ đến ta. Những người bà con xa gần, thân nhân, con cháu có nhớ đến ta chỉ vài năm mà thôi. Mười năm, hai mươi năm chẳng còn ai biết đến ta chứ đừng nói cả trăm năm sau. 

Kết:

Đến tuổi này rồi, tuổi 83, tôi đã soát xét lại đời mình, thăng trầm quá nhiều, tù cải tạo, lăn lộn làm nhiều nghề khác nhau để sống.

Cho nên tôi luôn tự nhắc nhở cho chính mình:

Tạ ơn Trời mỗi sớm mai thức dậy,

Cho con còn ngày nữa để yêu thương.

Và làm sao phải “Yêu Mến Sự Chết” như lời nói của cố Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận?

Phùng Văn Phụng

Tháng 05 năm 2025

Được xem 3 lần, bởi 3 Bạn Đọc trong ngày hôm nay